Trang chủ » Kỹ năng lái xe an toàn: Kinh nghiệm lái xe khi qua giao lộ

Chia sẻ bài đăng này

Kinh Nghiệm Lái Xe

Kỹ năng lái xe an toàn: Kinh nghiệm lái xe khi qua giao lộ


Kỹ năng lái xe an toàn: Kinh nghiệm lái xe khi qua giao lộ

Những giao lộ luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn cao, mỗi lái xe cần phải chú ý để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.

Người lái xe luôn phải đối mặt với rủi ro ở bất cứ nơi nào trên đường, nhưng nguy cơ tai nạn đặc biệt tăng lên tại các giao lộ: ngã tư, ngã ba, hay bùng binh (còn gọi là vòng xoay/vòng xuyến). Bằng cách sử dụng các kỹ thuật lái xe tiên tiến và áp dụng phương pháp tiếp cận có hệ thống, chúng ta có thể xử lý an toàn ở các giao lộ như bất kỳ đoạn đường nào khác. Tai nạn không cứ tự nhiên xảy ra, hầu hết nguyên nhân là do lái xe không tốt.

(Lưu ý: những kinh nghiệm trong bài viết này áp dụng cho Việt Nam – nơi lái xe bên phải và hầu như luôn có nhiều xe máy đông đúc khắp mọi nơi)

Tóm tắt

– Khi chuẩn bị qua giao lộ, hãy luôn báo hiệu trước ý định của bạn bằng xi-nhan, duy trì hướng đi và vị trí rõ ràng trên đường, chỉ di chuyển khi bạn chắc chắn là an toàn.
– Khi rẽ phải hoặc đi thẳng ở ngã tư, không thao tác quá đột ngột sẽ gây nguy hiểm cho luồng giao thông xung quanh và phía đối diện.
– Khi rẽ trái ở ngã tư, nếu gặp xe phía đối diện cũng muốn rẽ trái thì cố gắng vượt ở đằng sau xe đó, trừ khi vạch kẻ đường hoặc biển báo có quy định khác.
– Luôn đi đúng làn đường và bật đèn xi-nhan báo hiệu hướng định di chuyển khi bắt đầu vào bùng binh.
– Cần phải giữ khoảng cách với những xe khác để phòng khi phanh gấp bạn có thể trở tay lái kịp và đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác.
– Đừng bao giờ ỷ lại rằng một phương tiện khi đã bật xi-nhan thì sẽ luôn đi theo đúng hướng xi-nhan đó mà hãy cảnh giác đề phòng.


diquagiaolo_02.jpg

Các ngã tư

Tại các ngã tư, chắc chắn sẽ có đèn hiệu giao thông cũng như hệ thống biển báo giao thông. Bạn chỉ được phép di chuyển khi đèn xanh, hãy chú ý đi từ từ, không tăng tốc đột ngột, quan sát phía bên trái rồi đến bên phải (bởi nguy hiểm thường sẽ đến từ phía bên trái trước). Nếu trước đó dừng đèn đỏ, hãy tăng tốc từ vị trí đứng yên một cách nhẹ nhàng.

Với những điểm giao lộ bị khuất tầm nhìn, hãy đảm bảo tốc độ xe của bạn phải giảm tới mức bạn có thể kịp phản ứng khi có xe chạy cắt ngang từ bên trái, rồi tiếp đến là bên phải. Tuyệt đối không đi qua giao lộ nếu chưa nhìn rõ hai hướng ở đường cắt ngang.

Đi thẳng về phía trước hoặc rẽ phải ở ngã tư

Quy trình tương đối đơn giản: đợi cho đến khi hướng đi thông thoáng, không có phương tiện nào khác gây cản trở và duy trì tốc độ hợp lý. Tuy nhiên, nếu có những phương tiện đang tới từ phía đối diện và đang bật xi-nhan rẽ trái, tức là các phương tiện đó cũng muốn di chuyển cùng hướng với chiều rẽ phải của bạn. Lúc này, có một số lựa chọn:
– Nếu bạn đi thẳng, luồng giao thông của bạn được ưu tiên hơn và bạn có quyền chủ động đi trước, nhưng phải kiểm soát tốc độ để có thể phanh lại kịp lúc trong trường hợp xe phía đối diện tăng tốc ẩu.
– Nếu bạn rẽ phải và nếu xe đối diện không lao tới quá nhanh, hãy duy trì tốc độ để luồng giao thông của bạn không bị gián đoạn.
– Nếu bạn rẽ phải và nếu xe đối diện không có dấu hiệu muốn nhường, hãy cho họ rẽ trước và chấp nhận đi tiếp phía sau họ.


diquagiaolo_06.jpg

Ngoài ra, một số nút giao có bố trí đường phụ nhỏ để bạn có thể rẽ phải nhanh chóng hơn mà không mất thời gian đứng lại chờ đèn đỏ. Tuy nhiên điều này chỉ có ý nghĩa giúp không gây cản trở luồng giao thông đi thẳng từ phía sau bạn. Khi bạn hòa vào đường mới, vẫn cần lưu ý những xe đang di chuyển trên đó từ trước.

Rẽ trái ở ngã tư

Khác với rẽ phải, việc rẽ trái ở các ngã tư phức tạp hơn do lúc này bạn sẽ lấn vào luồng giao thông đi thẳng của phía đối diện. Nguyên tắc là hãy kiên nhẫn nhường cho các phương tiện đi thẳng ở hướng đối diện qua hết, quan sát cẩn thận rồi mới tiếp tục di chuyển.

Nếu gặp phương tiện ở phía đối diện đang bật xi-nhan rẽ trái, tức là phương tiện đó đang muốn di chuyển ngược với hướng đi của bạn. Lúc này, sẽ có 2 khả năng xảy ra:
– 2 bên cùng rẽ ở phía trước đầu của nhau: đây chính là phương án thường được đa số các tài xế Việt lựa chọn, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì luồng giao thông từ phía sau của cả 2 bên sẽ bị khuất tầm nhìn.
– 2 bên cùng rẽ ở phía sau đuôi của nhau: bạn sẽ ít thấy trường hợp này trên thực tế vì hầu như chẳng ai muốn mất thêm thời gian đi thẳng qua khỏi thân xe đối phương rồi mới đánh lái chuyển hướng đi, nhưng đây lại là phương án tối ưu để đảm bảo an toàn, vì mỗi bên đều có tầm nhìn rõ ràng hơn về con đường phía trước khi chuẩn bị rẽ.


diquagiaolo_05.jpg

Chắc chắn rằng nhiều tài xế sẽ phản đối phương án thứ 2 vì nó có thể gây hạn chế số lượng phương tiện được rẽ trái trong một đợt đèn giao thông, cũng như yêu cầu chừa một khoảng trống ở dòng xe ngược chiều đang muốn đi thẳng. Nhưng việc nó an toàn và văn minh hơn là sự thật, không thể chối bỏ. Do đó, hãy cố gắng thực hiện phương án thứ 2 này càng nhiều càng tốt, chỉ làm theo cách khác khi vạch kẻ đường hoặc cách bố trí giao lộ không cho phép.

Các ngã ba

Việc đi qua ngã ba đơn giản hơn ngã tư ở chỗ là bạn bớt đi một hướng di chuyển. Quy tắc chung cũng tương tự như khi đi qua ngã tư: tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, bật xi-nhan báo hiệu đầy đủ và đặc biệt cẩn thận khi có luồng xe giao cắt.

Bùng binh

Nếu bạn muốn ra ở lối ra đầu tiên, hãy bật xi-nhan phải từ trước khi vào bùng binh. Nếu cần ra ở các lối ra từ thứ hai trở đi, hãy bật xi-nhan trái khi vào bùng binh rồi sau đó chuyển sang xi-nhan phải khi gần đến lối ra.


diquagiaolo_07.jpg

Khác với nhiều nơi trên thế giới có vạch chia làn đường tại bùng binh, riêng tại các đô thị ở Việt Nam thì giao thông quanh bùng binh luôn rất hỗn loạn và dường như chẳng ai chịu tuân theo phép tắc nào. Lúc này, bạn cần bình tĩnh, kiên định với hướng đi mình muốn, bật xi-nhan báo hiệu rõ ràng và di chuyển chậm rãi, từ từ vượt qua. Điều khó nhất là làm sao giữ tốc độ đủ chậm để né tránh được các luồng giao thông đang cắt qua, mà vẫn vừa đủ nhanh để các phương tiện khác nhận biết bạn muốn đi ra sao, bạn muốn nhường họ hay để họ nhường bạn… Bấm còi (kèn) cũng là một cách tốt để tạo sự chú ý.

Một số lưu ý khác

– Chỉ lịch sự khi cần thiết và khi đủ an toàn. Nếu việc bạn nhường xe đối diện có thể khiến các xe khác phía sau bạn phải phanh gấp hoặc né tránh, tốt nhất đừng nhường.
– Đừng bao giờ cố vượt đèn đỏ. Không chỉ nguy hiểm, việc này còn có nguy cơ khiến tình trạng tắc đường/kẹt xe thêm trầm trọng.
– Đừng cắt đầu một xe khác khi rẽ trái hoặc quay đầu vì cho dù họ kịp nhường bạn thì những xe phía sau họ chưa chắc đã nhận ra.
– Có rất nhiều trường hợp lái xe lơ đễnh quên bật xi-nhan hoặc có bật nhưng rất muộn, thậm chí bật xi-nhan một bên nhưng lại rẽ bên kia (đặc biệt là mô tô, xe máy). Vì vậy đừng nên quá tin vào đèn tín hiệu của họ và luôn chuẩn bị sẵn sàng phanh gấp.


diquagiaolo_00.jpg

– Chú ý điểm mù. Khi rẽ phải, tâm lý của nhiều người chủ quan do nghĩ rằng mình đã đi sát bên phải của làn ngoài cùng và bật xi-nhan từ trước đó. Dù vậy, nhiều trường hợp xe hai bánh đi bên cạnh sẽ không thấy ôtô bật đèn tín hiệu, đặc biệt là các dòng xe không tích hợp đèn xi-nhan trên gương ngoài, hoặc có thấy nhưng không kịp tránh. Người lái ôtô thì nhiều khi chỉ liếc gương chiếu hậu, mà quên mất rằng có những phương tiện khác đi ngay bên cạnh nhưng không nhìn thấy qua gương.
– Phanh theo xe phía trước hoặc bên cạnh: Khi đang đi phía sau hoặc song song với một chiếc xe khác khiến bạn bị khuất tầm nhìn ở giao lộ từ bất kỳ một hướng nào, nếu thấy xe đó phanh/giảm tốc thì bạn cũng nên cân nhắc và sẵn sàng chủ động phanh/giảm tốc theo xe đó. Lý do là nhiều khả năng người lái chiếc xe đó đã quan sát thấy trước một mối nguy hiểm đang tới nên xử lý. Đây là một trong những thao tác mấu chốt để giúp người tham gia giao thông tránh được những nguy cơ tai nạn đáng tiếc.

Tổng hợp

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận