Ferrari Daytona SP3 – Sự hiện đại hóa, sự chắt lọc những ánh hào quang trong quá khứ để tạo ra một mẫu Hypercar viết lên định nghĩa đúng nhất của “Icona”. Là thương hiệu xe giàu kinh nghiệm cũng như đã từng có những khoảnh khắc huy hoàn trong quá khứ, Ferrari đã tung ra chương trình Icona mới của mình vào năm 2018, tạo ra những mẫu xe lấy cảm hứng trực tiếp từ các mẫu xe mang tính biểu tượng trong quá khứ.
Nếu hai mẫu xe đầu tiên của Icona – Monza SP1 và Monza SP2 được thiết kế dựa trên những chiếc barchetta thập niên 1950, Ferrari Daytona SP3 mới truyền tải tinh thần của một thời kỳ vàng son khác trong lịch sử Ferrari: Những chiếc xe đua Sports Prototypes của những năm 1960 và 70.
Giám đốc thiết kế của Ferrari, Flavio Manzoni giải thích: “Daytona SP3 là sự diễn giải theo chiều hướng hiện đại cho khái niệm “Sports Prototypes” của Ferrari, trong đó có rất nhiều mẫu xe tuyệt đẹp trong lịch sử của Ferrari, như 350 Can Am, 512 S, 330 P3 và P4 . Đối với SP3, không có một chiếc xe cụ thể nào là nguồn cảm hứng; thay vào đó chúng tôi muốn nắm bắt tinh thần của những chiếc xe đua huyền thoại này và tạo ra một mẫu xe có diện mạo ấn tượng, mạnh mẽ.”
Đối với những chiếc Ferrari nói chung, thiết kế của xe không bao giờ dừng lại ở yếu tố thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến yếu tố khí động học. Flavio Manzoni khẳng định: “Daytona SP3 là sự tổng hợp hoàn hảo của các yếu tố dung hòa giữa hiệu suất ấn tượng và tính thẩm mỹ của xe. Mọi yếu tố, chi tiết trên xe đều có tác dụng và thách thức của chúng tôi là biến mỗi chi tiết thành một cơ hội để có thể chắp bút thiết kế, tạo ra một mẫu xe hoàn hảo hơn.”
Nhằm tối ưu hóa về tính khí động học cũng như thẩm mỹ của Daytona SP3, thương hiệu đã phát triển mẫu xe này dựa trên khung xe bằng sợi carbon có nguồn gốc từ LaFerrari. Đội ngũ cũng đồng thời đặc biệt chú trọng đến công nghệ và vật liệu dành cho xe đua bao gồm sử dụng vật liệu sợi T800 có nguồn gốc từ ngành hàng không vũ trụ và ứng dụng quy trình tạo hình bằng nồi hấp giống với quy trình được sử dụng trong Công thức 1.
Manzoni cho biết, hệ thống khung gầm carbon cũng mang lại những ưu điểm cho quá trình thiết kế. Theo ông, việc sử dụng khung gầm LaFerrari mang lại tỷ lệ lý tưởng, đặc biệt là thiết kế các chi tiết xung quanh khoang lái. Một ví dụ cho điều này chính là “vòng eo” phía sau cánh cửa của xe, chi tiết này được thiết kế nhờ vào vị trí đặt độc đáo của các bộ tản nhiệt.
Bộ cửa cắt kéo trên xe cũng đồng thời thể hiện hai yếu tố về mặt thẩm mỹ cũng như tính hữu dụng khi hình dáng cửa gợi nhắc về chiếc xe đua Ferrari 512 S racer, đồng thời bộ cửa cũng có chức năng hoạt động giống như hộp không khí, dẫn khí làm mát đến bộ tản nhiệt với các kênh bổ sung bằng sợi carbon ở phần bậc cửa của xe.
Một trong những chi tiết đáng chú ý nhất trên Daytona SP3 chính là hệ thống đèn chiếu sáng có thể đóng mở, gợi lại thiết kế đặc trưng của những chiếc Ferrari cổ điển. Trong khi đó, đèn hậu dạng dải bao trọn toàn bộ chiều rộng của xe, ăn nhập cánh gió phía sau nhô ra. Ở dưới phần đèn chính là các thanh ngang khác có chức năng là phân tán nhiệt từ động cơ. Hệ thống xả của xe cũng được thiết kế với các ống xả thoát ra ở vị trí trung tâm, đảm bảo khoảng cách ngắn nhất có thể từ động cơ đến đuôi và tối ưu hóa việc giảm trọng lượng cho xe.
Mẫu xe được trang bị động cơ V12 hút khí tự nhiên của 812 Competizione được sử dụng làm cơ sở, nhưng với cách bố trí khí nạp và ống xả độc đáo cũng như một số chi tiết được tinh chỉnh lại, từ đây tạo ra động cơ F140HC và cũng đồng thời là động cơ mạnh nhất do Ferrari sản xuất cho đến nay, cung cấp toàn bộ công suất 840 mã lực cho xe. Đồng thời, âm thanh độc đáo của động cơ khi xe đạt đến giới hạn vòng quay 9.500 vòng/phút đem tới một trải nghiệm thực sự ấn tượng cho người cầm lái.
Tham khảo: Ferrari