Aston Martin Victor
Ra mắt một cách đầy bất ngờ và kín tiếng, Aston Martin Victor là chiếc xe độc nhất tiếp theo được bộ phận cá nhân hóa Q thực hiện. Nó lấy cảm hứng từ những chiếc Vantage cổ điển của những năm ’70, ’80 và được xây dựng trên nền tảng của chiếc One-77. Aston Martin vẫn trang bị cho Victor khối động cơ V12 dung tích 7,3 lít nhưng được tinh chỉnh bởi Cosworth. Nhờ thế, động cơ của xe có được công suất cực đại lên đến 836 mã lực thay vì chỉ 750 mã lực như trước, mô-men xoắn tối đa đạt 820 Nm, biến nó trở thành chiếc Aston Martin sử dụng động cơ đốt trong mạnh mẽ nhất từng được ra mắt.
Czinger 21C
Czinger là một hãng xe mới và chiếc xe đầu tiên của họ là chiếc 21C, được ra mắt trong một sự kiện tổ chức trực tuyến. Không chỉ là một chiếc hypercar sử dụng hệ dẫn động hybrid, chiếc 21C còn là một chiếc xe được chế tạo từ những công nghệ và phương pháp dẫn đầu nền công nghiệp. Để tạo nên chiếc xe, hãng siêu xe đến từ California đã sử công nghệ in 3D để tạo hình xe, phát triển bằng công nghệ thực tế ảo và lắp ráp bằng công nghệ tự động Automated Unit.
Mẫu xe này sử dụng động cơ V8 tăng áp kép với dung tích chỉ 2,9 lít, kết hợp cùng ba mô-tơ điện, chiếc hypercar này có thể tạo ra công suất cực đại lên đến 1.233 mã lực. Mẫu xe này chỉ cần 1,9 giây để đạt tốc độ 100 km/h từ vị trí đứng yên và có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 431 km/h. Nhờ sử dụng vật liệu titan và sợi carbon một cách rộng rãi, chiếc siêu xe này có khối lượng chỉ 1.218 kg.
Gordon Murray Automotive T.50
GMA sẽ chỉ sản xuất đúng 100 chiếc T.50 mặc cho nhiều người vẫn yêu cầu hãng sản xuất thêm mẫu xe này. Đây là một chiếc xe ấn tượng khi có khối lượng chỉ 974 kg mặc dù được trang bị động cơ V12. Động cơ trên xe sử dụng cơ cấu nạp khí tự nhiên, sản sinh công suất cực đại 645 mã lực và 466 Nm mô-men xoắn. Trên mẫu xe này, Gordon Murray đã đem lại những thiết kế của McLaren F1 huyền thoại, vẫn giữ lại hộp số sàn và đặc biệt là thêm vào một bộ tua-bin hút khí giúp tạo thêm lực ép cho xe khi vận hành.
Koenigsegg Gemera
Đầu năm ngoái, Koenigsegg đã làm cả thế giới bất ngờ khi ra mắt chiếc Mega-GT bốn chỗ Gemera. Khác với những chiếc xe khác có cấu hình ghế 2+2, bốn chỗ ngồi của Gemera rộng đến mức có thể làm cho người cao đến 1,8 mét cảm thấy thoải mái. Không dừng lại ở thiết kế và cách bố trí, chiếc xe này còn có được những công nghệ cao nhất ở động cơ và hệ dẫn động. Koenigsegg trang bị cho chiếc xe của mình động cơ ba xy-lanh, dung tích 2.0 lít tăng áp kép, kết hợp cùng ba mô-tơ điện với khả năng tạo ra đến 1.727 mã lực và mô-men xoắn tối đa 3.500 Nm. Xe dùng cơ cấu truyền động trực tiếp KDD (Koenigsegg Direct Drive) tương tự như Regera, mang đến khả năng tăng tốc lên 100 km/h trong 1,9 giây và tốc độ tối đa đạt 400 km/h. Hãng siêu xe Thụy Điển sẽ sản xuất 300 chiếc Gemera.
Maserati MC20
Maserati không có cho mình một chiếc siêu xe thực thụ trong những năm qua nên chiếc MC20 có thể nói là mẫu xe được mong chờ nhất. Không chỉ có nhiệm vụ mang trở lại dòng sản phẩm “MC”, chiếc xe này còn mở ra một chương hoàn toàn mới của hãng xe. Xe được trang bị khối động cơ V6 dung tích 3.0 lít, sử dụng bộ tăng áp kép để sản sinh công suất cực đại ở mức 621 mã lực và mô-men xoắn tối đa 730 Nm. Sức mạnh của động cơ được truyền đến bánh sau thông qua hộp số ly hợp kép 7 cấp, nhờ đó, xe có thể đạt tốc độ 100 km/h từ vị trí đứng yên trong chỉ 2,9 giây. Tốc độ tối đa của xe đạt được là 325 km/h.
Hyperion XP-1
Không quá nổi trội như CNG hay xe lai, xe sử dụng pin nhiên liệu hydro cũng dần dần tiến vào thị trường, một cách âm thầm. Với hãng xe khởi nghiệp Hyperion có trụ sở tại California, sản phẩm đầu tiên của họ là chiếc hypercar XP-1. Mẫu xe sử dụng nhiên liệu đặc biệt này có thể tăng tốc lên 100 km/h từ vị trí đứng yên trong 2,2 giây và tầm hoạt động của nó lên đến 1.600 km. “Các kỹ sư hàng không vũ trụ từ lâu đã biết đến hydro là nhiên liệu dồi dào nhất và nhẹ nhất trong vũ trụ, giờ đây, với chiếc xe này, người dùng sẽ có được những trải nghiệm đặc biệt với giá trị của nó”, ông Angelo Kafantaris, CEO và nhà sáng lập của hãng chia sẻ.
Lamborghini SC20
Được Lamborghini Squadra Corse gọi là SC20, chiếc siêu xe này là một chiếc barchetta không mui, không kính chắn gió với các đường nét thân xe được thiết kế lấy cảm hứng từ xe đua. SC20 cũng là chiếc xe mang phong cách thiết kế barchetta thứ ba của Lamborghini trong thế kỷ 21, sau Lamborghini Concept S và Aventador J, nó cũng chỉ được sản xuất duy nhất một chiếc. Giống với trên SC18, SC20 vẫn được trang bị khối động cơ V12 hút khí tự nhiên, dung tích 6,5 lít với công suất cực đại 770 mã lực và 720 Nm mô-men xoắn. Sức mạnh cũng sẽ được truyền đến cả bốn bánh xe thông qua hộp số ly hợp đơn 7 cấp.
Bugatti Bolide
Bugatti Bolide, chiếc hypercar dành cho đường đua không chỉ đem những thiết kế khí động học đến với giới hạn của chúng mà còn tối ưu hóa những gì vốn đã rất hoàn hảo từ di sản của hãng. Trên Bolide, từng đường nét, từng chi tiết được tối ưu để mang lại khả năng khí động học, trọng lượng và hiệu năng tối ưu nhất, biến nó trở thành chiếc xe nhanh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Xe được trang bị động cơ W12 dung tích 8.0 lít cùng bốn bộ tăng áp, tạo công suất cực đại 1.850 mã lực và mô-men xoắn tối đa lên đến 2.000 Nm. Xe có được khả năng tăng tốc lên 100 km/h từ vị trí đứng yên trong vòng 2,17 giây, đạt 200 km/h trong 4,36 giây, 300 km/h trong 7,37 giây, thậm chí 400 km/h trong 12,08 giây và 500 km/h trong vòng 20,16 giây.
Delage D12
Với thiết kế táo bạo theo phong cách xe đua F1 đậm chất khí động học và phảng phất đâu đó sự mãnh liệt của máy bay chiến đấu, Delage D12 đem đến ấn tượng về một chiếc siêu xe đến từ tương lai. Chiếc D12 trang bị cơ cấu truyền động hybrid tiên tiến, gồm động cơ hút khí tự nhiên V12 có dung tích 7.6L với công suất 990 mã lực kết hợp cùng môtơ điện và hộp số tự động 8 cấp. Delage Automobiles chia D12 thành 2 phiên bản là GT và Club. GT sẽ là bản hiệu năng cao mạnh mẽ nhất, với mô-tơ điện có thể tăng cường thêm 110 mã lực, nâng tổng công suất tối đa của xe lên 1.100 mã lực.
Nguồn CarBuzz