Trang chủ » Kỹ năng lái xe an toàn: Những nguyên tắc cơ bản mọi tài xế cần nắm vững

Chia sẻ bài đăng này

Kinh Nghiệm Lái Xe

Kỹ năng lái xe an toàn: Những nguyên tắc cơ bản mọi tài xế cần nắm vững


Kỹ năng lái xe an toàn: Những nguyên tắc cơ bản mọi tài xế cần nắm vững

Đối với tất cả mọi người, luôn có 2 nguyên tắc cơ bản về lái xe an toàn cần phải nắm vững. Thứ nhất, tư thế ngồi phải đúng chuẩn – không chỉ thoải mái mà còn hợp lý để người lái dễ dàng thao tác vô-lăng và các bàn đạp ga/phanh. Thứ hai, những thành phần an toàn thiết yếu nhất của một chiếc ô tô (gương chiếu hậu, dây an toàn, tựa đầu…) đều phải được tận dụng triệt để.

Tóm tắt

– Ngồi lái xe đúng tư thế, thoải mái, không quá gần và không quá xa vô-lăng
– Chỉnh 3 gương chiếu hậu sao cho chúng đem lại tầm quan sát bao quát nhất
– Luôn cài dây an toàn khi lái xe

Tư thế ngồi khi lái xe

Một trong những yêu cầu cơ bản nhất của lái xe an toàn là ngồi vào ghế lái đúng cách. Nếu vị trí ngồi lái xe của bạn sai, bạn sẽ không thể kiểm soát tốt chiếc xe của mình và việc lái xe trở nên mệt mỏi một cách không cần thiết. Nó cũng sẽ tiết lộ cho những người khác về… trình độ lái xe của bạn. Ngồi quá gần hoặc quá xa vô-lăng đều không ổn chút nào. Không ít người coi nhẹ vấn đề này, trong khi lẽ ra nó phải được xem xét nghiêm túc.


tuthengoilaixe3.jpg

Thông thường, nếu một ai đó ngồi quá gần vô-lăng, người đó đang cho thấy sự thiếu tự tin về khả năng lái xe của họ. Một lý do khác có thể là vì họ bị cận thị – các vấn đề về mắt của mỗi người là khác nhau và tốc độ suy giảm thị lực không phải lúc nào cũng nhanh để kịp nhận ra và đi khám, nên một số người sẽ có xu hướng dần dần kéo ghế lại gần vô-lăng trong vô thức, không trách họ được.

Những tài xế trẻ tuổi đam mê bộ môn đua xe còn có thói quen bắt chước cách ngồi của những tay đua chuyên nghiệp: ghế sát sàn xe, cách xa khỏi vô-lăng, 2 tay duỗi thẳng và dãn ra hết cỡ mới nắm được vô-lăng. Rồi sẽ đến một lúc nào đó, những người này sẽ nhận ra theo cách rất cay đắng rằng, không phải những gì phù hợp trong đường đua cũng có thể áp dụng được trên đường phố hàng ngày.


tuthengoilaixe_sai.jpg

Đừng ngồi như thế này

Lý do các tay đua chuyên nghiệp phải ngồi như vậy là bởi vì xe đua thường có không gian cabin nhỏ (đặc biệt đúng với xe F1 hoặc siêu xe), vô-lăng thì gọn gàng và rất nhạy, cộng với thiết kế khí động học nên nhiều khi chỉ cần lắc nhẹ cổ tay là toàn bộ chiếc xe đã đổi hướng theo ý muốn được rồi. Tuy nhiên, có mấy khi bạn cần lái như thế ngoài đường phố công cộng không? Đó là chưa kể ngồi cách xa vô-lăng cũng mau mệt mỏi, chẳng kém gì ngồi sát. Điều này càng đúng khi lái xe ở Việt Nam, nơi tình trạng mặt đường không ổn định.

Mặt khác, bạn có thể mắc một sai lầm, đó là tỏ ra quá thư giãn khi lái xe. Đúng là việc cầm vô-lăng bằng một tay, tay còn lại gác lên cửa hoặc bệ tì tay sẽ rất thoải mái, nhưng nếu khi xảy ra tình huống bất ngờ thì nhiều khả năng bạn không thể xoay xở kịp. Lái xe bằng một tay cho thấy sự tự tin đến mức gần như kiêu ngạo hoặc lười biếng. Điều này trong những năm gần đây đã trở nên phổ biến hơn khi hầu như mọi chiếc xe đời mới đều có trợ lực vô-lăng. Không ít người ỷ vào công nghệ hỗ trợ mà trở nên chủ quan, cho rằng chỉ cần nhích nhẹ tay lái bằng ngón tay đã là đủ, vô tình khiến kỹ năng lái không được tốt và rất dễ dẫn đến sự mất tập trung.


camvolang.jpg

Sau khi đã nêu ra tất cả mọi tư thế ngồi sai, giờ chúng ta sẽ đến với tư thế đúng đắn nhất. Bạn cần chỉnh ghế sao cho khi 2 cánh tay đặt lên vô-lăng ở vị trí 9 giờ – 3 giờ, khuỷu tay sẽ cong ở một góc bất kỳ trong khoảng từ 90 độ – 120 độ. Đồng thời, chân bạn có thể đạp phanh hết cỡ mà không cần phải duỗi thẳng hoàn toàn.

Vẫn biết rằng kích thước của mỗi người khác nhau, nhưng hiện nay hầu như mọi chiếc xe đời mới đều có sẵn khả năng chỉnh ghế lái lên-xuống và cao-thấp rất thoải mái, đủ để bất cứ ai cũng có thể tìm được tư thế ngồi phù hợp nhất. Nếu bạn không thể chỉnh sao cho vừa, đó là dấu hiệu bạn cần… tìm một chiếc xe khác, thậm chí ở những phân khúc khác. Một khi tư thế ngồi đã chuẩn, bạn sẽ thấy việc lái xe trở nên đơn giản nhẹ nhàng, đỡ mệt khi đi đường dài và chắc chắn là sẽ an toàn hơn.


tuthengoilaixe1.jpg

Sử dụng những thành phần an toàn thiết yếu nhất

Ô tô là một phương tiện giao thông cá nhân có tính an toàn nhất mà con người có thể tạo ra, tính đến lúc này. Tuy nhiên để nó phát huy được hết các chức năng đảm bảo an toàn, bản thân người ngồi ở vị trí cầm lái cũng phải sử dụng hết toàn bộ theo cách đúng đắn nhất. Nếu không dùng đúng cách, mọi thứ sẽ chẳng có nghĩa lý gì.

Khi ngồi trong xe, tài xế không chỉ cần quan sát hướng phía trước, mà còn phải biết những gì đang diễn ra xung quanh mình. 3 gương chiếu hậu – 1 ở trong xe, 2 ở ngoài xe – đảm nhận chức năng này. Cả 3 cung cấp cho người lái những góc nhìn riêng biệt, nhưng khi kết hợp lại sẽ đem đến cái nhìn toàn cảnh. Muốn thiết lập đúng, trước hết phải chỉnh ghế với tư thế ngồi chuẩn. Sau đó chỉnh gương theo nguyên tắc: gương trong xe phải nhìn được toàn bộ kính chắn gió phía sau, còn 2 gương bên ngoài phải làm sao để quan sát được rộng nhất và hạn chế tối đa phạm vi của vùng không nhìn thấy (điểm mù) ở 2 bên hông xe. Điều quan trọng là sau khi chỉnh xong, người lái có thể quan sát được trọn vẹn mà không cần di chuyển đầu quá nhiều.


chinhguong_00.jpg

Hiện nay hầu hết ô tô đời mới đều trang bị túi khí, nhưng trong trường hợp xảy ra tai nạn thì chỉ mỗi túi khí là chưa đủ, mà còn cần điều kiện là tất cả những ai đang ngồi trong xe phải thắt dây an toàn. Việc này không có gì khó: dây an toàn phải thắt qua vai và dưới bụng, không kéo quá căng khiến bụng căng thẳng. Bất cứ ai cũng nên có thói quen thắt dây an toàn ngay khi ngồi lên xe.


dayantoan.jpg

Tựa đầu của ghế cũng là một thành phần đảm bản an toàn, bên cạnh chức năng duy trì sự thoải mái. Người lái điều chỉnh tựa đầu cao hơn mí mắt và giữ khoảng cách 2-3cm so với đầu. Nếu không thể đạt được khoảng cách đó, cần điều chỉnh lại góc nghiêng lưng ghế sao cho tư thế ngồi lái xe đem lại sự thoải mái. Khi lái xe, bạn cũng nên để đầu hơi hướng về phía trước và giữ đúng khoảng cách để tránh nguy cơ chấn thương cổ khi khoảng cách quá xa.


tuthengoilaixe2.jpg

Ngoài ra, cũng cần nhắc đến việc cố gắng hạn chế tối đa sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe. Đây tưởng chừng là việc nhỏ nhặt nhưng trên thực tế lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và trong nhiều vụ tai nạn, nguyên nhân đến từ sự mất tập trung của người lái do điện thoại di động gây nên. Các mẫu xe đời mới đều tích hợp khả năng kết nối với điện thoại qua màn hình giải trí, điều này mang lại nhiều thuận tiện hơn khi thao tác, nên càng tăng thêm nguy cơ tai nạn do chủ quan. Lời khuyên là bạn chỉ nên dùng điện thoại khi thật sự cần thiết và phải đảm bảo rằng việc này không làm bạn phân tâm. Tốt nhất, nếu cần dùng điện thoại di động, hãy dừng hẳn xe tại một nơi nào đó an toàn, xong xuôi rồi hãy di chuyển tiếp.


dungdtkhilaixe.jpg

Tổng hợp

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận