Theo một nghiên cứu từng được công bố của Hiệp hội Ô tô Mỹ, tính năng phanh khẩn cấp tự động AEB có trong các hệ thống ADAS không phải hoàn toàn đáng tin cậy và người dùng không nên lệ thuộc vào tính năng này khi sử dụng xe.
Phanh khẩn cấp tự động (Automated emergency braking – AEB), còn được biết đến với nhiều tên gọi tùy thuộc vào từng hãng xe khác nhau, đã gần như là một tính năng tiêu chuẩn phổ biến trên các mẫu xe đời mới trong vòng chục năm trở lại đây. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nó hoạt động hiệu quả trong việc ngăn ngừa tất cả những vụ tai nạn.
Nguyên lý cơ bản của tính năng phanh khẩn cấp tự động AEB là dùng thiết bị chủ động phát hiện chướng ngại vật phía trước (bằng radar hoặc camera) để có thể tự động kích hoạt phanh ở mức độ hợp lý, nhằm giảm tốc độ kịp thời và tránh tai nạn hoặc giảm thiểu tác động của tai nạn. Đây là một trong những công nghệ được cho là cần thiết để đảm bảo an toàn trong trường hợp người lái mất tập trung, không kịp quan sát…
Trên hầu hết các mẫu xe đời mới, tính năng phanh khẩn cấp tự động AEB sẽ hoạt động với 3 giai đoạn. Đầu tiên là đưa ra cảnh báo sớm bằng hình ảnh và âm thanh khi phát hiện ra khả năng va chạm. Nếu người lái xe không có phản ứng giảm tốc hoặc đánh lái tránh thì xe sẽ cảnh báo giai đoạn 2 bằng cảnh báo âm thanh lớn hơn. Ở một số hãng sẽ cho phép hệ thống AEB can thiệp sớm vào hệ thống phanh để giảm tốc một cách tối ưu nhất.
Ở giai đoạn 3, khi người lái vẫn không có phản hồi giảm tốc thì hệ thống AEB sẽ can thiệp cả vào phanh và giảm công suất động cơ để có thể giảm thiểu va chạm. Trong một số trường hợp, hệ thống phanh chủ động AEB sẽ phanh gấp để đảm bảo an toàn cho xe và người ngồi trên xe.
Mặc dù phanh khẩn cấp tự động AEB được miêu tả rất hay trên lý thuyết, nhưng trong thực tế thì tính năng này lại tỏ ra không mấy đáng tin cậy. Điều này đã từng được khẳng định thông qua hàng loạt thử nghiệm do Hiệp hội Ô tô Mỹ (American Automobile Association – AAA) thực hiện và công bố vào năm 2022.
Vào thời điểm đó, các chuyên gia của AAA đã thắc mắc rằng tính năng AEB hiệu quả tới đâu khi những bài thử chính thức của các hãng xe chỉ thực hiện khi xe chạy ở các mức tốc độ 20 km/h và 40 km/h. Họ quyết định thử nghiệm AEB tại vận tốc cao hơn là 50 km/h và 65 km/h để xem sao, rốt cuộc kết quả thu được tệ hơn hẳn so với kỳ vọng.
AAA đã dùng đến những mẫu xe thuộc loại phổ biến tại Mỹ như Chevrolet Equinox phiên bản LT, Ford Explorer phiên bản XLT, Honda CR-V phiên bản Touring và Toyota RAV4 phiên bản LE cho cuộc thử nghiệm. Tất cả đều là xe đời mới nhất khi đó, được nhà sản xuất quảng cáo là sở hữu đầy đủ mọi công nghệ an toàn tiên tiến và đạt điểm số cao trong những bài thử nghiệm độ an toàn khi va chạm.
Khi thử nghiệm tại mức vận tốc 50 km/h, tỷ lệ thành công của tính năng AEB trong việc ngăn ngừa một vụ tai nạn kiểu xe sau húc đuôi xe trước đang đứng yên là 85%. Tuy nhiên khi thử nghiệm ở 65 km/h, tỷ lệ này giảm rất nhanh xuống chỉ còn khoảng 30%. Đáng sợ hơn, trong những bài thử ở giao lộ, AEB thất bại hoàn toàn và tỷ lệ xảy ra tai nạn là 100% vì “người lái không hề được cảnh báo, xe không tự giảm tốc độ hoặc tránh được va chạm” theo lời chuyên gia AAA.
Mặc dù tỷ lệ thành công thấp nhưng AEB vẫn được coi là một công nghệ có giá trị trong thực tiễn, khi chức năng giảm tốc độ xe có thể giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng của một vụ va chạm, trong trường hợp không thể tránh va chạm hoàn toàn. Trong thử nghiệm với tốc độ 50 km/h, tốc độ va chạm giảm 86% còn ở mức vận tốc 65 km/h thì tỷ lệ này là 62%.
Những kết quả này cũng giống với những gì từng được đội ngũ đánh giá xe của tạp chí uy tín Car & Driver phát hiện vào năm 2018. Khi đó, họ cũng nhận thấy rằng cách thức AEB hoạt động đều được miêu tả chi tiết trong sách hướng dẫn sử dụng kèm theo xe, cùng với những hạn chế của nó, nhưng dường như khách hàng mua xe hầu như không để ý đến.
Chẳng hạn, AEB của một chiếc xe đắt tiền, bản cấu hình hạng cao nhất có thể không hoạt động hiệu quả nếu xe đang… leo dốc, không thể phát hiện xe phía trước nếu chiếc xe đó có khoảng sáng gầm quá cao hoặc quá thấp, hay thậm chí là cả khi mặt trời chiếu thẳng vào chướng ngại vật khiến cảm biến nhận diện bị… cháy sáng. Ngoài ra, camera dùng cho chức năng AEB sẽ vô tác dụng nếu bị bất cứ vật gì che khuất tầm nhìn của nó, từ lá khô rụng xuống bị mắc lại, giẻ lau, bụi bặm cho đến… thanh gạt mưa lướt qua đúng lúc.
Ông Greg Brannon, giám đốc kỹ thuật ô tô và quan hệ công nghiệp của AAA, cho biết: “Phanh khẩn cấp tự động hoạt động tốt trong phạm vi vấn đề mà nó được thiết kế để xử lý. Thật không may, tiêu chuẩn kỹ thuật xoay quanh những vấn đề đó đã được soạn thảo từ nhiều năm trước, chúng đã trở nên lỗi thời. Cơ quan quản lý cần phải cập nhật thêm thông tin liên quan đến các tình huống giao thông ở tốc độ cao hơn thì mới có thể phản ánh đúng thực tế và đem lại lợi ích cho người dùng.”
AAA hiện đang kêu gọi các hãng xe phải điều chỉnh lại cách thức công nghệ AEB của họ hoạt động, dựa trên phản hồi của khách hàng về việc AEB “vô tình kích hoạt” và vì những lý do khác. Điều quan trọng không kém là thông điệp rằng người sử dụng xe không nên tin rằng hệ thống AEB sẽ luôn có thể hoạt động như đã hứa trong trường hợp khẩn cấp.
“Các hệ thống an toàn dù rất tiên tiến nhưng không nên quá lệ thuộc vào chúng, mà thay vào đó người lái vẫn phải chủ động nắm bắt tình hình và chỉ sử dụng chúng để có thêm thông tin về mọi thứ diễn ra quanh mình, nhằm hỗ trợ việc lái xe an toàn”, ông Brannon nhấn mạnh.
Vào năm 2016, hầu hết các hãng xe tại Mỹ đã đồng ý cam kết rằng mọi mẫu xe họ bán ra thị trường kể từ năm 2022 trở đi đều sẽ đươc trang bị tiêu chuẩn tính năng AEB, cùng với các công nghệ ADAS hiện đại khác. Theo thống kê của Car & Driver ở thời điểm hiện tại, toàn bộ 20 hãng xe danh tiếng, những đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất 99% lượng xe mới trong phạm vi nước Mỹ, đều đã thực hiện đúng cam kết nêu trên.
Tổng hợp