Vào thời điểm còn ở Sài Gòn, mẫu siêu xe Anh Quốc rất ít khi được chủ nhân cho ra phố, trái ngược với điều đó thì sau khi Bắc tiến, mật độ xuất hiện ngoài đường phố của xe trở nên nhiều hơn. Ngoài ra, xe còn được chủ nhân đổi màu sang tông màu trắng muốt đầy tinh tế, khác biệt với màu trắng xanh đá nguyên bản, gương chiếu hậu của xe được dán giả sợi carbon.
McLaren 720S chính là bước chuyển mình của thương hiệu siêu xe Anh Quốc với ngôn ngữ thiết kế hoàn toàn mới được áp dụng, xe sử dụng khung sườn được làm hoàn toàn từ sợi carbon và phần vỏ được làm từ những tấm nhôm chắc chắn, điều này giúp giảm thiểu tối đa trọng lượng của 720S và tối ưu hóa khả năng vận hành của xe.
Hệ thống đèn chiếu sáng trên 720S được McLaren cải tiến lại với hệ thống đèn LED sử dụng công nghệ Static Adaptive Headlight, cụ thể là sẽ có 5 bóng đèn LED chiếu vào vùng xe gần nhất, 12 bóng còn lại sẽ chiếu thẳng về phía trước nhưng không gây chói mắt cho xe đối diện.
McLaren cung cấp cho khách hàng của mình ba gói tùy chọn cho chiếc 720S bao gồm Standard, Performance và cuối cùng là Luxury. Chiếc McLaren 720S đầu tiên về Việt Nam thuộc phiên bản Luxury nên một số chi tiết như líp trước, khe gió nhỏ ở phần hông, khe gió trên nắp ca-pô, ốp gương, hốc đèn pha và cuối cùng là ốp động cơ được sơn màu xám mờ chứ không phải được làm từ sợi carbon. Tuy vậy, chủ nhân của chiếc 720S này chọn phương pháp decal để dán lên một số chi tiết giả sợi carbon để tạo cái nhìn thu hút hơn cho xe.
Một điểm đáng chú ý về mặt thiết kế của McLaren 720S là hãng xe Anh đã loại bỏ hoàn toàn hốc gió kép được bố trí hai bên đầu xe như chiếc 650S hay 675LT, thay vào đó là hai hốc gió nhỏ được đặt ngay dưới đèn pha. Sở dĩ McLaren loại bỏ hai hốc gió truyền thống là do họ vận dụng công nghệ thân xe kép cho 720S, điều này có nghĩa là McLaren đã bổ sung thêm một khoảng không gian ở giữa thân xe giúp dẫn không khí từ các hốc gió vào thẳng khoang động cơ để làm giảm nhiệt, hiệu quả đến gần như tức thì khi khả năng tản nhiệt của 720S được cải thiện thêm 15% so với chiếc 650S tiền nhiệm.
Một điểm cộng khác cho phần thân xe là 720S có khối lượng khá nhẹ, chỉ khoảng 1.283 kg, nhẹ hơn 18 kg so với chiếc 650S, điều này giúp gia tăng tối đa khả năng vận hành của siêu xe nhà McLaren so với các đối thủ cùng phân khúc. Hệ thống điện được “ép cân” giảm đi 3 kg, hệ thống phanh cũng nhẹ hơn 2 kg, cấu trúc Airbox giúp giảm thêm 1,5 kg nữa và cuối cùng là hệ thống treo mới giúp giảm đi 16 kg.
Xe sử dụng bộ mâm 5 chấu kép hình ngôi sao đẹp mắt được sơn màu đen, đi kèm với đó là bộ lốp cao cấp Pirelli P Zero được sử dụng rộng rãi trên các dòng siêu xe hiện nay nhờ khả năng bám đường ấn tượng. Bên cạnh đó, McLaren trang bị cho 720S hệ thống phanh đĩa gốm carbon hiệu năng cao và cùm phanh được sơn vàng khá nổi bật thay cho cùm phanh màu xám mờ trước đó. Khi vận hành ở vận tốc 200 km/h và xe gặp chướng ngại vật, xe chỉ mất 117 mét để dừng lại hoàn toàn.
Tính khí động học và cảm giác lái của 720S được các kĩ sư của McLaren đặc biệt quan tâm với việc bổ sung hệ thống Proactive Controller II, 720S cũng được trang bị thêm chế độ drift, đi kèm với đó là hệ thống kiểm soát độ ổn định của thân xe để drift an toàn hơn. McLaren 720S có tỉ lệ khối lượng/mã lực chỉ là 1,78 kg, thấp hơn cả 675LT và chiếc F12 TDF. Hãng xe Anh Quốc tự hào tuyên bố rằng nhờ động cơ mới mà lượng khí thải CO2 được giảm xuống chỉ còn 249 g/km và tiêu hao chỉ 10,9 lít/100 km, giảm đi 10% mức tiêu hao nhiên liệu so với 650S.
Ngoài ra, một chi tiết đáng chú ý khác được nhiều người quan tâm ở chiếc siêu xe McLaren 720S đầu tiên về Việt Nam là lớp sơn Glacier White ở phần ngoại thất đắt hơn đến 8000$ so với màu sơn cam McLaren tiêu chuẩn, toàn bộ nội thất còn được bọc trong một lớp da nappa cao cấp màu da bò.
McLaren 720S được trang bị khối động cơ M840T V8 tăng áp kép, dung tích 4.0 lít, sản sinh công suất tối đa 710 mã lực và mô men xoắn đạt mức 770 Nm. Xe sử dụng hốp số 7 cấp bán tự động ly hợp kép nên chỉ mất 2,7 giây để xe tăng tốc từ 0-100 km/h, nhanh hơn 0,6 giây so với chiếc 675LT. Ngoài ra, McLaren 720S tăng tốc từ 0-100 km/h trong vòng 7,8 giây, hoàn thành 400m đường đua và quãng đường ¼ dặm lần lượt chỉ mất 10,3 giây và 9,7 giây.