Về bản chất, TSR-S là biến thể mới nhất của TS1 GT – mà bản thân mẫu xe này là thế hệ kế tiếp của siêu xe ST1 đời đầu của Zenvo – nên TSR-S vẫn sở hữu thiết kế tổng thể quen thuộc đã có từ dòng ST1 cách đây gần 10 năm. Xe cũng được điều chỉnh lại khá nhiều so với bản TSR vốn chỉ được dùng trong đường đua.
Theo Zenvo, hãng đã làm mới lại TSR-S với các chi tiết như lưới tản nhiệt trước lớn hơn, bộ chia gió và khuếch tán gió tích hợp cũng được làm to thêm để tăng hiệu quả khí động học. Bodykit bằng sợi carbon giúp giảm khối lượng xe đi đáng kể. TSR-S còn sở hữu bộ cánh đuôi đặc biệt với tên gọi Centripetal Wing. Với các bản lề linh hoạt và hệ thống tay đòn thủy lực, bộ cánh đuôi này có khả năng xoay chuyển theo cả 2 trục ngang và dọc.
Sự linh hoạt này khiến nó không chỉ đóng vai trò là phanh không khí, mà còn có tác dụng ổn định thân xe theo chiều góc cua. Thêm vào đó, với phần giá đỡ cùng bản thân cánh đuôi đều được làm bằng sợi carbon, Centripetal Wing còn đóng vai trò như những thanh ổn định chống nghiêng thân xe, khiến độ ổn định ở phần đuôi của TSR-S càng tăng thêm gấp bội.
Tiếp tục lấy cảm hứng từ mẫu xe đua TSR, Zenvo đã loại bỏ hoàn toàn các trang bị tiện nghi và thậm chí là an toàn bên trong cabin của TSR-S so với TS1 GT: dàn âm thanh, hệ thống thông tin giải trí, điều hòa, túi khí. Tuy nhiên, khác với TSR, một số thành phần này có thể được lắp đặt trở lại vào TSR-S nếu khách hàng có nhu cầu.
Gần như mọi bề mặt trong nội thất đều được làm từ sợi carbon, trong khi một số vị trí bọc Alcantara chỉ để nhằm chống ánh sáng phản chiếu gây lóa mắt cho người lái. Ngay cả bảng đồng hồ kỹ thuật số của TSR-S cũng có giao diện cực kỳ tối giản với một đồng hồ báo tua máy theo phong cách xe đua từ thập niên 80, cùng với phần hiển thị cấp số của chiếc xe.
Nằm ở phía sau cabin của TSR-S là nơi đặt khối động cơ xăng V8 dung tích 5.8L kết hợp cùng 2 bộ siêu nạp, được Zenvo tự phát triển. Nó có thể sản sinh lượng công suất lên đến 1.177 mã lực và đạt mô men xoắn cực đại hơn 1.100 Nm.
Với khối lượng khô chỉ 1.495 kg, TSR-S có thể tăng tốc từ 0 – 100 km/h chỉ trong 2,8 giây, 0 – 200 km/h trong 6,8 giây và đạt tốc độ tối đa giới hạn điện tử ở mức 325 km/h. Đi kèm động cơ này là hộp số ly hợp kép 7 cấp với các bánh răng dạng xoắn ốc, đem tới cảm giác chuyển số mượt mà hoặc cứng cáp phụ thuộc vào chế độ lái dành cho đường đua hay đường phố.
Phần mềm điều khiển động cơ của TSR-S có 3 chế độ: Minimum, Maximum và IQ. Ở chế độ Minimum, công suất của động cơ được khống chế ở mức tối đa 700 mã lực để “dạo phố” nhẹ nhàng. Nếu cần toàn bộ sức mạnh 1.177 mã lực, người sử dụng bắt buộc phải dùng chế độ Maximum. Chế độ IQ đặc biệt hơn khi sử dụng hệ thống điều khiển lực kéo để luôn nắm được tình trạng bám đường của các bánh sau, từ đó điều chỉnh công suất phù hợp một cách hoàn toàn tự động.
Cấu trúc thân xe của Zenvo TSR-S khá đơn giản và giống như nhiều siêu xe khác với dạng bán nguyên khối từ vật liệu thép siêu nhẹ và nhôm, kết hợp với khung phụ trước sau bằng thép cùng thân xe bằng sợi carbon. Tuy nhiên với các giải pháp kỹ thuật sáng tạo nêu trên, hãng vẫn tự tin rằng chiếc xe đem lại trải nghiệm lái gần với xe đua chuyên nghiệp nhất có thể, trong khi vẫn hội tụ đủ điều kiện để được cấp biển số một cách bình thường.