Khám phá công nghệ khí động học đột phá của Bugatti Bolide

0
Cách đây không lâu, Bugatti đã ra mắt Bolide, chiếc hypercar concept được hãng phát triển dành riêng cho đường đua với những công nghệ tối tân nhất ở thời điểm hiện tại. Chiếc xe đó có thể vận hành cực kỳ ổn định ở tốc độ cao là nhờ vào hệ thống khí động học phức tạp, nổi bật là hệ thống hốc hút gió Dimple.


lthiet-ke-khi-dong-hoc-cua-bugatti-bolide-2-1024x576.jpg

Hốc hút gió Dimple là một công nghệ mới được đăng ký bằng sáng chế trong thời gian gần đây của Bugatti. Phát minh này là thành quả của Ballerstein, một kỹ sư trẻ tuổi của Bugatti đã quan sát thấy được khả năng điều khiển dòng nước của các bong bóng khí khi phát triển hệ thống phanh chế tạo bằng công nghệ in 3D vào năm ngoái. Các bong bóng này giúp tạo nên những luồng khí xoáy, từ đó giảm nhiệt độ cho phanh. “Tôi đã rất bất ngờ khi nhìn thấy kết quả của bề mặt bong bóng. Khi đó, tôi cũng tự hỏi rằng chúng liệu có thể đạt được điều tương tự với luồng khí hay không”.


lthiet-ke-khi-dong-hoc-cua-bugatti-bolide-6-1024x495.jpg

Trên Bugatti Bolide, công nghệ bong bóng bề mặt này được tạo nên từ 60 chi tiết riêng lẻ, có thể kích hoạt trong chỉ một phần mười giây. Ở tốc độ thấp, bề mặt hốc gió của xe sẽ phẳng nhưng khi đạt tốc độ cần thiết, các bong bóng khí này sẽ trồi lên ở những độ cao khác nhau, tối đa là 10 mm. Ở tốc độ trên 80 km/h, các chi tiết này sẽ tạo lực cản giúp xe bám đường tốt hơn nhưng khi đạt trên 120 km/h, công dụng của cụm chi tiết này sẽ thay đổi khi giảm đáng kể lực cản.


lthiet-ke-khi-dong-hoc-cua-bugatti-bolide-3-683x1024.jpg

Kết quả của thiết kế này là giảm 10% lực cản khí động học ở vị trí hốc hút gió và làm giảm 17% lực nâng ở cùng cụm chi tiết. Luồng gió đến cánh sau cũng được tối ưu hóa; ở tốc độ 320 km/h, lực ép ở cánh sau đạt 1.800 kg trong khi ở cánh trước đạt 800 kg. Một lợi ích khác là lực cản khí động học thấp hơn cũng làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hoặc hiệu năng của xe. “Đây là lý do tại sao công nghệ mới rất quan trọng – không chỉ đối với Bugatti”, Ballerstein cho biết thêm. “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng các thử nghiệm cho thấy các bong bóng khí cải thiện khí động học, do đó giảm lực cản và tăng hiệu suất của xe”.


lthiet-ke-khi-dong-hoc-cua-bugatti-bolide-5-683x1024.jpg

Bugatti Bolide vẫn sử dụng động cơ W16 dung tích khủng cùng hệ dẫn động bốn bánh toàn thời. Khối động cơ này trên Bugatti Bolide sở hữu công suất cực đại lên đến 1.850 mã lực ở tua máy 7.000 vòng/phút khi sử dụng xăng đua octane 110 và 1.850 Nm mô-men xoắn và lên đến 2.000 Nm ở tua máy 7.025 vòng/phút. Hộp số tuần tự 7 cấp và cơ cấu truyền được phát triển đặc biệt cho trường đua với khả năng phản hồi tốt hơn.


lthiet-ke-khi-dong-hoc-cua-bugatti-bolide-4-683x1024.jpg

Trên lý thuyết, Bugatti Bolide có thể dễ dàng tăng tốc lên 100 km/h từ vị trí đứng yên trong vòng 2,17 giây, đạt 200 km/h trong 4,36 giây, 300 km/h trong 7,37 giây, thậm chí 400 km/h trong 12,08 giây và 500 km/h trong vòng 20,16 giây. Tốc độ tối đa mà chiếc hypercar này có thể đạt được ở mức trên 500 km/h. Ngoài khả năng tăng tốc, Bugatti còn cho biết đây sẽ là chiếc xe nhanh nhất tại trường đua Le Mans (Circuit de la Sarthe) với thời gian hoàn thành một vòng đua là 3 phút 7,1 giây. Còn trên Nurburgring, chiếc xe dự kiến sẽ có thành tích rơi vào khoảng 5 phút 23,1 giây.

Nguồn Bugatti

VNB
Author: VNB

Bài trướcMV Augusta hợp tác cùng Alpine ra mắt siêu mô-tô Superveloce Alpine
Bài tiếp theoCửa sổ trời trên xe hơi – liệu có cần thiết ?