Đằng sau những mẫu xe đua đầy thành công, những mẫu xe sang đầy ấn tượng với thiết kế vượt thời gian và khoảng 1.000 bằng sáng chế mang tên mình, Ettore Bugatti từng đặt ra nhiệm vụ của Bugatti với các tiêu chí hoàn hảo đi cùng với mục tiêu đổi mới cho dù ở bất kỳ khía cạnh nào. Cho tới nay, thế hệ sau vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy tiêu chí này và dựng xây thương hiệu Bugatti vững chắc trong một kỷ nguyên mới.
Tham vọng kiên định của Ettore trong việc đổi mới, cải tiến các mẫu xe và niềm đam mê tốc độ đã lộ rõ ngay từ những ngày đầu tiên của sự nghiệp. Từ khi còn rất trẻ, ông đã thiết kế chiếc xe ba bánh có động cơ của riêng mình và chính ông đã tham gia thi đấu trong cuộc đua Paris-Bordeaux. Không lâu sau đó ông đã rời Prinetti và Stucchi để bắt đầu sự nghiệp chế tạo mẫu ô tô của riêng mình với sự tài trợ của Bá tước Gulinelli. Ettore Bugatti đã chế tạo ra chiếc xe hơi đầu tiên của mình với từng chi tiết từ động cơ đến thân xe đều do ông thiết kế.
Việc chế tạo, gia công các bộ phận đều được Ettore Bugatti giám sát cẩn thận và chính ông đã lắp ráp thủ công các chi tiết này. Mẫu xe độc đáo được ông chế tạo đã mang lại cho Ettore nhiều thành công và các giải thưởng, thu hút sự chú ý của công ty De Dietrich và công ty này đã thuê ông thiết kế và chế tạo xe. Ettore vẫn còn nhỏ đến nỗi cha ông thời bấy giờ phải thay mặt ông tiến hành ký kết hợp đồng.
Ettore Bugatti là một kỹ sư có tài năng bẩm sinh và có năng khiếu dù không được đào tạo chính quy nhưng ông vẫn có thể thành thạo chế tạo, sửa chữa các thiết kế phức tạp. Cha của ông là ngài Carlo Bugatti đã sớm nhận ra tài năng của ông trong việc sửa chữa một chiếc xe ba bánh có động cơ. Ông sau đó đã thuyết phục Ettore học việc tại nhà máy Prinetti và Stucchi vào năm 16 tuổi.
Những ý tưởng có tầm nhìn
Niềm tin và niềm đam mê không ngừng của Ettore dành cho ô tô đã được bộc lộ một cách mãnh liệt ngay từ những ngày đầu phát triển ngành công nghiêp ô tô. Vào những năm đầu thế kỷ 20, ô tô vẫn chưa trở thành một loại phương tiện phổ biến và cũng không được coi là một giải pháp lâu dài. Đối với nhiều người, ô tô được coi là thứ dành riêng cho giai cấp tư sản châu Âu và đặc biệt là Pháp để tận hưởng những thú vui tao nhã ở thời bấy giờ là đua xe.
Khi làm việc tại De Dietrich, xu hướng phát triển các ý tưởng đi trước thời đại của ông đã dần được cụ thể hóa thông qua những mẫu xe ông từng chế tạo. Năm 1903, ông chế tạo một chiếc ô tô cho cuộc đua Paris-Madrid, đặt vị trí ngồi của người lái thấp vào khung gầm nhằm hạ trọng tâm thấp và đem lại hiệu quả khí động học cho xe Giải pháp mang tính cách mạng này tiên phong đến nỗi chiếc xe thậm chí không được phép tham gia cuộc đua vì không đồng nhất với kiểu cách của những chiếc xe đua thời bấy giờ.
Năm 1907, khi Ettore chính thức làm trưởng bộ phận sản xuất cho nhà sản xuất động cơ Deutz, Ettore tiếp tục phát triển những ý tưởng của riêng mình. Trong khi tạo ra những chiếc xe có kích thước lớn hơn, động cơ công suất lớn cho chủ sở hữu, ông đã chế tạo những mẫu xe đi ngược lại với xu hướng thời bấy giờ với kích thước vừa nhỏ vừa nhẹ cực khác biệt.
Năm 1909, Type 10 hay còn gọi là “Pur Sang” đã chính thức được hoàn thành và xuất xưởng. Động cơ 4 xi-lanh 1,2 lít công suất có khả năng sản sinh công suất 10 mã lực và chỉ nặng 365 kg và có thể đạt tốc độ tối đa 80 km/h. Trục cam trên cao vận hành hai van trên mỗi xi-lanh được treo trong một khối đúc bằng gang và đây được coi là một sự đổi mới trong tư duy của chính Ettore. Trục cam được kết nối với trục khuỷu thông qua một trục côn thẳng đứng, với công suất được truyền từ động cơ đến bánh sau thông qua ly hợp nhiều đĩa và trục truyền động.
Ettore là một trong những người đầu tiên sử dụng việc đua xe như một nền tảng để chứng minh sự vĩ đại thực sự của những chiếc xe mà mình tạo ra bằng cách trưng bày mẫu xe trước đám đông. Năng lực kỹ thuật và niềm đam mê về tốc độ và sức mạnh của Ettore Bugatti đã tỏa sáng trong việc thực hiện các sáng tạo trong ngành công nghiệp ô tô. Lịch sử cho thấy triết lý lâu dài này đã được các đối thủ của Bugatti áp dụng vì họ cũng cố học theo Ettore trong việc sử dụng đường đua làm sân khấu cho những chiếc ô tô của mình.
Tại Grand Prix của Pháp năm 1911, Bugatti đã tham gia cuộc đua với một chiếc Type 10 đã được sửa đổi và được gọi là Type 13 được tay đua Ernest Friedrich cầm lái. Chiếc xe xếp hàng ngang với những chiếc xe nặng gần gấp đôi, với động cơ lớn gấp gần ba lần. Nhưng tầm nhìn và quyết tâm của Ettore Bugatti đã được minh chứng với việc chiếc xe đua đã cán đích ở vị trí thứ hai.
Những mẫu xe hiện đại vượt thời gian
Niềm đam mê của Ettore Bugatti với những sự sáng tạo của mình đã được chuyển hóa thành một số bằng sáng chế được bảo đảm cho chiếc xe đua mới có tên là Type 35. Chiếc xe được trang bị trục quay ổ lăn đôi và ổ trục ba được sử dụng, cho phép động cơ có tám piston để quay với tốc độ lên đến 6000 vòng/phút. Chiếc xe sử dụng bộ mâm hợp kim được cải tiến và đã được cấp bằng sáng chế của Ettore Bugatti, giúp tạo ra một chiếc xe nhẹ hơn và nhanh hơn nhằm tham gia vào những cuộc đua.
Mong muốn chế tạo những chiếc xe ngày càng nhanh hơn và mạnh hơn của Ettore đã thành công khi chiếc Type 35 đầu tiên có thể đạt vận tốc tới hơn 190 km/h, dễ dàng vượt qua tất cả các đối thủ cạnh tranh. Ở mẫu xe Type 35 B, Ettore Bugatti đã chế tạo động cơ 2.3 lít 8 xi-lanh và bộ siêu nạp, công suất tăng lên tới 140 mã lực và tốc độ tối đa có thể đạt được lên tới hơn 215 km/h.
Chiếc Type 35 tham gia cuộc đua Targa Florio ở Sicily, Ý lần đầu tiên vào năm 1925 và ngay lập tức đem về cho mình chiến thắng ngay từ lần đầu tham dự. Chiếc xe Type 35 còn tiếp tục dành chiến thắng ở giải đua này thêm bốn lần sau đó. Type 35 đã chiến thắng khoảng 2.000 cuộc đua vào đầu những năm 1930, trở thành chiếc xe đua thành công nhất từng được sản xuất.
Bậc thầy ở nhiều ngành nghề
Một phần của sự thành công rực rỡ trong sự nghiệp của Ettore Bugatti là khả năng thành thạo trong lĩnh vực chế tạo kỹ thuật của ông đã mở rộng trên toàn bộ lĩnh vực phát triển ô tô và nhiều lĩnh vực khác. Sau khi chế tạo ra chiếc Type 35, Bugatti sau đó đã trình làng chiếc xe dài nhất và sang trọng nhất từng thấy vào thời điểm đó mang tên Type 41 Royale. Đối với mẫu xe này, chỉ có những khách hàng ưu tú nhất của thời đại mới được Ettore xác nhận quyền mua Type 41, nhiều người trong số họ là những vị vua và những người thuộc tầng lớp quý tộc.
Mẫu xe được trang bị động cơ tám xi-lanh thẳng hàng dung tích lên tới 12.8 lít và có khả năng sản sinh khoảng 300 mã lực. Chiếc xe nặng gần 3,5 tấn này có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 200 km/h. Hệ thống bôi trơn bể khô đã bơm 23 lít dầu đến các khu vực cần thiết và 43 lít dầu làm mát giữ nhiệt độ cân bằng. Một trục thẳng đứng nối trục khuỷu và trục cam với nhau, trục khuỷu dài nằm trên chín ổ trục trơn. Một ly hợp khô nhiều đĩa được chuyển qua hộp số ba cấp truyền lực tới bánh sau. Bugatti đã tăng gấp đôi hệ thống treo hình elip 1/4 trên các trục để đạt được sự thoải mái hơn. Xe sở hữu bộ mâm xe hợp kim chắc chắn với các khe hút gió để đảm bảo rằng các trống phanh lớn không bị quá nóng.
Chỉ tốt thôi là chưa đủ
Những phát minh phi thường của Ettore Bugatti là kết quả mục tiêu cải tiến không ngừng nghỉ các công nghệ, chi tiết của ông. Ông đã chế tạo ra nhà máy chưng cất của riêng mình vì không hài lòng với loại sơn mà các nhà cung cấp bán cho ông. Ettore Bugatti từng thiết kế chiếc xe đạp của riêng mình vì ông tin rằng những chiếc xe tốt nhất trên thị trường vẫn chưa đủ tốt. Và khi muốn mua cho con trai Roland một chiếc ô tô đồ chơi, ông đã chế tạo chiếc xe đồ chơi Bugatti Type 52 nổi tiếng hiện nay.
Các bằng sáng chế của Ettore còn trải dài ở các lĩnh vực khác như một dao cạo hình trụ, một khung siêu nhẹ cho xe đạp và xe máy, khóa an toàn,… Nhà phát minh tài tình thậm chí còn tạo ra một chiếc cần câu đúc dành cho những người câu cá. Ông cũng thiết kế vô số vật dụng cho mục đích sử dụng hàng ngày thực tế mà không được cấp bằng sáng chế như cổng, cửa ra vào, đèn chiếu sáng, ghế bành, dụng cụ phẫu thuật, dây nịt ngựa và rèm che cửa sổ.
Tham khảo: Bugatti