Mẫu concept e-motion của MG Motor – một thương hiệu gốc Anh Quốc nay thuộc quyền sở hữu của SAIC
Hiện nay, SAIC đang sở hữu các thương hiệu ô tô như Maxus, MG và Roewe và một số thương hiệu hợp tác khác. Tuy nhiên, thông tin của The Star không tiết lộ cụ thể việc SAIC sẽ đưa thương hiệu nào đến với thị trường Việt Nam. Phía Tan Chong cho hay, dự án này nếu được hiện thực hóa sẽ mang đến cho tập đoàn này cơ hội mở rộng chỗ đứng trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Tan Chong là một cái tên quen thuộc với thị trường Việt Nam khi sản xuất, lắp ráp và phân phối xe Nissan suốt từ năm 2010 với nhà máy sản xuất xây dựng tại Đà Nẵng. Tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Malaysia này còn có nhà máy lắp ráp xe tại Myanmar cũng như quyền phân phối xe con, xe thương mại tại Lào, Campuchia.
Vào tháng 12/2018, công ty này và Nissan Motor Nhật Bản tuyên bố chấm dứt hợp tác tại thị trường Việt Nam, quyết định có hiệu lực từ 10/9/2019. Hiện nay Tan Chong tại Việt Nam chỉ còn duy trì tầm ảnh hưởng thông qua việc phân phối xe thương hiệu Subaru dưới tên công ty con Motor Image, cũng như phân phối các dòng mô tô phân khối lớn Kawasaki qua một công ty con khác.
Trong bối cảnh chấm dứt liên doanh với hãng xe Nhật, hồi tháng 2 năm nay, TCIE Việt Nam (thuộc tập đoàn Tan Chong) sẽ đổ thêm khoản đầu tư 50 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe tại Đà Nẵng. Dự án đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy đã được thành phố Đà Nẵng trao giấy chứng nhận. Với việc đầu tư thêm 50 triệu USD để mở rộng sản xuất, vốn đầu tư dự án nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô của Tan Chong tại Việt Nam tăng từ 100 triệu USD lên 150 triệu USD.
Theo China Daily, SAIC bán tổng cộng 7,05 triệu xe trong 2018, tiếp tục giữ vị trí hãng xe nội địa lớn nhất tại Trung Quốc. Dung lượng thị trường Trung Quốc khi đó khoảng 28 triệu xe. Ngoài 6 nhà máy ở đại lục, SAIC hiện có các nhà máy sản xuất ở Anh, Thái Lan, Ấn Độ. Hãng có trụ sở tại Thượng Hải hiện liên doanh với các tập đoàn General Motors (Mỹ) và Volkswagen AG (Đức) tại Trung Quốc.
Tổng hợp