Các tính năng công nghệ ADAS đã giúp ích rất nhiều trong việc sử dụng ô tô hàng ngày nhờ khả năng dự đoán, nhận diện và phản ứng nhanh trước các tình huống nguy hiểm tiềm tàng để hỗ trợ trong việc đảm bảo an toàn lúc lái xe. Tuy nhiên chúng không hoàn hảo, song song với những ưu điểm là hàng loạt nhược điểm liên quan đến việc làm giảm nhận thức về tình huống và sự cảnh giác chung của người lái đối với môi trường xung quanh.
ADAS (advanced driver assistance systems – các tính năng hỗ trợ người lái nâng cao) đã trở thành một phần thiết yếu trong trải nghiệm sở hữu ô tô hiện đại. Mặc dù các hình thức hỗ trợ người lái ban đầu chẳng hạn như tính năng ga tự động cruise control có bản chất khá đơn giản, ngày nay hệ thống ADAS trên phần lớn các mẫu xe được trau chuốt hoàn thiện hơn, có cơ chế hoạt động tinh vi hơn và số lượng công việc chúng hỗ trợ cũng đa dạng phong phú hơn, thậm chí còn tham gia vào một phần quá trình lái xe thay cho người điều khiển.
Khi công nghệ ngày càng phát triển theo thời gian và các nhà sản xuất ô tô nỗ lực tìm tòi phát hiện ra nhiều cách hơn để cải thiện khả năng đảm bảo an toàn cho mọi người ngồi bên trong xe, đồng nghĩa với các thành phần điện tử như cảm biến hay máy tính điện toán đã được tích hợp sâu hơn vào xe. Ô tô hiện nay đã trở thành những sản phẩm cực kỳ phức tạp, không còn là phương tiện di chuyển thuần cơ khí như cách đây vài chục năm nữa. Tuy nhiên, bản thân các tính năng hỗ trợ người lái cũng có nhược điểm. Từ trục trặc của thiết bị cho đến việc người lái sơ suất hoặc sử dụng không đúng cách, có rất nhiều khả năng làm cho ADAS có thể tác động tiêu cực thay vì tích cực.
Những lầm tưởng về ADAS và thực tế phũ phàng
ADAS là công nghệ hiện đại, nhưng vào lúc này thì nó chưa hiện đại đến mức độ như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Điều quan trọng cần biết về cơ chế hoạt động của ADAS là chưa hề có bất cứ hệ thống nào với khả năng tự lái hoàn toàn đang được ứng dụng trên xe phổ thông. Những cái tên nghe rất “kêu” như Autopilot hay Full Self-Driving (đều của Tesla) gây hiểu nhầm nghiêm trọng, vì thực sự chúng không có khả năng đó.
Trên toàn thế giới hiện nay, ADAS loại “xịn” nhất mới chỉ dừng lại ở Cấp độ 3, đang tồn tại ở một số lượng rất ít các mẫu xe sang Mercedes-Benz được trang bị gói công nghệ DRIVE PILOT. Những chiếc xe với ADAS Cấp độ 3 này cũng chỉ mới được phê duyệt để vận hành giới hạn trong một số tiểu bang nhất định và trên những tuyến đường được quy định sẵn ở Mỹ. Mercedes-Benz cũng vừa được cấp phép cho xe với DRIVE PILOT có thể được sử dụng với tốc độ lên đến 95 km/h trong một số điều kiện nhất định trên toàn bộ mạng lưới đường cao tốc Autobahn dài 13.191 km ở Đức.
Ngay cả khi ứng dụng hạn chế như vậy, nếu những chiếc xe với ADAS Cấp độ 3 này xảy ra sự cố khi hệ thống đó đang hoạt động, Mercedes-Benz sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý. Ngoài ra, tất cả các hãng khác đều chỉ đang bán ra xe với ADAS cao nhất là Cấp độ 2. Một vài hãng còn quảng cáo xe mình sở hữu ADAS “Cấp độ 2+”, tức là chỉ bổ sung thêm một vài chức năng so với tiêu chuẩn của Cấp độ 2 và đương nhiên kém xa Cấp độ 3, chứ chưa nói đến mức độ tự động hóa hoàn toàn (tương đương các Cấp độ 4 và 5).
Các hệ thống ADAS Cấp độ 2 hoặc 2+ cho phép lái xe rảnh tay trên một số tuyến đường nhất định, nhưng đòi hỏi người ngồi ở vị trí ghế lái phải liên tục giữ sự tập trung và sẵn sàng tiếp tục giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn chiếc xe ngay lập tức vào bất kỳ lúc nào. Để làm được việc này, các hệ thống ADAS thường trang bị kèm camera hướng về phía người lái và/hoặc cảm biến trên vô-lăng để đảm bảo người cầm lái đang chú ý và không được quá tự do làm việc khác.
Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu chẳng hạn như của Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS), AgeLab hay Viện Công nghệ Massachusetts đã chỉ ra rằng, không ít trường hợp các chủ xe có ADAS Cấp độ 2 đã lợi dụng những “kẽ hở” của hệ thống giám sát để “đánh lừa” chiếc xe, tỏ ra mình vẫn đang tập trung, trong khi thực tế là tranh thủ làm việc khác, hoặc thậm chí… ngủ. Tồi tệ hơn, đang có nhiều bằng chứng cho thấy khi con người càng quen với cách thức hoạt động của ADAS ở Cấp độ 2 hay 2+ hiện tại, họ càng cố gắng “đa nhiệm” như vừa lướt điện thoại, vừa ăn vặt, v.v… và mặc kệ việc vận hành xe cho ADAS xử lý.
Độ tin cậy của ADAS không phải 100%
Vấn đề đầu tiên với các tính năng ADAS cũng là vấn đề ảnh hưởng đến mọi thiết bị công nghệ khác: chúng không phải lúc nào cũng hoạt động như mong đợi. Tuy nhiên, nếu như với chiếc điện thoại mà có bị trục trặc thì vẫn giải quyết được tương đối đơn giản, nhưng ADAS hoạt động không đúng cách sẽ có thể gây ra hậu quả rất thảm khốc như tai nạn, thương tích hoặc tử vong. Đó là bởi bản chất của xe ô tô, phương tiện di chuyển được sử dụng trên đường giao thông công cộng, khác xa so với các thiết bị điện tử mà con người có thể dùng trong nhà hay nơi nào an toàn.
Một cuộc khảo sát năm 2023 của Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc (IIHS) cho thấy nhiều tài xế đã gặp sự cố với xe của họ khi ADAS không hoạt động, chẳng hạn như tính năng cảnh báo điểm mù hoặc ngăn ngừa va chạm phía trước. Đáng chú ý, khoảng một nửa số này tiếp tục bị lỗi ADAS sau khi xe đã được sửa bởi kỹ thuật viên trong xưởng dịch vụ chính hãng. Do đó, điều đầu tiên mà bất cứ chủ xe nào cũng cần phải nhận thức rõ khi sử dụng ADAS là không được trở nên quá phụ thuộc vào chúng.
Năng lực của các công nghệ ADAS có thể đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, nhưng điều đó không có nghĩa là các hãng sản xuất không “nói quá” về chúng, trong nỗ lực cạnh tranh tìm kiếm thị phần. Các nhiệm vụ cơ bản như giữ làn đường và phát hiện chướng ngại vật thì đã được thể hiện, nhưng chừng đó vẫn còn rất xa mới có thể sánh ngang với một chiếc xe tự lái thực thụ. Những lời quảng cáo thì khiến khách hàng dễ hiểu nhầm rằng mức độ tinh vi của công nghệ đang cao hơn nhiều so với những gì chiếc xe đang có, khiến họ phát sinh suy nghĩ xa rời thực tế, chẳng hạn như không cần giám sát lúc xe đang thực hiện các thao tác tự động hỗ trợ.
ADAS có thể gặp khó khăn khi đối mặt với điều kiện thời tiết bất lợi. Hầu hết các hệ thống hiện nay dựa vào các thành phần vật lý, chẳng hạn như camera hoặc cảm biến, để thu nhận thông tin về cảnh quan xung quanh xe và phát hiện các mối nguy hiểm. Chúng đều có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu và kết quả là hoạt động kém hơn so với điều kiện thông thường.
Hiểm họa khi phụ thuộc vào ADAS
Xu hướng tự nhiên của con người luôn là làm điều gì ít bị cản trở nhất. Khi có thể tiếp cận những công nghệ giúp việc lái xe trở nên dễ dàng hơn như ADAS hiện nay, hầu như tất cả sẽ cố gắng tận dụng lợi thế và mất đi sự cảnh giác. Tất nhiên, điều này có thể phản tác dụng nếu xe không hoạt động như mong đợi hoặc rơi vào tình huống quá phức tạp để các tính năng ADAS có thể xử lý.
Trong thế giới ngày nay, nơi điện thoại thông minh có mặt khắp nơi và hệ thống thông tin giải trí ngày càng phức tạp (đã vậy lại còn toàn dùng màn hình cảm ứng với màu sắc rực rỡ!), việc mất tập trung khi lái xe ngày càng trở nên phổ biến. Sự xuất hiện của ADAS cũng khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Bạn sẽ dễ bị phân tâm hơn hoặc không phản ứng nhanh như bình thường trong trường hợp khẩn cấp. Duy trì sự chú ý liên tục là rất quan trọng, ngay cả trong những tình huống mà các tính năng hỗ trợ người lái của xe đang thực hiện đúng chức năng được hãng quảng cáo (chẳng hạn như lái xe trên đường cao tốc).
Vì ADAS vẫn đang phát triển theo từng năm nên có rất nhiều sự khác biệt giữa khả năng của mỗi chiếc xe, tùy thuộc vào tính năng và thiết bị của chúng. Sẽ có tình trạng một mẫu xe nhìn kiểu dáng rất tân thời nhưng chỉ sở hữu hệ thống ADAS cơ bản dạng như Cấp độ 1, trong khi một mẫu khác nhìn không bóng bẩy bằng nhưng lại có hệ thống LiDAR tiên tiến. Nếu như có dịp phải lái một mẫu xe không quen thuộc (chẳng hạn như xe thuê hoặc mượn từ bạn bè hay thành viên khác trong gia đình), bạn có thể không nhận thức được sự khác biệt và sẽ vô tình hành xử như thể chiếc xe đó sở hữu những tính năng ADAS giống như xe của mình.
Các nhà sản xuất luôn nỗ lực đảm bảo an toàn bằng những khuyến cáo xoay quanh ADAS, với mong muốn người lái tuân thủ đúng thiết kế kỹ thuật. Nhưng sẽ luôn có những kẻ tỏ ra “khôn lỏi”, tìm mọi cách qua mặt hệ thống do các kỹ sư hàng đầu dầy công tạo nên. Một ví dụ tiêu biểu là vụ “hack xe Tesla tự lái bằng trái cam” nổi tiếng vào năm 2018, trong đó chủ nhân chiếc Tesla Model S P85 D đặt một quả cam vào khe vô-lăng ở ngay vị trí cảm biến nhận dạng người lái, nhằm “đánh lừa” hệ thống rằng đang có tay người được đặt lên vô-lăng, tín hiệu cảnh báo sẽ không phát ra và cơ chế tự lái tiếp tục hoạt động vô thời hạn.
Thui chột kỹ năng lái xe
ADAS hoạt động dựa trên các thuật toán, được viết ra bởi các lập trình viên, với số lượng các tình huống có phần hạn chế. Nhưng bản chất của con người có cả yếu tố khó đoán trước và nhiều khi sẽ hành xử khác với những gì mà máy tính được lập trình. Sự khác biệt này khiến cho ADAS dù có được chuẩn bị tinh vi đến mấy thì cũng khó có thể phản ứng thích hợp hoặc kịp thời khi gặp tình huống nằm ngoài khả năng. Đây là lý do tại sao sự can thiệp của con người vẫn là rất cần thiết trong lúc ADAS vận hành.
Sự phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ADAS không chỉ dẫn đến các vấn đề ngắn hạn về an toàn mà còn dẫn đến các vấn đề dài hạn về khía cạnh kỹ năng. Trước đây khi chưa có ADAS, con người luôn phải tự xử lý chiếc xe, giúp xây dựng thói quen, tích lũy kiến thức và trau dồi kinh nghiệm. Nhưng khi ADAS xuất hiện và trở nên phổ biến cũng là lúc nảy sinh tâm lý ỷ lại.
Đây không chỉ là chuyện xảy ra với những người đã có nhiều năm lái xe và mới mua thêm chiếc xe hiện đại, mà còn ảnh hưởng đến các tay lái vừa mới học thi lấy bằng xong trong vài năm trở lại đây, vốn chỉ được tiếp xúc với những chiếc xe đã có sẵn ADAS. Việc lệ thuộc vào công nghệ trong quá trình học lái có thể khiến một số kỹ năng quan trọng không được hoàn thiện đúng cách, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề tiềm tàng trong trường hợp đổi xe hoặc chuyển sang phân khúc xe khác.
Nếu tầm nhìn bị hạn chế, chẳng hạn như trong một ngày sương mù nhiều hơn bình thường, hay khi mặt đường trở nên khác biệt sau trận mưa lớn hoặc bị tuyết phủ dày đặc, thì ngay cả những hệ thống tiên tiến nhất cũng không thể xử lý tốt bằng kỹ năng lái xe của con người. Tuy nhiên, nếu chủ xe đã quá quen với ADAS thì có thể quên rằng chúng không hoạt động tốt khi thời tiết xấu, điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Đối với những người sở hữu xe có hệ thống ADAS quá nhạy cảm, thường xuyên phát ra tín hiệu cảnh báo ngay cả khi tình huống thực tế chưa có gì nghiêm trọng, nhiều khả năng sẽ gây phiền toái và dẫn đến việc người dùng tắt luôn những âm thanh này, làm giảm đi hiệu quả của ADAS. Nếu xe không cho tắt âm thanh cảnh báo, người lái vẫn hoàn toàn có thể trở nên chủ quan vì đã quá quen với những mối nguy vặt vãnh hoặc không tồn tại, dẫn đến nguy cơ lơ đễnh không đề phòng nếu thực sự có nguy hiểm xảy ra.
Tổng hợp