“Divo đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của Bugatti kéo dài hơn 110 năm. Divo giờ sẽ đây sẽ có tên trong sách lịch sử của chúng tôi, bên cạnh những siêu xe tiên tiến như Veyron và Chiron,” Stephan Winkelmann, Chủ tịch Bugatti, cho biết. “Divo bắt đầu một kỷ nguyên mới tại Bugatti – kỷ nguyên của những chiếc siêu xe “thửa” riêng hiện đại. Với Divo, chúng tôi đã tạo ra một kiệt tác cá nhân hóa, mẫu xe cần phải có cho bất kỳ bộ sưu tập Bugatti nào.”
Mẫu xe này được đặt theo tên của Albert Divo, một phi công và tay đua người Pháp, người cũng từng là tay đua của Bugatti trong một thời gian khá dài. Trong khoảng thời gian kéo dài 20 năm đó, Divo đã giành được nhiều chiến thắng, bên cạnh 6 lần giành chiến thắng Grand Prix và hai giải Targa Florio.
Trên chiếc siêu xe thể thao này, ta có thể thấy nỗ lực của các kỹ sư Bugatti nhằm khiến cho xe có khả năng ổn định và nhanh hơn trên đường đua, phần nào được minh chứng với ngoại hình của xe. Phía trước, lưới tản nhiệt đặc trưng của Bugatti được giữ lại, tuy nhiên, thiết kế có phần mạnh mẽ và góc cạnh hơn. Khuếch tán trước và cánh gió hai bên đầu xe được làm lớn hơn. Bugatti cũng tối ưu hóa hệ số cản gió khi thiết kế đầu xe thoải hơn. Đèn pha dạng LED, kéo dài lên phía trên vòm bánh xe.
Trên mui xe, Bugatti trang bị hai ống dẫn khí dạng NACA nhằm tối ưu hóa luồng khí dẫn vào động cơ W16 khổng lồ của Divo. Phía sau, Divo sở hữu một cánh gió chủ động và “vây cá mập” như trên những mẫu xe đua F1 hay Le Mans. Cánh gió mới của Divo rộng hơn cánh gió của Chiron 16%. Khuếch tán mới góp phần giúp Divo bám đường tốt hơn và xe có thể vào cua với gia tốc ngang lên đến 1,6 G. Với tất cả những hốc gió cũng như cánh và khuếch tán, lực ép của xe tăng thêm 90 kg và cũng giúp giải nhiệt cho động cơ và phanh tốt hơn.
Bugatti đã áp dụng công nghệ thiết kế kỹ thuật số và công nghệ in 3D tiên tiến để phát triển chiếc siêu xe này. Việc sử dụng công nghệ in 3D đã giúp Bugatti tiết kiệm được nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất cũng như tạo ra các chi tiết có cấu trúc khó hơn. Đèn hậu và ống xả là những chi tiết điển hình của công nghệ in 3D mà Bugatti sử dụng trên mẫu xe này. “Về mặt trực quan, chúng tôi đã cấu trúc Divo với phần ngoài, phần hữu cơ và phần bên trong, phần cơ khí. Do đó, chúng tôi có thể nhấn mạnh đặc điểm của chiếc xe và Divo khiến chiếc xe thể thao hơn,” Frank Heyl, Giám đốc thiết kế của Bugatti giải thích.
Theo công bố của Bugatti, nhờ sử dụng vật liệu carbon và loại bỏ một số bộ phận cách âm, khối lượng của Divo nhẹ hơn Chiron 35kg. Tuy nhiên, với khối lượng 1.996 kg, Divo cũng còn khá nặng cân so với những chiếc hypercar khác. Xe vẫn sử dụng động cơ W16 cho công suất 1.500 mã lực. Chiếc siêu xe này của Bugatti có thể đạt tốc độ 100 km/h từ vị trí đứng yên trong chỉ 2,4 giây, tốc độ tối đa được giới hạn ở 380 km/h. Bugatti Divo tiêu thụ 35,2 lít nhiên liệu cho 100 km ở điều kiện đường nội thành, 15,2 lít trên cao tốc và 22,5 lít ở điều kiện đường hỗn hợp.
Hãng siêu xe đến từ Pháp sẽ sản xuất tổng cộng 40 chiếc Divo với giá bán khởi điểm của mỗi xe là 5 triệu Euro.
Theo Bugatti