Khi bàn luận về những chiếc ô tô, việc xác định chúng thuộc thế hệ nào và là đời bao nhiêu sẽ giúp nói lên rất nhiều điều từ kiểu dáng thẩm mỹ, thông số kỹ thuật cho đến những trục trặc phát sinh trong quá trình sử dụng, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho quá trình mua xe. Tuy nhiên thế hệ xe và đời xe không phải là cùng một khái niệm, chúng khác nhau và sự nhầm lẫn giữa chúng sẽ gây ra nhiều khó khăn khi tìm hiểu về ô tô nói chung.
Bạn đang cần mua chiếc xe ô tô mới và bắt đầu tìm hiểu về nó, nhưng trong quá trình này, bạn có thể nhận thấy một hiện tượng mà không biết giải thích sao: cùng là một mẫu xe, lúc thì kiểu dáng của nó giữ nguyên suốt nhiều năm liền (hoặc chỉ thay đổi ở vài chi tiết nhỏ từ năm nay qua năm khác), nhưng đến một năm nhất định thì nó bỗng dưng trở nên khác biệt rất nhiều từ ngoại thất, nội thất cho đến động cơ, tính năng hay công nghệ, v.v… Thậm chí, có những mẫu xe thay đổi quyết liệt đến mức mặc dù tên gọi vẫn như vậy, nhưng nhìn bên ngoài cứ như thể chẳng có sự liên hệ gì với chính nó ở thời điểm chỉ 1 năm trước đó.
Hiện tượng mà bạn gặp phải chính là sự khác biệt giữa thế hệ xe và đời xe. Chúng là những khái niệm dùng để theo dõi lịch sử phát triển của một dòng xe nhất định, nếu dòng xe đó được hãng sử dụng cùng một tên gọi nhưng có nhiều năm tồn tại trên thị trường, khoảng thời gian này có thể dao động từ trên dưới chục năm cho đến vài thập kỷ. Tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng nhìn chung là như vậy.
Nắm bắt được thế hệ xe và đời xe là gì, tại sao chúng tồn tại và cách chúng được toàn bộ ngành công nghiệp ô tô sử dụng đồng bộ như thế nào sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình tìm hiểu về ô tô, dù chỉ đơn thuần là thỏa mãn trí tò mò hay để tìm ra chiếc xe phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng trước khi xuống tiền tậu xe mới.
Thế hệ xe và đời xe là gì?
Ô tô là một sản phẩm phức tạp, được cấu thành từ nhiều chi tiết tinh vi cả về cơ khí lẫn điện tử. Khi hãng xe muốn giới thiệu sản phẩm hoàn toàn mới ra thị trường, họ sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố như kiểu dáng chiếc xe ra sao, kích thước nó như thế nào, công năng của nó sẽ giải quyết nhu cầu gì, v.v… từ đó dẫn đến quyết định phát triển xe bằng nền tảng khung gầm nào, trang bị cho nó kiểu động cơ gì và những tính năng ra sao, cũng như tên gọi dành cho nó. Tất cả mọi yếu tố này đều liên quan mật thiết nhằm tạo nên sản phẩm có khả năng thu hút đối tượng khách hàng mà nó được thiết kế để hướng đến, đồng thời chi phí sản xuất và kinh doanh nằm trong ngưỡng chấp nhận được của hãng xe để đảm bảo lợi nhuận.
Thế hệ xe
Khi toàn bộ những yếu tố nêu trên được “chốt”, đó là lúc một thế hệ xe chính thức được bắt đầu. Hãng tiến hành sản xuất, đồng thời lựa thời điểm thích hợp để công bố thông tin về sản phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thường thì các hãng sẽ tiết lộ sớm cho những đại lý thân thiết nhất, làm ăn hiệu quả nhất như một phần của kế hoạch kinh doanh để duy trì dòng tiền, còn công chúng sẽ được biết nhiều thông tin công khai ở gần thời điểm xe bán ra thị trường nhằm thể hiện được tính “mới mẻ” của sản phẩm.
Quá trình bán xe không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới thì ô tô luôn là thứ có giá trị cao, đòi hỏi từ phía khách hàng một khoản tiền nhất định, đa phần là từ lớn cho đến rất lớn. Thế nên hãng cần nhiều thời gian để bán mà người tiêu dùng cũng cần nhiều thời gian để mua. Trong khoảng thời gian đó, mẫu xe không có thay đổi gì về cấu trúc cơ bản. Nó vẫn được tạo ra từ cùng một nền tảng khung gầm, kiểu dáng bên ngoài vẫn như thế, nội thất bên trong vẫn vậy, thông số kỹ thuật hầu như giữ nguyên từ lúc được công bố lần đầu…
Nếu đây là một sản phẩm “ế khách” và thất bại, hãng sẽ sớm cho ngưng việc kinh doanh, như thế thì không còn gì để bàn luận thêm nữa. Nhưng nếu như nó tìm được vị thế nhất định trên thị trường, có lượng khách hàng đủ nhiều để đem lại lợi nhuận tốt, thì đương nhiên cần phải tiếp tục phát triển. Hãng xe tiến hành nghiên cứu thay đổi nền tảng khung gầm sao cho tiên tiến hơn, điều chỉnh phần kiểu dáng sao cho hiện đại và thời thượng hơn, cập nhật thêm tiện nghi nội thất, cải tiến động cơ và hộp số, v.v… Khi mọi thứ đã sẵn sàng, họ công bố thông tin về “thế hệ hoàn toàn mới” này, đánh dấu sự kết thúc của thế hệ trước đó và là cột mốc khởi đầu cho thế hệ tiếp theo.
Lấy ví dụ dòng xe Honda Civic, đây là sản phẩm có lịch sử lâu năm và hiện tại đang ở thế hệ thứ 11. Thế hệ Civic đầu tiên được giới thiệu vào năm 1972 và tồn tại trên thị trường đến giữa năm 1979 thì ngưng, nhường chỗ cho thế hệ Civic thứ hai với kiểu dáng được thiết kế lại, kích thước lớn hơn và có nhiều tính năng hơn. Sau đó lần lượt là các thế hệ thứ ba (1984 – 1987), thứ tư (1988 – 1991), thứ năm (1992 – 1995)… nối tiếp nhau, mỗi thế hệ sau luôn khác biệt đáng kể so với thế hệ cũ, nhưng vẫn giữ được tinh thần cốt lõi của sản phẩm.
Đời xe
Trong một thế hệ xe sẽ có nhiều đời xe. Mỗi đời xe được tính theo thời điểm của năm mà mẫu xe đó đang bán trên thị trường. Theo ví dụ ở trên với dòng xe Civic, mẫu Civic thế hệ thứ bảy có các đời từ 2001 đến 2005, đồng nghĩa với việc nếu bạn thấy một chiếc Civic 2003 đang chạy ngoài đường, thì hoàn toàn có thể khẳng định chắc chắn rằng đó là chiếc Civic thuộc thế hệ thứ bảy, không thể sai được. Tương tự như vậy nếu bắt gặp xe Civic 2005, dù cách nhau tới 2 đời xe nhưng vẫn là thế hệ thứ bảy, vẫn khung gầm đó, kiểu dáng đó…, không khác mấy so với Civic 2003.
Tuy nhiên, nếu ở ngay gần chiếc Civic 2005 này là một chiếc Civic 2006, thì bất cứ ai cũng sẽ dễ dàng nhận thấy rằng chúng khác biệt nhau rõ rệt. Mặc dù chỉ chênh nhau đúng 1 đời xe thôi nhưng chiếc đời 2005 nhìn “lạc hậu” hơn, trong khi chiếc đời 2006 thì “tân tiến”, “thời thượng” hơn hẳn. Đó là bởi vì chiếc Civic 2006 đã bước sang thế hệ thứ tám rồi, là thế hệ tiếp theo, một thế hệ hoàn toàn khác, với những thay đổi ở nhiều phương diện. Do đó, nhiều đời xe có thể thuộc cùng một thế hệ, nhưng những đời xe nối tiếp nhau chưa chắc đã cùng một thế hệ!
Giữa các đời xe của cùng một thế hệ cũng có những sự thay đổi, nhưng không phải ở khía cạnh nền tảng cơ bản, mà với quy mô nhỏ lẻ, lặt vặt hơn. Đó có thể là những thứ như thêm lựa chọn màu sơn mới, thêm kiểu mâm khác, thêm chi tiết trang trí cho ngoại thất, bổ sung một số tiện ích trong nội thất, v.v… Thường thì động cơ và hộp số vẫn giữ nguyên, để không làm xáo trộn kế hoạch sản xuất của nhà máy, cũng như quá trình bảo dưỡng cho lượng xe đã bán ra thị trường.
Bản nâng cấp facelift
Hầu hết các hãng xe sẽ cho giới thiệu bản nâng cấp facelift ở khoảng giữa chu kỳ của một thế hệ xe. Bản facelift này thường có kiểu dáng được điều chỉnh lại tương đối nhiều, chẳng hạn như tạo hình của cụm đèn chiếu sáng, lưới tản nhiệt, bộ cản trước-sau… nhằm mang lại cho chiếc xe một diện mạo tươi mới hơn, mà không cần phải thay đổi cấu trúc nền tảng. Do đó, bản facelift đời mới hầu như luôn luôn duy trì nội thất giống với đời cũ liền kề trước nó, vì không tiện can thiệp quá sâu vào khung gầm trong một khoảng thời gian ngắn.
Để hiểu rõ hơn về facelift, cần đến một ví dụ khác: dòng xe bán tải Mitsubishi Triton (hay còn gọi là L200 hoặc Strada tùy thị trường). Thế hệ thứ năm của dòng xe này được giới thiệu vào 2014 với kiểu dáng tương đối mềm mại, nên hay bị chê là “nhìn yếu ớt”. Đến năm 2019, hãng Mitsubishi tung ra bản facelift cho Triton với kiểu dáng khác biệt rất nhiều, ứng dụng ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield đem lại ấn tượng “ngầu” và mạnh mẽ hơn hẳn.
Chính vì có sự thay đổi quá lớn về ngoại hình như thế nên không ít người hiểu nhầm, tưởng rằng Triton với kiểu dáng Dynamic Shield đời 2019, 2020, 2021… là một thế hệ mới. Thực ra không phải, nó vẫn thuộc cùng một thế hệ với những chiếc Triton đời 2015, 2016, 2017…. Tất cả vẫn là thế hệ Triton thứ năm, cũng vẫn được phát triển từ cùng một nền tảng khung gầm, vẫn ứng dụng các cấu trúc cơ khí như nhau. Ngoài phần kiểu dáng ra, những thay đổi khác như hệ thống giải trí “xịn” hơn, chất liệu bọc nội thất tốt hơn hay thêm khe gió điều hòa… đều là thuộc về phần cải tiến nhỏ lẻ theo từng đời xe nối tiếp nhau, không liên quan đến thế hệ.
Phải đến năm 2023, Triton chính thức bước sang thế hệ thứ sáu (chính là thế hệ mới nhất hiện nay), được phát triển từ nền tảng khung gầm tiên tiến hơn, có năng lực vận hành tốt hơn. Lúc này, khi so sánh giữa Triton “mới” và Triton “cũ” thì sự khác biệt đã là ở khía cạnh nền tảng, liên quan đến các đặc tính cơ bản, những gì mà “mắt thường khó thấy”, chứ không chỉ đơn thuần ở “bề nổi” nữa.
Tại sao cần hiểu đúng về thế hệ xe và đời xe?
Ô tô là sản phẩm đậm chất cơ khí, đề cao tính chính xác lên hàng đầu. Dù các mẫu xe hiện đại ngày nay đã có thêm nhiều thành phần điện tử, nhưng cốt lõi vẫn là cơ khí. Việc các hãng phân định thế hệ cho sản phẩm của họ chính là cách để truyền tải sự chính xác đó đến cho người tiêu dùng. Nắm bắt được thế hệ của một mẫu xe ở một đời xe nhất định sẽ giúp khách hàng hiểu rõ các đặc tính xoay quanh sản phẩm, giúp ích cho quyết định mua sắm hợp lý.
Bên cạnh đó, thế hệ xe và đời xe còn là những yếu tố thể hiện truyền thống và bản sắc của một dòng xe. Hãy để ý, tất cả các dòng xe nổi tiếng, được nhiều người ưa chuộng đều có lịch sử lâu năm trải dài qua nhiều thế hệ: từ Toyota Camry, Hyundai Santa Fe, Volkswagen Golf, Ford F-150 cho đến BMW 3-Series, Mercedes S-Class, Porsche 911, v.v… Chỉ cần nhắc đến tên là thấy uy tín, chất lượng! Trái ngược với điều này là những dòng xe Trung Quốc, đến từ những thương hiệu mà người dùng còn chưa kịp nhớ tên thì sản phẩm đã bị ngưng để nhường chỗ cho mẫu mới có tên hoàn toàn khác, không thể hiện được sự nối tiếp hay duy trì bản sắc gì cả.
Tất nhiên, không phải mọi dòng xe đều có thể giữ được “phong độ” qua nhiều thế hệ. Có trường hợp một thế hệ xe nhất định phạm phải sai lầm, bị khách hàng quay lưng và buộc lòng nhà sản xuất phải “sửa sai” ở thế hệ kế tiếp. Điển hình là Honda Civic, khi thế hệ thứ 9 (2011 – 2015) đi theo phong cách đơn sơ giản dị đến mức buồn chán và tẻ nhạt, vì hãng Nhật thời điểm đó cho rằng xe hạng C chỉ cần nhỏ gọn và tiết kiệm là đủ. Những đánh giá không tích cực đã khiến Civic thế hệ thứ 9 chìm nghỉm, kéo theo doanh số tồi tệ. Vì thế, Honda nhanh chóng phát triển tiếp thế hệ thứ 10 (2016 – 2021) cho Civic với kiểu dáng lột xác hoàn toàn, vô cùng ấn tượng, kịp thời cứu vãn tình hình.
Trên thị trường xe đã qua sử dụng, có thể dễ dàng tìm thấy khá nhiều những chiếc Civic thuộc các đời của thế hệ thứ 9 với giá bèo bọt nhưng hầu như chẳng mấy ai quan tâm, chỉ có thể thu hút những người thực dụng cần xe che nắng che mưa cơ bản, không để ý đến những yếu tố khác. Trong khi đó, các đời xe Civic thuộc thế hệ 10 thì không những ít thấy xe rao bán mà giá cũng không rẻ, nhưng rao chiếc nào là nhanh chóng có người đến “hốt” đi ngay!
Như thường lệ, khi tìm mua một chiếc xe, điều quan trọng là bạn phải xác định được nhu cầu và ngân sách của mình. Bạn có thể phát hiện ra rằng xe thế hệ trước sở hữu đầy đủ mọi thứ bạn cần với chi phí thấp hơn thế hệ mới nhất. Mặt khác, một tính năng công nghệ hoặc hỗ trợ an toàn rất thú vị, bắt buộc phải có nhưng chỉ hiện diện trên mẫu xe thế hệ mới hơn. Hãy luôn để ý những thời điểm xe được chuyển sang thế hệ mới hoặc chí ít là được nâng cấp facelift, từ đó nghiên cứu xem những gì đã thay đổi và những gì giữ nguyên, để đưa ra quyết định chính xác.
Tổng hợp