Cảm biến LiDAR (Phát hiện và đo khoảng cách ánh sáng) là một công cụ giúp đo hình dạng và khoảng cách của một vật thể bằng cách phát ra các xung ánh sáng laser. Tiếp đến, cảm biến này sẽ đo thời gian ánh sáng đó phản xạ lại trong bao lâu. Đối với trang bị radar, thiết bị này sẽ phát ra sóng vô tuyến, sóng này cũng sẽ bị phản xạ lại bởi những vật cản trên đường đi phía trước của xe, chính từ đó mà hai công nghệ này sẽ giúp chiếc xe tự lái vận hành một cách hiệu quả hơn cũng như tối thiểu hóa rủi ro khi cài đặt chế độ này.
Tuy nhiên, khi xe vận hành trong điều kiện thời tiết xấu như mưa, tuyết hay sương mù thì cảm biến LiDAR sẽ không còn có mức độ chính xác cao nữa bởi khi ánh sáng được phát ra từ LiDAR, điều kiện thời tiết xấu sẽ làm giảm tầm ánh sáng laser quét của cảm biến này. Về công nghệ radar, độ phản xạ của các sóng vô tuyết cũng rất ít kể cả trong điều kiện thời tiết lý tưởng, chính vì vậy mà hai tính năng này gần như bị vô hiệu hóa khi xe vận hành trong điều kiện sương mù.
Các kỹ sư nghiên cứu gần đây đã tiến hành một số thử nghiệm và nhận thấy rằng thiếu sót này có thể khắc phục được bằng cách “nhân đôi” radar trên một chiếc xe tự lái. Dự án này đã được tiến hành và chỉ đạo bởi giáo sư Dinesh Bharadia cùng một nhóm nghiên cứu tại Đại học California San Diego. Họ đã giải quyết vấn đề này bằng cách gắn hai bộ phận radar trên mui xe ô tô. Hai cảm biến này được đặt cách nhau khoảng 1,5 m. Hai bộ phận radar này đã xử lý bằng các thuật toán đặc biệt kết hợp các tín hiệu phản xạ mà chúng nhận được để tạo ra một hình ảnh tổng hợp rõ nét hơn, đồng thời lọc bỏ những chi tiết gây nhiễu không liên quan. Dự án này đã được thử nghiệm thành công trong điều kiện sương mù mô phỏng.
Nghiên cứu sinh Kshitiz Bansal cho biết: “Bằng cách đặt hai radar ở các điểm thuận lợi khác nhau với trường nhìn khác nhau, chúng tôi đã tạo ra một vùng có độ phân giải cao với xác suất cao để phát hiện các vật thể xuất hiện ở trước xe trong điều kiện sương mù”.
Các nhà nghiên cứu thuộc dự án hiện đang đàm phán với Toyota về việc hãng có thể kết hợp công nghệ này với camera quang học trên những mẫu xe hiện đại của thương hiệu. Khi công nghệ này được ứng dụng và cho hiệu quả một cách ổn định, cản biến LiDAR đắt tiền có thể sẽ trở nên không cần thiết và có thể lược bỏ trong tương lai.