Không nghĩ đến giá trị bán lại
Vào một ngày nào đó, bạn có thể sẽ quyết định bán lại xe của mình. Đó là lý do tại sao bạn phải xem xét một số tính chất quan trọng đầu tiên trước khi mua xe, chẳng hạn như thương hiệu xe hơi (một số loại thương hiệu ít nhiều phổ biến tại nơi bạn sống), các thông số kỹ thuật của xe, loại động cơ (máy xăng hoặc dầu) và hộp số (số sàn hay số tự động), v.v…
Màu xe cũng là một đặc điểm cần lưu ý nếu bạn muốn bán lại sau một thời gian sử dụng. Một số dòng xe sẽ dễ bán hơn nếu có màu đơn giản như trắng, đen hay bạc; nhưng đôi khi có những dòng xe chỉ thu hút người mua nếu mang màu sắc tương đối đặc biệt, kiểu “ít đụng hàng”.
Không nghĩ đến chi phí bảo dưỡng tốn kém
Nhiều người chỉ chú ý đến giá xe khi mua xe hơi mà không hề nghĩ đến chi phí bảo dưỡng, dịch vụ kỹ thuật, bảo hiểm hay một số loại phí liên quan khác. Thường thì các nhãn hiệu xe phổ thông của Nhật hay Hàn Quốc có chi phí bảo dưỡng thấp hơn so với xe sang châu Âu, nhưng cụ thể ra sao thì còn phụ thuộc vào thương hiệu và số lượng đại lý đang kinh doanh dòng xe đó.
Hàng năm, các chi phí này sẽ tăng lên và có thể thu nhập của bạn sẽ không đủ chi trả hết. Đó là lý do tại sao bạn nên suy nghĩ thấu đáo về mọi thứ để chiếc xe bạn mua không phải là gánh nặng chi phí của gia đình bạn.
Chọn phiên bản cao hơn so với nhu cầu
Ngày nay, một mẫu xe thường được chia thành nhiều phiên bản, từ bản cấp thấp ít trang bị cho đến bản cấp cao nhiều tính năng hơn. Trước khi mua, bạn nên suy nghĩ về những gì bạn thực sự cần bởi vì hầu hết các bản cao cấp đều dư thừa tính năng nhưng chưa chắc bạn đã sử dụng hết.
Ví dụ, nếu bạn không có nhu cầu đi off-road thì không nhất thiết phải chọn xe hai cầu, thay vào đó lấy bản một cầu nhưng vẫn đầy đủ các tiện ích khác thì sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Cửa sổ trời cũng là một thành phần thường chỉ có ở những phiên bản cao cấp và hầu như không mấy khi cần đến.
Mua xe quá to hoặc quá nhỏ
Khi bạn muốn mua một chiếc xe hơi, đừng vội nghĩ về sở thích cá nhân. Thay vào đó, hãy thử dự đoán bạn sẽ sử dụng nó để chở thêm bao nhiêu hành khách và điều này có diễn ra thường xuyên hay không?
Chẳng hạn, nếu bạn mua với mục đích phục vụ gia đình nhỏ 3-4 thành viên (bao gồm trẻ em) thì những chiếc sedan hoặc hatchback từ hạng C trở xuống là đủ đáp ứng. Tuy nhiên nếu cần chở thêm ông bà nội-ngoại đi về quê thì như trên là chưa đủ, cần phải cân nhắc những chiếc MPV 7 chỗ. Thường xuyên chở hàng hóa thì cần xe bán tải. Hay đi xa cùng nhiều người đến những vùng có địa hình phức tạp thì SUV đáp ứng được…
Không tham khảo ý kiến
Khi bạn chọn một chiếc xe, chú ý đừng chỉ tin vào lời nói của nhân viên bán hàng. Cho dù họ là chuyên gia, họ vẫn đặc biệt ưu tiên việc bán xe để tăng lợi nhuận và kiếm tiền hoa hồng, do đó ngay khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu thích thú nào từ bạn, họ sẽ cố gắng bán xe cho bạn bằng được.
Thay vào đó, trước khi mua hãy cố gắng thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp cho đến các trang đánh giá xe trên mạng internet hoặc các hội nhóm mạng xã hội… Bạn cũng nên yêu cầu lái thử để tự đưa ra nhận định.
Bỏ lỡ thời điểm ưu đãi và giảm giá
Hãy chú ý đến một số thời điểm nhiều đại lý giảm giá và cung cấp ưu đãi cho các mẫu xe xe hơi. Thông thường, vào khoảng thời gian cuối năm, các đại lý hay có chương trình giảm giá để thúc đẩy bán hàng tồn kho.
Không thử mặc cả giá
Hãy thử liên hệ đến các đại lý khác nhau để hỏi xem họ có giảm giá nhiều hơn các đối thủ không. Sự cạnh tranh giữa các đại lý là rất cao và cách thức “dò giá” này đôi khi sẽ giúp bạn tìm được một “món hời”.
Vội vàng ra quyết định
Đừng bao giờ vội vàng mua một chiếc xe. Hãy nhớ rằng bạn có thể sẽ phải hối tiếc về một quyết định vội vàng trong khi bạn hoàn toàn có thời gian.
Nguồn tổng hợp