Czinger 21C là chiếc xe đầu tiên của hãng này. Nó là một chiếc hypercar hybrid, được trang bị động cơ V8 dung tích 2,88 lít với trục khuỷu phẳng, cho phép nó có thể quay đến 11.000 vòng/phút. Kết hợp cùng ba mô-tơ điện, chiếc hypercar này có thể tạo ra công suất cực đại lên đến 1.233 mã lực. Mẫu xe này chỉ cần 1,9 giây để đạt tốc độ 100 km/h từ vị trí đứng yên và có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 431 km/h.
Những con số nói trên có thể cho thấy được sự “hoành tráng” của xe nhưng nó sẽ là chưa đủ để nói về chiếc 21C khi không nói đến những công nghệ mà Czinger đã sử dụng để tạo nên và sản xuất nó. Những công nghệ mà hãng sử dụng tạo cho xe sự khác biệt với những đối thủ trong phân khúc cũng như tượng trưng cho sự chuyển giao giữa cách phát triển, sản xuất xe theo kiểu truyền thống với cách hiện đại hơn.
Thiết kế
Yếu tố đặc biệt đầu tiên trong quá trình mang chiếc xe đến với khách hàng là thiết kế nó, hoàn toàn bằng máy tính. Hãng đã sử dụng các phần mềm hiện đại để thiết kế, tạo ngoại hình cũng như tối ưu hóa các chi tiết để chúng phục vụ mục đích chung của toàn hệ thống. Những yếu tố được hãng chú trọng trên xe gồm khối lượng, độ bền, kích thước, vật liệu và vị trí đặt các mối hàn. Sau đó, chúng được nhập vào dưới dạng dữ liệu vào máy tính để có thể mang đến vị trí khỏe nhất và nhẹ nhất trên bộ khung có sẵn bằng cách tìm ra đâu là vị trí cần và không cần.
Kết quả có được là một thứ gì đó khác biệt, tạo nên thiết kế đặc biệt nhẹ và khỏe. Kỹ thuật đã định hình nên chiếc xe, điều này có nghĩa chiếc 21C có diện mạo giống một chiếc xe đua Le Mans Prototype với buồng lái phong cách giọt nước và thân vỏ bên ngoài phục vụ nhiều chức năng khác nhau.
Sản xuất
Điều đặc biệt tiếp theo được Czinger sử dụng để tạo nên chiếc 21C đó là công nghệ in 3D công nghiệp, được biết đến là phương pháp sản xuất bồi đắp. Bên cạnh sợi carbon, chiếc hypercar này cũng được tạo nên bởi nhiều vật liệu khác như hợp kim nhôm và titan. Vì thiết kế của xe được tối ưu từ phần mềm vi tính và một số vị trí có thiết kế cực kỳ phức tạp, thế nên việc sử dụng công nghệ in 3D là giải pháp tốt nhất thay vì phải đúc kim loại theo cách truyền thống.
Đó là lý do Czinger đã sử dụng quy trình sản xuất bồi đắp được gọi là thiêu kết lớp chọn lọc – Selective Layer Sintering (SLS). Công nghệ này hoạt động bằng cách sử dụng tia laser để làm đông đặc hoặc nung kết từng lớp kim loại dạng bột cho đến khi đạt được một bộ phận hoàn thiện. Mặc dù SLS không phải là công nghệ độc quyền của Czinger, nhưng việc sử dụng nó trong bối cảnh các sản phẩm của họ là một động thái rất hướng tới tương lai.
Lắp ráp
Sự đặc biệt cuối cùng của Czinger với chiếc siêu xe đầu tiên của hãng là về phương pháp lắp ráp. Hãng đã phát triển một thống gọi là Automated Unit (AU), sử dụng một phương pháp duy nhất gọi là lắp ráp dọc. Mỗi AU là một hệ thống các cánh tay robot hoạt động đồng bộ với nhau để lắp ráp xe. Một số cánh tay sẽ giữ khung xe và xoay nó khi cần thiết, trong khi những cánh tay khác gắn các bộ phận vào xe. Tất cả đều tự động và con người chỉ làm nhiệm vụ giám sát.
Một lợi ích khác của hệ thống AU là tính linh hoạt của nó. Bởi vì mỗi AU là đơn vị độc lập của riêng nó và hoàn toàn được vi tính hóa, mỗi AU có thể được lập trình lại hoặc mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu của bất kỳ công việc nào. Hơn hết, chi phí của hệ thống này chỉ bằng một phần nhỏ so với dây chuyền lắp ráp thông thường, khiến nó không chỉ tiên tiến, linh hoạt mà còn rẻ hơn.
Czinger hiện chỉ đang hoạt động trên quy mô nhỏ khi kế hoạch dành cho hypercar 21C sẽ là 80 xe. Nhưng với khả năng mở rộng các phương pháp nói trên, những công nghệ mang tính cách mạng kể trên dần sẽ được phổ thông hóa và được sử dụng trên những chiếc xe “bình dân” hơn.
Nguồn Czinger