Trang chủ » Tất cả những gì bạn cần biết về đường đua F1 tại Hà Nội

Chia sẻ bài đăng này

Trong Nước

Tất cả những gì bạn cần biết về đường đua F1 tại Hà Nội


Tất cả những gì bạn cần biết về đường đua F1 tại Hà Nội

Kể từ năm 2020, bản đồ đua xe F1 thế giới sẽ chính thức ghi nhận thêm Việt Nam là quốc gia thứ 22 đăng cai tổ chức môn thể thao nổi tiếng này, với đường đua đặt tại Mỹ Đình, thủ đô Hà Nội. Việt Nam trở thành 1 trong số 4 quốc gia châu Á chắc chắn đăng cai F1 vào năm 2020, bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore. Đây cũng sẽ là đường đua F1 trên phố thứ 4, sau các track Circuit de Monaco, Marina Bay Circuit (Singapore) và Baku City Circuit (Azerbaijan).

Tuy nhiên, đường đua ở Việt Nam sẽ là độc nhất vô nhị trong lịch sử giải đua F1 từ trước đến nay, bởi lẽ không có bất cứ một đường đua nào khác trên thế giới vừa sử dụng đường phố có sẵn, vừa kết hợp xây thêm để dành riêng cho sự kiện thể thao này. Công ty Tilke Engineering (Đức) cùng với các chuyên gia F1 sẽ chịu trách nhiệm thi công đường đua có tổng chiều dài 5,565 km và 22 khúc cua ở khu vực Mỹ Đình.


f1_vietnam_00-1024x576.jpg

Trước hết, đại diện từ F1 thẳng thắn chia sẻ rằng họ sẽ học hỏi và lấy cảm hứng từ những đường đua nổi tiếng nhất trên thế giới để rút ra những gì tốt nhất rồi ứng dụng vào thiết kế đường đua ở Việt Nam. Sự hấp dẫn của đua F1 đến từ những đoạn đường cong và những khúc cua ngoạn mục, tạo điều kiện cho những pha vượt xe đẳng cấp. Đường đua Silverstone (Anh) có các khúc cua tuần tự Maggotts-Becketts-Chapel, trong khi đường đua Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) sở hữu góc cua số 8 đa đỉnh, đều được các kiến trúc sư vay mượn ý tưởng để tạo nên đường đua Circuit of The Americas dành cho chặng United States Grand Prix.

Điều tương tự sẽ diễn ra ở đường đua của Việt Nam. Với việc chọn khu vực quanh sân vận động Mỹ Đình, các nhà tổ chức F1 muốn tận dụng đường Lê Quang Đạo vốn có hai làn rộng thênh thang và đoạn đường thẳng dài tới 1,5km, mang đến cơ hội cho các tay đua kích hoạt hệ thống giảm lực cản Drag Reduce System hoặc bật hệ thống Energy Recovering System để vượt. Phần còn lại, đoạn đường với các khúc cua từ 1 đến 3 và từ 12 đến 22 đều sẽ được xây mới hoàn toàn, với mục tiêu tạo nên một đường đua phức hợp thực sự độc đáo.


f1_vietnam_07-1024x579.jpg

Đây được xem là cơ hội để F1 thử nghiệm nhiều điều mới mẻ và phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ kiến trúc sư. Nhờ kết hợp đường phố có sẵn ở khu vực Mỹ Đình với đường xây thêm chỉ để phục vụ cuộc đua, họ sẽ tránh được việc phải thiết kế góc cua dựa theo giao lộ cắt nhau 90 độ vốn quá quen thuộc và phần nào trở nên nhàm chán. Đường đua ở Hà Nội cũng không hẳn là đua đường phố kiểu điển hình đầy khắt khe nữa, thay vào đó bố cục của nó sẽ hướng đến việc tạo cho các tay đua cơ hội bám sát nhau liên tục nhờ tiết diện đường đua rất rộng, nhưng vẫn đủ áp lực để khiến cuộc đua căng thẳng và kịch tính, hấp dẫn cho người xem.


f1_vietnam_01-1024x576.jpg

Hai khúc cua 1 và 2 được thiết kế dựa trên đoạn cua tay áo mở màn “Yokohama-S” ở Nurburgring, Đức. Năm 2006, Juan Pablo Montoya đã từng núp gió và vượt qua tay đua người Ý Giancarlo Fisichella một cách mượt mà và đầy đẳng cấp ở khúc cua 1 Nurburgring. Sự kịch tính đó hoàn toàn có thể được tái hiện ở Mỹ Đình.


f1_vietnam_02-1024x576.jpg

Khúc cua từ 12 đến 15 cũng sẽ gợi lên sự quen thuộc với các tín đồ F1. Chúng được lấy ý tưởng từ một đoạn đường đua ở Monaco, bắt đầu từ khúc cua 1 khi bắt tay lái cua gấp gần 90 độ sang phải ở Sainte Devote, lao vào đoạn đường Beau Rivage và chạy lên đồi tới Massenet.


f1_vietnam_03-1024x576.jpg

Sau đó đến các khúc cua từ 16 đến 19, vốn là đoạn đường cạnh sân vận động Mỹ Đình rẽ phải vào, với thiết kế như hình con rắn nhưng không đều đặn sẽ buộc các tay đua phải đổi hướng liên tục tương tự như “The S-curves” ở Suzuka (Nhật) hay Maggotts-Becketts-Chapel ở Silverstone (Anh).


f1_vietnam_10-1024x576.jpg

3 khúc cua cuối cùng, từ 20 đến 22, lại được lấy cảm hứng từ đường đua Sepang (Malaysia), đòi hỏi các tay đua cua trái-phải gấp gáp trong khi độ gắt càng lúc càng tăng cao. Chính đoạn cuối trước khi kết thúc một vòng đua này ẩn chứa nhiều thử thách nhất bởi sự lắt léo của nó, khiến các tay đua dễ phạm sai lầm, hoặc mở ra cơ hội vượt lên đối thủ nếu tận dụng tốt.

Các tín đồ F1 và người yêu thích đua xe thể thao có thể yên tâm về chất lượng chuyên môn, khi thiết kế của đường đua Hà Nội hứa hẹn rất nhiều kịch tính. Các tay đua sẽ được đẩy đến giới hạn năng lực bản thân, bởi sự đòi hỏi về kỹ thuật ở đường đua này rất cao.


f1_vietnam_06-1024x577.jpg

Quá trình thiết kế đường đua ở Hà Nội diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Đầu tiên, những địa điểm tiềm năng nhất, bố cục đường đua sơ bộ và dữ liệu thiết kế do máy tính hỗ trợ (CAD) được gửi đến đội F1 Motorsports, để từ đó dựng lên mô hình giả lập nhằm phân tích tính khả thi. Chính ở giai đoạn này, những đặc tính của đường đua cũng như dự đoán về điều kiện cho xe tăng tốc, lực G-force hay nhịp độ tổng thể được đưa ra và cân nhắc kỹ lưỡng.

Thiết kế cuối cùng của đường đua là kết quả từ sự phối hợp giữa đội F1 Motorsports, công ty Tilke Engineering (từng tạo nên những đường đua F1 tuyệt nhất), giới chức lãnh đạo thành phố Hà Nội, đơn vị tổ chức cuộc đua ở Việt Nam và tất nhiên cũng có sự tham gia của cơ quan quản lý FIA.

Nhờ diện tích dùng để thiết kế đường đua rất rộng nên Tilke Engineering thoải mãi vẽ vời để tạo ra những khúc cua vừa mượt, vừa thử thách. Đơn vị từng chịu trách nhiệm thiết kế những đường đua ở Thượng Hải 2004, Singapore 2008, Yas Marina UAE 2009 và Sochi Autodrom ở Nga 2014 không bị gò bó nên đường đua ở Việt Nam đã tránh được tình trạng bị gấp khúc nhiều như ở Sochi, Singapore hay Baku.


f1_vietnam_04-1024x576.jpg

Không gian và tiết diện đường sẽ không quá hẹp như Monaco và cũng không quá khó khăn như Singapore, mang đến cảm giác như một trường đua đẳng cấp thế giới thực thụ. Bên cạnh đó, thay vì buộc các tay đua phải dựa hoàn toàn vào kỹ năng và chiến thuật vào pit như ở Monaco, nơi mà hầu như rất ít khi xảy ra tình huống hai xe vượt được nhau, thì đường đua Hà Nội sẽ tạo đủ điều kiện cho các màn so kè hấp dẫn.

Đường đua F1 tại Hà Nội có tất cả mọi thứ, từ những khúc cua cần xử lý chậm rãi bình tĩnh, cho đến những đoạn cua tốc độ cao tiềm ẩn cơ hội bứt phá, và đặc biệt là đoạn đường thẳng ở phố Lê Quang Đạo hoàn toàn có thể cho phép xe tăng tốc lên tới 335 km/h, tức là hơn hẳn mức 311 km/h mà Kimi Raikkonen từng đạt được ở Marina Bay Circuit (Singapore) hồi giữa tháng 9 vừa qua. Tất nhiên, các đội đua sẽ phải chú ý nhiều hơn để việc tối ưu khí động học hết mức có thể mới tận dụng được lợi thế.


f1_vietnam_04-1-1024x576.jpg

Đáng chú ý là đoạn đường pit được đặt ngay sau đoạn chữ S từ khúc cua 16 đến 19 sẽ đưa tay lái ra khỏi đường đua sau khúc cua số 2. Điều này có nghĩa là các tay đua sẽ tránh được một đoạn đường cua khá khó, giảm thiểu thời gian dừng một lượt pit stop và khiến cho chiến thuật vào pit nhiều lần có tính khả thi cao hơn. Qua đó, cuộc đua sẽ trở nên đa dạng, nhiều màu sắc.


f1_vietnam_09-1024x575.jpg

Với đoạn mở đầu tương đối dễ chịu nhưng khó dần khi càng về cuối track, đường đua F1 Hà Nội dễ tạo ra những pha xử lý ấn tượng ngay từ những vòng đua đầu tiên, nhưng đồng thời cũng sẽ trừng phạt ngay bất cứ tay lái nào mất cảnh giác. Toàn bộ sự kịch tính trong quá trình chọn điểm vào và điểm ra khúc cua cũng như tìm cơ hội vượt lên trên đối thủ trong mỗi vòng đều sẽ được tái hiện đầy đủ ở Mỹ Đình. Người Việt sẽ được chứng kiến tận mắt ngay tại quê hương, không còn phải chấp nhận chỉ theo dõi được qua màn ảnh nhỏ hay cất công ra nước ngoài nữa!

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận