Rolls-Royce Silver Seraph được biết đến là thế hệ kế nhiệm của mẫu Silver Spur cũng như là cơ sở cho sự ra đời của những chiếc Rolls-Royce thế hệ mới sau này như Phantom VII. Silver Seraph được định vị nằm trong phân khúc xe sang cỡ lớn và được sản xuất trong giai đoạn kể từ năm 1998 cho tới năm 2002. Mẫu xe này được giới thiệu lần đầu vào năm 1998 tại triển lãm Geneva Motorshow.
Silver Seraph được biết đến với dáng vẻ dường như tương đồng với mẫu xe Arnage đến từ “người đồng hương” Bentley. Lý giải cho điều này, hai thương hiệu này ở thời điểm bấy giờ đều thuộc sở hữu của Vickers, chính vì thế họ đã quyết định tạo ra cặp song sinh này, đều được ra mắt thị trường lần đầu vào năm 1998 với những đặc điểm về tổng thể giống nhau. Đồng thời, “cặp song sinh” này chính là luồng gió mới giúp làm mới những dòng xe của cả hai thương hiệu vốn được duy trì với dòng xe sở hữu thiết kế cổ điển từ những năm 1980.
Điểm khác biệt lớn nhất ở ngoại thất hai chiếc xe đó chính là lưới tản nhiệt dạng thác nước truyền thống của Rolls-Royce và lưới tản nhiệt đan chéo dạng vảy cá đặc trưng của những chiếc Bentley.
Tuy nhiên vào năm 1998, ngay khi cả hai mẫu xe được tung ra thị trường, Vickers đã bán Rolls-Royce cho BMW và Bentley cho Volkswagen Group. Chính vì vậy mà từ đây, phương hướng phát triển của cả hai thương hiệu dần khác nhau và Rolls-Royce Silver Seraph chính thức bị khai tử vào năm 2002, trong khi vòng đời của dòng Bentley Arnage kết thúc vào năm 2009.
Silver Seraph chính là sự hiện đại hóa dáng vẻ vuông vức của những thế hệ tiền nhiệm, đồng thời chính là bước đệm cần thiết cho sự “tái xuất” của dòng xe huyền thoại Rolls-Royce Phantom. Chiếc xe có chiều dài tổng thể khoảng 5,390 mm, chiều dài cơ sở 3,117 mm. Trên phiên bản trục cơ sở kéo dài Park Ward, phần thân xe được kéo dài ra thêm 250 mm chủ yếu ở khoang sau để tăng không gian ngồi cho hành khách phía sau. Phiên bản này chỉ được sản xuất khoảng 127 chiếc trước khi bị khai tử.
Đây chính là chiếc Rolls-Royce Silver Seraph duy nhất tại Việt Nam mang trên mình màu sơn này. Hầu hết những chiếc Silver Seraph sẽ mang trên mình màu sơn trắng hoặc màu sữa, hay màu bạc. Thậm chí những “người anh em” Arnage hầu hết cũng được sơn màu trắng sữa đầy sang trọng. Chiếc xe này mang trên mình màu sơn đỏ mận, đem lại một diện mạo khác biệt hoàn toàn. Phần thân xe được trang bị coachline với ba đường kẻ thay vì coachline đơn hay coachline kép thường thấy trên những chiếc Rolls-Royce.
Dù đã có tuổi đời khoảng 20 năm tuổi, những chi tiết chrome trên ngoại thất của xe vẫn còn rất mới. Những chi tiết này chính là yếu tố giúp chiếc sedan này trở nên sang trọng hơn, chính vì thế mà tình trạng của những phần chrome này có thể phần nào ảnh hưởng đến vẻ đẹp tổng thể của chiếc xe. Tuy nhiên, hầu hết các chi tiết trên chiếc xe này đều còn rất mới nên chính vì thế chiếc Seraph này trông như “vừa mới xuất xưởng”.
Ở thế hệ này, phần logo “Spirit of Ecstasy” được đặt trên phần lưới tản nhiệt trước vẫn được trang bị theo dạng cố định, chưa đóng mở được như trên những chiếc Rolls-Royce thế hệ mới từ Phantom VII trở về sau. Phần mâm xe được đánh bóng với viền giữa mâm được tô điểm với màu đỏ mận tương tự với phần thân xe.
Silver Seraph được trang bị động cơ V12 hợp kim nhôm BMW M73 có dung tích 5.4 lít kết hợp với hộp số tự động 5 cấp, khiến Silver Seraph trở thành chiếc Rolls-Royce 12 xi-lanh đầu tiên kể từ năm 1939 với mẫu Phantom III. Xe phù hợp với tiêu chuẩn khí thải Euro III. Thân xe được thiết kế và gia cố để cứng hơn khoảng 65% so với người tiền nhiệm. Cho dù được sản xuất cách đây 20 năm, chiếc xe đã được trang bị một số công nghệ hiện đại như hệ thống quản lý động cơ kỹ thuật số, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng và phanh chống bó cứng.
Chiếc xe sở hữu phần nội thất với các phần ghế và bảng điều khiển được bọc bằng Da Connolly, các phần ốp trang trí bảng điều khiển và khay xếp đồ dã ngoại cho hành khách phía sau được phủ veneer óc chó bóng bẩy. Seraph được biết đến với khả năng tăng tốc tương đối hạn chế. Tuy nhiên, Seraph vẫn có khả năng đạt tốc độ tối đa lên tới 225 km/h.
Trong suốt vòng đời 4 năm của mình kể từ năm 1998, Rolls-Royce đã xuất xưởng khoảng 1,570 chiếc Silver Seraph. Việc sản xuất Seraph được đảm nhiệm bởi Volkswagen. Sau khi dây chuyền sản xuất của Silver Seraph kết thúc, Volkswagen đã thực hiện việc chuyển giao lại cho BMW. Chính vì thế mà những chiếc Rolls-Royce Silver Seraph hiếm hơn đáng kể so với “người anh em song sinh” của mình Bentley Arnage. Sự xuất hiện của những chiếc Silver Seraph tại thị trường Việt Nam dần tạo cơ hội cho những người đam mê Rolls-Royce có cơ hội sở hữu những mẫu xe hàng độc, khác biệt so với những dòng xe phổ biến như Ghost hay Phantom.