Việc lái xe an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu khi vận hành các loại phương tiện cơ giới ở bất cứ đâu, dù là trong thành phố đông đúc hay ngoài đường lộ rộng rãi với tốc độ cao. Để làm được điều này cần phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định, trong đó nổi bật nhất là phương pháp lái xe phòng thủ đã được hệ thống hóa chi tiết mang tên Smith System.
Lái xe thường được coi là niềm vui, tuy nhiên khi sử dụng xe trên đường phố công cộng sẽ kèm theo nghĩa vụ phải đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như cho những người xung quanh, từ các phương tiện khác cho đến người đi bộ. Lái xe an toàn đòi hỏi tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm rất cao, không phải ai cũng ý thức được để làm tốt ngay từ ban đầu mà cần phải trải qua đào tạo bài bản, từ lý thuyết tới thực hành.
Một trong những phương pháp được chấp thuận rộng rãi để vận hành bất kỳ phương tiện cơ giới nào do con người tạo ra là “lái xe phòng thủ”, không chỉ đơn thuần là tuân thủ luật giao thông mà còn yêu cầu người lái xe ưu tiên các hành vi lái xe an toàn. Lái xe phòng thủ bao gồm việc chú ý đến các mối nguy hiểm tiềm ẩn và đưa ra quyết định thông minh bằng tầm nhìn xa và thận trọng.
Trải qua nhiều thập kỷ, cơ chế lái xe phòng thủ đã được định nghĩa như sau:
- Phát hiện các mối nguy tiềm ẩn càng sớm càng tốt
- Giữ khoảng cách với các phương tiện xung quanh và các vật thể khác
- Duy trì khả năng giao tiếp và liên lạc, trao đổi thông tin với người khác
- Làm cho sự hiện diện của bạn được biết đến bởi các phương tiện khác đang ở gần
Tất cả những khái niệm này cũng là cốt lõi của Smith System – nguyên tắc lái xe phòng thủ có hệ thống, nhằm giúp người lái xe có thể tránh khỏi các vụ tai nạn xe cộ, không bị liên quan hoặc thậm chí là hạn chế nguy cơ xảy ra đến mức tối đa. Sau khi nắm được Smith System, mỗi người sẽ nâng cap sự hiểu biết sâu sắc về lái xe an toàn nói chung, cải thiện ý thức sử dụng xe trong môi trường công cộng, hướng đến xã hội văn minh tốt đẹp hơn.
Cơ bản về lái xe phòng thủ
Lái xe phòng thủ được định nghĩa là việc thực hành sử dụng các chiến lược lái xe nhằm giảm thiểu rủi ro và giúp tránh tai nạn, bằng cách dự đoán các mối nguy hiểm trên đường. Trong thời đại ngày nay, khi việc lái xe đã trở nên rất phổ biến, hầu như bất cứ ai cũng có thể làm được sau khi trải qua các kỳ thi sát hạch nhanh chóng còn xe thì phong phú và rẻ hơn bao giờ hết, kèm theo đó là những yếu tố gây mất tập trung cũng tăng cao. Việc lái xe mất tập trung là hành vi phổ biến và là mối nguy hiểm dai dẳng, càng khiến cho lái xe phòng thủ ngày càng trở nên quan trọng hơn, vì nó yêu cầu ý thức và sự cảnh giác cao độ.
Thực hành lái xe phòng thủ sẽ giúp cho người điều khiển phương tiện có được sự tăng cường về nhận thức đối với hành vi của chính bản thân mình và của những người xung quanh trên đường. Đối với người bình thường, sẽ không thể nào vừa chủ động lái xe phòng thủ và vừa mất tập trung được, chỉ có thể làm được một trong hai. Chính vì thế, tập cho mình thói quen lái xe phòng thủ và ý thức được điều đó mỗi khi lái xe ra đường chính là lựa chọn tối ưu nhất.
Hệ thống Smith System là gì?
Năm 1948, trường dạy lái xe đầu tiên được mở ra tại thành phố Detroit, Mỹ với tên gọi Safeway, do ông Harold Smith sáng lập. Chương trình đào tạo của ngôi trường này là The Smith5Keys, xoay quanh 5 bí quyết thực hành lái xe phòng thủ nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Năm 1952, Harold Smith chính thức đăng ký bản quyền tên gọi “Smith System” và sau đó trường dạy lái xe của ông đã được công nhận là nơi đào tạo kỹ năng lái xe nâng cao đầu tiên trên toàn nước Mỹ. Chương trình của Smith đã được công nhận rộng rãi, bản thân ông từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí Car and Driver cùng với danh hiệu “người lái xe tốt nhất thế giới” vào năm 1969.
Harold Smith qua đời năm 1985, nhưng hệ thống bí quyết lái xe phòng thủ Smith System của ông đã lan tỏa đến nhiều trường dạy lái xe trên khắp thế giới và hiện nay vẫn được coi là tập hợp các kiến thức chuẩn nhất trong những bộ giáo trình hàng đầu. Smith System gói gọn, tổng hợp các lý thuyết tưởng chừng khô khan trở nên súc tích, dễ ghi nhớ và lắng đọng, bất cứ ai cũng có thể hiểu được dễ dàng.
Triết lý của Smith System tập trung vào “ngăn chặn” – lường trước những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra và cố gắng để chúng không xảy ra. Tất nhiên không có gì là tuyệt đối và trong nhiều trường hợp thì “người tính không bằng trời tính”, nhưng Smith System đặt ra mục tiêu là giảm thiểu nguy cơ tai nạn đến mức tối đa, vì phần lớn có thể tránh được nếu người lái tỉnh táo và có ý thức.
Trường đại học Southern Illinois University Carbondale đã từng mô tả bản chất của hệ thống Smith System là “giúp cho người lái tự hình thành ý thức về vùng đệm không gian quanh xe mình, vượt qua các rào cản về tầm nhìn để nắm được bức tranh toàn cảnh khi tham gia giao thông”. Từ đó, việc lái xe trở nên thoải mái, dễ chịu và an toàn hơn, cũng như dễ dàng điều chỉnh linh hoạt tùy thuộc theo điều kiện môi trường để tránh khỏi các rắc rối.
Bằng cách vận dụng đến 5 bí quyết của The Smith5Keys, người lái sẽ nắm được những kỹ thuật ngăn ngừa va chạm, nhận thức được đâu là ngưỡng giới hạn nguy hiểm của những tai nạn có thể phòng ngừa được và hạn chế chúng nhiều nhất có thể. The Smith5Keys được thiết kế để người lái luôn ý thức rằng họ cần thực hiện 3 việc quan trọng khi lái xe:
- Tạo khoảng trống để đưa phương tiện của họ thoát khỏi nguy cơ xảy ra va chạm
- Duy trì tầm quan sát để phát hiện mối nguy hiểm tiềm tàng
- Có đủ thời gian để phản ứng
Người lái sẽ đạt được cả 3 mục tiêu đó nếu vận dụng toàn bộ 5 bí quyết của hệ thống Smith System. Khi đã quen với những việc này và để cho chúng trở thành một phần của thói quen lái xe hàng ngày, chắc chắn bạn sẽ nâng cao tính an toàn trong quá trình sử dụng xe thêm rất nhiều.
Bí quyết #1: Nhìn xa khi lái (Aim high in steering)
Theo lý thuyết của hệ thống Smith System, “nhìn xa” không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt không gian, mà là còn về thời gian. Cụ thể, người lái sẽ cần phải phóng tầm mắt về hướng đi phía trước theo khoảng cách xa nhất có thể (chứ không phải chỉ gói gọn trong tầm chục mét đổ lại), đồng thời phải ý thức rằng xe mình sẽ ra sao trong vòng vài chục giây đồng hồ tiếp theo, nói cách khác là “dự đoán tương lai”. Tối thiểu nên là khoảng 15 giây, nhưng nếu dự tính được xa hơn, lên tới 20-30 giây thì càng tốt. Người lái sẽ tích lũy đủ không gian cũng như thời gian để xử lý nếu như thực sự có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Khoảng cách cũng như thời gian dự tính sẽ thay đổi tùy theo vận tốc chiếc xe đang điều khiển. Ví dụ, nếu xe đang chạy với tốc độ 100 km/h thì 15 giây sẽ là thời gian đủ để đi được quãng đường khoảng 420 mét. Xe càng đi nhanh thì càng cần phải dự tính xa hơn và lâu hơn để đảm bảo an toàn, nên sẽ tạo thêm áp lực lên chính người lái. Vì vậy nếu có thể thì không nên đi quá nhanh và tránh cho các thông tin cần ghi nhận vượt khỏi ngưỡng kiểm soát của bản thân.
Khi đi cao tốc hoặc đường quốc lộ lớn, tầm nhìn xa sẽ giúp cho việc canh tay lái để xe chạy giữa làn gần như là tự động, khác biệt hẳn so với nguy cơ dễ lạc tay lái sang làn bên cạnh nếu chỉ nhìn ở những khoảng gần. Khi đi trong phố đông, mặc dù tầm nhìn có thể bị chắn bởi những chiếc xe sát ngay phía trước, vẫn sẽ có những lúc quan sát được khoảng cách xa hơn, đủ để nhận thấy các chướng ngại vật hoặc các phương tiện khác có thể xen vào, từ đó đưa ra quyết định phù hợp (giữ nguyên hướng đi hay đánh lái tránh né…).
Bí quyết #2: Nắm được tình hình tổng thể (Get the big picture)
Nắm tình hình tổng thể có nghĩa là người lái không chỉ chú ý đến xe của mình, mà còn phải kiêm luôn phần chú ý đến các xe khác. Khi tham gia giao thông, không thể chắc chắn rằng tất cả 100% phương tiện xung quanh đều giữ được sự tập trung cao độ. Sẽ có những tình huống nguy hiểm xảy ra do sự lơ đễnh và khi đó, ai chú ý hơn thì sẽ là người có nhiều khả năng thoát khỏi nguy cơ tai nạn hơn, hoặc thậm chí là kịp thời đưa ra cảnh báo và phản ứng phù hợp để tất cả đều thoát hiểm.
Một người lái xe có trách nhiệm là người có ý thức quan sát tất cả các hướng xung quanh xe mình, bao gồm cả hai bên hông và ở phía sau, chỉ không chỉ đơn thuần tập trung hết vào phía trước. Cặp gương chiếu hậu bên hông và gương chiếu hậu bên trong xe chính là những công cụ đáng tin cậy, hỗ trợ đắc lực cho việc quan sát. Đó là chưa kể đến những công nghệ hiện đại hơn đang ngày càng phổ biến như camera 360 độ hay các tính năng ADAS…, chúng đều giúp ích trong việc cung cấp thông tin.
Giữ cho chiếc xe của mình di chuyển với vị trí trên đường và tốc độ trong ngưỡng an toàn tùy theo tình hình xung quanh cũng chính là một cách “làm gương” cho các phương tiện khác. Những người có ý thức tốt hầu như sẽ luôn hiểu được điều đó và cùng đóng góp vào an toàn chung, nhưng ngay cả những kẻ hay đi láo, đi ẩu cũng sẽ phần nào nhận thức được và hoàn toàn có thể tiết chế những hành vi tiềm ẩn nguy hiểm.
Bí quyết #3: Đảo mắt liên tục (Keep your eyes moving)
Người lái cần tập cho mắt luôn chuyển động, tránh tập trung vào bất kỳ một hướng nào đó quá lâu, vì như vậy sẽ làm giảm tầm nhìn ngoại vi và rất dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi. Việc này thực ra khá đơn giản, bất cứ ai có kinh nghiệm lái xe đều đã từng làm được ngay trong quá trình lái xe bình thường, khi đảo mắt từ quan sát con đường phía trước thông qua kính chắn gió sang kiểm tra các gương chiếu hậu (ở 2 bên hông xe và ở phía trong xe), rồi có thể là sang những điểm khác như thông tin hiển thị trên bảng đồng hồ, thông tin trên màn hình HUD (nếu có) hoặc lướt nhìn sang các hành khách khác trong xe, v.v…
Hệ thống Smith System đưa ra lời khuyên rằng người lái nên đảo mắt mỗi 2 giây một lần và đặc biệt lưu ý quét qua toàn bộ giao lộ trước khi đi vào chúng. Các giao lộ luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đã từng có thống kê rằng khoảng 40% các vụ va chạm để lại hậu quả nặng nề đều xảy ra ở giao lộ.
Trong quá trình di chuyển, thông thường chúng ta nên dành khoảng 20%-30% thời gian để quan sát phía sau thông qua gương chiếu hậu. Khi bạn quan sát xung quanh mình và những người lái xe khác, bạn sẽ nhận thấy khi những người khác đang mất tập trung – cho phép bạn tránh được họ. Để đảm bảo lái xe an toàn thì cũng đòi hỏi người lái xe luôn tỉnh táo, do đó việc chuyển động của mắt cũng giúp chúng ta giữ được tỉnh táo hơn là chỉ tập trung nhìn liên tục về phía trước.
Bí quyết #4: Chừa đường thoát (Leave yourself an out)
Khi di chuyển trên đường, dựa vào quan sát và đánh giá tình hình xung quanh, chúng ta phải luôn chuẩn bị cho mình một lối thoát. Bí quyết này có nghĩa là người lái cần giữ đủ khoảng cách an toàn với xe phía trước, cũng như chừa đủ khoảng trống xung quanh xe của mình để có thể điều khiển xe thoát khỏi những tình huống nguy hiểm tiềm ẩn. Lợi ích rõ ràng nhất là bạn sẽ tránh khỏi việc rơi vào trạng thái bị xe khác chèn ép, hoặc lỡ có gặp phải tình huống xấu thì vẫn có phương án để giảm thiểu thiệt hại.
Cho dù có tỉnh táo chú ý đến mấy thì bạn cũng không thể sửa chữa hành vi kém cỏi của người khác, nên tốt nhất là luôn sẵn sàng phương án dự phòng. Nếu có xe khác đang bám sát sau đuôi xe bạn, hãy chừa thêm khoảng trống ở phía trước và nép vào phía trong của làn đường để chiếc xe đó có thể vượt qua bạn rồi nhập làn thuận lợi. Hãy đảm bảo ít nhất một trong 2 bên hông xe có khoảng trống để chuyển hướng khi có thể. Chỉ vượt khi bạn có đủ không gian, tầm nhìn và khoảng cách để thực hiện thao tác vượt một cách an toàn.
Bí quyết #5: Chắc chắn người khác thấy mình (Make sure they see you)
Một trong những điều quan trọng nhất khi tham gia giao thông là phải thể hiện rõ sự hiện diện của bạn trên đường thông qua nhiều cách khác nhau. Đó có thể là đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng, tiếng còi, thậm chí là giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể (ánh mắt, lời nói, cử chỉ…), hoặc kết hợp tất cả mọi phương thức mà bạn có. Không ít người thường chủ quan cho rằng người khác nhất định thấy mình và sẽ tránh được mình, nhưng nếu giả định này là sai thì nguy cơ tai nạn là rất lớn.
Thay vào đó, hãy làm quen với suy nghĩ rằng tất cả các phương tiện khác xung quanh bạn đều vô tâm, thiếu sự tập trung cần thiết và bản thân bạn cần phải nhấn mạnh sự hiện diện của mình trong mọi tình huống tiềm ẩn những điều khó lường. Khi muốn vượt, hãy phát tín hiệu cảnh báo. Khi đi qua giao lộ mà cảm giác có thể bị băng cắt đột ngột, hãy phát tín hiệu cảnh báo. Khi nhận thấy dường như mình đang ở trong điểm mù của xe khác, hãy phát tín hiệu cảnh báo. Khi lo ngại rằng sẽ có xe lao ra bất ngờ từ đường nhánh, hãy phát tín hiệu cảnh báo.
Nguyên tắc lái xe phòng thủ khi lùi
Hệ thống Smith System chỉ đề cập đến các nguyên tắc lái xe phòng thủ trong trường hợp tham gia giao thông ở trạng thái bình thường, tức là khi xe di chuyển theo huớng tiến về phía trước. Tuy nhiên, các thống kê chỉ ra rằng có một lượng lớn các vụ tai nạn có thể xảy ra với sự liên quan của một chiếc xe đang trong trạng thái đi lùi, lên đến 30-40% mỗi năm. Khi xét đến việc thời gian xe đi lùi chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong quá trình sử dụng xe hàng ngày mà lại có thể tác động đến tỷ lệ tai nạn lớn như vậy, càng cần phải áp dụng lý thuyết lái xe an toàn ở khía cạnh này.
Điều đầu tiên cần ghi nhớ là người lái nên cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng thao tác lùi xe trừ khi rơi vào những tình huống bắt buộc phải thực hiện, chẳng hạn như di chuyển vào vị trí đỗ xe hoặc ra khỏi chỗ đỗ, hoặc quay đầu trong không gian hẹp. Nếu như không thể tránh khỏi, thì cần phải đảm bảo an toàn bằng cách vận dụng hết mọi công cụ hỗ trợ như gương chiếu hậu, camera, cảm biến… Thậm chí nếu cần thiết thì hãy dừng xe lại, bước xuống và quan sát thật kỹ để chắc chắn rằng không có chướng ngại vật nào gây cản trở nguy hiểm.
Nếu phải thực hiện việc lùi xe tại những nơi có nhiều người đi qua, cần cảnh giác cao độ và phát tín hiệu cảnh báo như bấm còi hoặc kích hoạt đèn hazard. Có thể đối với người quan sát từ phía bên ngoài thì như vậy là quá cẩn thận, nhưng thà như thế còn hơn là để xảy ra điều gì đáng tiếc, khi đó hối tiếc cũng đã muộn!
Tham khảo Smith System