Để chiếc xe luôn là người bạn tốt nhất và đáng tin cậy, việc chăm sóc xe là điều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, đối với xe đậu lâu ngày (trên 7-10 ngày) hoặc đậu trong thời gian dài sẽ tìm ẩn những hỏng hóc trong quá trình sử dụng, nhằm đảm bảo tình trạng xe tốt nhất, chủ xe cần lưu ý những điều này.
Ô tô không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là người bạn đồng hành khi đi làm, đi chơi và đi du lịch,… Ai cũng biết chiếc xe cần chăm sóc và bảo dưỡng thường xuyên để đạt tình trạng tốt nhất. Thế nhưng việc đậu xe quá lâu dễ xuất hiện các bệnh vặt như mất điện, đứt dây điện do côn trùng hoặc chuột phá hoại.
Để tránh các sự cố không cần thiết, trước khi sử dụng lại xe, chủ xe nên tham khảo 6 cách chăm sóc ô tô đậu lâu ngày mùa dịch các bước kiểm tra và bảo quản sau.
1. Hạn chế kéo phanh tay
Cài phanh tay khi đậu xe không có gì sai. Bạn đậu xe thì cài phanh tay sau đó mới về P (xe số tự động) để tắt máy, như vậy vừa giảm tải áp lực lên móc cài số của hộp số mà còn giúp xe không di chuyển.
Hoặc với xe số sàn, việc cài phanh tay giúp xe không bị trôi khi về số mo (N). Tuy nhiên, nếu chiếc xe đậu lâu ngày lời khuyên là bạn nên tìm đá hoặc vật có kích thước vừa đủ lớn để chèn vào bánh xe và hạ phanh tay.
Việc cài phanh tay trong thời gian dài có thể bị kẹt phanh. Dù bạn có hạ phanh tay nhưng phanh vẫn kẹp chặt đĩa. Hiện tượng này dễ xảy ra đối với xe vừa mới đi rửa hoặc xe đi mưa và đậu qua đêm. Nguyên nhân do nước và môi trường ẩm khiến đĩa phanh, má phanh bị gỉ sét dẫn đến kẹt. Trong trường hợp nếu bị kẹt phanh, bạn có thể thử cho xe tiến và lùi vài lần để má phanh có thể bung ra. Nếu bị quá nặng, đừng cố đạp ga sẽ rất nguy hiểm, lúc này bạn nên liên hệ đến gara để nhân viên kỹ thuật tháo ra vệ sinh sẽ an toàn hơn.
2. Nên khởi động xe tối thiểu 1 lần sau khi đậu từ 5-7 ngày
Dù xe bạn không nâng cấp bất cứ thiết bị điện tử nào thì việc tối thiểu 1 tuần nên nổ máy 1 lần là cần thiết. Bạn cần hiểu, tắt động cơ không có nghĩa các thiết bị không hoạt động. Xe ô tô ngày nay, các hệ thống điện tử vẫn được hoạt động chờ thông qua điện trong bình ac-quy như đèn cảnh báo, chống trộm, hệ thống khóa cửa xe, hệ thống âm thanh (loa sub),… thiết bị sẽ tiêu thụ lượng điện trong một khoảng nhất định. Không có một đo lường nào chính xác về tuổi thọ của Ac-quy và khi nào Ac-quy hết điện.
Nếu bạn vừa mới thay bình điện thì sau khoảng 7-10 ngày, bạn đề máy xe vẫn nổ bình thường. Nhưng nếu bình điện của bạn có tuổi thọ từ 1,5 năm trở lên thì khả năng tích trữ điện giảm, bạn nên nổ máy xe tối thiểu 4-6 ngày/lần. Khi bạn nổ máy, động cơ sẽ sạc lại điện cho bình ác-quy.
Nhiều người thợ lâu năm thường khuyên chủ xe ít đi là tháo cọc âm của bình điện để không bị hao hụt bình điện. Tuy nhiên, tháo cọc bình đồng nghĩa xe mất điện và khóa tự điện, chống trộm, đèn báo đều mất. Một số dòng xe khi áp dụng cách tháo cọc bình còn báo lỗi hoặc reset thiết bị điện tử trên xe.
Với trường hợp xe yếu bình, hết bình không thể khởi động động cơ, bạn có thể tháo bình điện mang đi sạc, kích điện bằng bình ác-quy khác, đấu điện từ ác-quy xe khác. Để không bị rơi vào tình trạng oái oăm "đột tử" bình điện, bạn có thể chủ động trang bị bộ kích bình. Trên thị trường phụ tùng này có giá cũng chỉ dưới 2 triệu đồng.
3. Đừng để cạn nhiên liệu
Với nhiều tài liệu, bình xăng không được đổ đầy sẽ bị không khí xâm nhập, gây ngưng tụ hơi nước. Nguyên nhân khiến xe khó nổ được các thợ gọi là "nghẹt xăng". Mặt khác, xăng hoặc dầu khi để lâu không sử dụng khiến cho nồng độ bị giảm, khi sử dụng lại động cơ sẽ hoạt động không mượt.
Ngoài việc đổ đầy bình, việc vặn chặt nắp bình nhiên liệu cũng là điều cần lưu ý để hạn chế tình trạng bay hơi. Nếu được, bạn hãy đổ thêm dung dịch ổn định nhiên liệu trước khi đổ đầy bình sẽ giúp hạn chế chất lượng nhiên liệu bị hao hụt.
Tuy nhiên, ngoài việc đổ đây bình nhiên liệu thì việc không để cạn nhiên liệu khi đậu xe lâu ngày cũng là lưu ý cho các chủ xe. Khi mức xăng thấp, bơm xăng sẽ phải hoạt động hiệu suất cao hơn, lâu ngày sẽ dẫn đến gây hư hỏng và khó nổ hơn.
4. Rửa xe sạch sẽ và dùng bạt che phủ toàn bộ xe
Nhiều người cho rằng khi nào sử dụng xe thì mới lau chùi và rửa xe cho sạch sẽ. Theo họ, việc này giúp đỡ tốn công sức, thời gian và tiền bạc, nhưng họ không hiểu rằng bụi bẩn lâu ngày ảnh hưởng trực tiếp đến lớp sơn của xe. Đối với nội thất, các chi tiết bọc da hoặc nhựa sẽ nhanh xuống cấp nếu không được chăm sóc thường xuyên.
Để bảo quản chiếc xe, không nhất thiết phải 5-7 ngày là lôi xe đi rửa, bạn có thể rửa theo chu kỳ 1-2 tuần/lần. Việc này giúp xe luôn trong tình trạng mới mẻ mà còn hạn chế rỉ sét và côn trùng trú ngụ trên chiếc xế yêu. Sau khi rửa xe, bạn nên chạy vài vòng rà phanh để tránh tình trạng đọng nước ở phanh, dễ gây tình trạng kẹt phanh như đã nói bên trên.
Để chiếc xe luôn ở trạng thái sạch sẽ nhất khi đậu trong thời gian dài, bạn nên trùm bạt để hạn chế bụi bẩn và các yếu tố từ bên ngoài.
5. Đừng để bánh xe bị xẹp
Áp suất lốp bị giảm khiến bánh xe bị xẹp và xe đậu trong thời gian dài sẽ khiến bề mặt lốp và ta-lon bên trong bị biến đổi hình dạng. Nguyên nhân là trọng lượng xe đè nặng lên lốp tạo các vết nứt nhỏ và nếu bánh xe của bạn có tuổi thọ trên 3 năm, cao su dễ bị lão hóa thị hiện tượng này sẽ diễn ra nhanh hơn.
Lời khuyên là bạn nên bơm đủ ký hoặc lố ký một chút. Nếu xác định xe nằm vài tháng thì bạn nên dùng trụ đỡ 4 góc bánh. Thao tác khá là công phu nên bạn cần xác định thời gian xe đậu rồi hãy thực hiện.
6. Chống chuột và sâu bọ
Khoang động cơ và thảm sàn là nơi ưa thích của chuột và côn trùng. Bạn nên lưu ý vệ sinh ở dưới sàn động cơ, cốp xe, cabin,… đây là những điểm ưa thích của các loài vật này.
Để phòng tránh, thì theo các tài già nếu xe đậu lâu, cửa kính nên hạ xuống một chút để lưu thông không khí giữa bên trong và môi trường bên ngoài. Thường xuyên vệ sinh khoang động cơ và thảm sàn, không để bánh kẹo trong xe,… dù rằng nhìn chúng rất sạch sẽ nhưng chỉ cần có mùi thì các con vật này sẽ xuất hiện.
Trên đây là các bước bảo quản xe khi đậu lâu ngày hoặc đậu trong thời gian dài. Khi bạn cần tái sử dụng xe, việc cần làm là rửa xe sạch sẽ và kiểm tra tổng thể. Nếu xe đậu từ 3-6 tháng, bạn nên mang đến gara hoặc hãng để bảo dưỡng và thay nhớt, dung dịch làm mát và vệ sinh toàn bộ phanh xe để đảm bảo tình trạng tốt nhất.
Tổng hợp