Trước đó, Ferrari đã đệ đơn lên Sở tư pháp tại thành phố Bologna yêu cầu chính quyền xem xét về trường hợp của 250 GTO khi họ phát hiện rằng một công ty ở Modena đang có kế hoạch tạo ra những bản sao của mẫu xe này mà không hề xin phép gì cả. Đứng trước nguy cơ bị xâm phạm bản quyền thiết kế mẫu 250 GTO, Ferrari lập tức thực hiện mọi biện pháp có thể và rốt cuộc thì tòa án đã đứng về phía họ.
Trong phán quyết của mình, tòa án Italia cho biết mẫu siêu xe 250 GTO “sở hữu những đường nét thiết kế đặc trưng, không thể bị nhầm lẫn” đồng thời “vô số giải thưởng” mà nó giành được trong vài thập niên vừa qua là đủ để nâng tầm nó lên mức “biểu tượng”. Khi đã trở thành “tác phẩm nghệ thuật”, chiếc 250 GTO coi như miễn nhiễm với mọi hành vi sao chép trái phép.
Trên thực tế, ngay cả khi chưa có phán quyết của luật pháp thì giới chơi xe cũng đã xem Ferrari 250 GTO như “Chén thánh”, xứng đáng có trong bộ sưu tập xe của bất cứ nhà sưu tập nào tự cho mình ở tầm cỡ thế giới. Chỉ có 36 chiếc được sản xuất trong khoảng thời gian 1962 – 1964. Khi bán ra, siêu xe này chỉ có giá trị 18.000 USD tại Mỹ. Những người muốn mua xe phải nhận được sự chấp thuận của nhà sáng lập Enzo Ferrari và đại lý của ông tại Bắc Mỹ là Luigi Chinetti. Xe sử dụng động cơ V12 3.0L, công suất 300 mã lực.
Cho đến nay, 250 GTO vẫn được xem là mẫu siêu xe có giá trị sưu tầm nhất thế giới. Tháng 5/2012, một chiếc được bán đấu giá với giá kỷ lục mọi thời đại vào lúc bấy giờ là 38,11 triệu USD. Tháng 9/2013, một chiếc 250 GTO với số khung 5111GT tiếp tục được một người mua giấu tên tậu lại với giá khoảng 52 triệu USD. Đỉnh điểm vào tháng 8/2018, một chiếc đời 1962 đạt kỷ lục khi được bán với giá 48,4 triệu USD trong một cuộc đấu giá. Cần nhớ, những siêu xe hypercar hàng đầu của Bugatti hay Koenigsegg hiện nay cũng chỉ có giá 2-3 triệu USD.
Tổng hợp