Supercar
Đam Mê Xe
- Bài viết
- 612
- Loại bài
- Bài sản xuất
Cách đây vài năm, công nghệ hỗ trợ người lái nâng cao ADAS chỉ xuất hiện trên các mẫu xe cao cấp, đắt tiền thì nay đã được nhiều hãng xe phổ cập đến các dòng xe phổ thông.
Hệ thống ADAS là từ viết tắt của "Advanced Driver Assistance System", đây là hệ thống hỗ trợ người lái mức độ nâng cao và chỉ trang bị trên các dòng xe đắt tiền. Tuy nhiên thời gian gần đây, rất nhiều hãng xe trang bị tính năng an toàn này lên những dòng xe phổ thông có giá vài trăm triệu đồng.
Thậm chí một số hãng xe còn trang bị tiêu chuẩn hệ thống ADAS nhằm gia tăng yếu tố cạnh tranh lên các đối thủ cùng phân khúc. Mặc dù các gói ADAS trang bị trên những dòng xe thuộc phân khúc hạng B chỉ ở mức cơ bản nhưng dù sao có vẫn hơn là không; bởi không ai có thể đoán trước điều gì sắp xảy ra, nhất là khi đang lái xe.
Việc Skoda ra mắt 2 phiên bản Kushaq đều được trang bị tiêu chuẩn ADAS là minh chứng cho việc các hãng xe bắt đầu chú trọng hơn về tính năng an toàn; đồng thời khách hàng cũng dần ý thức rằng ADAS là trang bị cần có cho chiếc xe của mình.
Nếu như trên Kushaq hệ thống ADAS ở mức đủ dùng thì chiếc SUV đến từ Trung Quốc - Geely Coolray Flagship (bản cao cấp nhất) có hàng loạt các tính năng "xịn" từng xuất hiện trên các mẫu xe tiền tỷ như phanh khẩn cấp tự động, kiểm soát hành trình thích ứng, đèn pha thông minh, cảnh báo lệch và giữ làn...
Trong đó điểm nhấn của Coolray chính là tính năng tự động đỗ xe thông minh. Với các trang bị an toàn như trên cùng mức giá 628 triệu đồng, Coolray là sự lựa chọn thú vị nhất trong phân khúc.
Bên cạnh Geely còn có anh bạn "đồng hương" - Omoda C5 cũng được trang bị gói ADAS trên phiên bản cao cấp nhất - Flagship (giá xe 699 triệu đồng) với các tính năng kiểm soát hành trình thích ứng, phanh tự động, hỗ trợ lái xe khi tắc đường, cảnh báo chệch làn, hỗ trợ giữ làn, camera 360 độ...
Tiếp đến là tân binh thuần điện - BYD Atto 2 vừa ra mắt (giá 669 triệu đồng) cũng có sẵn hệ thống ADAS với các tính năng tương tự hai mẫu xe kể trên.
Không chỉ xe Trung Quốc mới có ADAS mà hãng xe Nhật vốn nổi tiếng là bảo thủ cũng giới thiệu gói công nghệ ADAS trên Suzuki Swift hybrid (569 triệu đồng) với các tính năng cơ bản như phanh khẩn cấp tự động, kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo chệch làn và hỗ trợ giữ làn...
XEM THÊM: Công nghệ ADAS - những tính năng hỗ trợ an toàn trên xe hơi hiện đại
Tuy nhiên nhắc đến ADAS không thể không nói đến Honda, toàn bộ ô tô của Honda đều trang bị gói an toàn chủ động Honda Sensing bất kể bản tiêu chuẩn hay cao cấp nhất.
Điểm ấn tượng của hệ thống ADAS trên xe Honda là phanh giảm thiểu va chạm, đèn pha thích ứng tự động, kiểm soát hành trình thích ứng, thông báo xe phía trước khởi hành, giảm thiểu chệch làn và hỗ trợ giữ làn.
Cả 3 phiên bản của Honda City (bản tiêu chuẩn 499 triệu đồng) đều được trang bị.
Trong khi Honda City được trang bị đầy đủ tính năng an toàn thì Hyundai Accent và Toyota Vios chỉ được hãng đưa vào một số cải tiến an toàn đối với bản cao cấp nhất.
Vios G (545 triệu đồng) có thêm cảnh báo tiền va chạm và cảnh báo lệch làn, còn Accent bản AT Cao cấp (569 triệu đồng) có hệ thống hỗ trợ phòng tránh va chạm trước/sau, đèn pha thích ứng cùng hỗ trợ giữ và giữ làn.
Mặc dù ADAS là trang bị an toàn không thể thiếu đối với ô tô ngày nay nhưng không phải vì thế người lái bị lệ phuộc vào công nghệ này. ADAS ngày càng phổ biến đối với xe phổ thông vô tình đã trở thành tiêu chí mua xe.
XEM THÊM: Những vấn đề nguy hiểm phát sinh khi sử dụng công nghệ ADAS không đúng cách
Trên thực tế, không phải ai cũng cần dùng đến ADAS và bản thân ADAS cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm lái xe. Trong một số trường hợp bất ngờ, ADAS can thiệp vào xe để đảm bảo an toàn nhưng hãy xem đây là công nghệ phụ trợ, đừng đặt toàn bộ niềm tin và lệ thuộc ADAS vì dù sao công nghệ cũng không thể thay thế con người khi vận hành.
Tổng hợp