Những cái tên giàu nhất giải đua Công thức 1

0

Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (2).jpg

Từ lâu, đua xe thể thao, đặc biệt là giải đua Công thức 1 đã được biết đến là môn thể thao tốn tiền bậc nhất thế giới. Không chỉ tiêu tốn tiền để trở thành nhà tài trợ, đội đua, các tay đua cũng phải bỏ ra số tiền không nhỏ để có thể tham gia và duy trì siêu bằng lái (Super License) của mình qua từng năm. Chính vì thế, môn thể thao nhanh nhất hành tinh phải thu hút những cá nhân, tập đoàn siêu giàu trên thế giới để tài trợ và vận hành chúng.

Nhà tài trợ giàu nhất


Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (1).jpg

Đầu tiên, để một đội đua có nguồn tài chính ổn định để vận hành, họ cần không chỉ một mà là nhiều nhà tài trợ. Claro, xuất hiện trên cánh gió của đội đua Red Bull Racing, là một công ty viễn thông Nam Mỹ và là một phần của America Movil – một tập đoàn viễn thông có trụ sở tại Mexico City, có doanh thu hàng năm ở mức trên 50 tỷ Đô. Chủ sở hữu của nó, ông Carlos Slim Helu, người giàu thứ 16 thế giới (theo Forbes) với tài sản ở mức 62,6 tỉ Đô cùng con trai, Carlos Slim Domit, chính là hai nhà tài trợ chính đứng sau tay đua Sergio Perez.


Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (12).jpg

Ông Carlos Slim Domit

Hai cha con nhà Carlos Slim đã đồng hành cùng Perez từ trước khi tay đua này tham gia giải đua nhanh nhất hành tinh. Trước đây, họ tài trợ Perez thông qua công ty Telmex. Năm nay, Checo (biệt danh của Sergio Perez) đến với Red Bull Racing và mang theo nguồn tiên lớn đến cho tham vọng cạnh tranh chức vô địch của đội đua này.

Chủ sở hữu đội đua giàu nhất

Người sáng lập đội đua Red Bull Racing, Dietrich Mateschitz được coi là ông chủ đội đua giàu nhất giải khi sở hữu khối tài sản ở mức 26,9 tỉ Đô và là người giàu thứ 40 thế giới (theo Forbes). Ông sở hữu 49% cổ phần của Red Bull và hiện là giám đốc điều hành thương hiệu này.


Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (11).jpg

Ông Dietrich Mateschitz – người mang thương hiệu nước tăng lực Red Bull đến với thế giới và ông chủ đội đua F1 Red Bull Racing

Red Bull lần đầu tiên tham gia vào Công thức 1 với vai trò nhà tài trợ cho tay đua Gerhard Berger và đồng thời sở hữu 60% cổ phần đội đua Sauber F1 Team khi đó. Tuy nhiên, biến cố xảy ra khiến mối quan hệ của Dietrich và Sauber tan vỡ. Sau đó, ông mua lại đội đua Jaguar Racing với giá chỉ một Bảng Anh và biến nó thành Red Bull Racing. Một năm sau, với sự hợp tác của Berger, ông tiếp tục mua lại Minardi và biến đội này thành Scuderia Toro Rosso trước khi đổi tên thành Scuderia AlphaTauri vào mùa giải vừa qua.

Hiện tại, Red Bull Racing được vận hành dưới sự quản lý của Christian Horner và Dr. Helmut Marko. Trước đây, đội đã giành được bốn chức vô địch thế giới với Sebastian Vettel. Về phần AlphaTauri, đội đua “sân sau” này cũng từng giành được hai chiến thắng chặng và đồng thời đóng vai trò đội đua trẻ để RBR đánh giá tài năng các tay đua trẻ.

Tay đua giàu nhất


Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (10).jpg

Về phần tay đua giàu nhất hiện đang còn hoạt động, đó là Lewis Hamilton. Tay đua từng 7 lần vô địch thế giới hiện có thu nhập chính từ đội đua ở mức 55 triệu Đô một mùa. Ngoài ra, anh còn sở hữu nhiều hợp đồng quảng cáo khác của các thương hiệu như Mercedes, Tommy Hilfiger, Monster Energy, Bose, Puma, IWC, Sony, Gran Turismo và MV Agusta. Tài sản của anh ở mức khoảng 285 triệu Đô.

Trước đây, danh hiệu tay đua giàu nhất giải thuộc về Michael Schumacher. Huyền thoại người Đức hai lần được Forbes thống kê và vận động viên thể thao có lương cao nhất vào năm 1999 và 2000. Khi đó, ông đua cho Scuderia Ferrari và hưởng lương cao nhất là 80 triệu Đô mỗi mùa.

Những nhà tài trợ vòng đua giàu nhất


Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (9).jpg

Ở khoản này, không chỉ một mà là nhiều nhà tài trợ đã bỏ ra số tiền vô cùng lớn để giữ chân các cuộc đua ở lại với quốc gia của họ. Đầu tiên là Ong Beng Seng, người mang giải đua đến đảo quốc Singapore. Ta còn có John Dejoria, người đứng sau trường đua Circuit of the Americas và chặng đua tại Mỹ hay hoàng tử Albert xứ Monaco, người góp phần giữ một phần lịch sử của giải đua ở lại với lịch đua hàng năm.


Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (8).jpg

Zak Brown (trái) – đội trưởng McLaren F1 Team cùng Hoàng thân Salman (phải)

Ngoài ra, một số cái tên nổi bật khác đến từ Trung Đông, bao gồm hai chặng đua ở Bahrain và Abu Dhabi. Tại Bahrain, đứng sau chặng đua là gia đình hoàng gia – Hoàng thân Salman, sở hữu khối tài sản khoảng 4 tỉ Đô. Ngoài chặng đua tại quê nhà Bahrain, ông còn là nhà đầu tư bỏ tiền ra để cứu McLaren. Còn ở Abu Dhabi, Sheikh Khalifa là người mang cuộc đua đến với nơi đây, khối tài sản của ông khoảng 150 tỉ Đô. Để hiện thực hóa cuộc đua trên hoang mạc, ông đã tạo nên dự án đảo nhân tạo Yas Marina, bao gồm trường đua Yas Marina Circuit.

Độ giàu của đơn vị nắm giữ thương hiệu Công thức 1


Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (7).jpg

Ông John C. Malone – Chủ tịch, cổ đông Liberty Media

Vào năm 2017, Liberty Media mua lại Tập đoàn Công thức 1 từ tay tập đoàn CVC với giá 4,6 tỷ Đô. Tập đoàn này được điều khiển bởi John C. Malone, một tỷ phú người Mỹ, người được cho là sở hữu bất động sản lớn nhất tại quốc gia này. Theo Forbes, khối tài sản của ông được định giá ở mức 7,8 tỷ Đô. Cựu Giám đốc điều hành của thương hiệu, ông Bernie Ecclestone, người giữ chức vụ này đến năm 2020 có tài sản trị giá 3 tỷ Đô.

Những “ông bố” giàu nhất giải đua


Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (6).jpg

Ông Lawrence Stroll – cha của Lance Stroll, ông chủ đội đua Cognizant Aston Martin F1 và cổ đông hãng xe thể thao Aston Martin

Không chỉ những nhà tài trợ, chủ sở hữu hay đơn vị đứng ra tổ chức nằm trong “top” những người giàu nhất thế giới, đôi khi, gia đình tay đua cũng có mặt trong danh sách này. Để có thể duy trì siêu bằng lái, các tay đua phải bỏ ra số tiền hàng triệu Đô mỗi năm. Số tiền này đa phần đến từ các hợp đồng tài trợ hoặc đôi khi, nó đến từ các ông bố giàu có của những tay đua này.

Đầu tiên và nổi tiếng nhất có lẽ là Lance Stroll, tay đua của đội Aston Martin. Tay đua này thực chất đang làm việc cho chính bố của mình, ông Lawrence Stroll, người có tài sản ở mức 3,2 tỷ Đô. Vào năm 2018, khi Force India đang đối mặt với vấn đề tài chính nghiêm trọng, ông Lawrence đã bỏ ra số tiền hơn 100 triệu Đô để mua lại đội đua này. Sau đó, ông bỏ ra thêm 235 triệu USD nữa để mua lại hãng xe thể thao Aston Martin, đồng thời mang thương hiệu này trở lại giải đua Công thức 1 sau hơn nửa thế kỷ vắng bóng. Con trai ông, Lance Stroll hiện đang sát cánh cùng tay đua bốn lần vô địch thế giới Sebastian Vettel.

Giống với cậu con trai, Lawrence là một người mê xe từ nhỏ và nổi tiếng với bộ sưu tập Ferrari khổng lồ tại Canada, bao gồm cả chiếc Ferrari 275 GTB/4 trị giá 27,5 triệu Đô ông mua vào năm 2013. Ông cũng là người sáng lập thương hiệu Michael Kors cũng như mang Pierre Cardin và Ralph Lauren đến với thị trường Canada.


Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (4).jpg

Zak Brown (trái) và ông Michael Latifi – cha tay đua Nicholas Latifi

Một ông bố giàu có khác cũng đầu tư vào đội đua này đó là Michael Latifi, cha của tay đua Nicholas Latifi. Ông là chủ sở hữu, Giám đốc và CEO của Sofina Foods, một công ty thực phẩm tại Canada. Trước khi đầu tư vào Williams như hiện tại, ông đã bỏ ra số tiền 200 triệu USD vào McLaren Group vào năm 2018. Ông cũng là một rất đam mê môn thể thao tốc độ này khi từng sở hữu và thường sử dụng chiếc xe đua Công thức 1 Ferrari F2004 từng được cầm lái bởi Michael Schumacher và F2007 của Kimi Raikkonen.


Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (5).jpg

Ông Dmitry Mazepin (áo trắng – giữa) cùng con trai Nikita Mazepin

Cuối cùng, ta có Dmitry Mazepin, cha của “tân binh” Nikita Mazepin. Ông đã đầu tư một khoản tiền lớn vào đội đua Haas và một phần giúp cậu con trai của mình có vị trí đua chính thức bên cạnh Mick Schumacher. Ông hiện là chủ tịch hội đồng của công ty hóa chất Uralchem Integrated Chemicals Company. Ông cũng là người đã bỏ ra số tiền 5 tỷ Đô để mua lại Uralkali, công ty sản xuất phân bón kali lớn nhất thế giới. Ngoài ra, ông cũng đang làm việc với hai công ty hóa dầu của Nga là TNK và Sibur. Trước khi có ý định đầu tư vào Haas, Dmitry Mazepin cũng từng đấu giá để mua lại Force India vào năm 2018 nhưng lại thua Lawrence Stroll.

Những dòng tiền mới


Những-cái-tên-giàu-nhất-giải-đua-Công-thức-1 (3).jpg

Với những luật lệ mới và giới hạn chi phí phát triển xe đang được áp dụng vào giải đua, có vẻ như chúng sẽ không ảnh hưởng mấy đến việc các nhà tài trợ lớn sẽ liên tục đổ tiền vào các đội đua. Năm nay, Williams F1 có thêm gói tài trợ trị giá 180 triệu Đô đến từ Dorilton Capital. Với Aston Martin, đó là Cognizant, một công ty IT của Mỹ, Oracle đầu tư vào Red Bull trong khi TeamViewer trở thành nhà tài trợ lớn thứ 3 của Mercedes-AMG Petronas.

Việc chặng đua thứ hai diễn ra trên đất Mỹ sẽ là điều khiến các nhà đầu tư chi đậm hơn. Điều này có thể lý giải khi giải đua ngày càng hấp dẫn sẽ thu hút thêm người xem. Ngoài ra, chương trình Drive to Survive của Netflix hay các hoạt động cộng đồng của Lewis Hamilton sẽ thu hút thêm một lượng lớn người xem cho giải đua này. Zak Brown, đội trưởng của McLaren F1 cho biết F1 là nơi dành cho các nhà tài trợ bỏ tiền ra để nổi tiếng và điều đó có lẽ sẽ tiếp tục đúng trong thời gian tới.

Tổng hợp

VNB
Author: VNB

Bài trướcKỷ niệm 30 năm dòng xe mui trần bốn chỗ Mercedes-Benz W 124 Cabriolet
Bài tiếp theoHUD – tiện ích cần có trên xe hơi hiện đại