Trang chủ » [VIDEO] Saigon to Paris 2024 Phần 24 | Đoàn xe Việt Nam đầu tiên đến Paris & kết thúc hành trình sau 60 ngày

Chia sẻ bài đăng này

Hành Trình Saigon to Paris 2024

[VIDEO] Saigon to Paris 2024 Phần 24 | Đoàn xe Việt Nam đầu tiên đến Paris & kết thúc hành trình sau 60 ngày

Sau 60 ngày lái xe với 22.000 km đi qua các quốc gia từ châu Á đến châu Âu, vượt qua sa mạc, núi non và những thành phố cổ trên Con đường Tơ lụa huyền thoại, cả nhóm đã đến “kinh đô ánh sáng” Paris. Đây cũng là đoàn xe caravan đầu tiên từ Việt Nam đến Pháp.

Trong video này, đoàn xe Việt Nam đầu tiên đã đến Paris sau 60 ngày hành trình. Đoàn xe đã trải qua nhiều khó khăn và thử thách, nhưng cuối cùng đã hoàn thành hành trình một cách an toàn và thành công.

Rong ruổi tại Salzburg chợt nhớ bộ phim nhạc kịch “The Sound of Music”

Nhắc đến Salzburg (Áo) có lẽ với nhiều bạn trẻ sẽ không quá xa lạ nhưng với những ai tầm tuổi 7x-8x như mình thì sẽ nhớ đến bộ phim nhạc kịch nổi tiếng có tên tiếng Việt là “giai điệu hạnh phúc”, tên tiếng Anh “The Sound of Music”. Bộ phim được thực hiện vào năm 1965 và một số cảnh quay của phim được thực hiện tại thành phố Salzburg, Áo.

Đây cũng là bộ phim đoạt giải Oscar hay nhất năm 1965, các ca khúc trong phim cũng được đề cử Giải Grammy. Đặc biệt, bộ phim còn được lưu giữ tại cơ quan đăng ký phim quốc gia – National Film Registry (NFR) vào năm 2001.

Làng cổ Hallstatt xứ sở thần tiên của nước Áo

Làng Hallstatt là ngôi làng lịch sử lâu đời, hình thành từ thời kỳ đồ đồng khoảng năm 800 – 400 TCN. Đa phần người dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác muối, khoáng sản quý giá và thương mại. Muối được coi là “vàng trắng” của Hallstatt, giúp ngôi làng phát triển và giàu có.

[VIDEO] Saigon to Paris 2024 Phần 24 | Đoàn xe Việt Nam đầu tiên đến Paris & kết thúc hành trình sau 60 ngày

Làng Hallstatt cũng là nơi phát hiện ra một nền văn hóa đặc biệt, được gọi là văn hóa Hallstatt. Đây là một nền văn hóa của các bộ tộc Celtic sống ở Trung Âu từ thế kỷ 12 – 6 TCN. Văn hóa Hallstatt gồm các di tích khảo cổ như mộ cổ, các vật dụng kim loại, gốm sứ, vải và da. Những di tích này cho thấy người dân Hallstatt có nền kinh tế phát triển, nghệ thuật tinh tế và tôn giáo phức tạp.

Ngoài lịch sử và văn hóa, Hallstatt còn được yêu thích bởi vẻ đẹp thiên nhiên huyền bí đầy mê hoặc. Ngôi làng nằm bên bờ hồ Hallstätter See bao quanh dãy Alps hùng vĩ và rừng cây xanh với thảm thực vật đa dạng. Hồ Hallstätter See có mặt nước trong xanh phản chiếu những ngôi nhà cổ kính, tạo nên một khung cảnh kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên đẹp như tranh vẽ giữa trời tây.

[VIDEO] Saigon to Paris 2024 Phần 24 | Đoàn xe Việt Nam đầu tiên đến Paris & kết thúc hành trình sau 60 ngày

Ngôi làng Hallstatt rất nổi tiếng khi du lịch tại Áo bởi sự yên bình và lãng mạn. Cả nhóm đến đây vào chiều tối thứ 3, nhưng lượng khách tham quan vẫn còn nhiều. Trong các thành viên tham gia chuyến đi lần này, có nhiều anh chị đã từng đến đây vài lần nhưng vẫn mong muốn trở lại đây để thưởng thức thời tiết và khung cảnh nơi đây“.

Ngày 60 qua 3 quốc gia vì vùng Xanh của Paris

Ngày 60 cũng là ngày cuối cùng của chuyến đi, các thành viên lái xe với quãng đường 800 km, từ Đức lên Frankfurt vòng qua Luxembourg. Theo lịch trình, sáng ngày cuối cùng cả nhóm sẽ lái xe đến Paris và ăn trưa. Tuy nhiên khi còn cách 150 km thì thấy thông báo trên Google Map là một số tuyến đường Paris đi vào vùng xanh.

Khi đến Paris, các bạn cần phải dán Crit’Air mới có thể di chuyển vào khu vực trung tâm.

Đối với một số xe động cơ dầu (diesel) tiêu chuẩn Euro 4, quy định của chính phủ chỉ cho phép xe đi vào Paris sau 20 giờ tối và rời khỏi trước 8 giờ sáng hôm sau, áp dụng đối với các ngày trong tuần. Riêng thứ 7 và chủ nhật sẽ không bị hạn chế“.

Dán nhãn Crit’Air khi vào vùng xanh

Để nói rõ hơn về dán nhãn Crit’Air khi vào vùng xanh.

Chính phú Pháp áp dụng dán nhãn Crit’Air – “không khí sạch” lên kính chắn gió nhằm xác định mức độ phát thải của xe. Đối với các phương tiện không gây ô nhiễm nhiều thì được phép lưu thông tự do hơn các xe có mức độ ô nhiễm cao hơn.

[VIDEO] Saigon to Paris 2024 Phần 24 | Đoàn xe Việt Nam đầu tiên đến Paris & kết thúc hành trình sau 60 ngày
Dán nhãn Crit’Air

Có tổng cộng 6 cấp độ của Crit’Air như sau:
1/ Crit’Air 0/E – cho xe điện và hydro không phát thải – nhãn dán màu xanh lá cây
2/ Crit’Air 1 – dành cho xe hybrid plug-in và xe chạy xăng Euro 5, 6 – nhãn dán màu tím
3/ Crit’Air 2 – dành cho các xe xăng Euro 4 và xe dầu diesel Euro 5, 6 – nhãn dán màu vàng
4/ Crit’Air 3 – dành cho các xe đạt tiêu chuẩn Euro 2, 3 xe chạy xăng và xe diesel Euro 4 – nhãn dán màu cam
5/ Crit’Air 4 – dành cho các xe diesel Euro 3 – nhãn dán màu đỏ tía
6/ Crit’Air 5 – dành cho các loại xe chạy bằng dầu diesel Euro 2 – nhãn dán màu xám đậm

Nhãn dán Crit’Air được chính phủ Pháp áp dụng như một phương pháp giảm khí thải xe cộ có hại ở những khu vực có chất lượng không khí kém, điển hình như các thị trấn và thành phố lớn hơn.

[VIDEO] Saigon to Paris 2024 Phần 24 | Đoàn xe Việt Nam đầu tiên đến Paris & kết thúc hành trình sau 60 ngày

Hiện tại chính phủ Pháp xác định có hai loại khu vực:

  • Khu vực phát thải thấp vĩnh viễn (được gọi là ZCR – Zone à Circulation Restreinte)
  • Khu vực phát thải thấp khẩn cấp tạm thời (được gọi là ZPA – Zone de la Protection de l’Air)

Ở những khu vực kể trên, tuỳ vào loại nhãn Crit’Air dán trên xe, có một số phương tiện sẽ bị cấm lưu thông theo ngày hoặc cấm theo giờ. Ngoài ra, một số thị trấn và thành phố của Pháp còn có các chương trình hạn chế một số phương tiện nhất định trong trường hợp ô nhiễm đặc biệt cao.

Vậy nên khi lái xe đến Paris các bạn cần lưu ý điều này để điều chỉnh lộ trình cho phù hợp nhất.

Chính vì sự bất tiện này mà nhóm phải vòng ngược lại Luxembourg chơi và ghé làng cổ ở Bỉ. Sáng nay dự kiến đi hai nước, từ Đức qua Pháp nhưng xẹt qua tới Luxembourg nhưng google dẫn đường kẹt xe quá nên đi xuyên qua Bỉ; tổng cộng ngày 60 đi qua 4 nước“.

Tổng quãng đường từ thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đến thành phố Paris, Pháp mà nhóm thực hiện hơn 20.700 km.

Theo kế hoạch cả nhóm sẽ đến Paris vào ban đêm và sẽ đi một vòng thành phố này; nếu được sẽ tranh thủ chụp cái xe. Sáng hôm sau tầm 5-6 giờ sẽ ra chụp hình lần nữa rồi mang xe ra đến cảng Le Havre, cách trung tâm khoảng 300 km để vận chuyển về lại Việt Nam.

Rất cảm ơn Vulcan 4×4 đã hỗ trợ cho team ban tổ chức chiếc Ranger được nâng cấp full các sản phẩm tốt nhất của ARB. Đặc biệt là bộ phuộc BP51 thật sự tuyệt vời trong suốt chuyến đi overland này. Anh em nào đi hành trình xa thì nên nâng cấp bộ phuộc để chuyến đi trở nên thoải mái hơn, nhất là khi di chuyển qua đường đá, đường địa hình, đường sóng trâu, sa mạc…

[VIDEO] Saigon to Paris 2024 Phần 24 | Đoàn xe Việt Nam đầu tiên đến Paris & kết thúc hành trình sau 60 ngày

Kết thúc hành trình hơn 21.000 km từ Việt Nam đến Paris

Sau 60 ngày thì cả nhóm đã đến được Paris, chinh phục một phần Con đường tơ lụa huyền thoại và tận hưởng sự dịch chuyển từ con người, văn hoá, ẩm thực của Á qua Âu.

Được lái xe đến Paris là ước mơ của toàn bộ các thành viên tham gia Saigon to Paris“.

Khám phá kinh đô ánh sáng Paris, Pháp

Paris không chỉ là thủ đô mà còn là thành phố đông dân nhất nước Pháp, đồng thời là một trong 3 thành phố phát triển nhất thế giới với London (Anh) và New York (Mỹ).

[VIDEO] Saigon to Paris 2024 Phần 24 | Đoàn xe Việt Nam đầu tiên đến Paris & kết thúc hành trình sau 60 ngày

Kể từ thế kỷ 17, Paris đã là một trong những trung tâm lớn về tài chính, ngoại giao, thương mại, thời trang, ẩm thực, khoa học và nghệ thuật của thế giới.

Tên gọi “Paris” xuất phát từ người Parisii – bộ tộc Gaulois. Năm 52 TCN, khi người La Mã đến và gọi khu vực này là “Lutetia” hay “Lutetia Parisiorum”. Khoảng năm 300, “Lutetia” được đổi tên thành “Paris”, lấy từ chữ “Civitas Parisiorum” – có nghĩa Thành của người Parisii.

Chúng ta thường nghe nói Paris là “kinh đô ánh sáng” có hai lý do khiến 200 năm qua thành phố này có biệt danh đặc biệt.

Đầu tiên là vào cuối thế kỷ 17, trung tướng cảnh sát đầu tiên của Paris là Gabriel Nicolas de La Reynie đã ra lệnh thắp sáng những khu vực công cộng nhiều tệ nạn của thành phố. Nhưng Paris nổi tiếng với vị trí trung tâm văn hóa, tri thức của cả thế giới, nên tên gọi “Ville lumière” (tạm dịch ‘Thành phố ánh sáng’) được hiểu từ nghĩa đen sang nghĩa bóng.

Tiếp đó là đến năm 1820, Paris áp dụng hệ thống chiếu sáng công cộng với đèn khí gas, phát triển bởi kỹ sư Philippe le Bon. Paris là thành phố áp dụng thành công nhất, tạo ấn tượng về sự rực rỡ nơi đây khiến nhiều người đến đây vào ban đêm bị choáng ngợp và gọi rằng “kinh đô ánh sáng”.

Nam tước Haussmann – người cải tạo Paris ngày nay

Georges-Eugène Haussmann còn được biết đến là Nam tước Haussmann (27/3/1809-11/1/1891) được Hoàng đế Napoleon III yêu cầu đổi mới đô thị quy mô lớn với đại lộ, công viên, công trình công cộng mới tại Paris. Vậy nên Paris ngày nay là nhờ sự cải tạo của Haussmann.

Bản đồ quy hoạch Paris của Haussmann vào năm 1853, có những con phố đã hoàn thành và chưa hoàn thiện (Ảnh: Wikimedia Commons)

Napoleon III và Haussmann đã khởi động một loạt các dự án công trình công cộng khổng lồ ở Paris, cải thiện vệ sinh, cung cấp nước và lưu thông giao thông của thành phố.

Các đại lộ được quy hoạch nhằm triển khai quân đội và pháo binh dễ dàng, nhưng mục đích chính của nó là giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông trong thành phố đông đúc và kết nối các tòa nhà mang tính bước ngoặt của thành phố.

Napoleon III và Haussmann gặp nhau hầu như mỗi ngày để thảo luận về các dự án và vượt qua những trở ngại, sự phản đối mà họ phải đối mặt khi xây dựng Paris mới.

Từ năm 1815, dân số Paris tăng gấp đôi nhưng diện tích đất không tăng, vì vậy Napoleon III sáp nhập 11 xã xung quanh và tăng số quận từ 12 lên 20 quận; mở rộng thành phố đến ranh giới hiện tại.

Gần 2 thập kỷ trị vì của Napoleon III và một thập kỷ sau đó, Paris là công trường xây dựng khổng lồ.

Từ năm 1854, tại trung tâm thành phố, công nhân của Haussmann đã phá bỏ hàng trăm tòa nhà cũ và cắt 80 km đại lộ mới, kết nối các điểm trung tâm của thành phố. Các tòa nhà dọc theo những đại lộ này được yêu cầu phải có cùng chiều cao và theo cùng một phong cách, và được ốp bằng đá màu kem, tạo nên diện mạo đồng nhất của các đại lộ Paris.

Haussmann đã xoay xở để xây dựng lại thành phố trong 17 năm và tổng số tiền để thực hiện cải tạo thành phố lên đến 2,5 tỷ Franc, điều này dấy lên những chỉ trích liên quan đến việc phung phí tiền bạc.

Theo ước tính, các đại lộ và không gian mở mới đã di dời 350.000 người, đến năm 1870, 1/5 đường phố ở trung tâm Paris là do ông sáng tạo ra.

Các công viên và khu vườn mới của Napoleon III giúp người dân thư giãn, giải trí; nhất là khu vực đang mở rộng. Cảm hứng được dựa theo các công viên ở London, đặc biệt là Công viên Hyde, nhưng Napoleon III muốn xây dựng ở quy mô lớn hơn nhiều.

4 công viên lớn gồm: Bois de Boulogne (1852–58) ở phía Tây Paris, Bois de Vincennes (1860–65) ở phía Đông, Parc des Buttes Chaumont (1865–67) ở phía Bắc và Parc Montsouris (1865–78) ở phía Nam.

Ngoài ra, Haussmann còn cải tạo và trồng nhiều cây xanh mới tại các công viên cũ của thành phố, gồm Parc Monceau (trước đây thuộc sở hữu của gia đình Orleans) và Jardin du Luxembourg.

Cột đá Obélisque de la Concorde

Obélisque de la Concorde là cây cột đá trước cửa đền Louxor, Ai Cập, hiện nay nằm trên quảng trường Concorde, Quận 8 thành phố Paris. Đây là quà tặng của phó vương Ai Cập – Mohammed Ali dành cho nước Pháp vào tháng 5/1830, đến ngày 23/12/1833, cây cột mới về Paris và được dựng trên quảng trường vào ngày 25/10/1836.

Tên gọi “Obelisk” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp để chỉ những cột đá cao và thon, có hình dạng kim tự tháp ở đỉnh. Những cột này rất phổ biến trong kiến trúc Ai Cập cổ đại.

Dựng cột Obélisque vào ngày 25/10/1836

Quảng trường Concorde là điểm giao của hai trục quy hoạch đô thị quan trọng, gồm:

Trục thứ 1: Axe historique (còn được hiểu là “trục lịch sử” hay tên gọi khác là “Voie royale” – đường hoàng gia) từ bảo tàng Louvre đến quảng trường và thẳng tiến Grande Arche de la Défense (Cổng lớn) cách Khải Hoàn Môn 4 km.

Trục thứ 2: Nối nhà thờ Madeleine với quảng trường, thẳng qua cầu Concorde sang Palais Bourbon bên kia sông Seine.

Quảng trường Concorde

Cột đá Obélisque de la Concorde có chiều cao 23 mét, nặng 227 tấn, tuổi đời hơn 3000 năm. Phần thân trang trí chữ tượng hình Ai Cập tán dương triều đại vua Ramses II, đỉnh chóp hình kim tự tháp bị lấy mất, được cho là từ thế kỷ VI TCN, được nhà nước Pháp thay thế phiên bản dát vàng cao 3,5 mét.

Tháp Eiffel – biểu tượng công trình kiến trúc tại Paris

Tháp Eiffel, tên tiếng Pháp “Tour Eiffel” là công trình bằng thép tại công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine, thủ đô Paris nước Pháp.

Tháp Eiffel, tên tiếng Pháp “Tour Eiffel” là công trình bằng thép

Trước đó, tháp Eiffel có tên gọi là Tour de 300 mètres (tháp 300 m) do kỹ sư Gustave Eiffel xây dựng từ năm 1887 tới năm 1889, nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1889. Đồng thời cũng là Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp. Chiều cao của công trình là 300 m, nhưng cột ăng-ten radio đã giúp tháp Eiffel đạt độ cao 325 m.

Từ khi khánh thành vào năm 1889, tháp Eiffel là công trình cao nhất thế giới và giữ vững vị trí này trong suốt hơn 40 năm. Tháp Eiffel là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất tại Paris và trên toàn thế giới.

Từ khi khánh thành cho tới năm 2007, tháp đã có hơn 236 triệu lượt khách đến tham quan. Riêng năm 2007, tháp Eiffel đã đón tiếp gần 7 triệu du khách, giữ vị trí công trình tính phí thu hút nhất trên thế giới.

Hiện nay công trình do Công ty khai thác tháp Eiffel (Société d’exploitation de la tour Eiffel – SETE) quản lý. Với 3 tầng sàn, không gian của tháp Eiffel được chia cho nhiều dịch vụ khác nhau.

Ngoài hai nhà hàng Altitude 95 và Le Jules-Verne nằm ở tầng 2 và 3, tháp còn có các hiệu ăn nhanh, phòng trưng bày, cửa hàng lưu niệm, điểm truy cập Internet, cửa hàng bán các con tem kỷ niệm của Pháp…

Vương cung thánh đường Sacré-Cœur, Paris

Basilique du Sacré-Cœur – Vương cung thánh đường Sacré-Cœur do kỹ sư Paul Abadie được khởi công vào năm 1875 và hoàn thành năm 1914. Đây là nhà thờ Công giáo nổi tiếng tại Paris, nhà thờ toạ lạc trên đỉnh đồi Montmartre (Quận 18), nhà thờ Sacré-Cœur được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, dâng cho trái tim Chúa Giêsu. Từ “Sacré-Cœur” có nghĩa là “Thánh Tâm”.

Phía trước nhà thờ, có thể ngắm toàn cảnh thành phố Paris thông qua các kính viễn vọng. Nhà thờ theo phong cách La Mã-Byzance cùng các mảnh kính màu trang trí từ năm 1903 tới năm 1920. Tháp chuông của nhà thờ còn có quả chuông mang tên Savoyarde, lớn nhất nước Pháp.

Không chỉ là công trình tôn giáo quan trọng, nhà thờ Sacré-Cœur ngày nay còn là địa điểm thu hút du khách thứ hai Paris, chỉ sau nhà thờ Đức Bà.

Kết thúc hành trình Saigon to Paris 2024

Ngày 61 và 62 của hành trình, cả nhóm tham quan thành phố Paris với nhiều công trình cổ trường tồn với thời gian.

Đứng tại tháp Eiffel, các thành viên tham gia Saigon to Paris đều tràn đầy cảm xúc vì các xe và thành viên đều đã hoàn thành cung đường đặc biệt này.

Nhìn lại quá trình hơn 60 ngày lăn lộn vất vả, vui buồn, hạnh phúc lẫn khổ đau cho đến bây giờ anh em về đích đến do anh em đặt ra. Quan trọng nhất là anh em đi đến nơi về đến chốn, an toàn khoẻ mạnh và không có ai xảy ra sự cố về mặt y tế hay kỹ thuật về xe. Khi có sự cố trục trặc xảy ra, anh em đều ngồi lại tìm phương án xử lý. Để thực hiện chuyến đi để đời như vậy cần hội tụ thời gian, sức khoẻ, kinh tế, đam mê“, anh Đoàn chia sẻ.

Sau chuyến caravan từ Sài Gòn – Việt Nam đi đến Paris – Pháp, trong tương lai nhóm sẽ thực hiện nhiều chuyến hành trình đi overland khác. Có thể sẽ là chuyến khám phá nước Nga từ bờ Đông sang bờ Tây hoặc trở lại Con Đường Tơ Lụa từ thành Trường An (nay là Tây An, nơi các thương gia Trung Quốc tập kết tơ lụa) để đi đến Venice (Ý) hoặc thực hiện chuyến lái xe một vòng Bắc Mỹ…

Hẹn gặp các bạn trong các hành trình tiếp theo.

Chia sẻ bài đăng này

It's a Rally not a Race!
Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.