Hiện tại, việc thử nghiệm những chiếc xe trên Dyno đã không phải là một điều quá xa lạ với những thương hiệu xe hay thậm chí là cả các garage tư nhân. Thiết bị này trong những năm gần đây đã dần trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, thiết bị Dyno của Bugatti lại được thiết kế rất đặc biệt để có thể thử nghiệm xe ở tốc độ lên tới 480 km/h.
Mức này chỉ cao hơn một chút so với tốc độ tối đa giới hạn của Chiron là 440 km/h nhưng kể cả khi xe vận hành ở tốc độ thấp hơn, lực tạo ra cũng rất lớn. Khi xe chạy ở tốc độ 420 km/h, bánh xe của Chiron đang quay với tốc độ hơn 50 lần/giây và có sức tác động một lực khoảng 4.000G lên hệ thống Dyno. Ở tốc độ này, van xả khí nặng tới 55 kg theo tuyên bố từ Bugatti.
Với tốc độ khủng khiếp cùng một lượng lực tác động rất lớn, đội ngũ còn phải thực hiện thêm một số thao tác cố định khác nhằm giữ chiếc xe nằm trên dyno một cách an toàn. Chiếc xe phải được giữ cố định bằng 20 ốc vít có độ bền cao trên gầm xe gắn với các tấm tiếp giáp được thiết kế đặc biệt trên khung liền khối. Mỗi tấm này sau đó được buộc vào những tấm khác bằng những sợi dây xích chắc chắn đan chéo và được buộc chắc vào sàn dyno. Các dây xích phải có khả năng chịu được lực lên đến 24 tấn để giữ cho xe luôn tiếp xúc với dyno, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Những Dyno thông thường thường được thiết kế với khoảng hai con lăn cho mỗi bánh xe, bánh xe sẽ đặt vào giữa rãnh để xe chạy. Tuy nhiên DYNO mà Bugatti sử dụng lại chỉ đặt lên một con lăn duy nhất, bánh xe tiếp giáp với đỉnh của con lăn và cả bốn bánh đều được áp dụng tương đồng để có thể đo một cách chính xác nhất. Theo Bugatti thì điều này có tác dụng làm giảm độ trượt, tránh tình trạng dẫn đến việc mất hiệu suất của bánh xe.
Michael Gericke, chuyên gia triển động cơ của Bugatti cho biết: “Trên máy đo lực một con lăn, tất cả các bộ phận đều có thể được kiểm tra trong điều kiện lái xe thực tế một cách khách quan và dễ hiểu. Các lực cản khi lái xe giống với các mức xảy ra trong điều kiện thực tế khi vận hành trên đường.”
Tác dụng của chiếc dyno này phản ánh rất lớn vào kết quả đọc chính xác và còn đem tới những con số nhằm chứng minh khả năng xử lý sức mạnh khổng lồ của động cơ W16 8.0 lít của Bugatti Chiron. Với những ưu điểm như ít trượt và đỡ gây mất lái hơn, lốp xe nóng lên ít hơn sẽ cho phép đội ngũ thử nghiệm xe ở tốc độ cao hơn.
Hệ thống dyno này có con lăn khá nặng, trọng lượng 3,5 tấn và con lăn này có khối lượng quay khoảng 720 kg. Hệ thống này cũng có công suất phanh tối đa 1.609 mã lực. Trong khi đó, một chiếc quạt khổng lồ trong phòng thử nghiệm của Bugatti có thể tạo ra khoảng 300.000 mét khối không khí mỗi giờ để mô phỏng luồng không khí thực tế lưu thông qua xe và cung cấp luồng không khí cần thiết cho động cơ và hệ thống làm mát giống với điều kiện thực tế.
Gericke cho biết: “Với những trang bị này, chúng tôi có thể đảm bảo khả năng vận hành của xe và hơn hết là vận hành an toàn ngay cả khi vận hành tốc độ cao nhất. Chúng tôi cũng có thể tái tạo các bài kiểm tra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm và bất kể thời tiết như thế nào. Điều này giúp chúng tôi thường xuyên tìm kiếm, nghiên cứu để đạt được sự hoàn thiện về kỹ thuật.”
Sau khi được thử nghiệm trên Dyno, mức công suất đo tại bánh xe ở mức 1.596 mã lực và mô-men xoắn ở mức 1600 Nm, một con số khủng đối với một chiếc xe được tạo ra để vận hành trên đường phố. Theo công bố ban đầu, chiếc xe được trang bị động cơ W16 quad-turbo giúp sản sinh công suất lên tới 1578 mã lực, mô-men xoắn ở mức 1600 Nm. Tuy nhiên trên phiên bản này, Bugatti đã giới hạn điện tử cho tốc độ tối đa của xe chỉ còn ở mức 440 km/h vì lý do đảm bảo an toàn chung.
Tuy nhiên không vì thế mà Chiron Super Sport đánh mất đi sự hấp dẫn với tốc độ tối đa cực cao. Đội ngũ kỹ sư của Bugatti đã tinh chỉnh một số chi tiết như hệ thống treo cũng như lựa chọn loại lốp phù hợp để đem tới một cảm giác lái xe thoải mái nhất có thể, tăng tính ổn định cho xe nhưng cũng đồng thời giảm đáng kể việc xử lý một cách thủ công cho người cầm lái chiếc xe.
Tham khảo: Bugatti