VietRally Delta Mekong Rally 2024 – Trải nghiệm chinh phục 9 cửa sông Cửu Long bằng xe hơi

0

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú xanh tươi và tràn ngập nắng gió luôn là nơi thu hút những lữ khách từ khắp mọi miền. Hành trình theo phong cách Rally dài 550 km đi qua 9 nhánh cửa sông Cửu Long từ Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cần Thơ đã đem đến những trải nghiệm mới lạ và hấp dẫn, không thể nào quên!

Đồng bằng sông Cửu Long hay còn gọi là Châu thổ sông Mekong, phần lãnh thổ cực nam của Việt Nam, được biết đến như một vùng đất màu mỡ bậc nhất và còn là vựa lúa của cả nước. Khu vực này mang vẻ đẹp tự nhiên thuần khiết, với mạng lưới kênh rạch đa dạng, những ngôi làng nhỏ, vườn cây trái trĩu quả, các cánh đồng xanh mênh mông và những con sông dài bất tận, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi người khách du lịch có dịp ghé qua nơi đây.

Được biết đến như một trong những con sông dài nhất thế giới, sông Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia trước khi chảy vào Việt Nam rồi đổ ra biển Đông theo 9 cửa sông, được ví như “9 con rồng uốn lượn” và tạo nên tên gọi “sông Cửu Long”. Người Việt tiếp tục chia con sông này thành 2 nhánh lớn là sông Tiền và sông Hậu, đồng thời đặt tên cho các cửa sông là cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An, cửa Ba Thắc và cửa Trần Đề theo hướng từ phía Bắc xuống phía Nam. Đó cũng chính là hướng di chuyển theo chỉ dẫn của cuốn Road Book hành trình “Delta Mekong Rally 2024” mà các thành viên tham dự phải tuân thủ.

Sáng sớm ngày 14/6/2024, tổng cộng 9 đội xe đã tập trung tại khu vực Quận 7, TP.HCM để chuẩn bị xuất phát. Như thường lệ, đây cũng là lúc mà các thành viên của từng đội xe được chính thức nhận cuốn Road Book từ ban tổ chức, nhằm xác định hướng đi cũng như các điểm checkpoint trên đường hành trình. Dù trước đó mọi người đều biết rằng mình sẽ có một chuyến “đi miền Tây” qua 5 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cần Thơ, nhưng phải đến lúc này mới có thể mường tượng được rằng cung đường sẽ lắt léo và nhiều thử thách đến thế nào!

Từ điểm xuất phát, mỗi đội xe lần lượt khởi hành cách nhau 2 phút. Đoạn đầu tiên chỉ mang tính chất “khởi động” với quãng đường khoảng 40 km, đưa các xe ra khỏi thành phố theo hướng từ Quận 7 đến Quốc lộ 50, đi xuyên qua tỉnh Long An để tới Tiền Giang.

Nằm trải dọc trên bờ bắc sông Tiền và có vị trí địa lý thuận lợi, Tiền Giang đã trở thành một trong những trung tâm văn hóa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời có sức phát triển hàng đầu trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Một trong những điểm nhấn của tỉnh Tiền Giang là đường bờ biển dài 32 km, bắt đầu từ cửa sông Soài Rạp ở hướng Bắc cho đến sông cửa Tiểu ở phía Nam. Tại đây, các thành viên tham dự hành trình đã có dịp được thưởng thức đoạn đường ven biển thẳng tắp gần 10 km, nếu trong những ngày đẹp trời hoàn toàn có thể phóng tầm mắt ra xa để nhìn thấy Cần Giờ và thậm chí là cả Vũng Tàu.

Thật sự rất hiếm khi tại miền Tây mà có thể tìm được một đoạn đường thẳng sát biển và dài đến thế. Đi ven biển theo lối này cũng dẫn đến bến phà Bến Chùa đưa người và phương tiện vượt qua sông cửa Tiểu, nối đôi bờ Gò Công với cù lao Tân Phú Đông.

Là một trong số các phân lưu của sông Tiền, nhánh sông cửa Tiểu có chiều dài khoảng 45 km, chảy theo hướng Tây-Đông bắt đầu từ cù lao Tấu (cách cầu Rạch Miễu khoảng 14 km về phía hạ lưu của sông Tiền), chảy qua các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông của Tiền Giang và đổ vào Biển Đông tại cửa Tiểu, huyện Gò Công Đông. Không tính thời gian chờ phà, chỉ cần 15 phút là đã có thể qua được bờ bên kia vì lòng sông chỉ chưa tới 1 km.

Đặt chân lên cù lao Tân Phú Đông, các đội xe di chuyển thêm khoảng 8 km trên trục đường chính, xuyên qua những ao nuôi tôm và những hàng dừa cao vút là tới bến phà Bình Tân – Cửa Đại. Đây là điểm cuối thuộc tỉnh Tiền Giang trong chuyến hành trình lần này, đồng thời là chuyến phà thứ 2 vượt sông cửa Đại đến với tỉnh Bến Tre.

Sông cửa Đại nằm giữa 2 huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, tạo nên ranh giới hành chính tự nhiên của 2 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long này. Đúng như tên gọi, sông cửa Đại lớn hơn sông cửa Tiểu khá nhiều khi khoảng cách đôi bờ khi đi phà Bình Tân lên tới khoảng 2,5 km.

Kể từ khi được đi vào hoạt động dịp Tết Nguyên đán 2017 đến nay, bến phà Bình Tân qua sông Cửa Đại đã rút ngắn cự ly đường từ huyện Bình Đại (Bến Tre) theo Quốc lộ 50 đến TP.HCM khoảng 70 km, góp phần vận chuyển hành khách, hàng hóa và các phương tiện giao thông, đảm bảo an toàn đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa, thúc đẩy kinh tế 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre phát triển.

Được ví như hòn đảo xanh nằm giữa bốn bề sông nước Cửu Long, Bến Tre có đặc trưng là hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; phong cảnh nên thơ, trữ tình đồng thời nổi tiếng với danh hiệu “Xứ sở Dừa Việt Nam” nhờ những vườn dừa xanh bạt ngàn. Vùng đất nắng ấm “Xanh, sạch, đẹp” luôn sẵn sàng chào đón du khách vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Để đến được điểm checkpoint tiếp theo, các đội xe phải đi qua cống đập Ba Lai. Được xây dựng tại cửa sông Ba Lai, thuộc địa bàn xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, đây là một trong 9 hạng mục của dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre và là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất đồng bằng Sông Cửu Long. Cống đập Ba Lai có mục tiêu ngăn mặn, tạo nguồn ngọt, thau chua rửa phèn, cải tạo đất tự nhiên phía thượng nguồn, trong đó đất canh tác nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành và thị xã Bến Tre.

Hiện nay, nguồn nước của sông Ba Lai chủ yếu từ sông Mỹ Tho sang qua kênh An Hóa. Bắt đầu từ vị trí ngã tư kênh An Hóa tại xã An Hóa, sông chảy về hướng đông nam đổ ra Biển Đông tại cửa Ba Lai, nằm giữa hai huyện Bình Đại và Ba Tri. Tuy nhiên, do dòng chảy của sông Ba Lai yếu nên không tống được phù sa dạt từ cửa Đại vào cửa Ba Lai. Từ đó cửa Ba Lai cũng bị phù sa bồi đắp và dòng chảy sông Ba Lai bị nghẽn ở đầu ra cửa biển.

Sau khoảng gần 30 km rong ruổi trên đường hành trình, lần lượt các đội xe đặt chân đến Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu. Tọa lạc tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đây là một quần thể kiến trúc có quy mô lớn với diện tích lên đến 1,5ha, bắt đầu được xây dựng vào năm 1972 và liên tục được trùng tu theo thời gian để trở nên ngày càng bề thế và hùng vĩ hơn.

Công trình này bao gồm: Cổng tam quan, đền thờ mới, đền thờ cũ, nhà bia và khu mộ. Đền thờ mới theo phong cách kiến trúc trùng thiềm điệp ốc được bắt đầu xây dựng vào năm 2000 – 2002. Đền có chiều cao tầm 21 mét, sử dụng chất liệu bê tông cốt thép nên rất vững chãi kết hợp cùng ngói âm dương và hoa văn trang trí trên tường theo lối truyền thống với những điểm nhấn thể hiện sự tao nhã, tinh tế của nhà thơ yêu nước.

Tuy ông Nguyễn Đình Chiểu không sinh ra tại vùng đất Bến Tre nhưng đã dành phần lớn đời mình cống hiến cho lao động nghệ thuật tại nơi này, nhà thơ đã có tác động lớn, xây dựng tình yêu thương, sự kính trọng của người dân địa phương. Ngày 1/7 hằng năm, ngày sinh của cụ, đã trở thành một lễ hội truyền thống văn hóa đối với người Bến Tre để tưởng nhớ ông. Năm 1990, Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành khu Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được công nhận bởi nhà nước. Đến năm 2017, khu di tích này lại tiếp tục được Bộ VH-TT&DL cấp Bằng công nhận khu Di tích văn hóa, lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.

Từ điểm checkpoint này, di chuyển thêm gần 40 km nữa dọc theo bờ sông Hàm Luông về hướng thành phố Bến Tre, các thành viên tham dự hành trình dừng nghỉ qua đêm tại tổ hợp khách sạn Bến Tre Riverside Resort. Khu nghỉ dưỡng 4 sao đầu tiên của tỉnh Bến Tre, được xây dựng trên nền đất cũ của bến phà Hàm Luông, xung quanh là thiên nhiên tươi đẹp, cảnh quan độc đáo, khí hậu trong lành với nhiều tiện ích nổi bật…

Sáng ngày 15/6, hành trình tiếp tục với chặng đường gần 100 km từ Bến Tre đi theo hướng Quốc lộ 60, với nhiều lần vượt sông trên những cây cầu lớn để đến với tỉnh Trà Vinh.

Cầu Hàm Luông bắc qua sông Hàm Luông trên Quốc lộ 60 nối liền Thành phố Bến Tre và huyện Mỏ Cày Bắc. Sau khi được khánh thành vào ngày 30/4/2010, cầu Hàm Luông chính thức thay thế vai trò của bến phà Hàm Luông cách đó khoảng 2,3 km về phía hạ lưu. Cầu có tổng chiều dài 8.216 mét, rộng 16 mét với 4 làn xe và và 2 lề bộ hành.

Hàm Luông là con sông lớn chảy trọn vẹn trên đất Bến Tre, ranh giới tự nhiên giữa hai cù lao Bảo và Minh, dài 70 km. Lòng sông sâu từ 12 – 15 mét, rộng trung bình từ 1.200 đến 1.500 mét, riêng đoạn gần cửa biển (cửa Hàm Luông hay còn gọi là Giồng Luông) rộng đến hơn 3.000 mét, đứng bên bờ bên này không nhìn thấy bên kia khi thủy triều lên.

Sông Hàm Luông có lưu lượng nước dồi dào nhất so với các sông khác của tỉnh, góp phần tạo nên sự trù phú của các huyện: Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri và thành phố Bến Tre. Trên sông có những cù lao hoặc cồn đất nổi tiếng như: cù lao Tiên Long, cù lao Thanh Tân, cù lao Lăng, cù lao Ốc, cù lao Lá, cù lao Linh, cù lao Đất, cồn Hố, cồn Lợi,…

Đi được khoảng 30 km theo Quốc lộ 60, các đội xe đến khu vực xã Thành Thới A và tiến hành băng qua sông Cổ Chiên trên 2 cây cầu. Đầu tiên là cầu Tân Điền dài 290,5 mét nối liền huyện Mỏ Cày Nam và ấp cồn Thành Long; sau đó đến cầu Cổ Chiên nối qua địa phận huyện Càng Long của tỉnh Trà Vinh.

Cầu Cổ Chiên có tổng chiều dài 1,59 km, rộng 16 mét với 4 làn xe bắc qua sông Cổ Chiên từng được chính thức thông xe vào năm 2015. Đây cũng là một trong những công trình giao thông trọng điểm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp rút ngắn 70 km khoảng cách từ Trà Vinh đi Thành phố Hồ Chí Minh, mở ra triển vọng phát triển kinh tế xã hội cho toàn vùng.

Trước đây khi chưa có cầu Cổ Chiên, người dân Bến Tre và Trà Vinh qua lại phải đi phà mất gần cả tiếng đồng hồ. Vào giờ cao điểm hoặc lễ tết có khi người dân phải chờ vài tiếng đồng hồ mới lên được phà, rất bất tiện, mất thời gian và hao phí tiền bạc.

Sông Cổ Chiên đổ ra biển Đông qua hai cửa là Cổ Chiên và Cung Hầu, trong đó cửa Cổ Chiên thuộc địa phận tỉnh Bến Tre, độ sâu từ 5 đến 6 mét, ít bãi bồi, nên tàu bè ra vào tương đối thuận tiện. Cửa sông này có địa hình phức tạp, hai bên bờ đa số là cây bần. Cửa Cung Hầu thì lại thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và cũng là cửa sông cuối cùng thuộc nhánh sông Tiền.

Từ đây, theo chỉ dẫn trên sách Road Book, các đội xe di chuyển về phía Nam theo hướng Quốc lộ 53 đến bến phà Kênh Tắt. Đây là một tuyến kênh dài 8,2 km thuộc huyện Duyên Hải, được đào nối từ kênh Quan Chánh Bố thông ra biển Đông nhằm phục vụ việc thông luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu ở cửa Định An.

Điểm đặc biệt của phà Kênh Tắt là miễn phí cho toàn bộ mọi phương tiện sử dụng suốt từ cuối năm 2016 đến nay. Sang đến bờ bên kia, đi tiếp hơn 20 km qua thị trấn Long Thành, xã Long Khánh về hướng Tây sẽ được một bến phà khác, lần này là bến Long Vĩnh – An Thạnh 3 đưa các đội xe qua đến địa phận cù lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Cù lao Dung có chiều dài hơn 30 km được mệnh danh là nốt son của Đồng bằng sông Cửu Long, được bao bọc bởi toàn bộ nhánh sông Hậu đổ ra biển Đông theo 2 cửa sông là Định An và Trần Đề. Đặc biệt, cửa Ba Thắc (Bassac) xưa kia đổ thẳng ra biển thì nay cũng đã trở thành một phần của cù lao Dung sau khi bị dòng chảy, phù sa bồi lắng làm thay đổi, chỉ còn lại con rạch nhỏ chảy ra sông Hậu cách cửa biển Trần Đề không xa. Vì lẽ đó, số lượng các cửa sông Cửu Long hiện tại trên thực tế chỉ còn 8.

Nơi đây như một Đồng bằng sông Cửu Long thu nhỏ, với địa hình độc đáo “giữa sông lại giáp biển” có đặc thù là vùng nước ngọt, vùng nước lợ và cả vùng nước mặn ven biển. Nằm ở vị trí cuối dải cù lao là xã An Thạnh Nam có khu rừng bần ngập nước hằng năm lấn dần ra biển, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, hấp dẫn với nhiều loài thực vật và động vật hoang dã, như: khỉ, rái cá, rắn, tôm, cua, cá, vọp…, nhiều đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng trăm ngàn con, cộng với rất nhiều đàn ong rừng. Đây chính là điểm đến du lịch tuyệt vời cho những du khách yêu thiên nhiên, thích du lịch sinh thái, thích khám phá, nghiên cứu và trải nghiệm.

Sau nhiều giờ thử thách trên những con đường hoang sơ của cù lao Dung, các thành viên tham gia hành trình lần này di chuyển đến bến đò Nông Trường, băng qua cửa sông Trần Đề và cập bến mạn Nam Sông Hậu của tỉnh Sóc Trăng. Từ đây, tuyến Quốc lộ 91B đưa tất cả về đến trung tâm thành phố Cần Thơ theo quãng đường dài gần 80 km.

Thành phố Cần Thơ là điểm đến cuối cùng của ngày thứ 2 trong hành trình. Các đội xe nghỉ ngơi tại khách sạn Mường Thanh Luxury và tham dự tiệc tối Gala Dinner, cùng nhau tổng kết lại những thành tích đạt được trên đường đi. Ai về đến đích theo từng chặng sớm nhất, những ai đi lạc đường và đi chệch hướng bao xa, đã đến được bao nhiêu điểm checkpoint và có đúng thứ tự hay không… đều là những chủ đề thảo luận vui vẻ quanh bàn tiệc.

Đối với những người đam mê du lịch, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã không còn xa lạ vì đã có nhiều chuyến đi khai thác được những nét đặc sắc tại nơi đây. Tuy nhiên, hành trình “Delta Mekong Rally 2024” di chuyển bằng xe hơi theo Road Book mang đậm phong cách Rally đã mang đến những cung đường khác biệt và hấp dẫn hơn hẳn. Tất cả các thành viên tham gia đều háo hức mong chờ đến chuyến đi tiếp theo do VietRally tổ chức!

Tham khảo VietRally

NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcSau 3 tháng nhận xe, các chủ xe VinFast VF 7 tấm tắc: ‘Hơn hẳn xe xăng’
Bài tiếp theoBugatti Tourbillon – siêu xe hypercar với động cơ V16 hybrid mạnh 1.800 mã lực