Trang chủ » Những mẫu xe dẫn động cầu trước có cảm giác lái thú vị nhất

Chia sẻ bài đăng này

Bảo Dưỡng & Kỹ Thuật Ô Tô / Tư Vấn Mua Bán Xe

Những mẫu xe dẫn động cầu trước có cảm giác lái thú vị nhất

Xe dẫn động cầu trước thường chịu thua thiệt khi phải đánh giá về cảm giác lái so với những mẫu xe dẫn động cầu sau hoặc dẫn động 4 bánh do đặc tính truyền sức kéo của động cơ đến các bánh xe, điều này là không thể khác được. Tuy nhiên các hãng xe vẫn tìm ra cách để tạo ra những mẫu xe dẫn động cầu trước với khả năng xử lý rất ấn tượng, đủ sức thỏa mãn các tay lái khắt khe nhất.

Khi nói đến những chiếc xe có khả năng xử lý chính xác và mang đến cho người điều khiển cảm giác lái phấn khích nhất, quan niệm thông thường là chỉ có những xe dẫn động cầu sau (RWD) hoặc dẫn động 4 bánh (AWD) mới làm được điều đó. Cũng dễ hiểu vì xe dẫn động cầu sau có thể dễ dàng thực hiện những cú trượt quăng đuôi và drift, đồng thời có sự phân bổ khối lượng lý tưởng. Trong khi đó, xe dẫn động 4 bánh có độ bám tuyệt vời để giữ cho chiếc xe di chuyển đúng theo hướng mà người lái mong muốn, đem lại sự ổn định và an toàn ở tốc độ cao để đạt được thành tích tốt hơn trên đường đua.

Xe dẫn động cầu trước (FWD) có xu hướng bị bỏ qua khi mọi người hay nghĩ về những chiếc xe có khả năng xử lý tốt nhất mọi thời đại. Chúng thường bị mang tiếng là xe rẻ tiền, thực dụng và thường xuất hiện sự thiếu lái khi bị đẩy tới cực hạn. Lý do là bởi thiết kế đặc trưng của kiểu dẫn động này khiến các bánh trước vừa đánh lái vừa phải nhận lực truyền mô-men xoắn từ động cơ, không thể đòi hỏi hiệu năng cũng như sự bứt tốc quá cao được.

Tuy nhiên, không phải chiếc xe dẫn động cầu trước nào cũng thế và dưới đây là một danh sách dài về những trường hợp ngoại lệ, trái với quan niệm thông thường. Hầu như tất cả những chiếc xe dẫn động cầu trước này đều được thiết kế rất tốt ngay từ ban đầu và có thể tạo ra niềm vui khi lái không thua gì xe dẫn động cầu sau hay xe dẫn động 4 bánh.

Fiat 500 Abarth (2019)

Đây là phiên bản hiệu năng cao của mẫu xe đô thị Fiat 500. Với động cơ 4 xy-lanh 1.4L tăng áp và hộp số sàn 5 cấp (tùy chọn số tự động 6 cấp được bổ sung thêm sau này), khả năng xử lý được cải thiện hơn nữa với hệ thống treo và phanh do Abarth điều chỉnh được trang bị tiêu chuẩn. Bên cạnh đó còn là thiết kế ấn tượng và đặc biệt có hệ thống ống xả kép Abarth, khiến chiếc hot-hatch đến từ Italia này có âm thanh hầm hố như một chiếc xe thể thao thực thụ.

Động cơ xe đạt được mức công suất 157 mã lực với hộp số tự động 6 cấp và có thể lên đến 160 mã lực với hộp số sàn 5 cấp, khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 6,9 giây, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa một chiếc xe đô thị thực dụng với trải nghiệm lái thú vị. Chưa hết, để làm tăng thêm cảm giác hưng phấn, mẫu xe này còn có một biến thể mui trần mềm được gọi là 500C Abarth.

Renaultsport Clio 182 Trophy

Nhắc đến xe dẫn động cầu trước mà lái sướng thì luôn phải có ít nhất một xe đến từ Renaultsport vì có quá nhiều sự lựa chọn thú vị từ Clio Williams cho đến Megane R26.R. Tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là Clio 182 Trophy, một phiên bản giới hạn dựa trên nền Renaultsport Clio 182 với màu sơn đỏ Capsicum Red. Điểm đặc biệt là việc xe được trang bị giảm chấn Sachs Race Engineering vốn dành cho xe đua chuyên nghiệp, có khả năng tinh chỉnh độ nhún để tăng độ ổn định và bám đường.

Xe vận hành bằng động cơ 4 xy-lanh 2.0L hút khí tự nhiên với công suất 180 mã lực và hộp số sàn 5 cấp, khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 6,5 giây. Chỉ có đúng 500 chiếc được sản xuất, phần lớn là xe tay lái nghịch (bên phải) dành cho thị trường Anh Quốc, một số ít tay lái thuận (bên trái) được làm cho thị trường Thụy Sỹ.

Lotus Elan (M100)

Mặc dù Lotus nổi tiếng với nhiều mẫu xe thể thao dẫn động cầu sau có động cơ đặt giữa, một trong những tuyệt phẩm ấn tượng nhất của hãng lại là chiếc xe 2 cửa Elan dẫn động cầu trước, được sản xuất từ 1989 đến 1995. Với khối lượng gần 1 tấn và dùng động cơ 4 xy-lanh 1.6L với công nghệ của… Isuzu (lúc đó còn đang nằm dưới trướng GM), chiếc Elan ban đầu bị hoài nghi nhưng đã gây ấn tượng nhờ khung gầm chắc chắn cùng cảm giác lái linh hoạt.

Động cơ của Elan có công suất 130 mã lực ở dạng hút khí tự nhiên và có thể đạt tới 162 mã lực sau khi lắp thêm turbo tăng áp ở phiên bản Elan SE. Kết hợp cùng hộp số sàn 5 cấp, chiếc xe này cần 7,9 giây tăng tốc 0-100 km/h với động cơ hút khí tự nhiên và giảm xuống 6,5 giây với động cơ tăng áp.

Honda CR-X Si (1988-1991)

Đây là thế hệ thứ 2 của dòng CR-X, được sản xuất từ 1988 đến 1991 cho thị trường Mỹ. Biến thể Si được định vị ở tầm “hiệu năng cao”, dùng động cơ 4 xy-lanh VTEC 1.6L khác biệt so với máy 1.5L của các bản còn lại, kết hợp cùng hộp số sàn 5 cấp. Dù công suất chỉ đạt 108 mã lực nhưng thân xe nhẹ khiến cảm giác lái rất năng động.

CR-X Si còn sở hữu thiết lập hệ thống treo cứng hơn làm tăng độ ổn định, lốp xe bản rộng hơn giúp tăng độ bám đường và phanh đĩa ở cả 4 bánh để giảm tốc an toàn hơn. Kiểu dáng coupe 3 cửa cũng giúp cho mẫu xe này luôn được yêu mến bởi cộng đồng chơi xe JDM.

Peugeot 205 GTI

Những chiếc hot-hatch kiểu Pháp luôn là ví dụ tiêu biểu về xe dẫn động cầu trước thể thao và Peugeot 205 GTI cũng không phải ngoại lệ. Dựa trên nền mẫu hatchback 205, phiên bản này trang bị động cơ hút khí tự nhiên 4 xy-lanh 1.6L mạnh 104 mã lực (sau này có thêm lựa chọn máy 1.9L mạnh 126 mã lực), hộp số sàn 5 cấp, hệ thống treo được tinh chỉnh lại và mâm hợp kim lớn hơn so với tiêu chuẩn.

205 GTI nổi tiếng vì có tay lái nhẹ và khả năng xoay trở chính xác ngay cả khi chạy tốc độ cao. Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc 205 GTI vào cua với chỉ 3 bánh chạm đất, khi bánh phía sau ở ngoài góc cua hẵng lên không trung. Dòng xe này cũng được tham gia đua thể thức Group B của giải WRC dưới tên gọi 205 Turbo 16 và từng giành không ít giải thưởng danh giá.

MINI John Cooper Works GP

Dựa trên nền tảng chiếc MINI Cooper S JCW thế hệ F56, phiên bản John Cooper Works GP3 là mẫu MINI ‘GP’ giới hạn mới nhất hiện nay, kế thừa tinh thần của những chiếc GP1 thế hệ R53 và GP2 thế hệ R56. Xe vẫn trang bị động cơ 4 xy-lanh 2.0L tăng áp được dùng bởi Cooper S và JCW, nhưng được cải tiến để đạt công suất 301 mã lực, đi với hộp số tự động 8 cấp Steptronic, tăng tốc 0-100 km/h trong 4,7 giây.

Hàng loạt nâng cấp dành cho khung gầm bao gầm hệ thống treo GP giảm 10 mm chiều cao so với bản JCW, một hệ thống phanh hiệu quả hơn và những chi tiết khí động học ở ngoại thất. Bên trong nội thất xe chỉ còn 2 ghế trước, vì 2 ghế sau bị loại bỏ để “giảm cân” và được thay bằng thanh ổn định chống lật. Chỉ có 3.000 chiếc được sản xuất.

Ford Fiesta ST

Ra mắt thị trường Mỹ năm 2014, phiên bản Fiesta ST tuân thủ đúng công thức làm nên xe hatchback cỡ nhỏ với sức mạnh nổi trội và khả năng xử lý tài tình. Danh tiếng của Fiesta ST được củng cố thông qua các màn trình diễn Gymkhana của tay đua chuyên nghiệp Ken Block.

Trang bị động cơ EcoBoost với 4 xy-lanh 1.6L tăng áp mạnh 197 mã lực và hộp số sàn 6 cấp, Fiesta ST còn sở hữu hệ thống trợ lực lái điện và hệ thống phanh đĩa hiệu quả. Giá xe cũng rất dễ chịu nếu so với những lựa chọn cao cấp khác, mang đến cho cộng đồng chơi xe một giải pháp kinh tế.

Hyundai Veloster N

Là phiên bản hiệu năng cao của dòng Veloster thế hệ thứ 2 được chính bộ phận Hyundai N thiết kế, mẫu xe Hàn Quốc này có động cơ 4 xy-lanh 2.0L tăng áp mạnh tới 275 mã lực, có thể kết hợp cùng hộp số sàn 6 cấp hoặc hộp số ly hợp kép N-DCT 8 cấp, với khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 5,1 giây (khi dùng số sàn).

Ngoài khả năng xử lý vượt trội, Veloster N còn có những trang bị độc quyền, chẳng hạn như vi sai chống trượt điện tử. Dù hiện nay mẫu xe này đã ngưng sản xuất, Hyundai N vẫn cung cấp một số lựa chọn xe dẫn động cầu trước lái hay như sedan Elantra N hay crossover gầm cao Kona N.

Volkswagen Golf GTI (MK8)

Dòng xe Volkswagen Golf GTI luôn là cái tên hàng đầu trong phân khúc xe hatchback cỡ nhỏ dẫn động cầu trước và bản thế hệ thứ 8 tiếp tục duy trì danh tiếng này. Khối động cơ 4 xy-lanh 2.0L tăng áp với công suất 241 mã lực, đi kèm hộp số sàn 6 cấp hoặc hộp số ly hợp kép 7 cấp DSG cho khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 5,7 giây khá ấn tượng.

Bản GTI được trang bị tiêu chuẩn bộ vi sai trước dạng Torsen điều khiển điện, mang đến độ bám đường tốt hơn và ít bị thiếu lái hơn khi vào cua gắt. Hiện tượng “torque steer” (khiến bánh trước có thể bị kéo sang một bên trong quá trình tăng tốc, ảnh hưởng đến sự ổn định của xe) cũng được giảm thiểu so với các thế hệ trước.

Acura Integra Type R (1997-2001)

Vào thập niên 1990, Acura Integra Type R thuộc thế hệ DC2 dành cho thị trường Mỹ là một trong những mẫu xe dẫn động cầu trước có xuất xứ Nhật Bản được ưa chuộng nhất. Thân xe được gia cố và cấu trúc cơ khí được tinh chỉnh đặc biệt nhằm mang đến cảm giác lái vô cùng phấn khích so với những chiếc coupe thể thao cùng phân hạng.

Integra Type R dùng động cơ 4 xy-lanh 1.8L DOHC VTEC mạnh 195 mã lực, đi kèm hộp số sàn 5 cấp cho khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 6,6 giây. Không chỉ có vậy, mẫu xe này còn sở hữu vi sai chống trượt Torsen, hệ thống treo được gia cố ở cả phía trước và phía sau, cũng như các thông số caster và camber được tối ưu.

Honda Civic Type R (FL5)

Thế hệ mới nhất của Civic Type R chính là ví dụ tiêu biểu nhất về xe dẫn động cầu trước hiệu năng cao, có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với xe cầu sau hay xe dẫn động 4 bánh. Xe vận hành bằng động cơ 4 xy-lanh 2.0L tăng áp với công suất 315 mã lực, đi kèm hộp số sàn 6 cấp, tăng tốc 0-100 km/h chỉ trong vòng 4,9 giây.

Với quá trình nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại các đường đua lừng danh trên thế giới như Nurburgring hay Suzuka Circuit, Civic Type R thế hệ FL5 mới nhất có nhiều cải tiến ở cả bên ngoài cũng như bên trong. Chúng bao gồm bộ vi sai chống trượt với bánh răng xoắn ốc cho phép lực kéo lớn hơn và bánh xe ít bị trượt hơn khi ra khỏi các góc cua, các bộ phận của hệ thống treo được nâng cấp và thân xe đạt hiệu quả khí động học tốt hơn.

Tổng hợp

Chia sẻ bài đăng này

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.