Có lẽ, “đứng” đầu bảng của những mẫu hypercar chính là hai cái tên không còn quá xa lạ: Đó chính là Bugatti Chiron và Koenigsegg Regera. Hai mẫu xe này đều được biết đến với sức mạnh động cơ khủng khiếp cùng khả năng vận hành vượt trội, sẵn sàng chinh phục các cột mốc về tốc độ. Có thể nói, cuộc chiến về tốc độ giữa hai mẫu xe này luôn là một “vấn đề” khiến những nhà chế tạo phải đau đầu. Bên cạnh đó, hãy đặt hai mẫu xe này cạnh nhau để có thể thấy được một cách toàn diện hơn về những điểm vượt trội ở hai mẫu xe này.
Ngoại thất:
Cả hai mẫu xe – Chiron và Regera đều mang trên mình những đường nét thiết kế mạng đậm tính truyền thống được thừa hưởng từ những mẫu xe tiền nhiệm, tuy nhiên đều được làm mới để hướng tới xu thể của những chiếc hypercar hiện đại.
Đối với những chiếc Koenigsegg, phần lớn chúng đều sở hữu thiết kế mang tính khác biệt đáng kể so với những thương hiệu xe khác với phần kính lái toàn cảnh được thiết kế kéo dài, cửa mở ra phía trước giống như trên tất cả các mẫu thuộc thương hiệu này. Đồng thời, với chiều cao chỉ khoảng 1,1m và chiều dài lên tới 4,56m, Regera được thiết kế với mục tiêu tối đa hóa tính khí động học, tăng hiệu quả vận hành nên rất thấp cũng như được kéo dài với các đường nét mềm mại. Đối với Chiron, chiếc xe cao hơn khoảng 10cm, trục cơ sở dài hơn so với Regera nhưng sở hữu thiết kế có phần kém thon gọn hơn so với đối thủ. Đây cũng chính là điểm khác biệt đặc trưng của các mẫu xe đến từ hai thương hiệu này.
Mỗi thiết kế lại mang một ưu điểm khác nhau, tuy nhiên chúng lại là sự lựa chọn thú vị cho những người mê xe khi họ có thể lựa chọn giữa một chiếc xe với thiết kế mang hơi hướng đột phá với kiểu cửa mở khác lạ, hoặc một chiếc xe sở hữu thiết kế “an toàn” với những đặc điểm có phần quen thuộc hơn so với những chiếc xe hơi truyền thống.
Nội thất:
-
Khoang nội thất của Regera
-
Khoang nội thật của Chiron
Nếu những chiếc siêu xe thường được nhắc đến với khoang nội thất đầy thể thao, hầm hố với các chi tiết như ghế đua, khoang nội thất Alcantara thì những chiếc hypercar lại có vẻ ít được quan tâm với các chi tiết đó hơn. Trái lại, khoang nội thất của Chiron hay Regera lại được thiết kế với phong cách hướng sang trọng nhưng không làm mất đi những nét thể thao của hai mẫu xe.
Tuy vậy, khoang nội thất của Chiron cũng được thiết kế tối giản với những nút chức năng cần thiết với bảng điều khiển trung tâm mảnh, ăn nhập với đường vòm ngăn giữa hai ghế trong phần nội thất của xe. Các phím chức năng, bảng đồng hồ đã được tích hợp hết phía trước người lái, nhằm giúp họ có thể điều chỉnh các chức năng một cách nhanh chóng khi đang điều khiển chiếc xe
Khoang nội thất của Regera lại sở hữu những công nghệ tân tiến, hiện đại như màn hình chức năng cỡ lớn ở khu vực bảng điều khiển trung tâm với tích hợp nhiều chức năng, phù hợp với xu thế tối giản trên đông đảo những mẫu xe hiện nay. So với khoang nội thất của Chiron, khoang lái của Regera vẫn phần nào đem lại cảm giác thể thao hơn với phần kính lái được thiết kế một cách liền mạch, cung cấp góc nhìn rộng hơn cho những người ngồi trong xe.
Hơn nữa, Regera có phần mui xe cứng có thể tháo lắp dễ dàng, đáp ứng được những nhu cầu khác nhau của chủ sở hữu. Đây cũng là điểm mà Chiron chưa có, tuy nhiên những người yêu Chiron vẫn có thể lựa chọn tùy chọn cửa sổ trời dạng kính để có thể khiến không gian nội thất của chiếc xe trở nên sang trọng hơn, “sáng” hơn với ảnh sáng tự nhiên.
-
Tùy chọn “Sky view” Chiron
Động cơ & vận hành:
Có lẽ nói về hypercar, đây chính là yếu tố được nhắc tới nhiều nhất, có thể nói đây chính là yếu tố cốt lõi đằng sau những thành tựu, những kỉ lục về tốc độ của những mẫu xe.
Trên mẫu xe này, Koenigsegg trang bị hệ dẫn động hybrid với động cơ V8 5.0 lít tăng áp, sản sinh công suất cực đại 1.100 mã lực, kết hợp cùng ba mô-tơ điện cho ra tổng công suất lên đến 1.500 mã lực. Koenigsegg đã phát triển cho Regera hộp số Direct Drive (KDD) với chỉ một cấp số duy nhất, nối trục khuỷu và hệ dẫn động. Ở tốc độ dưới 48 km/h, các mô-tơ điện sẽ hộ trợ động cơ đốt trong nhằm giúp xe di chuyển mượt mà hơn. Xe cũng được trang bị lẫy chuyển số, tuy nhiên lẫy này chỉ đóng vai trò mô phỏng cho hộp số tự động 7 cấp. Koenigsegg Regera có khả năng tăng tốc lên 100 km/h trong vòng chưa đầy 3 giây và tốc độ tối đa có thể đạt 420 km/h.
Bugatti Chiron được trang bị khối động cơ “khủng” W16, dung tích 8 lít với bốn bộ tăng áp, sản sinh công suất tối đa lên đến 1.500 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 1.600 Nm. Chiron có thể tăng tốc lên 100 km/h từ vị trí xuất phát trong 2,5 giây trước khi đạt vận tốc tối đa 420 km/h. Bugatti cũng cung cấp hai chìa khóa với một chìa khóa “Top Speed” để kích hoạt tốc độ tối đa như trên Veyron.
Theo một số thông tin, mức tiêu thụ nhiên liệu của Bugatti Chiron nằm ở mức 22,5 lít/100km còn đối với Regera là 15,1 lít/100km. Điều này có thể dễ dàng lý giải bởi Regera là một mẫu xe được trang bị động cơ kết hợp mô-tơ điện, khiến chiếc xe này phần nào “thân thiện” hơn với môi trường so với Chiron.
Gía cả:
Tuy là hai mẫu hypercar đầu bảng với mức giá không tưởng, hai mẫu xe vẫn có sự chênh lệch giá đáng kể (xét theo giá cơ bản).
Đối với Regera, mức giá niêm yết từng được công bố sẽ ở mức 1,9 triệu Đô. Tuy nhiên, với rộng rãi những sự lựa chọn về màu sắc ngoại hình hay những gói nâng cấp Ghost Package, giá thành có thể tăng lên thêm.
Đối với Chiron, mức giá khởi điểm cho mẫu xe này sẽ rơi vào khoảng 2,4 triệu Đô, tức là chênh lệch khoảng 500,000 Đô so với Regera. Tuy nhiên, là một hãng xe lâu năm với nhiều mẫu xe đình đám cùng chi phí sản xuất cao, có lẽ việc giá thành của Chiron đắt hơn là một điều dễ hiểu.
Với số lượng chỉ 80 chiếc được sản xuất, Regera là một mẫu xe khó để sở hữu hơn so với Chiron (với 500 chiếc được sản xuất).
Tuy nhiên, cả hai mẫu xe đều là những chiếc hypercar “mơ ước” của bất cứ những người nào đam mê tốc độ. Mỗi mẫu xe lại mang trên mình một vẻ đẹp khác nhau, một phong cách khác nhau nhưng cái chung nhất của chúng là đều mang tới cảm giác hài lòng tuyệt đối cho những người chủ sở hữu, những người cầm lái chiếc xe.