Aston Martin là thương hiệu xe hơi gắn liền với hình ảnh những quý ông lịch lãm, điển hình chính là bóng hình chàng điệp viên 007 hào hoa với bộ Tuxedo đặc biệt. Những chiếc xe Aston Martin dường như là một phần không thể thiếu trong mỗi cảnh quay hành động của Series phim điệp viên 007 và cũng chính bộ phim này đã truyền cảm hứng, đem thương hiệu xe thể thao sang trọng Anh Quốc tiếp cận được nhiều người hơn. Là một thương hiệu xe hơi có tuổi đời 109 năm, Aston Martin đã nhiều lần gặp phải các biến cố cũng như bước qua nhiều giai đoạn với những người điều hành khác nhau.
Aston Martin ban đầu được thành lập bởi Lionel Martin và Robert Bamford vào năm 1913, họ đã sản xuất một số loại xe cũng như tham gia đua trong sự kiện Aston Hill Climb. Vào năm 1915, họ đã chế tạo chiếc xe hơi của riêng mình có biệt danh là “Coal Scuttle”. Trước Thế chiến thứ nhất, thương hiệu này được đặt tên là Aston Martin, tên gọi này là sự kết hợp của Lionel Martin và cuộc đua Aston Climb Hill. Sau Thế chiến thứ nhất, thương hiệu đã bắt đầu kinh doanh trở lại với những chiếc xe đua mới và một số loại xe đường phố thông thường. Kể từ năm 1924, thương hiệu bắt đầu có những bước chuyển mình thông qua nhiều lần đổi chủ. Tuy nhiên dù nằm trong tay bất cứ ai thì thương hiệu vẫn luôn gìn giữ chất lượng của mình với những chiếc xe hiệu năng cao được chế tác thủ công với độ hoàn thiện cao nhất.
Dưới đây chính là 7 điều mà bất cứ người mê xe nào cũng nên biết về thương hiệu xe hơi lâu đời nổi tiếng Aston Martin, từ đây hiểu rõ hơn ý nghĩa cũng như quá trình phát triển của thương hiệu xe hơi Anh Quốc:
1. Nguồn gốc ký hiệu “DB” nổi tiếng
Dòng xe DB được biết đến nhiều nhất trong số các dòng xe của thương hiệu Aston Martin, và hiện tại DBS là mẫu xe hàng đầu của thương hiệu này. D và B là tên viết tắt của David Brown, một doanh nhân người Anh đã mua Aston vào năm 1947. DB1 ra đời khi David Brown quyết định mua lại thương hiệu Lagonda. Cho dù ông Brown mua lại thương hiệu nhưng trên thực tế, ông chủ yếu muốn có được chuyên môn kỹ thuật của W.O. Bentley và động cơ 6 xi lanh thẳng hàng Lagonda 2.6 lít mới của ông chế tạo. Chính điều này đã trở thành nền móng cho Aston Martin DB5 và về sau này, mẫu xe đã trở thành chiếc xe nổi tiếng của James Bond trong các Series phim ấn tượng.
2. Ford từng “cứu” Aston Martin
Trong suốt những năm 1970 và 1980, Aston Martin bị sang tay liên tục, thậm chí có lúc phải đứng bên bờ vực phá sản. Nó cần một khoản tiền đầu tư để tồn tại lâu dài. Vào tháng 5 năm 1987, chủ sở hữu Aston Martin lúc bấy giờ và Walter Hayes, phó chủ tịch Ford châu Âu lúc bấy giờ đều có mặt tại sự kiện hồi sinh Mille Miglia do Contessa Maggi tổ chức. Chính ông Walter Hayes đã nhìn thấy giá trị của Aston Martin, chính vì thế mà Ford đã mua cổ phần của Aston Martin vào năm 1987 và đến năm 1993 thì mua lại toàn bộ công ty.
Năm 1994, Ford mở một nhà máy mới cho Aston Martin cũng như mở rộng với nhiều dòng xe hơn, sản xuất nhiều mẫu xe cũng như tăng mức sản lượng. Chính điều này đã giúp thương hiệu tạo ra một mẫu xe chủ lực mới vào năm 2001 mang tên V12 Vanquish do ông Ian Callum thiết kế. Mẫu xe sở hữu phần khung xe bằng nhôm composite, khối động cơ V12 được chế tạo dựa trên hai động cơ Ford Duratec V6.
3. Aston Martin với động cơ Mercedes-AMG
Vào năm 2013, Aston Martin đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Daimler AG, thương hiệu này sở hữu 5% cổ phần Aston Martin. Đồng thời thỏa thuận này cũng đem lại hàng loạt sự hỗ trợ về mặt công nghệ của Mercedes như hệ thống thông tin giải trí và điều hướng. Tuy nhiên vào năm 2016, hai thương hiệu đã đi đến một thỏa thuận để sử dụng động cơ Mercedes-AMG vào mẫu xe DB11 mới. Theo truyền thống, Aston Martin sẽ phát triển động cơ của riêng mình nhưng việc tận dụng động cơ AMG đã đem tới cho mẫu xe này một làn gió mới.
Xe được trang bị khối động cơ V8 tăng áp kép 4.0 lít trong khi phiên bản V12 sử dụng động cơ 5.2 lít hoàn toàn mới. Với mức công suất đầu ra 600 mã lực tại 6.500 vòng/phút và mô-men xoắn 700 Nm trong khoảng 1.500-5.000 vòng/phút, động cơ V12 giúp mẫu xe có thể tăng tốc từ 0 – 100 km/h chỉ trong vòng 3,9 giây.
4. Sự phát triển của Logo Aston Martin
Logo Aston Martin bắt đầu đơn giản là một hình tròn với chữ A và M được thiết kế nằm lên nhau. Vào năm 1932, thương hiệu đã thiết kế lại logo với một đôi cánh. Nhiều ý kiến thường cho rằng việc thay đổi logo Aston Martin năm 1932 là Aston Martin đã "mượn" nguồn cảm hứng từ logo của thương hiệu Bentley để biểu thị tốc độ.
Tuy nhiên trên thực tế, ở thời điểm bấy giờ, Ai Cập học là một môn học phổ biến đối với người Anh và nguồn cảm hứng của logo này đến từ đôi cánh đến từ loài bọ hung vốn là trung tâm của tôn giáo cổ đại của Ai Cập. Tên của vị thần Khepri được viết bằng chữ tượng hình con bọ hung và đại diện cho sự tồn tại, sự mạnh mẽ cũng như khả năng phát triển mạnh mẽ.
5. Ý nghĩa tên gọi Lagonda
Một cái tên nổi tiếng thường gắn liền với Aston Martin là Lagonda. Trên thực tế, tên đầy đủ của thương hiệu này là Aston Martin Lagonda Global Holdings PLC. Lagonda ban đầu được thành lập vào năm 1906 bởi một kỹ sư gốc Mỹ tên là Wilbur Gunn. David Brown tiếp quản Aston Martin vào năm 1947 và chuyển Lagonda vào cơ sở của Aston Martin để khởi động lại sản xuất. Aston Martin không hoàn toàn đưa thương hiệu trở lại nhưng đã hồi sinh tên Rapide cho một chiếc sedan năm cửa kiểu dáng đẹp nhằm gợi nhắc đến mẫu xe Lagonda Rapide. Vào năm 1976, thương hiệu đã dựa trên nền tảng Aston Martin V8 để cho ra mắt mẫu xe Aston Martin Lagonda với thiết kế độc đáo.
Aston đã từng đề cập đến việc đưa tên Lagonda trở lại với phân khúc xe sedan hạng sang để Aston có thể tiếp cận các thị trường khác trong khi vẫn giữ tên Aston Martin cho xe thể thao. Tuy nhiên sau đó mới chỉ có mẫu xe Lagonda Taraf với số lượng giới hạn chỉ 120 chiếc từng được sản xuất trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2016.
6. Dòng SUV đầu tiên
Aston Martin đã từng cho ra mắt một mẫu xe Crossover hạng sang với trang bị động cơ V8 tăng áp kép, dung tích 4.0 lít. Mẫu DBX này từng nhận được một số lời hoài nghi về việc có phần “lép vế” so với những đối thủ cạnh tranh, thậm chí là “chậm hơn” so với Bentley Bentayga Speed và Lamborghini Urus. Tuy nhiên thương hiệu mới đây đã cho ra mắt mẫu xe Aston Martin DBX707. Đây chính là mẫu SUV hạng sang mạnh nhất thế giới với sức mạnh 697 mã lực từ động cơ V8 tăng áp kép đã được tinh chỉnh, đồng thời trang bị kết hợp với hộp số ly hợp ướt mới, khung gầm được nâng cấp, gia cố cùng các sửa đổi về diện mạo tổng thể của xe.
Khối động cơ trên xe là động cơ V8 4.0 lít tăng áp kép do AMG cung cấp đã được tinh chỉnh một số chi tiết bởi đội ngũ kỹ sư của Aston Martin để sản sinh ra công suất ấn tượng 697 mã lực, mô-men xoắn 900 Nm. Với những tinh chỉnh này, mẫu SUV hiệu năng cao này mạnh hơn 155 mã lực, mô-men xoắn hơn 200 Nm so với mẫu xe DBX trang bị động cơ V8.
7. Aston Martin Racing
Sau một thời gian dài vắng bóng, Aston Martin trở lại đua với đội đua Aston Martin Racing vào năm 2004 và hợp tác với nhóm chế tạo kỹ thuật Prodrive. Đội đua đã chế tạo những chiếc xe chủ yếu dành cho phân khúc GT và thương hiệu cũng đã tham gia vào giải Le Mans Prototype vào năm 2009. Aston Martin đã đạt được thành công trong Giải vô địch FIA World Endurance Championship khi giành được một số chiến thắng và nhiều danh hiệu khác nhau.
Aston Martin lần đầu tiên tham gia cuộc đua Công thức 1 vào năm 1959 nhưng lại nhận về thất bại vào năm 1960 với kết quả không mấy khả quan. Vào năm 2020 khi chủ sở hữu Racing Point và tay đua Lawrence Stroll mua cổ phần của công ty, đội đua F1 Aston Martin đã trở lại. Vào năm 2021, Aston Martin AMR21 được ra mắt và trong mùa giải đầu tiên, các tay đua đã cán đích ở vị trí thứ năm và thứ hai tại Bỉ và Azerbaijan Grand Prix với sự tham gia của tay đua Sebastian Vettel. Lance Stroll giành được vị trí thứ sáu tại Qatar Grand Prix.
Tham khảo: Carbuzz