T-Cross được phát triển từ cùng một nền tảng khung gầm MQB A0 với dòng xe hạng B Polo, do đó xe thuộc cùng phân khúc với Ford EcoSport, Hyundai Kona, Honda HR-V ở Việt Nam. Ngang cỡ với T-Cross còn có những mẫu xe như Suzuki Vitara, Chevrolet Trax, Mazda CX-3, Toyota C-HR, v.v…
Với chiều dài tổng thể 4.107 mm, chiều dài cơ sở 2.560 mm và chiều cao 1.558 mm, T-Cross dài hơn 54 mm và rộng hơn 97 mm so với Polo. Có thể thấy, việc sử dụng nền tảng khung gầm MQB A0 đã cho phép các kỹ sư Volkswagen mang đến cho T-Cross phần chiều dài cơ sở chiếm tỷ lệ lớn so với chiều dài tổng thể, nhờ dịch chuyển phần cầu trước sát mũi xe hơn. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là T-Cross không thể được trang bị dẫn động 4 bánh và không thể đi off-road, dù chỉ ở mức độ nhẹ.
Khoang hành lý của T-Cross hoàn toàn mới có dung tích từ 385 đến 455 lít tùy vào vị trí hàng ghế thứ hai dịch chuyển thế nào trong khoảng 140 mm cho phép, còn khi gập phẳng theo tỷ lệ 60:40 sẽ cho dung tích lên đến 1.281 lít. Cộng với phong cách gầm cao như SUV, T-Cross được Volkswagen đảm bảo đủ rộng rãi cho 5 người lớn có thể hình trung bình theo chuẩn Âu Mỹ, đồng nghĩa với dư thừa không gian nếu áp dụng cho phom người Á Đông ở Việt Nam.
Về kiểu dáng, T-Cross thừa hưởng hầu hết những đường nét thiết kế từng được Volkswagen sử dụng cho các mẫu crossover khác. Nhìn từ phía trước, xe hao hao Touareg. Phía bên hông lại thể hiện sự ảnh hưởng từ Tiguan. Riêng phần đuôi xe có nhiều tính đặc trưng nhất, thể hiện qua phần đường ngang kết nối cụm đèn hậu, tạo cho xe ấn tượng rộng về bề ngang. Kết quả là một chiếc xe nhỏ nhắn nhưng vẫn thời trang và khỏe khoắn.
Nội thất của T-Cross cũng tương tự như các mẫu Volkswagen thế hệ mới thời gian gần đây, với phong cách hiện đại và sang trọng, không có vẻ gì giống như một mác xe bình dân phổ thông. Bảng điều khiển trung tâm với màn hình cảm ứng 8,0 inch đảm nhận vai trò hiển thị thông tin và giải trí, trong khi cụm đồng hồ truyền thống được thay thế bằng một màn hình kỹ thuật số 10,2 inch.
T-Cross có vô-lăng hoàn toàn mới, chưa hề được sử dụng ở một mẫu xe Volkswagen nào khác. Tay lái này cũng tích hợp nút bấm điều khiển cho phép người lái thao tác dễ dàng mà không rời mắt khỏi tầm quan sát giao thông trước mặt. Bên cạnh các kết nối thiết bị ngoại vi thông dụng, T-Cross còn có tới 4 cổng USB và một bệ sạc không dây, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng thời đại ngày nay.
Đảm bảo khả năng vận hành linh hoạt cho T-Cross là tổng cộng 4 lựa chọn động cơ, trong đó gồm 3 máy xăng và 1 máy dầu diesel, tất cả đều đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 6d-TEMP mới nhất của liên minh châu Âu. Đây cũng là dịp để Volkswagen xua tan bóng ma scandal quá khứ và khẳng định uy tín trở lại.
Ở dạng tiêu chuẩn cơ bản nhất, T-Cross sử dụng động cơ xăng 3 xy-lanh tăng áp TSI có dung tích 1.0L với 2 mức công suất 95 và 115 mã lực tùy theo cấu hình. Những bản T-Cross cao cấp hơn được trang bị động cơ xăng 4 xy-lanh tăng áp TSI, dung tích 1.5L với công suất 150 mã lực hoặc động cơ dầu TDI 1.6L công suất 95 mã lực.
T-Cross hoàn toàn mới đương nhiên sở hữu đầy đủ các công nghệ an toàn như hệ thống hỗ trợ cảnh báo vượt Front Assist, phát hiện người đi bộ Pedestrian Monitoring, phanh tự động khẩn cấp City Emergency Braking System, duy trì làn đường Lane Assist, khởi hành ngang dốc Hill Start Assist, cảnh báo điểm mù Blind Spot Detection tích hợp cảnh báo hoạt động giao thông phía sau Rear Traffic Alert.
Nếu khách hàng muốn nâng cao tính an toàn hơn nữa, họ có thể chọn gắn thêm các trang bị như hệ thống cảnh báo người lái Driver Alert System, cơ chế ga tự động thích ứng Automatic Adaptive Cruise Control và công nghệ hỗ trợ đỗ xe Park Assist.
Volkswagen hiện đang cho sản xuất T-Cross hoàn toàn mới tại các nhà máy của hãng ở Tây Ban Nha, Nam Mỹ và Trung Quốc. Xe sẽ bán ra thị trường vào năm 2019.