Bugatti Tourbillon – siêu xe hypercar với động cơ V16 hybrid mạnh 1.800 mã lực

0

Bugatti Tourbillon là siêu phẩm mới nhất của hãng xe Pháp, được tạo ra để thay thế trực tiếp cho Chiron, được sản xuất giới hạn 250 chiếc và có trị giá lên đến 4,1 triệu USD mỗi xe. Chiếc Tourbillon vận hành bằng động cơ đốt trong 986 mã lực kết hợp 2 mô-tơ điện ở cả 2 trục bánh xe để tạo ra tổng công suất 1.800 mã lực và có thể đi được 60 km chỉ bằng năng lượng điện.

Kể từ khi Bugatti bắt tay với Rimac và chấp nhận để cho Mate Rimac trở thành CEO của liên doanh mới Bugatti – Rimac, không ít người từng bày tỏ lo ngại rằng các sản phẩm của Bugatti về sau này sẽ dần “chuyển hóa” sang hướng xe điện thay vì tiếp tục trung thành với những kiệt tác cơ khí. Tuy nhiên với màn ra mắt siêu phẩm mới nhất mang tên Bugatti Tourbillon, hãng xe Pháp và đối tác Croatia đã xua tan hết mọi hoài nghi.

Tên xe thể hiện sự phá cách khi dựa theo bộ phận “lồng xoay” trên những chiếc đồng hồ cao cấp nhằm giảm thiểu sai số do các thay đổi bởi trọng lực gây ra trong quá trình hiển thị giờ. Bản thân cơ cấu tourbillon cũng là đỉnh cao về kỹ nghệ chế tác cơ khí, vừa phức tạp vừa đẹp mắt nên ​​“đã được chọn để miêu tả hoàn hảo đặc điểm của chiếc siêu xe này,” theo lời Bugatti.

Đầu tiên là việc hãng không tiếp tục sử dụng khối động cơ xăng W16 8.0L với 4 bộ tăng áp, từng góp phần tạo nên danh tiếng cho các siêu xe hypercar trước đây của Bugatti như Veyron và Chiron. Dù rất mạnh mẽ nhưng khối động cơ đó vẫn tồn tại nhiều nhược điểm như quá nặng, tỏa nhiệt nhiều khó kiểm soát và cả… âm thanh tạo ra chưa thực sự xuất sắc. Thế nên các chuyên gia tại Rimac đã đề xuất giải pháp thay thế là một hệ thống hybrid lai xăng-điện hội tụ sức mạnh từ 3 động cơ, làm tăng gần gấp đôi công suất mà vẫn có hiệu suất tối ưu.

Chịu trách nhiệm chính trong việc vận hành chiếc siêu xe Tourbillon là động cơ xăng V16 hút khí tự nhiên do Cosworth thiết kế, có dung tích 8.3L và tua máy tối đa lên đến 9.000 vòng/phút. Chỉ riêng động cơ này đã có thể sản sinh được lượng công suất 1.000 mã lực PS (735 kW), tức là gần như ngang ngửa với mức công suất 1.001 mã lực PS trên W16 của Veyron nguyên bản mà không cần sự trợ giúp của 4 turbo tăng áp. Khi nhận thêm sự hỗ trợ của các mô-tơ điện gắn tại cả 2 trục bánh xe, tổng công suất của Bugatti Tourbillon lên tới 1.800 mã lực PS (1.324 kW).

Dữ liệu chính thức của Bugatti cho biết, hiệu năng vận hành của Tourbillon vượt trội hoàn toàn chiếc Chiron tiền nhiệm. Ở quãng đường thử nghiệm tiêu chuẩn 0-100 km/h, nếu như Chiron cần 2,4 giây để hoàn tất thì Tourbillon làm được trong đúng 2 giây chẵn. Tương tự như vậy, tại những mốc 0-200 km/h, 0-300 km/h và 0-400 km/h, Chiron lần lượt đi được trong 6,1 giây, 13,1 giây và 32,6 giây, thì Tourbillon hoàn thành trong “dưới 5 giây”, “dưới 10 giây” và “dưới 25 giây”.

Bất chấp việc động cơ V16 mới dài tới gần 1 mét, hơn hẳn so với máy W16 cũ và hệ thống hybrid tương đối cồng kềnh (riêng khối pin 25 kWh, đủ năng lượng cho xe đi được 60 km, đã nặng 200 kg) nhưng khối lượng của Tourbillon vẫn dưới 1.995 kg, nhẹ hơn cả Chiron trong khi có trục cơ sở chỉ dài hơn tính bằng mm. Điều phi thường này được tạo ra nhờ tối ưu cấu trúc sắp đặt khi khối pin 800V được xếp hình chữ T nằm gọn trong bệ trung tâm và một phần sau lưng 2 ghế, từng cell pin được làm mát trực tiếp bằng dung dịch điện môi thay vì sử dụng cơ chế làm mát chuyên dụng độc lập sẽ chiếm nhiều diện tích.

Bugatti không tiết lộ nhiều về thông số chi tiết của các mô-tơ điện, chỉ cho biết rằng chúng được thiết kế siêu gọn, có mật độ công suất 6 kw/kg, tích hợp luôn cả bộ biến tần và bánh răng giảm tỷ số truyền. Chiếc mô-tơ tại cầu sau cũng được tích hợp chung với bộ hộp số ly hợp kép 8 cấp, góp phần loại bỏ nhu cầu về việc phải trang bị hộp số giảm tốc động cơ chuyên dụng. Động cơ V16 mới cũng bù đắp cho khối lượng của hệ thống hybrid khi chỉ nặng khoảng 250 kg. Để so sánh, khối máy W16 với 4 tăng áp nặng hơn từ 3,5 tới gần 4 lần, tùy thuộc vào phiên bản Veyron hoặc Chiron.

Bộ pin nêu trên là một thành phần cấu trúc của sợi carbon liền khối, khung phụ phía trước và phía sau là nhôm đúc thành mỏng và nhiều thành phần khác của hệ thống treo đều là nhôm in 3D. Các chi tiết in 3D của hệ treo được Bugatti đặt Czinger thực hiện, không chỉ có công năng xuất sắc mà còn thể hiện vẻ đẹp thẩm mỹ ấn tượng. Siêu xe Tourbillon có tốc độ tối đa mặc định 380 km/h tương tự như Chiron, nhưng khi lắp ‘chìa khóa tốc độ’ thứ hai vào, giới hạn được nâng lên 445 km/h tức là vượt trội mức 420 km/h của Chiron.

Mối liên kết giữa siêu phẩm mới nhất của Bugatti với thế giới đồng hồ thượng lưu được thể hiện rõ bên trong khoang cabin, cụ thể là ở vị trí đặt bảng đồng hồ kim nằm phía sau vô-lăng. Cụm này có vỏ và các chi tiết kim loại làm bằng hợp kim titan, bên trong chứa hơn 600 bộ phận và đá quý như hồng ngọc và ngọc bích, được thiết kế và chế tác với dung sai chỉ từ 5 đến 50 micron do chính các nghệ nhân đồng hồ Thụy Sỹ tham gia thực hiện.

Đồng hồ lớn nhất ở trung tâm hiển thị tốc độ và chỉ báo vòng tua máy với mặt số chuyển động giống như kim đồng hồ cơ đeo tay, tích hợp thêm một màn hình kỹ thuật số nhỏ ở phía dưới, cho thấy tốc độ đang vận hành và cấp số hiện tại của hộp số. Đồng hồ phía bên phải báo mức công suất mà toàn bộ hệ truyền động đang sản sinh. Cuối cùng, cụm bên trái chứa 3 đồng hồ nhỏ hiển thị các thông số về nhiệt độ, mức xăng và lượng pin.

Bugatti đảm bảo người lái luôn có thể nhìn thấy đồng hồ đo bằng cách thiết kế vô-lăng với một trục cố định. Các chấu ở phía trên và dưới vô-lăng kéo dài ra phía sau cụm đồng hồ, giúp tầm nhìn hoàn toàn không bị cản trở. Mặt sau của cụm đồng hồ cũng rất tinh tế với một nẹp đỡ ở trung tâm. Đây thực sự là một tác phẩm nghệ thuật và chắc chắn sẽ giữ nguyên giá trị thẩm mỹ ngay cả khi ngắm nhìn ở tương lai 100 năm sau, đúng với triết lý ”cơ học vượt thời gian” mà Bugatti muốn thể hiện.

Ở chính giữa táp-lô là nơi chứa màn hình “ẩn”, sẽ xuất hiện ở dạng màn hình dọc khi bạn chuyển số sang R để cho thấy hình ảnh phía sau xe từ camera lùi. Hoặc nếu người dùng thao tác bấm nút thủ công, màn hình này cũng sẽ trồi lên trong vòng 5 giây nhưng ở dạng nằm ngang và lúc này sẽ hiển thị thông tin giải trí, đồng thời có đầy đủ kết nối Apple CarPlay. Phần còn lại của nội thất trông giống Chiron nhưng có một số chi tiết rất thú vị. Các núm xoay trên bảng điều khiển đều có thể nhấn được, bao gồm cả nút khởi động hoặc tắt máy chiếc Tourbillon. Ghế xe cố định, nhưng toàn bộ cụm bàn đạp đều có thể dịch chuyển được.

Kỹ nghệ cơ khí siêu chính xác tiếp tục thể hiện ở phần ngoại hình của xe. Tourbillon có kiểu dáng thanh thoát và gọn gàng hơn bất kỳ phiên bản nào của Chiron hay Veyron – bao gồm cả độc bản La Voiture Noire. Dù vậy, những nét đặc trưng trong ngôn ngữ thiết kế của Bugatti vẫn được duy trì như đường chữ C hất hai bên thân hay cụm đèn hậu LED 3D. Những đường dè “nổi” trên thân xe tạo thành những đường xoáy dẫn không khí nạp trực tiếp vào 2 khe gió bên cho động cơ V16. Ngoài ra, Tourbillon còn sở hữu cửa mở kiểu cánh bướm – lần đầu tiên trên một chiếc siêu xe Bugatti.

Bugatti đã sản xuất 500 chiếc Chiron, với chiếc cuối cùng đã lăn bánh khỏi dây chuyền ở Molsheim vào tháng 5 vừa qua – kết thúc quãng thời gian 9 năm kể từ khi dòng xe này được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2015. Tourbillon sẽ còn hiếm hơn nữa khi chỉ được sản xuất giới hạn đúng 250 xe. Quá trình thử nghiệm hiện đang được tiến hành và những khách hàng đầu tiên sẽ được ​​nhận xe trong năm 2026. Mỗi chiếc Tourbillon có giá tiêu chuẩn 4,1 triệu USD (tương đương 103 tỷ đồng), chưa tính những tùy chọn đặt thêm hoặc các thành phần cá nhân hóa theo sở thích khách hàng.

Tham khảo Bugatti

Le Hai
Author: Le Hai

Bài trướcVietRally Delta Mekong Rally 2024 – Trải nghiệm chinh phục 9 cửa sông Cửu Long bằng xe hơi
Bài tiếp theoAudi RS e-tron GT Performance 2025 tăng sức mạnh lên 912 mã lực