Cụ thể, bản TrailBlazer LT số sàn tăng từ 859 triệu đồng lên thành 885 triệu đồng, chênh lệch 26 triệu đồng. Bản TrailBlazer LT số tự động tăng từ 898 triệu đồng lên 925 triệu đồng, chênh 27 triệu đồng. Bản LTZ cao cấp nhất tăng 1,035 tỷ đồng lên 1,066 tỷ đồng, chênh 31 triệu đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế giá bán của Chevrolet TrailBlazer tại các đại lý còn phức tạp hơn, vì còn phải tính đến mức khuyến mãi. Trong tháng 11, tùy theo cấu hình mà TrailBlazer được giảm trực tiếp từ 30 đến 50 triệu đồng. Sang đến tháng 12 này, toàn bộ cả 3 phiên bản cấu hình đều chỉ thống nhất được giảm 30 triệu đồng so với giá niêm yết. Nhưng đó có thực sự là giảm giá không? Hãy thử xem xét:
Khi nhìn vào bảng so sánh này, có thể thấy rất rõ là mức giá mới sau khuyến mãi của TrailBlazer gần như giống hệt mức giá niêm yết cũ! Như vậy, nếu tạm bỏ qua một bên chuyện tăng giá niêm yết, có thể hiểu một cách đơn giản là giờ đây khách hàng cần bỏ ra số tiền giống như trước, lại còn không được ưu đãi giảm giá, mới mua được xe. Nói cách khác, chẳng có ưu đãi nào ở đây cả!
Việc công bố tăng giá niêm yết TrailBlazer còn khó hiểu hơn khi lượng trang bị tiện ích của xe vẫn giữ nguyên, không hề có cải tiến nâng cấp gì. Mẫu xe “anh em” với TrailBlazer là dòng bán tải Colorado cũng không được điều chỉnh giá niêm yết, vẫn áp dụng “mức giảm ưu đãi” 30 triệu đồng cho toàn bộ các phiên bản cấu hình.
TrailBlazer và Colorado cũng là 2 dòng xe cuối cùng còn sót lại của thương hiệu Chevrolet được tiếp tục duy trì kinh doanh bằng cách nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, sau khi VinFast mua lại GM Việt Nam. Toàn bộ các dòng xe Chevrolet lắp ráp trong nước đều ngưng sản xuất, chỉ bán nốt lượng xe còn tồn ở các đại lý cho đến khi hết hàng.
Kể từ tháng 12 này, TrailBlazer còn có thêm một đối thủ mới trong phân khúc SUV 7 chỗ dùng khung gầm bán tải là Nissan Terra hoàn toàn mới. So với phần còn lại thì doanh số TrailBlazer chỉ hơn được Mitsubishi Pajero Sport và Isuzu mu-X, gần như ngang ngửa Ford Everest và kém xa Toyota Fortuner.