Cái tên nói lên tất cả. Giống như “đàn anh” F-150 Raptor, biến thể Ranger Raptor được ra đời để đáp ứng nhu cầu về hiệu năng vận hành cao và tối ưu off-road vượt địa hình, trong khi vẫn phần nào duy trì kiểu dáng không quá to lớn – đây là lẽ hiển nhiên, bởi không phải quốc gia nào cũng đủ điều kiện hạ tầng cơ sở như Mỹ để cho phép những chiếc bán tải full-size kềnh càng như F-150 hay Silverado tung hoành.
Toàn bộ khu vực Đông Nam Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng vào lúc này, không hề có bất cứ một mẫu “bán tải hạng trung hiệu năng cao” nào khác ngoại trừ Ranger Raptor. Tính rộng ra trên phạm vi thế giới, vẫn có Chevrolet Colorado ZR2 và Toyota Tacoma TRD Pro là ngang cơ, nhưng đáng tiếc chúng chỉ được bán ở Mỹ.
Ranger Raptor được bộ phận nghiên cứu phát triển xe hiệu năng cao Ford Performance hoàn thiện dựa trên nền tảng Ranger T6 đương đại. Tuy nhiên, với hàng loạt cải tiến từ khung gầm, hệ thống treo, cơ cấu truyền động cho đến các trang bị tiện nghi bên trong nội thất, Ranger Raptor như thể là một sản phẩm hoàn toàn tách biệt, chứ không chỉ đơn thuần là một bản Ranger Wildtrak nâng cấp lên.
Bộ phận Ford Performance vốn là nơi chịu trách nhiệm phát triển Ford GT, Mustang, Focus RS hay sắp tới là biến thể Edge ST 2019…, đã thay đổi triệt để phần khung gầm nền tảng của Ranger nguyên bản nhằm tăng cường độ vững chắc và bền bỉ. Kết quả là Ranger Raptor ứng dụng một bộ khung gầm có thể coi là gần như mới hoàn toàn khi tích hợp vật liệu thép siêu cứng HSLA.
Ranger Raptor có kích thước tổng thể to lớn hơn Ranger Wildtrak tiêu chuẩn đáng kể. Bên cạnh phần thông số cơ bản với chiều dài 5.398 mm (+ 35 mm), rộng 2.180 mm (+ 150 mm) và cao 1.873 mm (+ 13 mm), Ranger Raptor còn sở hữu khoảng sáng gầm lên tới 283 mm (+ 83 mm). Độ cao của xe còn đến từ việc chuyển sang dùng lốp đa địa hình (All-terrain) BF Goodrich kích thước 285/70.
Đặc biệt, hệ thống treo của Ranger Raptor là loại độc lập cả bốn bánh, liên kết đa điểm kết hợp với lò xo và giảm chấn thủy lực do Fox Racing Shox cung cấp, ứng dụng cảm biến vị trí Position Sensitive Damping (PSD) tiên tiến. So với loại nhíp lá và giảm chấn thủy lực thông thường trên Ranger cũng như các loại bán tải hạng trung khác, hệ thống này giúp giảm vặn xoắn, hạn chế văng đuôi, thích ứng với địa hình xấu tốt hơn.
Hệ thống phanh của Ranger Raptor nâng cấp lên đường kính 332 mm đi kèm 4 piston mỗi phanh, tiết diện má phanh lớn hơn 9,5 mm so với Ranger Wildtrak. Xe có góc tới 32,5 độ, góc thoát 24 độ và góc vượt dốc 24 độ, cùng hệ thống bảo vệ gầm xe đặc biệt hạn chế thiệt hại do va đập. Khối lượng xe lên 2.322 kg, nặng hơn Ranger Wildtrak 3.2L tới 72 kg.
Động cơ sử dụng cho Ranger Raptor là máy dầu diesel EcoBlue có dung tích 2.0L và hai tăng áp, một nhỏ một lớn – loại nhỏ hoạt động khi vòng tua thấp và loại lớn vận hành khi động cơ cần đạt vận tốc cao, hứa hẹn cải thiện độ trễ tăng áp. Khối máy này có công suất 213 mã lực tại 3.750 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 500 Nm từ 1.750 – 2.000 vòng/phút. Xe cũng được trang bị hộp số tự động 10 cấp giống như trên F-150 Raptor, tất nhiên là được tinh chỉnh lại. Hệ thống gài cầu và khóa vi sai điện tử giống như trên Ranger Wildtrak.
Hệ thống Quản lý địa hình Terrain Management System (TMS) từng xuất hiện trên F-150 Raptor nay cũng được đưa vào Ranger Raptor. Người lái có thể chọn 6 chế độ vận hành khác nhau, trong đó chỉ có 2 chế độ Normal và Sport là tối ưu cho đường on-road. Còn lại đều là các chế độ đi địa hình: Grass/Gravel/Snow (cỏ/sỏi nhỏ/tuyết), Mud/Sand (bùn/cát), Rock (đá lớn) và Baja (off-road tốc độ cao). Ngoài ra là những tiện ích như lẫy chuyển số bằng nhôm sau tay lái, ghế thể thao, màn hình cảm ứng 8 inch…
Việc Ford cho ra mắt Ranger Raptor, trước hết tại Thái Lan nhằm phân phối đi khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng là để gia tăng độ phong phú cho danh mục sản phẩm, đồng thời chiếm lợi thế trước các đối thủ. Đến thời điểm này, vẫn chưa có một hãng ôtô nào khác đưa ra lời đáp trả tương xứng. Những phiên bản như Triton Athlete, Colorado Storm hay Hilux Rocco mới chỉ ở ngang tầm Ranger Wildtrak với phần trang trí ngoại thất tỏ vẻ hầm hố, chứ không thực sự cải thiện hiệu năng.
Ở thị trường Việt Nam, Ford Ranger nghiễm nhiên được coi là “vua bán tải”, đơn giản vì mẫu xe này tiêu thụ được nhiều nhất trong phân khúc pickup tính từ 2014 trở lại đây. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh số Ranger vẫn khá ấn tượng ở mức 3.854 chiếc bán ra, bất chấp nhiều tháng liên tiếp không nhập được hàng và có lúc từng để đối thủ Chevrolet Colorado “qua mặt”. Giờ đây, sự xuất hiện của biến thể Ranger Raptor càng khiến dòng xe bán tải Ford thêm khác biệt với phần còn lại.
Hình ảnh chi tiết nội thất Ford Ranger Raptor: