Thiếu tiền, dự án siêu xe nhanh nhất thế giới Bloodhound SSC chấm dứt

0
Kế hoạch nhiều tham vọng nhằm đưa chiếc Bloodhound Supersonic Car (SSC) trở thành phương tiện chạy trên mặt đất nhanh nhất thế giới đã chính thức đến hồi kết thúc, với nguyên nhân rất đơn giản và dễ hiểu: không đủ tiền. Nhóm thực hiện dự án đã rất nỗ lực gây quỹ nhưng rốt cuộc cũng thất bại trong việc thuyết phục nhà đầu tư về tính khả thi của việc tạo ra một chiếc xe có vận tốc vượt quá mốc 1.000 dặm/giờ (tương đương 1.609 km/h).


bloodhound_ssc_00-1024x723.jpg

Dự án Bloodhound SSC được bắt đầu từ năm 2007 với mục đích phá kỷ lục tốc độ 763 dặm/giờ (1.228 km/h) từng được xác lập vào năm 1997 bởi chiếc Thrust SSC do Andy Green, phi công chiến đấu của Không quân Hoàng gia Anh, cầm lái. Xuất phát từ ý tưởng cá nhân, dự án đã dần dần tập hợp được các thành viên của một đội đua Công thức 1 (F1) và các chuyên gia hàng không vũ trụ cùng tham gia. Kinh phí thực hiện đến từ các kênh quyên góp, tài trợ và hợp tác đầu tư.

Công ty chịu trách nhiệm về dự án Bloodhound SSC có trụ sở tại Anh Quốc. Năm 2017, họ hoàn tất chiếc xe với động cơ phản lực EJ200 lấy từ máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon được tinh chỉnh đặc biệt để vận hành trên mặt đất. Những bài thử nghiệm đầu tiên tại đường băng ở sân bay Newquay (Anh) cho thấy Bloodhound SSC với trạng thái tương đối sơ khai đã có thể đạt vận tốc 200 dặm/giờ (322 km/h).


bloodhound_ssc_02-1024x532.jpg

Theo kế hoạch dự tính ban đầu, nhóm thực hiện sẽ đưa chiếc Bloodhound SSC đến lòng hồ khô cạn Hakseen Pan ở Nam Phi để tiếp tục chạy thử. Tại đây, họ sẽ làm hẳn một đoạn đường thẳng có chiều dài 11 dặm (18 km), vừa để phục vụ quá trình tinh chỉnh và thử nghiệm, vừa để Bloodhound SSC thực hiện mục tiêu sau cuối là màn tăng tốc 1.000 dặm/giờ. Nhóm này tự tin rằng nếu mọi thứ suôn sẻ thì sự kiện lập kỷ lục thế giới sẽ diễn ra vào cuối năm 2019.


bloodhound_ssc_03-1024x306.jpg

Tuy nhiên, đến tháng 10/2018 vừa qua, lại rộ lên thông tin công ty đứng đằng sau dự án Bloodhound SSC đang gấp rút tìm nhà đầu tư mới, một dấu hiệu cho thấy họ đang thiếu tiền. Thậm chí có nguồn tin cho rằng công ty này đang được tòa án xem xét thủ tục phá sản. Lúc đó, đại diện phát ngôn của dự án chỉ cho biết họ cần thêm khoảng 25 triệu bảng (33 triệu USD) nữa để có thể tiếp tục phát triển chiếc siêu xe.


bloodhound_ssc_01-1024x512.jpg

Nhóm thực hiện Bloodhound SSC lý luận rằng, khoản tiền 25 triệu bảng nghe có vẻ lớn nhưng thực chất chỉ bằng một phần nhỏ của những gì mà các đội đua xe thể thao hàng đầu như F1 đang tiêu pha trong mỗi mùa giải. Trong khi đó, dự án của họ vừa tiềm năng lại vừa hoành tráng, phá kỷ lục thế giới cơ mà! Sản phẩm thực tế đã có, chỉ cần thêm thời gian nghiên cứu cho chỉn chu mà thôi…

Đến đầu tháng 12/2018, dự án chính thức chấm dứt. Trả lời phỏng vấn BBC, quản trị chính của dự án là ông Andrew Sheridan cho biết: “Dù cho cộng đồng rất ủng hộ và nhiều nhà đầu tư đã tham gia, chúng tôi không thể tiếp tục theo đuổi dự án này nữa vì vấn đề tài chính. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác chính để trả lại thiết bị của bên thứ ba, đồng thời bán các tài sản còn lại của dự án để hoàn trả tối đa cho các nhà đầu tư.”


bloodhound_ssc_04-1024x576.jpg

Nói đến những cụm từ như “siêu xe”, “nhanh hơn vận tốc âm thanh” hay “nhanh nhất thế giới” thì ai cũng thích, nhưng trên thực tế thì làm gì cũng cần đến vấn đề mấu chốt là tiền, mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn tiền mình đem đầu tư phải được sử dụng hiệu quả để đem lại lợi ích thấy được trong phạm vi tầm nhìn tương đối rõ ràng. Toàn bộ dự án Bloodhound SSC đã kéo dài quá lâu trong khi thành quả thì chưa chắc đã đảm bảo được khả năng ứng dụng thương mại thực tiễn. Có lẽ ngoài nhóm thực hiện, sẽ chẳng mấy ai tiếc nuối về Bloodhound SSC.

NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcCadillac Escalade Sport Edition 2019 lịch lãm với màu đen toàn thân
Bài tiếp theoLamborghini Aventador tại Việt Nam lên đời với bộ tem cực “ngầu”