Trang chủ » Chọn mua xe hơi: máy xăng và máy dầu – loại nào ưu việt hơn?

Chia sẻ bài đăng này

Tư Vấn Mua Bán Xe

Chọn mua xe hơi: máy xăng và máy dầu – loại nào ưu việt hơn?

Chọn mua xe hơi: máy xăng và máy dầu – loại nào ưu việt hơn?

Xe hơi máy xăng và xe hơi máy dầu là 2 loại xe phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, tuy nhiên để lựa chọn đúng loại động cơ sao cho phù hợp nhất với mục đích sử dụng cũng như điều kiện kinh tế của mình thì không phải ai cũng có thể làm được.

Hiện nay trên thị trường các mẫu xe ô tô sử dụng nhiều loại động cơ như chạy xăng, chạy dầu (diesel) hoặc chạy điện. Xe máy xăng và xe máy dầu đều được coi là xe sử dụng động cơ đốt trong, khác với xe điện ở nhiều khía cạnh và vẫn đang là lựa chọn tối ưu để sử dụng hàng ngày. Nắm bắt được những ưu, nhược điểm của 2 loại động cơ là máy xăng và máy dầu sẽ giúp bạn đưa ra quyết định mua xe một cách chính xác, dễ dàng và hợp lý hơn.

Cả 2 loại máy xăng và máy dầu đều có điểm chung là dùng nhiên liệu hóa lỏng, đều là động cơ đốt trong và hoàn tất nhiệm vụ trong 4 kỳ: nạp – nén – nổ – xả tương ứng với 2 vòng quay của trục khuỷu động cơ.

Sự khác nhau căn bản giữa động cơ xăng và động cơ dầu nằm ở 3 đặc điểm: loại nhiên liệu sử dụng, hệ thống cung cấp và kiểu đốt cháy nhiên liệu.

NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG

Động cơ xăng

Động cơ xăng sử dụng nhiên liệu xăng cung cấp cho quá trình hoạt động. Nó được sinh công bằng quá trình đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu và không khí trong xy-lanh nhờ tia lửa điện ở bugi. Sau đó bộ hút hòa khí gồm xăng và không khí vào xy-lanh, ép hòa khí với áp suất và nhiệt độ thấp. Cuối quá trình nén, bugi phát ra tia lửa điện đốt cháy hòa khí trong xy-lanh. Khi hòa khí cháy giãn nở sinh công cho động cơ. Khí xả được thải ra ngoài qua ống xả.

Động cơ xăng không thể thiếu bugi, đây cũng là dấu hiệu nhận biết hệ thống nhiên liệu động cơ xăng. Động cơ xăng sử dụng nhiên liệu xăng được đặc trưng bởi trị số octan (trị số chống kích nổ), trị số này càng cao thì tính chống kích nổ càng cao.

Hiện nay, ở Việt Nam có 3 loại xăng phổ biến nhau: A95 có trị số octan 95 dùng cho các động cơ xăng có tỷ số nén trên 9,5:1; A92 có trị số octan 92 dùng cho các động cơ có tỷ số nén 9,5:1; cuối cùng là xăng sinh học E5, một hỗn hợp của xăng A92 pha 5% ethanol.

Động cơ dầu

Động cơ dầu sử dụng nhiên liệu là dầu diesel. Nhiên liệu được bơm vào xy-lanh trong điều kiện áp suất trong buồng đốt đã bị nén ở mức rất cao. Động cơ dầu không sử dụng bugi đánh lửa. Khi không khí được hút vào xy-lanh sẽ bị nén ở áp suất và nhiệt độ cao. Cuối quá trình nén, dầu được phun sớm vào buồng đốt. Nhiên liệu phun vào buồng đốt hòa trộn với không khí nén ở áp suất và nhiệt độ cao tự bốc cháy. Hỗn hợp cháy giãn nở sinh công cho động cơ, khí thải thoát ra ngoài theo ống xả.

Bên cạnh đó, một số động cơ dầu/diesel sẽ có thêm một bugi sưởi. Vào mùa đông, không khí nén không tạo đủ nhiệt độ và áp suất để khi phun diesel quá trình tự cháy có thể xảy ra. Lý do là buồng cháy trong động cơ quá lạnh. Lúc này, bugi sưởi ấm có tác dụng làm nóng buồng cháy trước khi khởi động động cơ.

Dầu diesel được biểu thị đặc trưng bởi trị số cetan (trị số tự cháy) và trên thị trường hiện nay loại được sử dụng phổ biến là DO 0,05S.

NHỮNG VÍ DỤ VỀ XE MÁY XĂNG VÀ XE MÁY DẦU

Ví dụ về xe dùng động cơ xăng

Phần lớn các dòng xe ô tô dân dụng phổ biến hiện nay trên thị trường đều sử dụng động cơ xăng, bao gồm hầu hết các dòng xe sedan, hatchback, crossover từ phổ thông cho đến cao cấp.

  • Xe đô thị cỡ nhỏ: Kia Morning, Hyundai Grand i10, VinFast Fadil, Toyota Vios
  • Xe cỡ trung: Honda Civic, Mazda CX-5, Ford Territory, Toyota Camry, Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7
  • Xe cỡ lớn: Ford Explorer, Toyota Land Cruiser, Subaru Outback
  • Xe sang đắt tiền: Mercedes, BMW, Audi, Porsche, Lexus, Jeep, Land Rover
  • Siêu xe: Ferrari, Lamborghini, McLaren

Ví dụ về xe dùng động cơ dầu

Bên cạnh các dòng xe thương mại gần như chỉ dùng máy dầu do thiết kế đặc thù, nếu tính trong phạm vi xe dân dụng tại Việt Nam hiện nay thì điển hình nhất của xe máy dầu là các dòng xe bán tải cỡ trung như Ford Ranger, Toyota Hilux, Nissan Navara, Mitsubishi Triton, Isuzu D-Max, Mazda BT-50…

Ngoài ra còn có trường hợp của Ford Everest và Hyundai Palisade, những mẫu xe tại Việt Nam hiện chỉ được phân phối duy nhất phiên bản động cơ dầu nhưng vẫn có phiên bản máy xăng ở các thị trường quốc tế.

Ví dụ về xe có cả máy xăng và máy dầu

Nhiều dòng xe crossover và SUV có cả phiên bản chạy xăng và chạy dầu như Toyota Fortuner, Hyundai Santa Fe, Hyundai Tucson, Mitsubishi Pajero Sport, Kia Sorento, Kia Sportage, Kia Carnival, Kia Carens… để khách hàng thoải mái lựa chọn tùy theo nhu cầu sử dụng.

Trước đây trong nhóm xe hạng sang cũng có một vài mẫu xe sở hữu đủ cả bản máy xăng và máy dầu như Mercedes-Benz GLK hay BMW X5, tuy nhiên đến những thế hệ mới hơn trong thời gian gần đây thì chúng đã không còn lựa chọn máy dầu nữa. Xe sang dùng máy dầu tại Việt Nam rất hiếm.

SO SÁNH VỀ ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT CỦA Ô TÔ DÙNG MÁY XĂNG VÀ Ô TÔ DÙNG MÁY DẦU

Ô tô dùng máy xăng

Ưu điểm

Vận hành mượt mà, êm ái

Nếu bạn thích lái xe và muốn có cảm giác lái tốt sau vô-lăng mỗi khi cầm lái thì chiếc xe sử dụng động cơ xăng sẽ mang đến cho bạn trọn vẹn cảm xúc. Với khả năng vận hành nhẹ nhàng, nhanh chóng cùng với đó là công suất cao sẽ giúp cho chủ nhân rất dễ điều khiển xe. Các dòng xe sử dụng động cơ xăng mang đến cho người lái cảm giác vận hành mượt mà, thú vị và do đó thường được coi là trải nghiệm lái xe thông dụng nhất tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Khả năng đạt vận tốc tối đa cao

Xe sử dụng động cơ xăng có thể đạt số vòng tua máy cao, một số loại lên đến 10.000 vòng/phút. Khối lượng nhẹ và công suất lớn nên thời gian cần để tăng tốc và đạt đến tua máy cao khá nhanh, qua đó giúp chiếc xe dễ dàng đạt được vận tốc cần thiết trong khoảng thời gian tối ưu.

Ít gây tiếng ồn

Động cơ xăng khi khởi động luôn êm ái và ít rung hơn động cơ dầu. Do vậy những âm thanh dội vào khung xe và khoang lái cũng sẽ được giảm bớt và triệt tiêu hoàn toàn. Người ngồi bên trong xe hầu như sẽ không cảm nhận được tiếng ồn hoặc nếu có thì cũng không cảm thấy quá phiền hà.

Thân thiện với môi trường hơn

Sử dụng xăng là chế phẩm của dầu nên động cơ xăng xả khí thải ít độc hại hơn, không gây mùi khó chịu cũng như lượng khí thải khá ít. Tất nhiên tuy chưa đạt đến mức độ thân thiện tuyệt đối như xe điện (hoàn toàn không xả khí thải) nhưng động cơ xăng vẫn được đánh giá cao ở khía cạnh này hơn so với động cơ dầu.

Chi phí bảo dưỡng rẻ hơn

Do có cấu tạo đơn giản hơn và ít chi tiết phức tạp hơn so với động cơ dầu nên ở cùng mức dung tích, động cơ xăng có chi phí bảo trì bảo dưỡng thường xuyên rẻ hơn.

Nhược điểm

Tốn kém chi phí nhiên liệu

Do sử dụng nhiên liệu xăng có giá thành cao hơn nhiên liệu dầu nên chủ xe chạy bằng động cơ xăng sẽ tốn kém chi phí nạp nhiên liệu hơn so với xe dùng động cơ dầu. Ở cùng dung tích động cơ, xe máy xăng cũng sẽ tiêu thụ nhiên liệu nhanh hơn so với máy dầu, khiến việc đổ xăng diễn ra thường xuyên hơn so với đổ dầu.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Sử dụng động cơ xăng với buồng đốt luôn nóng và ở nhiệt độ cao nên khi xảy ra va chạm, xe máy xăng rất dễ cháy, làm thiệt hại cả về tài sản lẫn con người.

Tuổi thọ thấp hơn máy dầu

Động cơ xăng sau khi sử dụng trung bình khoảng 300.000 km là đã cần phải tu sửa, bảo trì lại toàn bộ, nếu không sẽ xuống cấp rất nhanh, tiêu hao cực kỳ nhiều nhiên liệu và thậm chí là hư hỏng, xả thải khói đen độc hại. Trong khi đó động cơ dầu có thể sử dụng lên đến 500.000 km mới cần đại tu lại và chi phí cũng không đến mức tốn kém nhiều như động cơ xăng. Như vậy về mặt lâu dài, bền bỉ thì động cơ xăng ở thế chiếu dưới.

Ô tô dùng máy dầu

Ưu điểm

Tiết kiệm nhiều chi phí vận hành

Do sử dụng dầu diesel có giá rẻ hơn xăng nên chủ xe có thể tiết kiệm được khá nhiều tiền trong quá trình sử dụng xe. Độ tiêu hao nhiên liệu của động cơ dầu cũng thấp hơn động cơ xăng ở cùng mức dung tích, càng khiến cho việc sử dụng xe máy dầu là phương án kinh tế hơn hẳn so với xe máy xăng.

Tính an toàn cao, ít hỏng vặt

Nhiên liệu dầu diesel không bốc cháy ở nhiệt độ thông thường và nó chỉ cháy trong điều kiện áp suất nhiệt độ cao nên sẽ giảm thiểu được khả năng cháy nổ so với động cơ xăng. Động cơ của xe chạy dầu không có bộ đánh lửa cùng với bộ chế hòa khí nên khả năng bị hư hỏng vặt cũng thấp hơn, từ đó càng góp phần giúp tiết kiệm thêm về chi phí sửa chữa, bảo dưỡng.

Khả năng chịu tải tốt

Khả năng chịu tải của động cơ dầu tốt hơn động cơ xăng vì động cơ dầu có đặc tính là sản sinh mô-men-xoắn cực đại cao ngay từ mức vòng tua máy thấp. Sự hiệu quả được thể hiện rất rõ khi chở nhiều người hoặc hàng hóa nặng, cồng kềnh cũng như khi phải kéo theo xe khác. Nếu bạn thường xuyên phải di chuyển trên địa hình không bằng phẳng, đèo dốc thì sử dụng chiếc xe có động cơ dầu là một lựa chọn đúng đắn.

Nhược điểm

Khối lượng nặng

Động cơ chạy dầu sẽ có khối lượng nặng hơn so với động cơ xăng dù có cùng mức dung tích, khiến tổng thể xe tăng thêm khối lượng toàn tải. Đặc tính sở hữu khả năng sản sinh mô-men xoắn cao thay vì công suất cao cũng khiến cho động cơ diesel được thiết kế với dải vòng tua máy tối đa thấp hơn động cơ xăng, dẫn tới khả năng đạt vận tốc tối đa của xe máy dầu chậm hơn xe máy xăng.

Chi phí sửa chữa cao

Trong máy dầu có các bộ phận như kim phun, bơm cao áp có thiết kế tinh vi và đòi hỏi tính chuẩn xác cao. Mặc dù chúng không dễ hư hỏng nhưng nếu chẳng may những bộ phận này gặp trục trặc thì việc sửa chữa và bảo dưỡng xe khá tốn kém vì phải cần đến máy móc và trang thiết bị hiện đại, cùng với thợ kỹ thuật có chuyên môn, tay nghề cao.

Xả nhiều khói bụi

Khói thải từ động cơ dầu có mùi khó chịu, không đảm bảo điều kiện bảo vệ môi trường. Mặc dù tiết kiệm chi phí cho nhiên liệu tuy nhiên mức xả thải của xe ô tô dùng nhiên liệu dầu lại cao hơn xe chạy xăng nên thường không “được lòng” những người mua xe để sử dụng cho gia đình.

Tiếng ồn lớn

Một nhược điểm đặc trưng của xe máy dầu đó là việc phát ra tiếng ồn khá lớn. Mặc dù ngày nay với nhiều công nghệ hiện đại các hãng xe đã nghiên cứu các phương pháp làm giảm tiếng ồn động cơ dội vào khoang xe nhưng thực tế vẫn chưa triệt để.

CÁCH PHÂN BIỆT Ô TÔ MÁY XĂNG VÀ Ô TÔ MÁY DẦU

Trong trường hợp mới sử dụng xe, mượn xe của người khác hoặc lái xe lạ, không ít người gặp phải tình huống ‘dở khóc dở cười’ là không nắm rõ chiếc xe đó dùng động cơ xăng hay là xe dùng động cơ dầu, dẫn đến bơm nhầm loại nhiên liệu cho xe. Việc này tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động của động cơ.

Khi bơm xăng vào bình chứa nhiên liệu của xe máy dầu, lúc này lượng dầu còn tồn đọng trong bình sẽ vẫn được đưa vào buồng đốt và xe hoạt động vẫn như bình thường. Nhưng khi tiêu thụ hết lượng dầu này và chuyển sang lượng xăng vừa được bơm vào, quá trình đốt cháy nhiên liệu diễn ra rất nhanh khiến cho hệ truyền động của khối động cơ lúc này không thể nào thích ứng kịp, gây áp lực lớn khiến hỏng đầu piston, làm cong/gãy thanh truyền, trục khuỷu. Dấu hiệu để chủ xe nhận biết tình trạng này chính là ô tô bỗng dưng bị rung lắc, giật cục và khi di chuyển, xe phát ra tiếng ồn.

Trong trường hợp bơm nhầm dầu cho xe chạy xăng, sau khi chạy được một quãng ngắn, xe sẽ bị chết máy. Bởi vì khi bơm dầu vào, do dầu nặng hơn xăng nên sẽ nhanh đọng xuống đáy bình chứa nhiên liệu và chuyển đến buồng đốt. Bản chất của dầu có tỷ số nén cao nên khó có khả năng kích nổ và đốt cháy nhiên liệu trong buồng đốt trong của động cơ xăng. Dấu hiệu nhận biết là sẽ xuất hiện nhiều luồng khói đen từ ống xả khi cố tiếp tục nổ máy.

Để phân biệt xe máy xăng và xe máy dầu nhằm tránh gặp phải sự nhầm lẫn, có những cách như sau:

  • Lắng nghe tiếng máy khi xe vận hành. Xe máy dầu luôn ồn ào hơn đáng kể so với xe máy xăng. Tuy nhiên điều này chỉ thực hiện được tốt nhất khi đứng phía ngoài xe, ở ngay bên cạnh khoang động cơ. Nếu lắng nghe khi đang ngồi trong xe, chưa chắc đã có thể phân biệt rõ vì hiện nay nhiều dòng xe máy dầu được cách âm tốt, khiến cho tiếng máy lúc hoạt động không làm ảnh hưởng đến hành khách trong xe và mang lại trải nghiệm êm ái chẳng khác gì xe máy xăng.
  • Xem ký hiệu trên nắp bình chứa nhiên liệu. Thường thì các hãng xe, đặc biệt là các nhãn hàng đến từ Mỹ và châu Âu sẽ in ký hiệu nhiên liệu trên nắp bình chứa, ví dụ như xe máy dầu sẽ có chữ DIESEL.
  • Xem sổ đăng kiểm xe. Trong sổ đăng kiểm xe có ghi rõ loại nhiên liệu mà xe ô tô đó sử dụng. Đây cũng là nguồn thông tin chính xác nhất để giúp người lái biết được xe chạy xăng hay dầu.

Ô TÔ MÁY XĂNG VÀ Ô TÔ MÁY DẦU, NÊN CHỌN XE NÀO?

Nên chọn ô tô máy xăng khi…

  • Xe phục vụ nhu cầu di chuyển gia đình.
  • Ưu tiên sự êm ái, mượt mà.
  • Không đặt nặng vấn đề chi phí nhiên liệu.
  • Không quá quan trọng mục đích vận chuyển nhiều hàng hóa hoặc tải nặng, kéo theo rơ-moóc.
  • Không muốn xe điện nhưng vẫn cần xe đỡ gây ô nhiễm hơn máy dầu.

Nên chọn ô tô máy dầu khi…

  • Muốn tiết kiệm chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng.
  • Thường xuyên đi đường dài.
  • Hay chở hàng hóa nặng, cồng kềnh.
  • Chấp nhận được tiếng ồn và mức độ ô nhiễm khi xe vận hành.
  • Cần xe phục vụ lâu dài, bền bỉ, không có ý định thay xe quá sớm (dưới 5 năm).

Tổng hợp

Chia sẻ bài đăng này

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.