VinFast Fadil & hành trình 20 năm “tiến hóa” từ Daewoo Matiz

0
Dòng xe du lịch nào có sức sống mãnh liệu và dai dẳng nhất Việt Nam hiện nay? Tuy chưa có thống kê chính thức rõ ràng, có thể tạm coi đó là Daewoo Matiz bởi những dẫn chứng khá cụ thể. Từ trạng thái ban đầu, mẫu xe nhỏ có gốc gác Hàn Quốc này dần trở thành Chevrolet Spark và kể từ năm 2019 trở đi sẽ tiếp tục hiện diện ở Việt Nam dưới tên gọi VinFast Fadil. Đó là cả một hành trình dài đáng ghi nhớ về sản phẩm ô tô du lịch mang tính tiên phong ở thị trường Việt Nam.


daewoo_matiz_5-1024x687.jpg

Matiz thế hệ đầu tiên, đời M100

Câu chuyện bắt đầu từ những ngày cuối năm 1993, lúc đó tập đoàn Daewoo Motors của Hàn Quốc thiết lập liên doanh với Xí nghiệp Liên hiệp Cơ khí 7893 thuộc Bộ Quốc Phòng để thành lập công ty TNHH Daewoo Việt Nam (Vietnam-Daewoo Motor Company Limited, hay còn gọi tắt là VIDAMCO). Tháng 3/1996, công ty khánh thành nhà máy tại Ngọc Hồi (Hà Nội), tiến hành lắp ráp nhiều dòng xe Daewoo từ nguồn linh kiện nhập khẩu như Cielo, Nubira, Leganza, Lanos, Magnus… và đặc biệt là Matiz.


daewoo_matiz_1-1024x683.jpg

Matiz M100 ra mắt Việt Nam năm 1998

Ở thời điểm mới ra mắt vào năm 1998, Daewoo Matiz được niêm yết giá ở mức 8.000 USD, tương đương khoảng 100 triệu đồng nếu tính theo tỷ giá 1 USD đổi được khoảng 13.000 đồng lúc bấy giờ, tức là chỉ cao hơn đôi chút so với những mẫu xe máy tay ga cao cấp như Honda Spacy hay Honda Dylan. Động cơ xe chỉ có dung tích 0.8L khá khiêm tốn, nhưng với ưu điểm che mưa che nắng và an toàn vượt trội so với xe máy, Matiz lập tức trở thành biểu tượng cho sự dư dả ấm no.


daewoo_matiz_3-1024x683.jpg

New Matiz 2002 tên mã M150, bản nâng cấp đáng kể đầu tiên của Matiz thế hệ thứ nhất

Vào thời kỳ mà xe máy ở Việt Nam chưa thực sự phổ biến chứ đừng nói đến ô tô, doanh số của Matiz vẫn tăng trưởng ấn tượng: từ mức hơn 400 xe vào năm 2000 đã tăng nhanh đến 2.069 xe trong năm 2005. VIDAMCO liên tục đổi mới Matiz với các phiên bản nâng cấp như New Matiz xuất hiện vào năm 2002 rồi đến Color Matiz năm 2005 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam.


daewoo_matiz_2-1024x603.jpg

Color Matiz 2005, vẫn mang tên mã M150 nhưng có chút thay đổi nhẹ so với New Matiz, đáng chú ý nhất là khe hút gió nằm ngang ở đầu xe

Tuy nhiên ngay ở trong giai đoạn này, sự kết thúc của Matiz đã được xác định sẵn. Tập đoàn General Motors (GM) của Mỹ đã chính thức mua lại Daewoo Motors vào năm 2001 và đổi tên công ty này thành “GM Hàn Quốc”, đồng thời lên kế hoạch ra mắt hàng loạt sản phẩm mới mang thương hiệu Chevrolet, dù thực chất chúng được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ “ăn chắc mặc bền” đặc trưng châu Á của Daewoo. VIDAMCO từ chỗ là chi nhánh của Daewoo Motors cũng trở thành một phần trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của GM, để tiến tới đổi tên thành “GM Việt Nam” vào năm 2011.


daewoo_matiz_4-1024x752.jpg

Ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác, dòng xe Matiz ra mắt mẫu thế hệ thứ 2 (tên mã M200) vào năm 2005 và kể từ đó chính thức được bán dưới nhãn thương hiệu Chevrolet, dù tên sản phẩm vẫn giữ nguyên. VIDAMCO duy trì việc kinh doanh Matiz thế hệ đầu tiên cho đến tháng 5/2008 thì chuyển qua mẫu Matiz thế hệ thứ 2, nhưng đã tranh thủ “đi tắt đón đầu” đổi luôn tên sản phẩm thành Chevrolet Spark. Trong khi đó, Chevrolet Spark “thực thụ”, tức là mẫu Matiz thế hệ thứ 3 (tên mã M300), phải đến 2009 mới ra mắt lần đầu tại Hàn Quốc và đến tận tháng 10/2011 mới chính thức hiện diện ở Việt Nam.


daewoo_matiz_gen2_00-1024x768.jpg

Matiz thế hệ thứ 2 M200 khi về Việt Nam đã được gắn mác Chevrolet và mang tên Spark

Các đối thủ cạnh tranh ở phân khúc xe du lịch đô thị cỡ nhỏ với Matiz/Spark thì đã xuất hiện từ những năm 2006 – 2007 và đều là “đồng hương” tới từ Hàn Quốc. Đầu tiên là mẫu xe Hyundai Getz, sau đó đến lượt Kia Picanto được nhập khẩu và trở thành Kia Morning lắp ráp trong nước những năm về sau. Như vậy, có thể nói thời kỳ hoàng kim của Matiz ở Việt Nam là vào thời điểm thế hệ đầu tiên khi chưa gặp phải sự cạnh tranh đáng kể nào, còn từ mẫu thế hệ thứ 2 trở đi thì đã phải nỗ lực hơn trong việc giành thị phần.


matiz_gen2_sparklite-1024x683.jpg

Sau khi Spark M300 được bán ra tại Việt Nam, mẫu Matiz M200 vẫn được duy trì song song một thời gian dưới tên gọi Spark Lite

So với Matiz, cả Getz lẫn Picanto/Morning đều có nền tảng công nghệ tốt hơn, dẫn đến những ưu điểm như bền bỉ, lành tính và ít hư hỏng vặt hơn. Những mẫu xe này khi nhập khẩu về Việt Nam đều được nhà phân phối lựa chọn cấu hình ở mức độ trang bị khá đầy đủ, có nhiều tiện ích nên nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt Nam. Dần dần, “xe Mỹ” Spark yếu thế, trong khi “xe Hàn” Hyundai và Kia lại lên ngôi, trở thành lựa chọn đầu tiên trong suy nghĩ nhiều gia đình Việt.


Chevrolet-Spark-Zest-2014-1024x440.jpg

Kể từ thế hệ M300, dòng xe này mới chính thức dứt bỏ cái tên Matiz trên khắp toàn cầu, để thực sự trở thành Chevrolet Spark

Trong quãng thời gian kinh doanh mẫu Chevrolet Spark, GM Việt Nam cũng không ít lần cố gắng cải tiến sản phẩm. Lượng cấu hình Spark thực ra khá phong phú, với 2 lựa chọn động cơ 1.0L và 1.2L vốn dĩ tốt hơn hẳn động cơ 0.8L ở thời kỳ Matiz, thậm chí còn phát sinh thêm biến thể Spark Van như một giải pháp đẩy mức giá sàn xuống ngưỡng rất thấp.

Spark Van có ngoại hình không khác mấy so với Spark tiêu chuẩn, nhưng bên trong khoang cabin chỉ có đúng 2 ghế trước, còn hàng ghế sau đã bị lược bỏ, qua đó đủ tiêu chuẩn để được đăng ký là “xe tải van” và hưởng mức lệ phí trước bạ chỉ 2%. Bản thân lượng trang bị tiện ích của Spark Van cũng rất đơn giản nên giá bán chỉ dao động 260 – 280 triệu đồng tùy thời điểm, dẫn đến chi phí để lăn bánh có khi chưa tới 300 triệu đồng.


chevrolet_spark_white-1024x683.jpg

Những tưởng là “món hời”, trên thực tế Spark Van lại dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười cho chủ sỡ hữu. Nhiều người sau khi mua xe đã lắp trở lại hàng ghế sau để sử dụng như Spark 5 chỗ ngồi tiêu chuẩn, nhưng khi lực lượng CSGT kiểm tra thì bị phạt hành chính từ 800 nghìn – 1 triệu đồng do lỗi “tự ý thay đổi kết cấu xe”. Những chiếc Spark Van lắp hàng ghế sau cũng bị từ chối đăng kiểm vì lý do này.


spark_van-1024x667.jpg

Một chiếc Spark Van (sau này đổi tên thành Spark Duo) điển hình

Dẫu vậy, mức giá quá rẻ của Spark Van đủ để khiến nhiều người sẵn sàng “lách luật” bằng cách chỉ lắp ghế tạm và sẵn sàng hạ xuống, trông giống như sàn xe tải để mong “lọt” qua kỳ đăng kiểm và không bị CSGT xử phạt. Sự phổ biến của dòng Spark Van, chủ yếu ở khu vực miền Bắc Việt Nam, cũng góp phần lan truyền thuật ngữ “xe bán tải van” hết sức quái đản và dẫn đến sự nhập nhằng với dòng pickup – “bán tải thực thụ”. GM Việt Nam thì cũng không quan tâm lắm đến việc khách hàng dùng xe làm gì, họ vẫn duy trì biến thể này qua đến bản Spark Duo năm 2016 dựa trên mẫu Spark đời mới nhất lúc bấy giờ.

Kể từ năm 2013 trở đi, tình hình kinh doanh của GM Việt Nam cũng không còn quá ấn tượng khi thị trường cạnh tranh gay gắt hơn, trong khi sản phẩm của các đối thủ ngày càng tốt lên. Hầu như toàn bộ các mẫu xe Chevrolet, trong đó có Spark, đều phải định giá thấp hơn so với mặt bằng chung của phân khúc tương ứng thì mới có hy vọng được khách hàng để mắt đến. Ngay cả như vậy thì Spark vẫn không tỏ ra hấp dẫn bằng những Kia Morning hay Hyundai i10 và sau này là Grand i10.


chevrolet_spark_red-1024x576.jpg

Tháng 9 năm 2017, trong bối cảnh “hụt hơi” thấy rõ so với các đối thủ thương hiệu Hàn Quốc, dòng Spark được GM Việt Nam “làm mới” khi đưa về bản xe có ngoại hình ấn tượng, thoạt nhìn rất tương đồng với mẫu Spark thế hệ thứ 4 hoàn toàn mới (tên mã M400), đã được bán ở Hàn Quốc và Mỹ từ lâu. Tuy nhiên, Spark 2017 tại Việt Nam thực chất lại là mẫu Beat 2018, vốn là xe lắp ráp ở Ấn Độ và xuất khẩu đi Mexico.

Beat 2018 vẫn là sản phẩm được phát triển từ nền tảng khung gầm của Matiz thế hệ thứ 3 M300 – chính là mẫu Spark quen thuộc bấy lâu ở Việt Nam – nhưng phần đầu xe được tinh chỉnh lại cho na ná hình hài của Spark thế hệ 4 M400. Tất nhiên, kiểu dáng của phần lưới tản nhiệt, đèn pha hay đèn sương mù vẫn không giống 100%, chỉ ở mức “gần giống” mà thôi và những ai tinh ý đều nhận ra được sự khác biệt.


chevrolet_beat_2018-1024x683.jpg

Chevrolet Beat 2018 tại Ấn Độ và Mexico cũng được đưa về Việt Nam để trở thành phiên bản Spark cuối cùng được bán ra thị trường

Việc đưa mẫu Beat 2018 về Việt Nam bán dưới tên Spark là một sai lầm chí mạng của GM Việt Nam, bởi lẽ mẫu xe này chỉ sử dụng hộp số sàn 5 cấp và hoàn toàn không có lựa chọn hộp số tự động, ngay cả ở Ấn Độ hay Mexico cũng không. Khi mà đối tượng khách hàng mua xe đô thị cỡ nhỏ càng lúc càng ưa chuộng xe số tự động hơn, GM Việt Nam vẫn giữ quan điểm rằng phần lớn người mua là để sử dụng làm xe chạy dịch vụ nên chạy số sàn sẽ tiết kiệm nhiên liệu. Quá sai lầm! Kết quả là Spark 2017 – 2018 ế thảm hại, hàng tháng chỉ bán được lác đác vài trăm xe dù đã giảm giá và khuyến mãi hết cỡ, trong khi Morning hay Grand i10 bán ra đều đều với doanh số tính bằng hàng nghìn.

Khi thị trường có thêm những cái tên rất nổi bật như Toyota Wigo hay Suzuki Celerio tham gia, cũng là lúc cơ hội cạnh tranh của Spark dần đi đến hồi kết. Đúng vào thời điểm này, VinFast chính thức mua lại toàn bộ nhà xưởng và tiếp quản hệ thống đại lý của GM Việt Nam trên toàn quốc. Tất cả các dòng xe Chevrolet lắp ráp trong nước gồm Spark, Cruze, Aveo, Captiva, Orlando đều bị “khai tử”, đại lý chỉ tiếp tục bán cho đến khi hết hàng.


Vinfast_fadil_red-1024x681.jpg

VinFast Fadil – xe đô thị thương hiệu Việt

Song song đó, VinFast cho ra mắt loạt xe ô tô mang thương hiệu riêng, gồm 2 mẫu xe sang LUX dựa trên nền tảng BMW và 1 mẫu xe nhỏ đô thị mang tên Fadil. Trên thực tế, Fadil chính là Opel Karl Rocks đổi tên, trong khi mẫu xe mang nhãn mác Đức này lại thực chất là một biến thể của Chevrolet Spark thế hệ thứ 4 M400, được tùy chỉnh để bán ra cho thị trường châu Âu. Như vậy, hoàn toàn có thể coi Fadil như sản phẩm kế thừa Daewoo Matiz và Chevrolet Spark ở Việt Nam, dưới một tên gọi khác và được cung cấp ra thị trường bởi một doanh nghiệp khác.


opel-karl-rocks_3-1024x683.jpg

Opel Karl Rocks (và Vauxhall Viva) tại châu Âu đều là biến thể của Chevrolet Spark M400

Hiện Fadil (và 2 mẫu LUX) đã được VinFast đưa đi trưng bày khắp Việt Nam cũng như công bố giá bán (không kèm 10% VAT) và danh sách tùy chọn để nhận đặt cọc. Ngay cả khi xem xe tận mắt, những khách hàng quan tâm đến xe cũng không được quan sát kỹ nội thất bên trong, còn việc chạy thử đương nhiên chưa tính đến. Do đó, chất lượng thực tế của Fadil vẫn là ẩn số chưa được giải đáp.


vinfast_fadil_landmark81_02-1024x682.jpg

Dẫu vậy, nếu Fadil dựa hoàn toàn trên nền tảng Opel Karl Rocks và chỉ đơn thuần thay logo VinFast, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có cơ sở để yên tâm, vì các mẫu xe bán ra tại châu Âu luôn cần phải đạt tiêu chuẩn chất lượng ở mức tương đối cao. Với những ai còn nhiều nghi ngại, câu trả lời sẽ chỉ thực sự đến kể từ tháng 9/2019, thời điểm những chiếc Fadil đầu tiên được giao đến tay khách hàng đã đặt mua.

NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcFord Transit tại Việt Nam được giảm giá 30 triệu đồng, tăng thời gian bảo hành
Bài tiếp theoLamborghini sẽ ra mắt siêu xe giá 3 triệu Đô-la trong năm nay