Để chiếc ô tô sử dụng nhiều năm luôn trong tình trạng như mới, dưới đây là những thói quen chăm sóc xe đơn giản cần nhớ kỹ.
Ô tô không chỉ là phương tiện mà còn là người bạn đồng hành. Vậy nên việc chăm sóc chiếc xe là việc nên làm để giúp chiếc xe sau thời gian sử dụng tình trạng vẫn còn mới mẻ, không bị “lão hoá” theo thời gian.
Đây là những cách chăm sóc xe từ trong ra ngoài được rất nhiều chủ xe hướng dẫn nhau.
Rửa xe thường xuyên và đánh bóng
Nên rửa xe tầm 1-2 tuần/lần không chỉ loại bỏ bụi bẩn mà còn hạn chế các hợp chất khác gây ăn mòn và làm xỉn màu sơn. Nếu xe tiếp xúc với điều kiện địa hình khắc nghiệt hơn, nên rửa càng sớm càng tốt.
Hoàn tất việc rửa xe, cần dùng lớp sáp bảo vệ và tạo độ bóng cho bề mặt. Việc làm sạch các bề mặt sơn không chỉ giúp vẻ ngoài của xe tốt hơn, mà còn chống lại các tác hại từ môi trường gây ảnh hưởng đến các chi tiết nhựa, cao su hay về mặt sơn.
Lưu ý không dùng các hoá chất mạnh, chất tẩy rửa có tính ăn mòn, bởi chúng có thể làm hỏng lớp sơn và các bề mặt khác. Nên chọn hoá chất có độ cân bằng pH phù hợp với sơn xe và vật liệu nội thất.
Khi chà xà bông hoặc các dung dịch tẩy lên xe, cần dùng bọt biển mềm hoặc khăn lau có sợi vải nhỏ chống trầy xước.
Vệ sinh nội thất của xe
Nội thất sạch sẽ giúp không khí trong xe tươi mát, không bị mùi khó chịu và thoải mái hơn trong quá trình lái xe.
Đầu tiên là giũ bỏ bụi bẩn trên thảm sàn nỉ hoặc thảm nhựa. Nếu cảm thấy thảm nhựa bị dơ cần vệ sinh bằng xà bông và nước sạch, sau đó lau khô. Trong trường hợp thảm nỉ bạn cũng có thể dùng xà bông và nước làm sạch nhưng cần phơi nắng để khô ráo nhất, tránh ẩm mốc trong xe. Nếu được, bạn nên mang thảm sàn nỉ đến các đơn vị dịch vụ chăm xóc xe xử lý.
Tiếp đến là hút bụi từ sàn xe, đến các hốc nhỏ, ghế… Sau đó dùng khăn sạch, tẩm hoá chất lau đều từ tapi, tap lô, vô lăng, màn hình trung tâm, cần số, bệ tỳ tay…
Tháo lọc gió máy lạnh để kiểm tra tình trạng của lọc. Đồng thời nên khởi động xe, bật chế độ sưởi (hoặc nâng nhiệt độ lên mức cao nhất) nhằm giảm tình trạng nấm, mốc của dàn lạnh.
Khi thực hiện vệ sinh nội thất xe, cần mở hết các cửa, để không khí được lưu thông, hạn chế mùi hôi của hoá chất lưu lại trong xe.
Đỗ xe dưới bóng râm
Ô tô khi đậu ngoài nắng, nhiệt độ trong xe có khi lên đến 100 độ C (tuỳ khu vực), điều này khiến các chi tiết bên trong nội thất, ngoại thất bị hư hỏng. Để hạn chế điều này, chủ xe có thể mua các tấm che nắng, bạt trùm xe nhằm bảo vệ nội thất, hạn hế các tia gây hại từ ánh nắng mặt trời.
Trong những ngày nắng nóng, hãy đậu xe dưới bóng râm, khu vực ít nắng vừa giải nhiệt cho xe, vừa bảo vệ màu sơn và các chi tiết.
Hạn chế ăn uống trên xe
Thức ăn nhanh như bánh mì, bánh bao,… hoặc thức uống như cà phê, nước ngọt… là những nguyên nhân chính gây nên mùi hôi khó chịu trong nội thất xe. Chưa kể vụn bánh rơi xuống sàn và các chất bẩn từ đồ ăn sẽ làm dơ bẩn nội thất.
Theo thời gian, chất bẩn sẽ khiến nội thất có mùi khó chịu, thậm chí còn có côn trùng như gián, kiến…
Bảo dưỡng xe định kỳ
Để xe vận hành hoàn hảo và trơn tru nhất, bảo dưỡng định kỳ là điều không thể thiếu. Kiểm tra ô tô thường xuyên để phát hiện các dấu vết hư hỏng hoặc hao mòn như các vết trầy xước, lõm, rỉ sét…
Kiểm tra kỹ cần gạt nước, đèn, còi, các nút bấm, cửa sổ trời (nếu có), các cửa sổ của xe… Các chi tiết này cần chăm sóc thường xuyên để tránh gặp sự cố không đáng có.
Đến các dịch vụ chăm sóc xe chuyên nghiệp
Nếu bạn không có thời gian hoặc chiếc xe quá nhiều chi tiết cần “dọn” lại thì lời khuyên là nên đến các cửa hàng chuyên nghiệp chăm sóc xe.
Họ có kinh nghiệm, thiết bị, dung dịch để xử lý các vết bẩn cứng đầu cũng và phục hồi lớp sơn bị phai theo thời gian. Nội thất cũng được xử lý lại từ mùi, đến chi tiết nhựa, ghế da…
Chăm sóc tại cửa hàng thì chi phí sẽ đắt đỏ hơn tự làm tại nhà, nhưng bù lại các hoá chất chuyên dụng cũng như tay nghề các thợ sẽ giúp kéo dài “thanh xuân” của chiếc xe hơn, điều này cũng giúp giá xe khi bán lại cũng cao hơn.
Tổng hợp