Dự án siêu xe nhanh nhất thế giới Bloodhound SSC được cứu

0
Vào đầu tháng 12, nhóm thực hiện dự án Bloodhound Supersonic Car (SSC) với mục tiêu lập kỷ lục thế giới về tốc độ nhanh nhất của một phương tiện mặt đất đã từng tuyên bố chấm dứt do không đủ tiền. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó thì một nhà đầu tư có tên Ian Warhurst tại Yorkshire (Anh) đã ra tay mua lại toàn bộ công ty chịu trách nhiệm về dự án Bloodhound SSC, qua đó cho phép nhóm thực hiện có thể tiếp tục dự án.

Ông Andrew Sheridan, quản trị chính của dự án Bloodhound SSC, cho biết: “Chúng tôi hết sức vui mừng vì đã tìm được nhà đầu tư mới. Ian là người từng có nhiều thành công trong lĩnh vực kỹ thuật ô tô trước đây và ông ấy đã đem đến cho dự án những kinh nghiệm chuyên môn rất cần thiết, bên cạnh chuyện hỗ trợ tài chính. Dự án sẽ có thêm những kế hoạch mới để đưa ý tưởng của chúng tôi thành hiện thực.”


bloodhound_ssc_00-1024x723.jpg

Dự án Bloodhound SSC được bắt đầu từ năm 2007 với mục đích phá kỷ lục tốc độ 763 dặm/giờ (1.228 km/h) từng được xác lập vào năm 1997 bởi chiếc Thrust SSC do Andy Green, phi công chiến đấu của Không quân Hoàng gia Anh, cầm lái. Xuất phát từ ý tưởng cá nhân, dự án đã dần dần tập hợp được các thành viên của một đội đua Công thức 1 (F1) và các chuyên gia hàng không vũ trụ cùng tham gia. Kinh phí thực hiện đến từ các kênh quyên góp, tài trợ và hợp tác đầu tư.

Công ty chịu trách nhiệm về dự án Bloodhound SSC có trụ sở tại Anh Quốc. Năm 2017, họ hoàn tất chiếc xe với động cơ phản lực EJ200 lấy từ máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon được tinh chỉnh đặc biệt để vận hành trên mặt đất. Những bài thử nghiệm đầu tiên tại đường băng ở sân bay Newquay (Anh) cho thấy Bloodhound SSC với trạng thái tương đối sơ khai đã có thể đạt vận tốc 200 dặm/giờ (322 km/h).


bloodhound_ssc_04-1024x576.jpg

Theo kế hoạch dự tính ban đầu, nhóm thực hiện sẽ đưa chiếc Bloodhound SSC đến lòng hồ khô cạn Hakseen Pan ở Nam Phi để tiếp tục chạy thử. Tại đây, họ sẽ làm hẳn một đoạn đường thẳng có chiều dài 11 dặm (18 km), vừa để phục vụ quá trình tinh chỉnh và thử nghiệm, vừa để Bloodhound SSC thực hiện mục tiêu sau cuối là màn tăng tốc 1.000 dặm/giờ (tương đương 1.609 km/h). Nhóm này tự tin rằng nếu mọi thứ suôn sẻ thì sự kiện lập kỷ lục thế giới sẽ diễn ra vào cuối năm 2019.

Đến tháng 10/2018 vừa qua, công ty đứng đằng sau dự án Bloodhound SSC tuyên bố cần tìm nhà đầu tư mới, một dấu hiệu cho thấy họ đang thiếu tiền. Thậm chí có nguồn tin cho rằng công ty này đang được tòa án xem xét thủ tục phá sản. Lúc đó, đại diện phát ngôn của dự án chỉ cho biết họ cần thêm khoảng 25 triệu bảng (33 triệu USD) nữa để có thể tiếp tục phát triển chiếc siêu xe. Sau 2 tháng không thành công trong việc gây quỹ, công ty tuyên bố phá sản, để rồi hiện tại được tiếp tục bơm tiền bởi Ian Warhurst.


bloodhound_ssc_01-1024x512.jpg

Như vậy, kế hoạch nhiều tham vọng nhằm đưa chiếc Bloodhound SSC trở thành phương tiện chạy trên mặt đất nhanh nhất thế giới đã trải qua nhiều thời điểm thăng trầm và đến nay vẫn còn hy vọng có thể thành công. Nói đến những cụm từ như “siêu xe”, “nhanh hơn vận tốc âm thanh” hay “nhanh nhất thế giới” thì ai cũng thích, nhưng trên thực tế thì làm gì cũng cần đến vấn đề mấu chốt là tiền, mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn tiền mình đem đầu tư phải được sử dụng hiệu quả để đem lại lợi ích thấy được trong phạm vi tầm nhìn tương đối rõ ràng. Hãy cùng chờ xem dự án sẽ tiếp tục diễn ra như thế nào.

NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcMINI 2019 tại Việt Nam có giá khởi điểm từ 1,529 tỷ đồng
Bài tiếp theoMcLaren Senna sẽ so tài cùng những siêu xe khác tại WEC Le Mans 24h