Với hệ thống giao thông liên tỉnh phát triển như hiện nay tại Việt Nam, việc lái xe hơi đường dài từ thành phố lớn về quê đón Tết đã trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều, nhưng vẫn cần lưu ý đến một số điều quan trọng để chuyến đi diễn ra an toàn và suôn sẻ.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về là lúc nhiều người rời bỏ thành phố để quay trở lại quê nhà đoàn tụ với người thân. Tự lái xe về quê dịp Tết giúp chủ động được thời gian cũng như có trải nghiệm thú vị. Cả người lái lẫn phương tiện cần được chuẩn bị kỹ để chuyến đi diễn ra thoải mái, an toàn.
Kiểm tra, bảo dưỡng xe trước chuyến đi
Di chuyển liên tục trong nhiều ngày với quãng đường hàng trăm, thậm chí có thể lên đến hàng ngàn km buộc động cơ phải hoạt động “căng” hơn rất nhiều so với việc đi lại trong thành phố. Vì thế tốt nhất nên thực hiện kiểm tra và bảo dưỡng xe trước chuyến đi với các hạng mục như thay dầu động cơ, lọc gió động cơ, lọc gió khoang lái… Ngoài ra, nên kiểm tra kỹ phần lốp xe, đảm bảo áp suất lốp ở mức tối ưu, đảo lốp, cân chỉnh thước lái và nên cân nhắc thay thế nếu lốp đã hao mòn.
Chi phí cho việc kiểm tra, bảo dưỡng đơn giản dao động từ 1,5 triệu đồng tùy theo dòng xe. Trong thời điểm cận Tết như hiện nay, hầu hết garage hay cơ sở bảo dưỡng đều trong tình trạng đông khách. Chủ xe nên cân nhắc đặt lịch trước để chủ động hơn cũng như tránh mất thời gian.
Chuẩn bị nước uống, thức ăn nhẹ
Nước uống luôn là thứ cần thiết cho con người nên cần để sẵn ít nhất một thùng nước suối trên xe. Không chỉ có tác dụng giải khát, nước sạch cũng có thể được dùng để người lái rửa mặt cho tỉnh táo. Nếu cơ thể rơi vào tình trạng khát nước quá lâu sẽ khiến người lái mất tập trung, tiềm ẩn nguy hiểm.
Trên đường đi luôn có nhiều các nhà hàng, quán ăn nên hầu như không lo bị đói. Tuy nhiên nếu bạn không muốn dừng nghỉ liên tục vì khiến cảm hứng lái xe bị ngắt quãng, có thể chuẩn bị sẵn một vài món ăn nhẹ như bánh snack, bánh chocolate dạng thanh năng lượng (energy bar) hoặc trái cây… Chúng sẽ đủ giúp bổ sung dưỡng chất cần thiết một cách nhanh chóng, gọn gàng. Vừa lái xe vừa ăn cũng được.
Quan sát kỹ biển báo
Di chuyển qua các tỉnh, thành phố mới với những đoạn đường chưa từng đi qua cần phải quan sát kỹ các biển báo chỉ dẫn, điều này giúp việc lái xe trở nên an toàn hơn cũng như tránh được việc vi phạm luật giao thông.
Thông thường, lái xe hay gặp phải các lỗi liên quan đến tốc độ, khu vực cho phép dừng/đỗ hay đi sai làn đường. Theo quy định, các biển báo được đặt ở đầu tuyến đường và có biển báo nhắc lại sau mỗi nút giao (trừ biển báo hiệu khu vực đô thị/ngoài đô thị). Nếu không có biển báo nhắc lại, biển báo đó sẽ hết tác dụng khi qua khỏi nút giao.
Hiện nay trên thị trường đã có ứng dụng bản đồ hỗ trợ nhận diện biển báo, người dùng có thể cân nhắc mua ứng dụng này để việc lái xe trở nên thoải mái và an toàn hơn. Việc chủ động quan sát biển báo kết hợp với thông tin do ứng dụng cung cấp sẽ tạo nên một trải nghiệm hoàn hảo.
Không nên lái xe liên tục quá lâu
Nếu bạn đi một mình hoặc là người duy nhất có thể lái xe, nên cân nhắc nghỉ ngơi sau 3-4 giờ chạy xe liên tục, kết hợp với việc dừng đổ thêm nhiên liệu hoặc dừng chân tại địa điểm ăn uống để tối ưu lịch trình di chuyển.
Nếu đi theo nhóm và có từ 2 người biết lái xe trở lên, tốt nhất nên đổi lái cho nhau sau khoảng 2-3 giờ lái xe liên tục. Cách này sẽ giúp phân chia sức lực hài hòa, đảm bảo mỗi người đều có thời gian cầm lái và nghỉ ngơi phù hợp, giúp cho hành trình diễn ra thuận lợi, thậm chí có thể đến đích sớm hơn dự kiến.
Khi hành trình kéo dài nhiều ngày, thời gian dành cho việc di chuyển nên là tối đa 8 tiếng mỗi ngày, tương đương quãng đường 600-750 km nếu đi đúng tốc độ quy định tại mỗi cung đường.
Theo Luật Giao thông đường bộ Việt Nam quy định, thời gian lái xe tối đa một ngày không được quá 10 giờ và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu vi phạm có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Tổng hợp