Nhìn lại cuộc đối đầu thú vị của Ford và Ferrari tại Le Mans 24h (phần 1)

0
Có lẽ không nhiều người biết, Ford đã từng muốn mua Ferrari, mọi chuyện có vẻ êm xuôi nhưng bất ngờ đến phút cuối Enzo Ferrari quyết định hủy bỏ quyết định bán công ty, làm cho Henry Ford II – chủ tịch Ford đương thời vô cùng tức tối. Và kết quả là gì, Ford quyết tâm đáng bại Ferrari trên đường đua và tạo ra chiếc xe đua huyền thoại không chỉ của Ford mà còn cả nước Mỹ – Ford GT40.


image.png

Henry Ford II và Enzo Ferrari (Ford Motor Company, Rainer W Schlegelmilch)

Khi mà đua xe đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hầu như tất cả các nhà sản xuất đều dốc sức, tiền của vào cuộc chơi tốc độ này. Ford cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, thế tại sao Ford lại muốn mua Ferrari? Tại sao không tự mình phát triển một chiếc xe riêng biệt trong khi Ford là một công ty lắm tiền nhiều của vào thời điểm ấy ?

Câu trả lời như sau, đầu những năm 60 thế kỉ trước, Ford không có một chiếc xe đua đủ cạnh tranh so với các đối thủ, bằng chứng là họ liên tục bị GM vượt mặt với chiếc Chevrolet Corvette trong những cuộc đua, thêm vào đó, phát triển một chiếc xe đua riêng không hề là một công việc đơn giản. Phải mất rất nhiều thời gian tiền bạc, công sức tính từ khi lên ý tưởng, thiết kế và thử nghiệm. Trung bình phải mất vài năm lao tâm, một chiếc xe đua mới mới có thể bắt đầu cho thấy được thành quả đầu tư của đội đua, nếu may mắn. Thêm một điều nữa, giới hạn công nghệ ngày ấy không thể có những phương pháp thử nghiệm trên máy tính hay trong hầm gió như ngày nay nhằm tối ưu, rút ngắn quy trình phát triển xe. Thời ấy các kĩ sư chỉ có thể kiểm nghiệm bằng cách sản xuất thực tế và chạy thử trên đường đua nhằm kiểm tra xem liệu xe có hoạt động như yêu cầu hay không.

Vào đầu những năm 60, Ferrari đã là một thế lực
rất mạnh trong làng đua xe. Công ty của Enzo thắng từ F1, thống trị những giải
đua xe đường trường không chỉ trong thể thức prototype mà còn thể thức xe
thương mại GT. Thế nên đối với Ford, giải pháp khả thi và nhanh chóng là mua
ngay một hãng xe có truyền thống tranh tài tại các giải đua, và Ferrari là lựa
chọn của họ. Điều này cũng khá phù hợp với phương châm của các hãng xe Mỹ khi ấy,
“Đua vào Chủ Nhật, đem bán vào Thứ Hai”.Kết quả là vào năm 1963, Ferrari đã nhận
được lời đề nghị mua lại từ Ford. Chủ tịch Ford khi ấy vốn là một fan của
Ferrari, cũng khá thú vị là vào năm 1952, ngài Enzo đã tặng Henry Ford một chiếc
Ferrari 212/225 Barchetta đen, thứ mà sau này Henry Ford trang bị bánh xe đua sọc
trắng Firestone cho nó.

Có lẽ ít người biết, khi ấy chiến thắng một cuộc
đua không chỉ góp phần thúc đẩy vị thế của hãng xe mà còn đồng thời tăng doanh
số bán xe thương mại. hai yếu tố mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng khao khát có
được.

Thỏa thuận đổ vỡ


Le-Mans-1966-2_e4bbe50e47a1a7b5de93f94f7d58d876-1024x583.jpg

Trở lại thỏa thuận giữa Ford và Ferrari,
mọi chuyện diễn biến thuận lợi cho đến ngày 20 tháng 5 năm 1963, thỏa thuận hai
bên sụp đổ, chỉ sau 22 ngày đàm phán.

Lí do được Franco Gozzi, thư kí
riêng của Enzo Ferrari, đưa ra trên một tạp chí xe của Ý rằng một điều khoản
trong hợp đồng chính là nguyên nhân sâu xa của cuộc “hôn nhân” không thành này.
Chi tiết là Ford yêu cầu Ferrari phải đệ trình để Ford thông qua ngân sách cho
bất cứ đội đua nào có tổng chi phí trên 450 triệu Lire (khoảng 257,000 USD thời
ấy), bằng đúng số tiền Ferrari chi cho đội của mình trong mùa giải 1963. Nghĩa
là Ford có toàn quyền quyết định mọi chuyện quan trọng – chính là tiền – đối với
phân nhánh xe đua của Ferrari. Cần nói thêm là đua xe là một cuộc chơi rất tốn
kém nên ngân sách cho đội đua gần như chỉ có thể tăng thêm chứ khó có thể giảm.

Enzo Ferrari khi ấy đã gần như “nổ tung”khi
ông ấy đọc qua điều khoản trong quá trình đàm phán. Ông dùng một cây viết màu
tía gạch chân những cụm từ “đệ trình”, “giành lấy” đến những hai lần – Gozzi nhớ
lại.

Cũng theo Gozzi, Ferrari nói: “Điều khoản làm
tổn thương nghiêm trọng sự tự do mà tôi đã được hứa với tư cách là giám đốc đội
đua”. Sau đó ông nổi đóa và chỉ trích các thành viên phía đoàn thương lượng của
Ford bằng những từ ngữ mà theo Gozzi miêu tả “bạn sẽ không thể tìm thấy nó
trong bất cứ cuốn từ điển nào đâu”. Lúc ấy là 10 giờ đêm, Ferrari quay sang
Gozzi và nói nhỏ: “Kiếm gì ăn đi”. Họ rời phòng họp, để lại 14 thành viên phái
đoàn Ford ngồi ấy sững sờ không ai nói nên lời. Thế là mối lương duyên kết thúc.
Cũng sau này trong thỏa thuận giữa FIAT và Ferrari, Enzo được toàn quyền kiểm
soát đội đua của ông – tất nhiên với kinh phí không giới hạn. Sau khi Enzo mất
vào tháng 8 năm 1988, FIAT mới tiến hành mua lại toàn bộ quyền kiểm soát của
Ferrari.

Ferrari trước khi nhận được lời đề nghị mua lại
từ Ford cũng đang trong tình thế khá khó khăn. Họ rất cần tiền, danh tiếng của
họ cũng đang gặp nhiều thử thách khi trước đó một số vụ tai nạn chết người liên
quan tới xe Ferrari, điển hình là tay lái người Đức Wolfgang von Trips tử nạn
khi đang lái một chiếc Ferrari tại trường đua Monza, kèm theo là cái chết của
14 khán giả. Ngoài việc chịu sự điều tra từ chính quyền, vợ một tay lái của
Ferrari kết tội Enzo là “tên sát nhân” khi cho rằng ông không thèm đoái hoài đến
sự an toàn của các tay đua. Tuy nhiên khi tin tức về thỏa thuận với Ford lọt
ra, Enzo lập tức trở thành người hùng của ngành công nghiệp Ý, người phải được
bảo vệ trước sự xâm lăng của người Mỹ.

Henry Ford II tất nhiên vô cùng tức giận, ông quyết định sẽ phục thù Ferrari. Ông tuyên bố với ban lãnh đạo rằng: “Chúng ta sẽ đá đít hắn”. Ford sau đó cố gắng thương thảo với các công ty khác cũng mạnh về đua xe thời ấy như Lotus, Lola hay Cooper nhưng không thành. Trở về Mĩ và ông bắt đầu dồn tâm trí tiền bạc vào mục tiêu ngay trước mắt: Đánh bại Ferrari ngay ở Lemans 24 giờ.

Còn tiếp…

VNB
Author: VNB

Bài trướcToyota Fortuner lắp ráp tại Việt Nam giảm giá mạnh trong tháng 11/2019
Bài tiếp theoLamborghini Huracan Vorsteiner Novara – Bóng đêm trên đường phố