Trang chủ » [VIDEO] Khám phá miền Tây cùng xe điện Audi Q8 e-Tron: Tham quan pháo đài Hà Tiên, bãi biển Mũi Nai và đền thờ họ Mạc | PHẦN 2

Chia sẻ bài đăng này

Audi Q8 e-Tron khám phá miền Tây

[VIDEO] Khám phá miền Tây cùng xe điện Audi Q8 e-Tron: Tham quan pháo đài Hà Tiên, bãi biển Mũi Nai và đền thờ họ Mạc | PHẦN 2

Sau một đêm nghỉ ngơi tại thành phố Hà Tiên, hành trình ngày 2 sẽ là khám phá thành phố Hà Tiên, đến bãi biển đẹp nhất tại miền Tây, qua đền thờ nhà họ Mạc và tiếp tục lên đường đến Rạch Giá sạc pin.

Mỗi lần ghé Hà Tiên, địa điểm đầu tiên mình đến chính là khách sạn Pháo đài, bởi nơi đây có thể nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao, ngằm những con đường, bãi biển và thưởng thức ly cà phê chào ngày mới“.

Pháo Đài là một phường thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, điểm đặc biệt là phía tây và nam giáp Vịnh Thái Lan. Ngồi từ khách sạn Pháo Đài có thể ngắm bao quát thành phố và phóng tầm mắt về phía biển sẽ thấy các hòn đảo.

Đôi điều về thành phố Hà Tiên

Thành phố Hà Tiên trước đây thuộc địa bàn huyện Hà Tiên thuộc tỉnh Rạch Giá và sau đó thuộc tỉnh Kiên Giang, thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nằm trong vùng tam giác vàng du lịch của tỉnh: Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc và các huyện phụ cận.

Thành phố Hà Tiên sở hữu vị trí địa lý độc đáo với đường biên giới Campuchia dài 13,7km và đường bờ biển 26km giáp vịnh Thái Lan mang đậm nét lịch sử-văn hóa.

Vùng đất Hà Tiên được thiên nhiên ban tặng đa dạng địa hình như vũng, vịnh, đồng bằng, núi, sông, hang động, hải đảo,… tạo nên nhiều cảnh quan đẹp; được ví von là “Vịnh Hạ Long thu nhỏ”.

Con sông Giang Thành bắt nguồn từ Campuchia, chảy vào khu vực Hà Tiên, dài khoảng 23 km. Sông đổ vào vũng Đông Hồ với chiều rộng cửa sông trên 200 m. Sông Giang Thành nối liền với kênh Vĩnh Tế tạo nên tuyến đường thủy quan trọng từ thành phố Châu Đốc đến thành phố Hà Tiên. Ngoài ra còn có sông Tô Châu và kênh Hà Tiên – Rạch Giá.

Vùng đất hoang sơ này do Mạc Cửu đến khai phá vào giữa thế kỷ 17 và đến cuối thế kỷ này đã trở thành một thương cảng sầm uất.

Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất cho chúa Nguyễn, chúa Nguyễn dùng hai chữ “Hà Tiên” để đặt tên cho cả vùng đất bao gồm toàn bộ tỉnh Kiên Giang và một số vùng lân cận ngày nay.

Khi vua Gia Long lên ngôi, Hà Tiên được đặt thành trấn của Nam Kỳ, trong trấn có huyện Hà Tiên. Năm 1825, để không trùng tên với trấn, vua Minh Mạng đổi huyện Hà Tiên thành huyện Hà Châu. Năm 1832, vua Minh Mạng lại đổi trấn Hà Tiên thành tỉnh Hà Tiên.

Qua từng thời kỳ, tên gọi “Hà Tiên” được giữ nguyên, trước đây là thành trấn, sau đó chuyển đến tỉnh, quận, huyện, thị xã và bây giờ là thành phố.

Khu du lịch Mũi Nai – từng là mốc cao độ gốc “0” của miền Nam 

Khu du lịch Mũi Nai sở hữu bãi cát dài trắng và nước biển trong xanh. Bên cạnh việc tắm biển, còn có thể nhiều hoạt động giải trí như trượt núi Tà Pang, ngắm hoàng hôn thơ mộng trên biển…

Đây cũng là một trong số những bãi biển đẹp nhất khu vực miền Tây. Thời gian tắm biển đẹp nhất từ tháng 11 đến tháng 3, bãi biển đẹp và trong xanh. Từ tháng 3 đến tháng 9 sẽ có gió thổi vào nên sẽ mang theo phù sa nên nước sẽ không còn được trong xanh như vậy.

Đặc biệt, trước năm 1975, mốc cao độ gốc “0” của miền Nam Việt Nam là biển Mũi Nai, Hà Tiên được gọi là INDIAN54. Còn phía Bắc mốc “0” là  Hòn Dấu, Hải Phòng. Sau năm 1975, nhà nước đã chọn mực nước biển trung bình tại trạm nghiệm triều Hòn Dấu, Hải Phòng là chuẩn về độ cao (cao độ bằng 0) duy nhất làm Hệ cao độ quốc gia cho đến ngày nay.

Thạch động gắn liền với truyền thuyết “Thạch Sanh chém Chằn tinh” nổi tiếng. Thạch động nằm trên cao và để lên đến nơi phải bước qua 50 bậc thang. Khung cảnh trên núi sẽ ngắm nhìn những cánh đồng lúa vàng rực, những cây thốt nốt và các ngôi làng truyền thống của người Campuchia nằm ẩn hiện dưới chân đồi.

Ngoài biển Mũi Nai, thành phố Hà Tiên có gì để vui chơi?

Thạch Động còn được mệnh danh là một trong 10 thắng cảnh đẹp nhất của Hà Tiên với các khối đá to kỳ vĩ với đa dạng hình thù.

Thạch Động

Đảo Hải Tặc là quần thể đảo có diện tích 251 ha, nằm ngay trên Vịnh Thái Lan với 18 hòn đảo chìm nổi khác nhau. Đến đảo không chỉ trải nghiệm các hoạt động trên biển, thưởng thức hải sản, lặn ngắm san hô, câu cá trên biển mà còn tìm hiểu đời sống ngư dân làng chài.

Con thuyền của cướp biển được người dân phục dựng tại hòn Tre Vân (Đảo Hải Tặc)

Tên gọi của đảo bắt nguồn từ rất lâu, từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 nơi đây là điểm trú ngụ của cướp biển và thường sẽ tấn công các thuyền buôn khi đi ngang nơi đây.

Chùa Tam Bảo

Chùa Tam Bảo – ngôi chùa có lịch sử 200 năm và được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là Sắc Tứ Tam Bảo Tự

Núi đá Hang Mo So

Khám phá núi đá Hang Mo So, cảnh quan bên trong hang đá này cực kỳ mê hoặc với các vân đá lạ mắt, thạch nhũ sinh động.

Mạc Cửu – Người khai phá vùng đất Hà Tiên

Mạc Cửu (鄚玖) hay Mạc Kính Cửu (鄚敬玖) (1655 – 1735), một thương gia người Hoa (quê huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, vào thời Đại Thanh, niên hiệu Khang Hi thứ 19 năm 1680) có công khai phá, hình thành và phát triển vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang) vào khoảng đầu thế kỷ XVII ở Việt Nam.

Mạc Cửu không khuất phục chính sách buổi đầu của nhà Đại Thanh, đã đi xuống phương Nam và trú tại phủ Nam Vang nước Cao Miên. 

Mạc Cửu chiêu mộ dân Việt Nam lưu tán ở các xứ Phú Quốc, Lũng Kỳ (hay Trũng Kè, Lũng Cả -réam), Cần Bột (Cần Vọt – Kampôt), Hương Úc (Vũng Thơm – Kompong Som), Giá Khê (Rạch Giá), Cà Mau khai hoang lập thành 7 thôn trải dài ven biển từ Kompongsom (Chân Lạp) về tận Cà Mau, trở thành thương cảng quan trọng nằm cặp theo sông Giang Thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, sông Ông Đốc để canh tác, giao thương.

Ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm, Long Kỳ, Cần Bột, Hương Úc, Sài Mạt, Lình Quỳnh và Phú Quốc (đảo Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Cảng Khẩu (còn gọi là Mán Khảm, Kan Kao, Căn Khẩu, Căn Kháo, Căn Cáo).Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới “Căn Khẩu Quốc”. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất giàu có).

Với chủ trương để cho dân khai hoang tự do, không thu tô thuế, chỉ đứng ra tổ chức mua sản phẩm để bán lại cho khách buôn. Chính điều này đã quy tụ dân cư đến Mang Khảm ngày càng đông. Ghe thuyền các nơi, kể cả nước ngoài đến mua bán tấp nập. Sự thịnh vượng khiến cho đất này gặp tai họa. 

Trong khoảng thời gian 1687 – 1688, quân Xiêm vào cướp phá Mương Khảm và bắt Mạc Cửu đưa về Xiêm ở Vạn Tuế Sơn. Vài năm sau, ông trốn về Lũng Kỳ (Lũng Cả) đến năm 1700 thì trở về Phương Thành (Hà Tiên). Sau khi cân nhắc, năm 1708 Mạc Cửu cùng thuộc hạ là Lý Xá, Trương Cầu đem lễ vật đến xin thần phục chúa Nguyễn, Mạc Cửu được truy phong Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị Công – ‘Tổng trấn xứ Hà Tiên’.

Tương truyền ở đây thường có tiên xuất hiện trên sông, do đó mới đặt tên là Hà Tiên (tiên trên sông).

Mạc Thiên Tích – người kiến tạo hào quang phồn thịnh cho trấn Hà Tiên

Mạc Thiên Tích không chỉ là người kế nghiệp dòng họ Mạc ở đất Hà Tiên mà còn là người đặt nền móng cho sự thịnh vượng và phát triển của vùng đất này. Với tầm nhìn xa rộng và tài năng xuất chúng, ông đã biến Hà Tiên từ một trấn nhỏ thành một trung tâm văn hóa, kinh tế, và giao thương sầm uất bậc nhất miền Nam thời bấy giờ.

Mạc Thiên Tứ (1718-1780), chữ Hán: “鄚天賜”, tự là Sĩ Lân, còn gọi là Mạc Thiên Tích (鄚天錫) hay Mạc Tông (鄚琮), là nhà cai trị trấn Hà Tiên – Mueang Phutthai Mat; một vùng lãnh thổ nay thuộc cực Nam Việt Nam và một phần Campuchia. Đương thời ông xưng thần với cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng như triều đình Cao Miên và Xiêm La ở phía Tây.

Mạc Thiên Tích là con Tổng binh Mạc Cửu, ông nối nghiệp cha cai trị đất Hà Tiên khi 18 tuổi (năm 1735 Mạc Cửu qua đời). Chúa Nguyễn Phúc Trú (Nguyễn Phúc Chú, còn được gọi là Nguyễn Túc Tông, Chúa Ninh là vị chúa Nguyễn thứ 7 của chính quyền Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam (tại vị từ 1725 – 1738), nối ngôi Chúa Nguyễn Phúc Chu) phong chức Tổng binh Đại đô đốc trấn Hà Tiên, triều đình Xiêm La phong làm Phraya Rachasetthi.

Hà Tiên dưới thời kì cai quản của Mạc Thiên Tích đã đạt đến đỉnh cao của sự phồn vinh, bộ máy chính quyền được thiết lập, tăng cường quân đội, xây dựng các thành trì, giao thương quốc tế; lúc này Hà Tiên trở thành trung tâm thương mại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nổi tiếng khắp khu vực Vịnh Thái Lan.

Nhờ những đóng góp của Mạc Thiên Tích và gia tộc họ Mạc, Hà Tiên không chỉ được biết đến như một vùng đất trù phú mà còn là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh quân sự, sự phát triển kinh tế, và sự rực rỡ của văn hóa nghệ thuật.

Tham quan đền thờ nhà họ Mạc

Đền thờ họ Mạc còn được gọi là “Trung Nghĩa từ”, “Mạc Công từ” hay “Mạc Công miếu”; còn dân gian thì quen gọi là miếu Ông Lịnh (vì Mạc Thiên Tứ được tôn xưng là Mạc Lịnh Công). Công trình này và khu mộ của dòng Mạc trên triền núi Bình San – một thắng cảnh và di tích lịch sử của trấn Hà Tiên xưa.

Phía trước đền thờ là hai ao sen, tương truyền do Mạc Thiên Tứ sai đào để chứa nước ngọt, cho nhân dân dùng, cho đến hôm nay, nó vẫn còn phát huy tác dụng.

Ngôi đền, ngoài giá trị lịch sử còn là công trình có giá trị nghệ thuật cao, bởi cách bố trí hài hòa và lối chạm trổ tinh vi, sắc sảo. Cả đền thờ được bảo vệ bằng một tường rào dày bằng đá, rêu phong. Ngay cổng đền thờ họ Mạc, có đề tên Mạc Công miếu (莫公廟), hai bên có cặp liễn đối bằng chữ Hán ca ngợi họ Mạc.

Ngày nay, khu di tích lăng Mạc Cửu dưới chân núi Bình San là điểm đến quen thuộc của du khách mỗi khi đến Hà Tiên. Khuôn viên đền thờ họ Mạc lúc nào cũng yên tĩnh, mang vẻ trầm mặc, trong di tích còn có nhiều sắc phong ghi nhận công lao của dòng họ.

Chia tay Hà Tiên để đến Rạch Giá

Chia tay thành phố Hà Tiên, cả nhóm tiếp tục hành trình đến Rạch Giá có lộ trình 95,5 km, thời gian di chuyển tầm 2 tiếng 20 phút. Địa điểm cả nhóm dừng chân là nơi lắp đặt trụ sạc EV One tại khách sạn Sài Gòn Rạch Giá.

Trên đường đi, quang cảnh xung quanh rất đẹp và đường sá êm ái, tuy nhiên các bạn cần chú ý tốc độ giới hạn vì các thiết bị phạt nguội bằng camera khu vực miền Tây rất hiện đại.

Đi được tầm 30 km thì đồng hồ đằng sau vô lăng báo áp suất lốp bị thay đổi đột ngột, có thể xe đã dính đinh nên cả nhóm dừng lại kiểm tra. Không ngoài dự đoán, bánh sau bên phụ đã dính một cây đinh khá dài, có thể là cán trong khu vực xây dựng trước tượng đài của Mạc Cửu.

May mắn là lúc nào trên xe cũng có sẵn đồ nghề xử lý sự cố của Vietmap nên mọi thứ không quá căng thẳng. Bộ bơm lốp kích bình của Vietmap thì chắc các bạn không còn quá xa lạ nữa, bên trong không chỉ có bộ bơm, kích mà còn có luôn ốc keo vá tạm thời cùng tua vít nên sẽ rất thuận tiện cho các bạn xử lý.

Tạm dừng chờ sạc tại Rạch Giá, quãng đường mà chiếc xe Audi Q8 e-Tron này đã đi qua tầm 467 km. Xe vẫn có thể đi tiếp 166 km nhưng cả nhóm vẫn dừng lại để sạc vì tìm trạm sạc khu vực Cà Mau sẽ rất khó; thời gian dự kiến sạc đầy pin là 3 tiếng 24 phút.

Gần 4 tiếng chờ đợi, xe đã sạc được khá khá năng lượng và có thể tiếp tục hành trình. Chi phí của đoạn đường 467 km tầm 700 ngàn đồng, xét về hiệu quả kinh tế khi đi xe điện thì tiết kiệm hơn hẳn các loại xe động cơ đốt trong, tuy nhiên bạn phải đánh đổi thời gian chờ đợi và ăn uống, cà phê cũng tới cả triệu; chưa kể lộ trình để bạn đi từ A đến B có sự thay đổi nên mất nhiều thời gian hơn.

Điểm kết thúc của hôm nay sẽ gần mũi Cà Mau, dự kiến sẽ lái xe thêm 3 tiếng nữa. Sáng hôm sau, cả nhóm sẽ check-ịn Mũi Cà Mau điểm cực Nam của đất nước.

>>> Còn Tiếp

XEM THÊM

Chia sẻ bài đăng này

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.