So với Nghị định 46/2016/NĐ-CP, Nghị định 100 có nhiều điểm mới. Trong đó, bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ.
Nghị định cũng điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; những hành vi liên quan đến nguyên nhân gây tai nạn giao thông tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông (như vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc…).
Đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, cụ thể như sau:
Với người đi xe máy, mức phạt từ tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở chưa vượt quá 50 miligram/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligram/1 lít khí thở (quy định hiện hành chỉ xử phạt nếu tài xế vượt quá mức này và phạt tiền thấp nhất 1,5 triệu đồng).
Mức phạt từ 4 triệu đến 5 triệu đồng đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligram đến 80 miligram/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligram đến 0,4 miligram/1 lít khí thở.
Mức phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 miligram/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligram/1 lít khí thở (mức hiện tại là 3,5 triệu đồng), tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Với ôtô, lái xe vi phạm nồng độ cồn mức trên 80 miligram/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligram/lít khí thở sẽ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng (hiện nay là 16 đến 18 triệu đồng); tước giấy phép lái xe 22 đến 24 tháng (hiện nay 4 đến 6 tháng).
Mức phạt này cũng áp dụng cho những lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
CarPassion luôn ủng hộ khẩu hiệu “đã uống rượu bia, không lái xe”
Các lái xe vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 miligram đến 80 miligram/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligram đến 0,4 miligram/lít khí thở, sẽ bị phạt từ 16 đến 18 triệu đồng (hiện nay 7 đến 8 triệu đồng); tước giấy phép lái xe 16 tháng đến 18 tháng (hiện nay 1 đến 3 tháng).
Với người đi xe đạp, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn; mức phạt từ 80.000 đến 100.000 đồng khi lái xe có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligram/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligram/1 lít khí thở.
Phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng khi người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn vượt quá 50 miligram đến 80 miligram/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligram đến 0,4 miligram/1 lít khí thở; từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligram/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligram/1 lít khí thở.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, quy định trên nhằm phù hợp với việc Luật phòng, chống tác hại rượu bia (có hiệu lực từ đầu năm 2020) đã nghiêm cấm người dân “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Đáng chú ý, Nghị định 100 cũng bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm (tại khoản 11 điều 80 Nghị định).
Với xe vi phạm giao thông chưa nộp phạt, theo nghị định mới, cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên Chương trình quản lý kiểm định để khi phương tiện đến kiểm định, đồng thời thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm. Cơ quan kiểm định vẫn thực hiện việc kiểm định theo quy định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định nhưng giấy chỉ có thời hạn hiệu lực là 15 ngày (khoản 12 điều 80 Nghị định).
Nghị định cũng bổ sung quy định cụ thể về việc không cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, như giấy phép lái xe, tránh tình trạng nhiều người bị giữ bằng lái đi làm lại bằng mới.
Tổng hợp