Khả năng cách âm là một trong những ưu điểm của việc sử dụng xe hơi để đi lại hàng ngày, tuy nhiên không phải mọi mẫu xe đều có thể cách âm hiệu quả như nhau, đặc biệt là đối với những dòng xe phổ thông giá rẻ. Có nhiều phương thức điều chỉnh hoặc cải tiến cách âm nhưng kèm theo chúng cũng là những lợi ích và bất cập riêng…
Nguyên nhân khiến xe bị ồn
Không ít người tìm mua chiếc xe hơi với mong muốn có phương tiện đi lại đảm bảo an toàn, che nắng che mưa và giúp cho họ tránh khỏi những âm thanh ồn ào trên đường phố. Thế nhưng cũng khá nhiều trường hợp bất ngờ nhận ra rằng bản thân xe hơi có những vấn đề riêng liên quan đến tiếng ồn, gây khó chịu, căng thẳng, mệt mỏi, mất tập trung… mà trước khi sở hữu xe họ không hề hay biết, sau khi trải nghiệm thực tế rồi mới hiểu được!
Có rất nhiều nguyên nhân xe bị ồn. Các nguyên nhân gây tiếng ồn trong xe ô tô chủ yếu chia thành những nhóm sau:
- Tiếng ồn từ xe: tiếng động cơ, tiếng ống xả, tiếng kêu các chi tiết khớp nối lắp ráp thân xe, tiếng vọng trong cabin xe, tiếng kêu từ các bộ phận đang gặp vấn đề (nếu có),…
- Tiếng ồn từ môi trường: âm thanh đường phố xung quanh, tiếng gió, tiếng mưa…
- Tiếng ồn khi xe chạy: tiếng sỏi đá văng vào hốc bánh xe – gầm xe, tiếng lốp xe, mặt đường xấu…
Bên cạnh những điều nêu trên áp dụng cho hầu hết mọi loại xe, vấn đề tiếng ồn còn đương nhiên phải xảy ra khi sử dụng các dòng xe phổ thông giá rẻ. Các nhà sản xuất luôn phải đối mặt với bài toán cân đối giữa chất lượng xe và giá bán ra thị trường, làm sao có lợi nhuận trong khi vẫn phải đảm bảo xe vận hành an toàn, đầy đủ các trang bị cần thiết… Do đó, họ thường tìm đến phương án cắt giảm bớt những gì không thuộc dạng “quá thiết yếu” và đặc biệt là… mắt thường khó nhận thấy. Thế nên xe giá rẻ chắc chắn sẽ không được đầu tư nhiều về khả năng cách âm khi so với những dòng hạng sang cao cấp hơn.
Vì lẽ đó nên có thể thấy những lời than phiền “khả năng cách âm kém”, “xe quá ồn”, “xe ù ù khó chịu”… luôn thường xuyên xuất hiện từ phía những người đang dùng xe giá rẻ. Đây vốn là nhược điểm chung buộc phải chấp nhận để được sở hữu xe hơi với chi phí thấp. Tuy nhiên, khi bỏ ra một khoản tiền để sắm xe (thậm chí chịu cả gánh nặng mua xe trả góp) thì bất cứ ai cũng muốn mình và gia đình có được trải nghiệm tốt, nên việc xe ồn gây ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến sự mệt mỏi và chán nản.
Cách âm chống ồn và những vấn đề liên quan
Đầu tiên, để tránh gặp phải những rắc rối không đáng có, bạn cần tìm hiểu chiếc xe bị ồn nhiều hay ít ngay từ trong quá trình chuẩn bị mua xe. Nếu tài chính dư dả, có thể mua được những dòng xe thuộc nhóm cao cấp thì nhiều khả năng sẽ nhận được trải nghiệm tốt ngay khi xe ở trạng thái nguyên bản, không cần chỉnh sửa gì thêm. Còn với điều kiện kinh tế hạn hẹp, chỉ có thể lựa chọn trong vài mẫu xe phổ thông, thì cần sẵn sàng tâm lý rằng xe sẽ không cách âm tốt và tránh kỳ vọng quá cao để rồi thất vọng.
Tuy nhiên, không phải cứ xe phổ thông giá rẻ là luôn cách âm kém và cũng không phải cứ xe đắt tiền là được cách âm tốt sẵn từ ban đầu. Mọi thứ còn tùy thuộc vào ý định của nhà sản xuất.
Ví dụ, trong cùng phân khúc xe hatchback đô thị cỡ nhỏ, những chiếc xe có kích thước xêm xêm nhau và giá bán ngang ngửa nhau chỉ tầm trên dưới 500 triệu đồng, nhưng chất lượng thân vỏ lại khác nhau, dẫn đến khả năng cách âm cũng khác biệt. Khi trời mưa, có chiếc nghe rõ hạt mưa va vào thân xe thành tiếng “lộp độp” như mái tôn, nhưng cũng có chiếc chỉ phát ra tiếng “phụp phụp” nhẹ nhàng… Từ dấu hiệu đó cũng giúp chỉ ra rằng hãng nào đã chủ động “cắt bớt” chi phí làm sản phẩm.
Tương tự, khi lên đến tầm giá hơn 1 tỷ đồng là phân khúc của những chiếc xe có nhiều tiện nghi hơn và thường được coi là cao cấp trong nhóm phổ thông, hầu như chỉ những xe ưu tiên về sự êm ái, sang trọng mới được chú trọng về cách âm. Còn những chiếc được định vị theo hướng thể thao, năng động thì cách âm lại không phải yếu tố quá cần thiết, thậm chí phía hãng xe còn muốn người ngồi bên trong cảm nhận rõ hơn tiếng động cơ, tiếng ống xả… Lúc này sự khác biệt lại nằm ở triết lý nhiều hơn, chứ không hoàn toàn do phía hãng xe muốn tiết kiệm tiền.
Để cách âm xe hơi đạt hiệu quả như mong muốn, bạn phải xác định rõ nguyên nhân gây ra tiếng ồn gây ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng xe. Chẳng hạn, nếu tiếng ồn đến từ động cơ thì làm cách âm khoang máy, bị ồn do tiếng lốp xe thì thử thay loại lốp khác rồi mới tính đến phương án làm cách âm khu vực hốc lốp, bị ồn bởi khung vỏ mỏng thì hẵng làm cách âm cánh cửa và gầm xe…
Với xe giá rẻ, khả năng cách âm chủ yếu đến từ tận dụng những gì sẵn có như phủ sàn nỉ giúp tiêu âm, gia cố các đường gân rãnh lồi lõm trên sàn xe giảm biên độ rung, bổ sung thêm những tấm damping tại những vị trí dễ bị rung nhiều khi động cơ xe làm việc, thay thế gioăng cao su ở các khung cửa bằng loại mới hơn và bền bỉ hơn…
Tất nhiên, những thành phần có tính chất cơ bản như trên rất khó có thể chống chọi hiệu quả với tiếng ồn lớn từ bên ngoài cũng như từ bên trong xe. Không chỉ cách âm kém, một số dòng xe ô tô hiện nay còn gặp vấn đề với việc tiêu âm, dễ gặp nhất là xe bị tiếng vọng, tiếng ù ù. Nhiều người chọn giải pháp mở nhạc, mở radio với hy vọng những âm thanh này có thể giúp át bớt tiếng ồn nhưng trên thực tế chưa hẳn đã đem lại ích lợi, vì sự cộng hưởng âm thanh chỉ càng làm tình trạng này nặng nề thêm.
Phương án tối ưu nhất hiện nay là dán vật liệu cách âm – tiêu âm chuyên dụng. Đây là loại vật liệu giúp giảm cường độ âm thanh từ ngoài vào trong xe (cũng như từ trong xe ra ngoài), giảm thiểu tiếng vọng, giảm thời gian âm thanh bị dội qua lại trong xe, có tác dụng tốt trong việc khử bớt những tiếng ù ù gây khó chịu, tiếng vọng âm trong cabin, đồng thời giúp cho âm thanh truyền đi trong trẻo và trung thực hơn.
Những tấm cách âm chuyên dụng được thiết kế dành riêng cho xe hơi được nhà sản xuất nghiên cứu, kết hợp ép chặt nhiều lớp vật liệu cách âm với nhau tạo thành một tấm cách âm chuyên dụng có sẵn keo dán. Khi dùng chỉ cần mở keo, dán vào thân vỏ xe, rất đơn giản và tiện lợi. Ngoài loại cách âm thể rắn, thị trường còn có một số sản phẩm cách âm cho xe hơi ở dạng dung dịch với thành phần chủ yếu từ nhựa tổng hợp. Khi dùng thì xịt trực tiếp lên tôn xe.
Những vị trí cần làm cách âm trên xe
Phần cửa xe thường sẽ là nơi đầu tiên cần thực hiện gia cố cách âm, vì phần lớn tạp âm từ bên ngoài lọt vào cabin xe thông qua các khe hở tại nơi đây. Đối với xe phổ thông giá rẻ, cấu tạo của cửa xe chỉ đơn thuần gồm phần tôn vỏ xe và ốp nhựa, nên lại càng không có khả năng cách âm tốt.
Làm cách âm tại cửa xe bao gồm việc dùng miếng dán cách âm ô tô loại có lớp nhôm cho phần vỏ tôn cửa (vừa cản âm vừa cách nhiệt), kết hợp với miếng dán tiêu âm, bông sợi hoặc mút xốp cố định phía trong ốp nhựa của cửa. Sau đó nếu cần thiết sẽ lắp thêm gioăng cao su chống ồn.
Tiếp đến là khu vực phía dưới của xe, bao gồm sàn xe và hốc bánh xe. Đây là nơi có nhiều tiếng vọng từ bề mặt đường, tiếng sỏi đá văng va đập vào gầm, tiếng lốp xe tạo ra khi lăn bánh và cũng có cả tiếng gió lùa qua. Trong phần lớn trường hợp, nguyên nhân chủ yếu do lốp xe gây ra và chỉ cần thay loại lốp cao cấp hơn là xử lý được, đặc biệt nếu chọn loại được thiết kế ưu tiên sự êm ái, giảm tiếng ồn và kèm theo duy trì áp suất lốp ở mức vừa phải.
Nếu vì lý do nào đó chưa thể thực hiện thay lốp hoặc đã thay nhưng vẫn chưa hài lòng, có thể tiến hành chống ồn hốc lốp như xịt phủ cao su non, dán chống ồn, lắp thêm tấm nhựa che hốc bánh xe… Giải pháp này cũng sẽ mang tính kinh tế hơn cho nhiều chủ xe không quá dư dả tiền bạc và cũng tương đối đơn giản, dễ thực hiện.
Phần sàn xe nếu làm cách âm cũng sẽ đem lại hiệu quả cao, nhưng là công đoạn phức tạp và tốn nhiều công sức cũng như thời gian thi công vì phải tháo hết toàn bộ ghế xe, mở luôn tấm nỉ phủ sàn xe, dán những tấm cách âm lên phần tôn của sàn xe rồi lắp đặt mọi thứ trở lại như ban đầu.
Ngoài chất liệu cơ bản chứa thành phần cao su/nhựa, phần sàn xe có thể được bổ sung thêm lớp nhôm giúp cách nhiệt, hoặc thêm đệm bông để tiêu âm. Xe bị vọng âm nhiều có thể kết hợp dùng thảm lót sàn xe dày, sơn phủ gầm bằng cao su non. Những dòng xe có khoang hành lý thông với khu vực ghế ngồi như hatchback gầm thấp và crossover/SUV sẽ cần dán cách âm luôn cho cả mặt sàn ở khoang hành lý và các vách hai bên phía sau, xe sedan hay bán tải thì “tiết kiệm” được khoản này.
Đối với xe dùng động cơ đốt trong (máy xăng/dầu) sẽ cần làm cách âm khoang máy, nếu như nhà sản xuất “bỏ quên” phần này. Nguyên tắc là bổ sung thêm vật liệu cách âm ở khu vực vách ngăn giữa khoang máy và khoang hành khách, nhưng có 2 lựa chọn về hướng thi công.
Dán cách âm cho vách ngăn từ phía bên trong khoang máy sẽ đem lại hiệu quả chống ồn tối ưu nhất vì vật liệu cách âm nằm gần động cơ, triệt tiêu bớt tiếng ồn sớm trước khi đến tai người ngồi trong xe. Tuy nhiên rất phức tạp vì buộc phải tháo gần như toàn bộ hệ thống máy móc, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xe nếu xảy ra sai sót khi lắp lại. Vậy nên cho dù có đơn vị nào chấp nhận thực hiện thì chi phí tiền công sẽ cao.
Còn nếu dán cách âm từ phía bên trong cabin, tuy cũng phải tháo hết khu vực táp-lô và phải thay cả ga điều hòa (do tháo evaporator) nhưng quá trình thi công nhanh hơn, không quá phức tạp và chi phí cũng rẻ hơn. Thế nên đây là phương thức thường được lựa chọn khi tiến hành làm cách âm khoang máy. Bên cạnh đó, có thể sẵn tiện làm thêm miếng cách âm và cách nhiệt cho nắp ca-pô.
Cuối cùng, khu vực trần xe cũng có sự tác động đến mức độ vọng âm trong khoang nội thất, nên phải tăng cường thêm lớp đệm bông tiêu âm hoặc thậm chí là bọc trần để giảm bớt hiệu ứng này. Có thể gia cố song song cả cách âm và cách nhiệt nhằm giữ cho nhiệt độ xe không tăng nhanh dưới trời nắng nóng.
Cách âm xe hơi – làm dịch vụ hay tự làm tại nhà?
Giá dịch vụ cách âm chống ồn cho xe thường phụ thuộc vào 2 yếu tố: hạng mục thực hiện (làm từng phần riêng lẻ hay trọn gói) và vật liệu cách âm sử dụng, không có một mức cố định cụ thể. Những đơn vị sử dụng vật liệu chất lượng cao và có đội ngũ kỹ thuật lành nghề sẽ tự tin định giá dịch vụ ở một mức độ nhất định, chắc chắn sẽ không thể quá rẻ.
Bản thân quy trình làm cách âm xe hơi đã bao gồm rất nhiều bước như phải tháo dỡ các bộ phận xe, vệ sinh sạch sẽ, dán cách âm đúng chuẩn rồi lắp đặt trở lại. Để thực hiện, đương nhiên cần có kiến thức và sự hiểu biết chuyên sâu, bao gồm cả nắm rõ các nguyên lý về âm thanh. Mỗi dòng xe đều có những vị trí tiêu âm hoặc phản âm riêng biệt, nếu dán cách âm không đúng sẽ có thể gây phản tác dụng, khiến không gian trong xe gây ù tai khó chịu hơn.
Không ít chủ xe dù không hiểu rõ những vấn đề này nhưng vẫn đưa ra yêu cầu làm cách âm dựa trên phán đoán chủ quan, rồi gặp đơn vị thực hiện cũng “không có tâm”, chỉ nhận yêu cầu rồi làm theo luôn mà không kiểm tra lại và tư vấn cho phù hợp. Điều này có thể dẫn đến việc cách âm sai vị trí, không xử lý được tận gốc nguyên nhân gây ra tiếng ồn cho xe, tốn thời gian và chi phí mà vẫn kém hiệu quả. Vì không hài lòng nên có thể tiếp tục gỡ ra làm lại hoặc tháo bỏ hẳn, càng thêm lãng phí.
Những năm gần đây, các loại vật liệu cách âm được bày bán rất phổ biến, dễ dàng tìm mua nên cũng có những người chọn cách tự làm cách âm tại nhà. Tuy nhiên điều này chỉ thực hiện suôn sẻ được nếu có đủ dụng cụ chuyên môn và kiến thức về cấu trúc xe cũng như âm thanh. Nếu làm sai, xe hoàn toàn có thể bị tăng thêm cảm giác ù tai hoặc thêm tiếng vọng. Do đó, tốt nhất là nên đem xe đến những cửa hàng dịch vụ chuyên nghiệp có uy tín, tư vấn tận tâm và chính sách bảo hành rõ ràng để làm cách âm.
Tổng hợp