McLaren W1 ra mắt - siêu phẩm nối tiếp P1 với động cơ V8 hybrid mạnh 1.275 mã lực

Le Hai

Phụ Xế
Bài viết
498



Chiếc siêu xe mạnh mẽ nhất trong lịch sử McLaren đã chính thức xuất hiện với tên gọi W1, lần đầu tiên trang bị cửa cánh chim, sở hữu hệ thống khí động học chủ động và được sản xuất giới hạn chỉ 399 chiếc.

Hơn 10 năm sau khi trình làng mẫu siêu xe P1 mở đầu cho dải sản phẩm Ultimate Series đình đám, hãng McLaren mới tiếp tục giới thiệu phiên bản kế thừa tinh túy của dòng “1” chủ lực. Chiếc W1 được quảng cáo là “hình thái cuối cùng của một siêu xe thực thụ” với nhiều thay đổi mạnh mẽ từ thiết kế, các công nghệ áp dụng đường đua F1, cũng như khối động cơ được giới thiệu nhanh nhất, mạnh nhất từ trước đến nay của hãng.

Chỉ riêng các thông số sức mạnh đã đủ để khẳng định rằng McLaren W1 là một chiếc siêu xe vô cùng đặc biệt. Với hệ thống truyền động V8 hybrid, W1 cung cấp cho người cầm lái một nguồn năng lượng với tổng công suất lên đến 1.275 mã lực (938 kW) và mô-men xoắn cực đại 1.340 Nm, mạnh mẽ nhất trong số tất cả mọi mẫu xe mà hãng Anh Quốc từng sản xuất.





Nhờ sự chú trọng vào thiết kế chiếc xe nhẹ nhất có thể, W1 chỉ có khối lượng 1.399 kg, hầu như không nặng hơn P1 là bao nhiêu. Trên thực tế, tuyệt phẩm mới nhất của McLaren cũng đạt được tỷ lệ công suất trên khối lượng là 899 mã lực/tấn, mức tốt nhất trong phân khúc siêu xe đỉnh cao. Hãng cũng không lựa chọn phương án trang bị hệ dẫn động bốn bánh, mà thay vào đó vẫn duy trì kiểu truyền lực đến bánh sau như một sự tôn vinh di sản đua xe lâu đời.

Trong khi thời gian tăng tốc từ 0–100 km/h trong 2,7 giây đã là rất thú vị, có lẽ còn ấn tượng hơn nữa khi W1 có thể đạt tới tốc độ 200 km/h trong 5,8 giây và lên tới 300 km/h trong 12,8 giây. Tốc độ tối đa được giới hạn ở mức 350 km/h. Đội ngũ McLaren đã cho chạy thử ở đường đua nội bộ Nardo và nhận thấy rằng W1 thậm chí còn nhanh hơn 3 giây mỗi vòng so với chiếc Senna chuyên dụng cho đường đua.

Điểm nổi bật nhất của W1 vẫn là khối động cơ đốt trong MHP-8 V8, được hãng mô tả là “hoàn toàn mới”, mặc dù thông số công suất 929 mã lực (683 kW) vẫn khá giống với những gì đã từng đi kèm với nhiều siêu xe McLaren trong quá khứ. Cấu trúc vẫn là 8 xy-lanh xếp theo hình chữ V, dung tích 4.0L với vòng tua máy tối đa lên đến 9.200 rpm và vận dụng công nghệ phun xăng trực tiếp GDI.





Hỗ trợ cho động cơ xăng là các thành phần điện khí hóa, bao gồm mô-tơ điện tích hợp bộ điều khiển E-Module sử dụng công nghệ được McLaren đúc kết từ kinh nghiệm tham gia các giải F1 và IndyCar, có công suất 346 mã lực (255 kW), lấy năng lượng từ khối pin 1.384 kWh, đủ để W1 di chuyển được 2,6 km ở chế độ thuần điện.

Pin và mô-tơ điện cũng được vận dụng khi lùi xe, khi khởi động xe sau thời gian dài không hoạt động và được kết hợp với hộp số 8 cấp. Tuy nhiên, hệ thống lái và phanh vẫn là trợ lực thủy lực chứ không dùng cơ chế trợ lực điện, đây là cam kết của McLaren nhằm mang lại cảm giác vận hành chân thực nhất cho khách hàng.

Ngoại hình của W1 có thể sẽ gây tranh cãi vì một mẫu siêu xe McLaren đỉnh cao ra mắt năm 2024 lại không được sắc sảo như “tiền bối” F1 hay độc đáo như phi thuyền tương lai kiểu P1. Tuy nhiên trên thực tế đội ngũ thiết kế đã dành nhiều tâm huyết tạo nên các chi tiết giúp tăng hiệu quả khí động học cho xe.







Chiếc xe có thể “biến hình” thành dạng vận hành tối ưu trên đường đua, với các cánh gió chủ động ở cả phía trước và phía sau được bật lên, chỉ bằng một thao tác chuyển đổi chế độ lái. Cánh gió sau của xe được McLaren mô tả là loại “đuôi dài chủ động”, mở rộng diện tích khuếch tán gió, có tác dụng như một phanh khí và một cánh DRS lấy cảm hứng từ đua xe F1.

Khi kích hoạt chế độ đua, toàn bộ thân xe W1 có thể hạ thấp xuống 37 mm ở phía trước và 18 mm ở phía sau so với trạng thái tiêu chuẩn. Sau đó, với cánh chủ động và Active Chassis Control III, chiếc xe có khả năng tạo ra lực ép xuống lên tới 350 kg ở phía trước và 650 kg ở phía sau, tổng thể lên tới 1.000 kg để đảm bảo sự ổn định tốt nhất khi vào cua với tốc độ cao.

Hệ thống treo trước được thiết kế để không cản trở hiệu quả khí động học, với xương đòn thấp hơn nhờ thanh đẩy và bộ giảm chấn bên trong. Khung cửa sổ nhỏ hơn và ghế ngồi vẫn cố định tại chỗ, với bàn đạp, vô-lăng và các nút điều khiển khác có thể điều chỉnh thay thế. Đặc biệt, cửa cánh chim cũng giúp W1 tạo ra sự khác biệt so với phần còn lại của dải sản phẩm McLaren vốn quen thuộc với cửa cánh bướm.





McLaren công bố giá khởi điểm cho siêu phẩm W1 là 2,1 triệu USD (khoảng 52,2 tỷ đồng), tuy nhiên giá thực tế sẽ còn cao hơn vì khi đứng trước một danh sách gần như không giới hạn các tùy chọn tùy chỉnh có sẵn từ McLaren Special Operations (MSO), rất khó xảy ra trường hợp các khách hàng tiềm năng đặt mua 2 chiếc giống hệt nhau.

Hãng cũng tiết lộ rằng chỉ có 399 chiếc W1 được sản xuất và tất cả đều đã có người đặt hàng. Xe đi kèm với chế độ bảo hành 4 năm/không giới hạn số km cho xe, cùng với 6 năm và 72.000 km cho hệ thống pin điện.













































Tham khảo McLaren
 

Thành viên trực tuyến

No members online now.

Tin trong nước

Công Ty Cổ Phần Car Passion

460/6/11 Lê Văn Lương, phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM,
Điện thoại: 083-8039939
Email: contact@carpassion.vn

Giấy phép MXH số 256/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 17/06/2020
Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Thị Phương Thảo

Kết nối với chúng tôi

Top