Kinh nghiệm kiểm tra xe đã qua sử dụng trước khi xuống tiền mua

0

Xe hơi không chỉ là phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại mà còn là công cụ kiếm tiền nuôi sống nhiều gia đình, tuy nhiên để chọn mua được xe tốt là điều không hề đơn giản, đặc biệt đối với các loại xe đã qua sử dụng. Những kinh nghiệm sau đây sẽ giúp các bạn sự chuẩn bị kỹ càng để có thể tìm được chiếc xe phù hợp.

Cũng như mọi lĩnh vực khác trong đời sống hiện nay, thị trường xe hơi đã qua sử dụng rất phong phú đa dạng với nhiều chủng loại xe khác nhau thuộc nhiều phân khúc và đến từ các nhãn hiệu khác nhau. Phía người mua luôn muốn tìm ra mẫu xe phù hợp nhất với điều kiện kinh tế và nhu cầu sử dụng trong tầm giá phải chăng, trong khi bên bán luôn muốn bán được với giá cao nhất có thể.

Khi quyết định mua xe hơi đã qua sử dụng, hẳn bạn cũng xác định rằng mức chi phí bỏ ra sẽ thấp hơn so với việc mua xe mới 100% tại showroom chính hãng. Tuy nhiên, xe hơi vẫn là một mặt hàng có tính đặc thù cao, kèm theo đó là nhiều chi phí liên quan như đăng ký, bảo hiểm, bảo trì bảo dưỡng và vô số những thứ khác có thể gây “tốn tiền” nằm ngoài dự trù ban đầu.

Vì vậy, đầu tiên bạn nên xác định rõ nhu cầu sử dụng bằng cách đặt ra những câu hỏi như: Chiếc xe phục vụ nhu cầu gì, để dùng cho gia đình đi lại hay chạy dịch vụ? Để đáp ứng nhu cầu đó thì xe cần bao nhiêu chỗ ngồi, gầm thấp hay gầm cao? Xe có nhất thiết phải mang nhãn hiệu cụ thể nào không, hay của Nhật hoặc Hàn là được? Màu xe có cần hợp phong thủy hay sở thích không? Năm sản xuất của xe như thế nào là chấp nhận được?…

Sau khi xác định được nhu cầu, việc tiếp theo là chọn ra khoảng giá của chiếc xe mà bạn có thể chi trả được xét theo khả năng tài chính hiện tại. Phương thức thanh toán cũng cần cân nhắc vì nếu bạn không thể trả hết toàn bộ số tiền ngay lập tức thì sẽ phải nghĩ đến việc trả góp, mà hiện nay không phải nơi bán xe đã qua sử dụng nào cũng hỗ trợ trả góp (nhất là với trường hợp cá nhân tự bán), nên bạn sẽ phải tự liên hệ ngân hàng.

Cuối cùng, khi đã giải quyết xong phần nhu cầu và tài chính, bạn cần liên hệ nơi đang rao bán chiếc xe và hẹn thời gian đến xem xe trực tiếp.

Kiểm tra ngoại thất

Hầu hết xe đăng bán đều “trông như mới”, nhưng điều này chưa hẳn đã đồng nghĩa với việc xe “ngon”. Dù là xe do cá nhân tự bán hay đang nằm ở phòng trưng bày của cửa hàng chuyên nghiệp quy mô lớn, chắc chắn chúng đã được “tút tát” lại nhằm tạo thiện cảm cho khách mua, nhưng cũng không loại trừ khả năng là để che giấu những khuyết điểm hoặc các dấu tích do va chạm gây ra.

Việc kiểm tra ngoại thất là bước đầu tiên giúp nhận biết tình trạng tổng thể của xe, về sự chăm chút của người chủ cũng như có thể phát hiện những dấu vết từ sự cố trước đây, nếu có. Nếu lớp sơn xe nguyên bản chỉ trầy xước không đáng kể, chứng tỏ chiếc xe được sử dụng cẩn thận và gần như chưa va chạm. Đối với xe đã va chạm mà chưa phục hồi thì dấu hiệu nhận biết quá dễ dàng và không phải bàn cãi.

Nếu xe đã được phục hồi bằng cách sơn gò lại, cũng không khó để nhận ra vì lớp sơn mới luôn có thể phân biệt được bằng mắt thường. Tính chất của vùng sơn mới không bao giờ đồng nhất hoàn toàn với lớp sơn nguyên bản của xe về màu sắc và độ mịn. Hãy để mắt nhìn ở góc 45 độ so với bề mặt và đánh giá lớp sơn. Nếu nhìn thấy các bụi sơn li ti, các vết sơn chảy bám trên bề mặt thì đây chính là những dấu vết không thể tìm thấy ở sơn nguyên bản của xe.

Nếu nắp ca-pô được thay thế hoặc cửa xe được sơn lại thì đa phần màu sắc không thể đồng nhất được với màu ban đầu của xe. Có thể xuất hiện tình trạng có phần sáng hơn và có chỗ trông màu tối hơn. Đặc biệt, nếu được sơn lại nhiều lần, thì lớp sơn mới càng lộ, nhìn màu sắc sẽ không được sắc nét, và có nhiều bụi sơn.

Những chiếc xe hơi cũ đã từng va chạm tuỳ mức độ, song khi tiến hành phục hồi thì cần phải tháo rời các phần để sơn, gò chỗ bị móp méo, nắn khung lại. Sau khi được lắp ráp lại sẽ thấy các khe hở giữa cánh cửa, khe ca-pô xuất hiện tình trạng lệch lạc và vênh nhau. Trên xe nguyên bản, các khe nối thẳng như đường chỉ. Bởi vậy, nếu quan sát thấy các khe ráp nối trên thân xe không khớp hoàn toàn, kích thước khe hẹp không đều chứng tỏ xe đã từng được tháo các bộ phận thân vỏ.

Kiểm tra khu vực gầm xe

Tiếp đến, kiểm tra lốp xe, mâm xe, các hốc bánh xe, đáy cửa và các góc của chiếc xe. Chi tiết lốp có thể cho bạn biết nhiều về tình trạng sử dụng của xe. Hãy kiểm tra toàn bộ lốp có giống nhau hay không? Nếu lốp xe có nhãn hiệu khác nhau, hãy kiểm tra độ mòn khác nhau của từng lốp.

Nếu xe được sử dụng với lốp được bơm đủ căng, lốp sẽ có xu hướng mòn ở giữa hơn là ở hai bên. Lốp non hơi cho thấy hai bên bị mòn nhiều hơn. Bạn có thể đề nghị bơm căng lốp rồi kiểm tra bề mặt lốp xem có nứt mặt lốp không. Vết nứt này thường xuất hiện gần gai lốp xe. Nếu lốp có hiện tượng bị mòn, nứt thì cần phải thay lốp mới để xe chạy êm ái, trơn tru, không bị rung lắc vô-lăng.

Tiếp theo là đánh giá xem các lốp xe có nằm trên trục không? Các lốp xe khi đứng yên mà trục trước sau không thẳng hàng chứng tỏ xe đã có sự ảnh hưởng đến khung gầm. Và đây là hệ quả của những va chạm mạnh ảnh hưởng đến kết cấu xe. Có thể kiểm tra thêm về độ sâu gai lốp, đảm bảo rằng chưa vượt quá 1,5 mm – đây là mốc đo xác định lốp còn sử dụng tốt hay không.

Mâm (la-zăng) xe là một bộ phận quan trọng giúp cố định lốp xe ở một vị trí khi bơm và khi lăn bánh. Bạn nên kiểm tra mâm có bị uốn cong, móp méo, bị rỉ sét hay xuất hiện các vết nứt hay không. Nếu có hiện tượng bị nứt hoặc mâm bị uốn cong thì cần phải thay mới để đảm bảo an toàn.

Nên quan sát kỹ gầm xe, đây là nơi mà các bộ phận tiếp xúc với điều kiện môi trường thực tế nhất. Bằng mắt thường, qua những hư hại nhìn thấy được có thể đoán được phần nào quá trình sử dụng của chủ cũ. Chiếc xe bị ngập nước hoặc lưu trữ ở môi trường ẩm ướt rất dễ bị gỉ sét và mục từ các kẽ kim loại uốn cong nếu không được vệ sinh thường xuyên.

Ở khu vực ống xả, tình trạng rỉ sét hay bám muội dày đặc cũng có thể kết luận phần nào dấu hiệu xuống cấp của cụm động cơ hoạt động không ổn định. Chú ý thêm các dấu hiệu bất thường bên dưới gầm xe. Các vết xước, va đập dưới gầm có thể là dấu hiệu của một vụ va chạm nặng trước đó.

Kiểm tra nội thất

Mở hết tất cả các cửa xe, quan sát tỉ mỉ từng chi tiết trong xe bao gồm: cần số, tay mở cửa, ghế, lớp da bọc nội thất xe… xem có bị bạc màu hay không? Nếu xuất hiện tình trạng bạc màu trên các chi tiết nội thất kể trên chứng tỏ chiếc xe được chủ cũ sử dụng thường xuyên.

Quan sát bề mặt trên của táp-lô. Táp-lô gần kính lái nhất, thường xuyên bị nắng nóng, hứng nhiều bụi bặm nhất và nhanh bạc nhất. Nếu tại đây có vết xước, chứng tỏ chủ xe đã cho thay kính, có thể vì kính xe bị rạn nứt hoặc thậm chí đã từng vỡ hẳn. Từ đó chú ý quan sát kính xe, nếu kính đã bị thay thế thì năm sản xuất của kính sẽ không đồng nhất với năm sản xuất của xe, hoặc thiếu logo chính hãng.

Tiếp đến, đề nghị khởi động máy xe để thử thao tác với các nút bấm (hoặc các bề mặt điều khiển cảm ứng, nếu có). Nếu xe là loại vẫn dùng ổ khóa cơ thì xem ổ khóa có bị lỏng trờn hay không. Đóng hết các cửa lại, kể cả cửa sổ, để đánh giá chức năng điều hòa xem có làm mát đủ nhanh hay không.

Thực hiện các thao tác cần gạt, điều chỉnh cửa lên xuống, hệ thống đèn… Đánh giá việc xem các tính năng có hoạt động tốt không? Các nút điều khiển trên xe có gặp phải vấn đề nào không? Kiểm tra vô-lăng xem có vết mòn, vết bong tróc nhiều hay không, có bị nặng do dầu trợ lực bị thiếu hay không? Nếu vô-lăng bị cứng ngay sau khi khởi động, nguyên nhân chắc chắn từ thước lái. Vô-lăng có thể trở lại mượt mà vì thước lái sẽ được bôi trơn tốt hơn sau khi khởi động. Tình trạng này để lâu sẽ làm hỏng thước lái.

Kiểm tra khoang máy

Sau khi quan sát bên ngoài xe và nội thất bên trong, tiến hành mở khoang máy của xe để đánh giá tình trạng nguyên bản của động cơ. Quan sát két nước có đủ nước làm mát hay không? Két nước có xuất hiện các vết bám trong bình hay không? Đây là dấu hiệu cho thấy mức độ chủ xe quan tâm đến bảo dưỡng xe ra sao. Nếu két nước thiếu nước thường xuyên, khiến động cơ của xe không được làm mát hiệu quả sẽ ảnh hưởng tới động cơ.

Quan sát kĩ bằng mắt hoặc sử dụng thiết bị kiểm tra ắc quy về các yếu tố như: mức chất lỏng, có bị phồng, nứt vỡ hay không? Kiểm tra bằng vôn kế đo hiệu điện thế hai cực. Dưới 9.6V, bạn cần thay ắc quy mới. Ắc quy dao động từ 12.4V – 12.7V là bạn có thể sử dụng bình thường. Kiểm tra bằng đồng hồ đa năng để đo độ sụt ắc quy.

Tương tự như vậy, khi mua xe ô tô cũ nên kiểm tra dầu xe. Thứ nhất là xem lượng dầu trong xe có đủ không và thứ hai là độ sạch và độ nhớt của dầu. Xe đủ dầu và được thay dầu thường xuyên mới đảm bảo bộ phận động cơ xe hoạt động tốt và ổn định.

Những con ốc vít trong khoang máy cũng là bằng chứng cho việc khoang máy của xe đã bị thợ tháo ra để sửa chữa hoặc thay thế. Những con ốc còn zin thì lớp sơn trên ốc không bị mất hoặc trầy xước, còn nếu đã dùng cờ-lê để tháo thì lớp sơn này đã bị tác động. Gioăng đầu bò và nắp máy nếu mới toanh hoặc silicon còn mới thì có thể đã bị rã máy. Quan sát kỹ càng để phát hiện nếu có bộ phận nào trong khoang máy trông có vẻ mới hơn chứng tỏ đã được thay thế.

Nếu tiếng máy nổ có tiếng ồn lạ hay mùi khó chịu kèm theo, nhiều khả năng khu vực động cơ đã trải qua quá trình đại tu do từng gặp lỗi nghiêm trọng, không loại trừ việc từng bị thủy kích. Có thể dùng hệ thống âm thanh để kiểm tra thủy kích bằng cách bật to và lắng nghe, màng loa bị rè có thể cho biết xe từng bị ngập nước vào trong khoang cabin.

Kiểm tra lịch sử bảo dưỡng và tính pháp lý

Bạn đề nghị bên bán cung cấp sổ bảo hành, kiểm tra xem xe có được bảo dưỡng đầy đủ theo lịch của hãng hay không. Đối chiếu lịch sử bảo dưỡng với số ODO (công-tơ-mét) của xe, nếu không ăn khớp thì nhiều khả năng xe đã bị tua đồng hồ.

Kiểm tra giấy tờ xe là bước rất quan trọng, chỉ xe có đầy đủ giấy tờ hợp pháp mới có thể sang tên. Nên mua các xe đã được sang tên chính chủ để thủ tục sang tên khi mua dễ dàng hơn và tránh mua phải xe có nguồn gốc không rõ ràng. Bạn cần kiểm tra số khung xe và để xác định thông tin xe có trộm cắp, thế chấp vay ngân hàng hay không? Việc tra cứu còn giúp bạn tránh việc xe đổi chủ quá nhiều lần, xe gây tai nạn bỏ chạy,…

Bên cạnh việc kiểm tra giấy tờ, người mua cũng nên kiểm tra phạt nguội xe, lịch sử quá trình sử dụng để xem xe có từng gặp tai nạn, va chạm hay không. Hiện nay khách hàng có thể kiểm tra phạt nguội ô tô online nhanh chóng chính xác tại nhà.

Đặc biệt phải kiểm tra số VIN xe để đối chiếu thông tin xe trên mạng – yếu tố nhận diện xe dễ dàng. Đây là một dãy gồm 17 chữ số và phải trùng với số VIN trên trang web tra cứu. Dựa vào số VIN, bạn có thể xem được thông tin của xe như năm sản xuất, nhà sản xuất, thương hiệu sản xuất…

Chạy thử xe

Việc chạy thử xe giúp đánh giá tình trạng của xe về khả năng khởi động, tình trạng phanh, trợ lực lái, khả năng tăng tốc và độ trơn tru khi vào số của xe. Các trường hợp có thể gặp phải khi chạy xe cần lưu ý như: khởi động kém, đánh lái nặng, xe lệch sang một bên, phanh không ăn, tăng tốc chậm, khói xe có màu bất thường (khói đen hoặc khói trắng), khi vào số có tiếng kêu bất thường…

Tất cả những dấu hiệu trên đều cần được chú ý, để đánh giá tốt nhất tình trạng của xe. Những lỗi về động cơ như khả năng tăng tốc, khả năng khởi động và màu khói xe… có thể là dấu hiệu của việc động cơ xe đã xuống cấp và bạn cần cân nhắc khi lựa chọn xe.

Bạn nên lái trên nhiều địa hình khác nhau và tốc độ khác nhau. Hãy lái trên những khu vực có địa hình hỗn hợp, đường cao tốc, đường dèo dốc…

Nếu có thể, rủ thêm 1-2 người bạn hiểu biết về ô tô đi cùng bạn lái thử xe. Họ sẽ giúp bạn trải nghiệm ở các ghế ngồi khác nhau. Điều hòa có đủ mát, âm thanh giải trí có chất lượng, ghế phụ và ghế sau ngồi có đủ thoải mái rộng rãi,…? Hãy lưu ý từng chi tiết nhỏ nhất.

Có nên mua xe đã từng chạy dịch vụ?

Xe từng sử dụng để chạy dịch vụ thường sẽ có số ODO tương đối cao so với năm sản xuất và độ hao mòn linh kiện chắc chắn sẽ nhiều hơn xe gia đình có cùng số năm tuổi. Cho dù có được bảo dưỡng đầy đủ, vẫn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến khả năng vận hành của động cơ và hư hao nội thất, gây tốn kém chi phí bảo dưỡng sau khi mua lại xe.

Nếu giá rao bán xe ở mức thấp hơn dự kiến của bạn, hoàn toàn có thể cân nhắc. Bên cạnh đó nên tham khảo thêm cách tính giá trị xe đã qua sử dụng như sau:

Tỷ lệ khấu hao × Giá bán xe lăn bánh × Số năm sử dụng xe
– Tỷ lệ khấu hao = 7% đối với xe gia đình hoặc 10% đối với xe dịch vụ
– Giá bán xe lăn bánh = Giá niêm yết + chi phí đăng ký xe + các chi phí khác

Một chiếc xe đã chạy dịch vụ nhưng có lịch sử bảo dưỡng rõ ràng và tình trạng xe còn tốt thì vẫn có thể được dùng làm xe gia đình trong nhiều năm nữa. Tuy nhiên nếu bạn mua chiếc xe đó để tiếp tục chạy dịch vụ, cần lưu ý chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng dành ra chi phí cho việc sửa chữa bất cứ lúc nào.

Tổng hợp

Le Hai
Author: Le Hai

Bài trướcHonda Việt Nam triệu hồi City, Jazz, Civic, CR-V từ 2017-2018 kiểm tra, thay thế bơm xăng
Bài tiếp theoTập đoàn Tan Chong phân phối xe thương hiệu GAC tại Việt Nam