Nhu cầu sử dụng xe hơi ở Việt Nam ngày càng tăng cao, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, nhưng điều kiện tài chính của mỗi người là khác nhau, không phải ai cũng đủ khả năng sắm những chiếc xế hộp tiền tỷ. Dù giá bán xe mới hiện nay trên thị trường Việt Nam đã giảm nhiều so với những năm trước, nhưng với các khách hàng thực dụng thì xe chạy lướt vẫn là lựa chọn hấp dẫn hơn.
So với số tiền bỏ ra để “bóc tem” một chiếc xe từ trong showroom xe, chi phí cần để sở hữu một chiếc xe chạy lướt có thể thấp hơn từ 20-50%, đem lại lợi ích về kinh tế lên đến hàng trăm triệu đồng. Do đó, nhiều người dù có điều kiện kinh tế để mua một chiếc xe hơi mới toanh nhưng vẫn lựa chọn phương án mua xe chạy lướt.
Phân biệt xe chạy lướt với xe cũ
Dù đều là những khái niệm dùng để chỉ xe đã qua sử dụng, nhưng xe chạy lướt và xe cũ không hề giống nhau. Theo các chuyên gia về xe hơi, có kinh nghiệm mua bán xe nhiều năm, “xe chạy lướt” là loại xe đã lăn bánh nhưng chưa quá 10.000 km, đã bảo dưỡng lần đầu đúng quy định, chưa từng gặp tai nạn, chưa đâm đụng hay bị thủy kích… Về chất lượng, một chiếc xe chạy lướt có thể coi như gần tương đương với xe mới đến 99%. Nếu không đáp ứng được nhưng tiêu chí vừa nêu, thì đó là xe cũ.
Cần lưu ý rằng một số chiếc xe chạy thử của đại lý hoặc xe demo của hãng xe cũng được quảng cáo là “xe lướt”, nhưng thực ra không hẳn đúng vì tuy ODO có thể chưa quá 10.000 km nhưng trong thời gian đó chiếc xe được sử dụng bởi rất nhiều người khác nhau và chỉ vận hành từng quãng ngắn nên độ hao mòn chắc chắn sẽ ở một mức độ cao hơn.
Tiết kiệm rất nhiều chi phí
Đây là ưu điểm chung của tất cả các loại xe đã qua sử dụng. Người mua không phải bỏ ra một số tiền quá lớn để mua một chiếc xe hoàn toàn mới, trong khi đó có thể mua xe lướt với mức giá thấp hơn rất nhiều.
Khi mua xe mới, khách hàng phải đóng thêm khoản phí trước bạ dựa trên giá xe mới để đăng ký chiếc xe. Chẳng hạn như một chiếc xe có giá bán 1 tỷ đồng, số tiền lệ phí này rơi vào khoảng 100 triệu đồng. Chưa kể, nếu đăng ký xe ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì người mua xe tốn thêm chi phí ra biển số 20 triệu đồng.
Cộng thêm các chi phí “lặt vặt” khác như dịch vụ đăng ký xe, cà số khung số máy, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ… cũng đã tốn kém thêm vài triệu đồng nữa.
Nếu mua xe đã qua sử dụng nói chung, người mua không phải chi thêm các khoản phí kể trên mà chỉ tốn thêm khoảng 2% giá xe cũ để đăng ký sang tên. Còn nếu chọn hình thức “ủy quyền” khi mua xe thì không tốn bất kỳ chi phí nào mà vẫn sở hữu được chiếc xe mong muốn.
Như vậy, xe có giá trị càng lớn số tiền tiết kiệm được càng nhiều, thông thường những chiếc xe chạy lướt lăn bánh chưa tới 10.000 km và 1 năm sử dụng thì giá trị bán lại thường ngang ngửa hoặc thấp hơn giá xe mới (chưa đăng ký lăn bánh) nên số tiền tiết kiệm được tương đối nhiều mà người mua sau vẫn có một chiếc xe còn như mới.
Xe chạy lướt vài tháng thực chất chẳng khác xe mới
Nhiều người có quan niệm khi mua xe phải có cảm giác được “bóc tem”, tuy nhiên chỉ cần xe lăn bánh ra khỏi showroom thì ngay lập tức nó sẽ trở thành xe cũ và sụt giảm giá trị.
Thực tế có rất nhiều xe chạy lướt mới lăn bánh vài ngàn kilomet, qua sử dụng 1-2 tháng đã rao bán trên sàn xe cũ. Những chiếc xe này còn rất mới không khác nhiều so với xe bày bán trong showroom, thậm chí nhiều người còn chưa kịp bóc hết nilon bên trong xe.
Xe lướt cũng được hưởng tất cả các chế độ bảo hành và bảo dưỡng chính hãng, do vậy việc thẩm định chất lượng những chiếc xe này là hoàn toàn dễ dàng, thậm chí có thể nhìn bằng mắt thường cũng biết độ mới của chiếc xe có đúng là xe lướt hay không.
Với hàng loạt lợi ích từ việc mua xe lướt thì đây là phương án hợp lý với những người thực dụng, họ vẫn có thể sở hữu một chiếc xe mới tinh với giá trị mua lại rẻ hơn nhiều so với mua mới hoàn toàn.
Hưởng lợi từ những “đồ chơi” trang bị thêm từ chủ xe trước
Thông thường người mua xe mới hay có tâm lý trang bị thêm nhiều món đồ chơi cho chiếc xe của mình, giá trị những món lắp thêm có thể dao động từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Có thể kể đến một số món “đồ chơi” thông dụng như kính cách nhiệt loại tốt có giá trung bình 10 triệu đồng, camera hành trình, thảm lót sàn, xe chưa có ghế da sẽ bọc lại ghế, lắp thêm hệ thống âm thanh… Những người chịu chơi và kỹ tính hơn có thể chăm sóc chiếc xe bằng cách phủ Ceramic, trang bị thêm cảm biến áp suất lốp hay bơm lốp bằng điện để yên tâm hơn trong những chuyến đi xa.
Chưa hết, người mua xe mới thường phải mua cả bảo hiểm vật chất thân xe để yên tâm trong quá trình vận hành xe trên đường. Giá trị của gói bảo hiểm này dựa trên giá xe và nó cũng có giá trị khá cao, có thể lên đến 30 – 50 triệu đồng đối với xe sang có giá bán khoảng 2 tỉ đồng.
Khi bán xe, thường không tính những món đồ chơi lắp thêm mà chủ yếu dựa vào đời xe và số kilomet đã đi, do vậy người mua xe lướt vô tình hưởng lợi trực tiếp những món đồ lắp thêm vào xe mà mua xe mới sẽ tốn hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng để trang bị.
Nguồn tổng hợp