Tổng hợp những điều cần biết về xe hơi | Kiến thức cơ bản từ A-Z

vungocbach

Thành viên kỳ cựu
Bài viết
4,170
Trên thị trường hiện tại hiện có nhiều loại dầu nhớt với đặc tính khác nhau. Ngày nay, nhớt máy thường được thêm phụ gia để tăng hiệu quả làm việc. Bên cạnh đó, chúng cũng được nghiên cứu phát triển chuyên biệt cho từng loại động cơ. Chính vì thế, nhớt cần được lựa chọn phù hợp để động cơ có thể hoạt động tốt và bền bỉ nhất có thể.

ký-hiệu-phân-loại-nhớt (3).jpg


Có nhiều cách để phân loại dầu nhớt như phân loại theo theo cấp độ nhớt (SAE), theo tính năng của dầu nhớt (API) hay theo công dụng mà nhà sản xuất công bố như: dầu đơn cấp, dầu đa cấp, dầu tổng hợp. Vậy, những ký hiệu và công dụng trên có ý nghĩa gì?

Cấp độ nhớt – SAE

Khi mua nhớt, nhìn vào thân chai, bạn sẽ dễ dàng thấy được các ký hiệu như SAE 20W-50, SAE 10W-30, SAE0W-40… Phân tích dòng kỳ hiệu này, ta có SAE là chỉ đây là thông số về cấp độ nhớt của chai nhớt. Tiếp theo, số đứng trước “W” chỉ khoảng nhiệt mà loại nhớt đó có thể giúp động cơ khởi động, nhưng là tính ở nhiệt độ âm. Với đặc trưng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo thì khách hàng tại nước ta không cần quan tâm tới thông số này. Ký tự sau “W” là chỉ độ đặc của nhớt, số càng lớn thì nhớt càng đặc và ngược lại.

ký-hiệu-phân-loại-nhớt (1).jpg

Như vậy, nếu bạn thường xuyên đi đường dài thì nên chọn loại đặc vì khi vận hành đường dài, máy sẽ nóng, dầu đặc lúc này loãng ra. Trường hợp xe chỉ thường xuyên sử dụng trong thành phố thì nên chọn loại nhớt loãng để xe dễ khởi động lại khi phải dừng, tắt máy nhiều lần.

Cấp tính năng – API

ký-hiệu-phân-loại-nhớt (4).jpg

Cấp tính năng API bao gồm 2 chữ cái, bắt đầu với S - viết tắt của Service (động cơ xăng), C - viết tắt của Commercial (động cơ diesel). Chữ cái thứ 2 cho thấy tiêu chuẩn chất lượng của dầu nhớt, bắt đầu từ A. Chữ cái thứ 2 nếu càng xa A trên bảng chữ cái, dầu nhớt chất lượng càng tốt (SL tốt hơn SA). Các cấp chất lượng của API cho động cơ chạy xăng là SA, SB, SC, SE, SF, SG… đến cấp mới nhất hiện nay là API SN. API cho động cơ Diesel ký hiệu là CA, CB, CC, CD… Một số loại dầu nhớt đáp ứng tiêu chuẩn cho cả động cơ xăng và động cơ diesel và có chỉ số đôi, ví dụ SL/CF.

ký-hiệu-phân-loại-nhớt (5).jpg


Các loại nhớt

Nhớt tổng hợp: Đây là loại có độ tinh khiết cao, mang lại khả năng bảo vệ tốt hơn và giúp động cơ có thể đạt hiệu suất tối đa. Tuy nhiên, giá bán của loại nhớt này cao hơn mặt bằng chung.

Nhớt khoáng: Đây là loại nhớt được chiết xuất trực tiếp từ dầu mỏ qua quá trình chưng cất và lọc sạch cặn bẩn. Loại nhớt này thương được dùng để pha chế ra các loại nhớt bán tổng hợp và tổng hợp.

Nhớt bán tổng hợp: Đây là loại nhớt qua giữa nhớt khoáng và tổng hợp, ưu điểm là giá thành rẻ hơn nhớt tổng hợp nhưng hiệu năng lại không kém là bao khi được bổ sung bằng một số chất phụ gia.

ký-hiệu-phân-loại-nhớt (2).jpg


Thay nhớt định kỳ như thế nào là đúng?

Thời gian sử dụng của nhớt máy tùy thuộc vào chất lượng của nó cũng như điều kiện vận hành của xe trong khoảng thời gian đó. Dựa vào các yếu tố trên, nhớt sẽ giảm hiệu suất sau một thời gian nhất định và cần được thay thế. Thời gian thay nhớt định kỳ thường được khuyến cáo dựa theo thời gian hoặc theo số km vận hành cụ thể. Tuy nhiên, trong điều kiện vận hành khắc nghiệt hoặc môi trường bất lợi, nhớt cần được thay sớm.

Khi sử dụng xe hơi, sau hai đến ba lần thay nhớt động cơ thì chúng ta nên thay lọc nhớt. Lí do là trong quá trình động cơ hoạt động có tạo ra cặn bã bám vào lọc nhớt, sau một thời gian lọc nhớt sẽ không thể hoạt động tốt được nữa, dễ dẫn đến tình trạng nhớt không được lọc, nhớt không lưu thông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến động cơ của xe.
 

vungocbach

Thành viên kỳ cựu
Bài viết
4,170
Xe bị hao nhớt là do đâu?

xe-bị-hao-nhớt-là-do-đâu (5).jpg


Tuy có công dụng bôi trơn và không trực tiếp tham gia vào quá trình sinh công bên trong động cơ nhưng nhớt máy vẫn sẽ bị hao hụt sau một thời gian sử dụng. Tùy vào loại động cơ cũng như dung tích, lượng nhớt sẽ tiêu hao nhiều hay ít, một phần khác ảnh hưởng đến sự tiêu hao này là điều kiện vận hành. Tuy nhiên, nếu nhận thấy động cơ có dấu hiệu tiêu hao nhiều nhớt hơn mức cần thiết khi sử dụng hoặc được thông báo ở các kỳ bảo dưỡng, hẳn là động cơ của bạn đã gặp vấn đề.

xe-bị-hao-nhớt-là-do-đâu (3).jpg


Làm sao để biết xe hao nhớt hơn bình thường? Có một số dấu hiệu để biết xe bị hao nhớt, dễ nhận thấy nhất là các vết dầu bị rò ra đọng vũng dưới gầm xe. Tiếp đến là chú ý đến khói ra có màu xanh xám hoặc đen. Dấu hiệu nhận biết thứ ba là đồng hồ báo nhớt trên bảng đồng hồ luôn ở trong tình trạng thiếu khi khi chưa đến kì thay nhớt, thậm chí đến kỳ thay nhớt đồng hồ này cũng không nên báo thiếu nhớt.

xe-bị-hao-nhớt-là-do-đâu (2).jpg

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng hao nhớt của động cơ, ở cả các hệ thống bên trong, bên ngoài động cơ cũng như các yếu tố bên ngoài khác. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng thiếu nhớt có thể kể đến là các gioăng cao sau, phốt dầu bị mòn, hư cũ gây nên tình trạng rò nhớt từ bên trong ra ngoài. Một số vị trí dễ gây nên rắc rối này là lọc nhớt, gioăng các-te, hộp thông gió trục khuỷu, gioăng nắp máy, chụp cò, phốt đuôi trục khuỷu…

Bên cạnh những yếu tố của các chi tiết bên ngoài động cơ làm hao nhớt, một số trường hợp, các chi tiết bên trong động cơ gặp vấn đề cũng gây nên hiện tượng này. Dấu hiệu là khói có màu hoặc nhớt ở đường ống xả. Điều này xảy ra do nhớt lọt vào bên trong buồng đốt và được đốt cháy cùng nhiên liệu, không khí và thải ra ngoài theo đường ống. Khi gặp tình trạng này, nguy cơ cao là do xéc-măng nhớt bị mòn hoặc phốt xu-páp phía trên mòn, không còn tạo được môi trường kín cho buồng đốt. Nặng hơn, có thể lòng xi-lanh bị mòn hoặc van thông gió trục khuỷu bị nghẽn, làm gia tăng áp suất gây hiện tượng hao mòn quá mức của một số chi tiết khác.

xe-bị-hao-nhớt-là-do-đâu (1).jpg

Ngoài các các nguyên nhân gây hao nhớt đến từ động cơ, các yếu tố khác bên ngoài cũng có thể gây nên vấn đề này. Các nguyên nhân chính thường là vì xe liên tục tải nặng, sử dụng không đúng loại nhớt được nhà sản xuất yêu cầu, dùng nhớt kém chất lượng. Thậm chí hệ thống làm mát không được bảo dưỡng đúng cách cũng có thể gây hao nhớt hơn mức cần thiết.

xe-bị-hao-nhớt-là-do-đâu (4).jpg

Tình trạng thiếu nhớt có thể gây nên một số vấn đề nghiêm trọng cho động cơ, vì thế, việc ngăn hiện tượng này xảy ra là điều cần thiết khi sử dụng xe. Bạn nên thường xuyên kiểm tra nhớt bằng que thăm để nhanh chóng phát hiện ra sự hao hụt và có các biện pháp xử lý, tránh gây nên những hư hỏng về sau.
 

vungocbach

Thành viên kỳ cựu
Bài viết
4,170
Đai động cơ và những điều cần biết

Đai-động-cơ-và-những-điều-cần-biết (3).jpg


Dây đai động cơ (hay còn gọi là dây cua-roa) là chi tiết được dùng để vận hành bơm nước, bơm trợ lực, máy nén của hệ thống điều hòa, máy phát điện…, lấy nguồn từ trục khuỷu động cơ. Tùy vào loại xe, đai động cơ có thể sử dụng một hoặc nhiều cái để đẫn dộng các hệ thống khác. Dây đai loại này thường được làm bằng cao su và được gia cường bằng loại vật liệu khác giúp tăng độ bền và giảm tối đa sự mài mòn trong quá trình sử dụng.

Dây cua-roa được đặt tại đầu máy, nằm bên ngoài nắp vệ bộ đai dẫn động trục cam. Thông thường, dây cua-roa sẽ có chiều dài lớn hơn chiều dài cần thiết để đẫn dộng toàn bộ các thiết bị dễ dàng tháo, lắp thay thế khi hỏng hóc xảy ra. Nó được trang bị kèm bộ căng đai để tạo nên độ căng, giúp kéo các pu-ly của hệ thống khác hiệu quả hơn.

Đai-động-cơ-và-những-điều-cần-biết (2).jpg


Giống những bộ phận khác trên xe, dây đai động cơ cũng sẽ bị cũ, hư hỏng theo thời gian sử dụng. Nếu dây đai gặp vấn đề, các hệ thống nó vận hành sẽ không thể hoạt động được. Nếu dây đai bị nứt, bị sờn hoặc bị mòn nghiêm trọng, nó có thể bị trượt trên puli và các bộ phận nó dẫn động sẽ không nhận đủ lực, điều này sẽ được nhận biết qua đèn cảnh báo. Ví dụ, ắc-quy sẽ không được sạc do máy phát không hoạt động, điều hòa sẽ không thổi không khí lạnh và trợ lực tay lái sẽ không hoạt động. Ngoài ra, nếu dây đai kéo bơm nước bị đứt thì động cơ có thể bị quá nhiệt.

Đai-động-cơ-và-những-điều-cần-biết (4).jpg


Khi sử dụng xe lâu ngày, hai bên của dây đai sẽ bị mòn và các lớp cao su sẽ bị bong tróc. Bề mặt bị mòn làm kích thước giữa các bề mặt tiếp xúc nhỏ đi, gây giảm hiệu quả truyền lực. Đồng thời nhiệt năng sinh ra do ma sát trong quá trình hoạt động sẽ làm chai cứng dần bề mặt dây đai, thậm chí có khả năng làm nứt dây dẫn đến bị đứt dây. Thông thường, có thể kiểm tra tình trạng của dây đai bằng mắt thường. Các dây đai sau một thời gian hoạt động, khi bẻ ngược phần răng phía trong thường thấy có các khe nứt nhỏ. Trong trường hợp này có thể chưa cần thiết thay thế bởi chưa ảnh hưởng lớn đến hiệu quả làm việc.

Đai-động-cơ-và-những-điều-cần-biết (1).jpg


Nhưng nếu bề mặt tiếp xúc cả hai mặt dây đai có dấu hiệu nứt, đã đến lúc cần thay thế để đảm bảo hiệu quả truyền động và an toàn cho người lái xe. Cũng cần thay mới dù chỉ có phần lưng dây đai bị nứt, vì khả năng chịu lực tải hay lực kéo giảm hẳn và có thể bị đứt gây nguy hiểm cho người điều khiển và dễ dẫn đến tai nạn trong tình huống bất ngờ.

Đối với những chiếc xe đã được sử dụng vài năm, bạn nên kiểm tra thường xuyên để phát hiện dấu hiệu của sự mài mòn và thay thế nếu cần. Hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều yêu cầu kiểm tra dây đai định kỳ, nhưng chỉ cần thay mới vào một vài khoảng thời gian cụ thể.

Đai-động-cơ-và-những-điều-cần-biết (5).jpg
 

vungocbach

Thành viên kỳ cựu
Bài viết
4,170
Cầu chì trên xe

cầu-chì-ô-tô (2).jpg


Cầu chì được sử dụng để bảo vệ hệ thống điện ở khắp mọi nơi, tránh tình trạng chạm mạch cũng như dòng quá cao khiến các thiết bị hư hỏng. Trên ô tô cũng vậy, nhiệm vụ của cầu chì là bảo vệ từ hệ thống riêng biệt để giảm thiểu khả năng hư hại do dòng điện tạo ra. Khi xảy ra hiện tượng chạm mạch hoặc quá tải một cách đột ngột, dây nối chì bên trong sẽ cháy và lập tức ngắt mạch.

Tuy nhỏ nhưng nhiệm vụ của cầu chì trên xe thực sự rất lớn, ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống điện khi có sự cố xảy ra. Khác với những loại cầu chì thường thấy bên ngoài, cầu chì trên xe rất nhỏ để giúp tiết kiệm diện tích. Chúng thường đặt chung tại một vị trí được gọi là hộp cầu chì. Mỗi chiếc xe sẽ có ít nhất hai hộp cầu chì, một để giữ an toàn cho các hệ thống điện bên trong khoang động cơ, một giữ an toàn cho các hệ thống trong khoang lái.

cầu-chì-ô-tô (3).jpg

Cầu chì trên xe có nhiều màu sắc, hình dạng và kích cỡ khác nhau. Chúng có thể chịu được điện thế từ 32V đến 80V (xe dùng động cơ đốt trong, hybrid, xe điện thường có điện áp cao hơn) cùng với định mức ampe từ 0,5A đến 500A. Chúng được sử dụng rộng rãi trên ô tô, xe tải, xe buýt và xe địa hình. Cầu chì ô tô có định mức điện áp thấp hơn so với cầu chì được sử dụng trong các hệ thống điện khác.

Cấu hình thấp Mini, Micro-2 và ATO là các loại cầu chì chính được sử dụng trong ô tô hiện đại. Phổ biến nhất trong số này là cầu chì Mini. Cầu chì ô tô được mã hóa màu chính xác theo định mức điện áp, từ mức thấp 12V đến mức cao là 42V. Ngoài ra, vị trí của chúng trong xe phụ thuộc vào kiểu dáng và sản phẩm của nó. Ngoài ra, để dễ dàng nhận diện, phía trên mỗi cầu chì thường có đánh số cường độ dòng điện để dễ dàng lựa chọn.

cầu-chì-ô-tô (4).jpg


Để kiểm tra cầu chì còn hoạt động tốt hay không, bạn sử dụng đồng hồ VOM kiểm tra giữa hai cực phía trên cầu chì, nếu thông mạch tức cầu chì chưa đứt. Đó là cách kiểm tra mà không cần tháo cầu chì ra, nếu tháo ra được, chỉ cầu quan sát phần lõi chì bên trong.

Trong hộp cầu chì, mỗi cầu chì được đánh kí hiệu để nhận diện được nó là của hệ thống nào, cùng với đó là vị trí của chúng trong hộp. Ví dụ như cầu chỉ đánh “ENGINE” tức nó là cầu chì của động cơ, đánh “WIPER” là cầu chì của hệ thống gạt nước, “HORN” là còi, “FAN” là quạt…

cầu-chì-ô-tô (1).jpg


Cầu chì xe hơi được bán với giá rất rẻ trên thị trường, chỉ khoảng vài trăm đến vài nghìn đồng cho một cái. Vì thế, nếu bị hư hay có tiếp xúc không tốt, chúng nên được thay mới và không nên nối trực tiếp đường điện mà không qua cầu chì.
 

vungocbach

Thành viên kỳ cựu
Bài viết
4,170
Công nghệ phanh brake by wire

brake-by-wire-2.jpg


Khi công nghệ của ngành công nghiệp xe hơi thế giới ngày càng được phát triển tối tân hơn, các công nghệ này sẽ dần thay thế cho những hệ thống truyền thống. Trước đây, ta có chân ga điện tử, hộp số tự động điều khiển bằng nút bấm, hệ thống đèn, gạt nước điều khiển điện tử và sau này, công nghệ phanh gián tiếp sẽ được sử dụng rộng rãi hơn.

brake-by-wire.jpg


Khác với các hệ thống phanh thông thường được điều khiển bởi thủy lực, dây cáp và khí nén, phanh gián tiếp sẽ được điều khiển bằng dây điện và các cảm biến vị trí. Brake by wire phanh bằng dây điều khiển phanh điện tử. Cảm biến vị trí giám sát quá trình mà người lái tác động vào bàn đạp phanh, từ đó để xác định lực phanh cần thiết. Hộp điều khiển ECU sau đó xác định áp suất thủy lực cần thiết là bao nhiêu và một máy bơm điện được sử dụng để thực sự tạo ra áp suất đó và dừng xe. Tất cả điều đó xảy ra trong tích tắc. Bởi bơm điện của hệ thống có thể tạo ra nhiều áp lực phanh hơn so với các hệ thống hỗ trợ chân không thông thường.

brake-by-wire-3.jpg


Bên cạnh điện tử điều khiển thủy lực, hệ thống phanh gián tiếp kiểu này còn có chức năng sử dụng lực phanh để tái tạo năng lượng. Nói cách khác, ở những mẫu xe điện hay PHEV, hệ thống phanh điện sẽ hoạt động khi bàn đạp được tác động nhẹ, khi đạt tới giới hạn cần thiết, hệ thống phanh thủy lực sẽ đi vào hoạt động. Phanh điện tử đồng thời kích hoạt chế độ tái tạo năng lượng của mô-tơ điện, lưu trữ nó vào pin và dùng năng lượng này cho những lần tăng tốc hay duy trì tốc độ xe.

2021-acura-nsx-2.jpg


Ở hệ thống phanh loại này, ECU sẽ có nhiệm vụ điều chỉnh lực phanh theo góc cảm biến vị trí của chân phanh và tùy thuộc vào chế độ lái của xe. Từ đó, hệ thống phanh có thể quản lý tốt hơn lực phanh để giúp cải thiện sự an toàn trong lúc vận hành. Một ưu điểm khác của hệ thống phanh loại này đó là ống dẫn thủy lực, trợ lực phanh… sẽ được thay thế bằng dây điện, từ đó tiết kiệm khối lượng cho xe.

Trái lại, hệ thống phanh gián tiếp kiểu này còn có một số bất cập nên nó chưa được trang bị rộng rãi trên các mẫu xe hiện nay. Đầu tiên đó là về giá cả, công nghệ cùng các trang bị đắt tiền tạo nên nó đãn khiến nó trở nên đắt đỏ hơn so với phanh truyền thống. Sự an toàn của hệ thống điện cũng là một điểm yếu. Chân ga điện tử mất kết nối thì xe không thể đi được, còn chân phanh điện tử khi mất kết nối hoặc tiếp xúc điểm không tốt sẽ không thể giúp dừng xe, nguy hiểm hơn rất nhiều.
 

vungocbach

Thành viên kỳ cựu
Bài viết
4,170
Đèn “check engine” có ý nghĩa gì?

đèn-check-engine (1).jpg


Đèn “check engine” hay đèn động cơ hoặc có thể gọi dân dã hơn là đèn cá vàng là đèn có nhiệm vụ báo lỗi của một hệ thống bên trong khoang động cơ. Đèn này còn có công dụng báo rằng xe vẫn còn có thể hoạt động trước khi đề máy. Vị trí đặt đèn này thường ở nơi dễ thấy, cụ thể là nằm trong bảng đồng hồ thông tin, nó có màu cam và hình mô phỏng động cơ tối giản.

Khi bắt đầu khởi động xe, đèn này sẽ sáng liên tục cho tới khi động cơ hoạt động. Lúc này, việc nó sáng có ý nghĩa rằng mọi thứ vẫn có thể hoạt động được và sẵn sàng để khởi động động cơ. Ngược lại, nếu khi khởi động mà đèn này không sáng, điều này có nghĩa là các hệ thống đã hư hỏng và cần được sửa chữa, không thể khởi động.

đèn-check-engine-1.jpg

Đèn "check engine" sáng khi xe chưa đề máy

Sau khi động cơ đã hoạt động, đèn báo động cơ sẽ hoạt động với vai trò cảnh báo hư hỏng mà các hệ thống không thể tự khắc phục. Có hai kiểu đèn sáng ở trường hợp này là nhấp nháy và sáng ổn định.

Khi đèn động cơ nhấp nháy, đó là nó đang báo hiệu rằng động cơ đang hoặc hệ dẫn động đang gặp sự cố nặng và cần được sửa chữa ngay lập tức để tránh hỏng hóc thêm các chi tiết khác. Một số các nguyên nhân khiến điều này xảy ra có thể là hiện tượng mất lửa, bỏ máy, kim phun có vấn đề... Nếu việc này tiếp tục duy trì nó có thể gây ra hư hỏng thêm các bộ phận của xe.

đèn-check-engine (3).jpg


Ở trường hợp đèn động cơ sáng liên tục, điều này có nghĩa một số chi tiết không hoạt động hoặc hoạt động không đúng nhưng xe vẫn có thể sử dụng tiếp mà không gây hỏng hóc thêm cho các bộ phận khác. Đôi lúc, đèn sáng liên tục cũng có thể là do xe bạn cần phải thực hiện bảo dưỡng định kỳ.

Để xác định chính xác lỗi do đèn báo, ta cần sử dụng hệ thống chuẩn đoán lỗi (OBD-II) trên xe và máy quét. Cổng OBD-II thường được nhà sản xuất đặt bên trong khoang lái, bên dưới cụm vô-lăng. Sau đó, cắm máy chuẩn đoán vào cổng này và máy sẽ cho bạn biết chiếc xe của bạn đang gặp phải lỗi gì. Sau khi sửa lỗi, bạn cần phải cắm lại máy chuẩn đoán vào và xóa lỗi đó trên hệ thống, nếu không, đèn sẽ vẫn tiếp tục sáng.

đèn-check-engine (2).jpg

Cổng OBD-II trên xe

Ở một số dòng xe hiện đại hiện nay, đèn động cơ sáng hoặc nhấp nháy thường đi kèm sẵn với chi tiết lỗi được báo lên màn hình giúp người dùng dễ dàng biết được lỗi mà chiếc xe mình đang gặp phải. Tuy nhiên, một số lỗi vẫn cần phải được “bắt bệnh” để điều trị một cách hiệu quả.
 

vungocbach

Thành viên kỳ cựu
Bài viết
4,170
Kiểm soát bướm ga điện tử

Khi bạn đạp ga, bướm ga sẽ mở ra để hút được nhiều khí hơn vào động cơ, từ đó tăng tốc độ động cơ, làm xe tăng tốc. Ngược lại, khi nhả chân ga, bướm ga sẽ đóng lại và làm chậm động cơ. Đó là bướm ga cổ điển sử dụng dây kéo hoặc các cơ cấu truyền thống để vận hành. Trên những chiếc xe hiện đại, bướm ga điều khiển điện tử bởi ECU thường được trang bị. Hệ thống này giúp điều khiển bướm ga tối ưu hơn, đồng thời giảm khối lượng toàn hệ thống. Chưa hết, việc trang bị bướm ga điện tử cũng giúp xe có thể được trang bị kèm các tính năng hỗ trợ người lái như kiểm soát hành trình, ngắt ga tự động, tự hành…

kiểm-soát-bướm-ga-điện-tử (3).jpg


Ở bướm ga điện tử, khi nhấn ga, cảm biến vị trí chân ga sẽ đo khoảng cách bàn đạp di chuyển và gửi tín hiệu này đến ECU động cơ dưới dạng điện năng. Tại ECU, thông tin được xử lý và điều chỉnh vị trí của bướm ga theo tín hiệu lớn nhỏ của dòng điện. Tại bướm ga, cảm biến vị trí bướm ga sẽ nhận tín hiệu và phản hồi lại với ECU để cho biết bướm ga đang ở đúng vị trí được chỉ định.

Hệ thống bướm ga điện tử thường được trang bị kèm với hệ thống phân phối nhiên liệu điện tử. Điều này cho phép động cơ có được lượng xăng và gió thích hợp, mang đến khả năng tiết kiệm nhiên liệu và sự mượt mà cho động cơ.

kiểm-soát-bướm-ga-điện-tử (1).jpg

Việc sử dụng hệ thống bướm ga điện tử sẽ giúp giảm thiểu các chi tiết cơ khí để vận hành bướm ga, từ đó sẽ giảm khả năng hao mòn và yêu cầu bảo trì sau một thời gian sử dụng của chúng. Ngoài ra, nếu hệ thống điện tử trên xe giao tiếp đúng cách, máy tính có thể kiểm soát tất cả các hoạt động của động cơ. Quan trọng nhất, vì sự an toàn của người lái xe, với các bộ truyền động và cảm biến tại chỗ, động cơ sẽ nhận được thông tin chính xác từ việc mở bướm ga.

kiểm-soát-bướm-ga-điện-tử (2).jpg

Vị trí cảm biến lưu lượng khí nạp trên cổ góp nạp

Tuy vậy, hệ thống này vẫn có thể gặp sự cố khi sử dụng trong thời gian lâu dài. Bụi bẩn, sự xuống cấp của đường ống và tiếp điểm của cổng kết nối là một trong những vấn đề thường gặp nhất của hệ thống này. Khi gặp hiện tượng này, bạn nên kiểm tra tiếp điểm của bướm ga, cảm biến vị trí bướm ga, cảm biến lưu lượng gió hoặc cổ góp nạp để vệ sinh. Ngoài ra, rò rỉ chân không gây ra sự cố cho hệ thống cảm biến vị trí và lưu lượng khí. Khi có sự cố, luồng không khí cũng sẽ bị gián đoạn. Dấu hiệu của rò rỉ chân không có thể là động cơ không tải cao, nguyên nhân là do quá nhiều không khí. Trong trường hợp này, hệ thống bên trong xe của bạn sẽ sáng đèn Kiểm tra động cơ.

kiểm-soát-bướm-ga-điện-tử (1).jpeg

Cảm biến vị trí bướm ga
 

vungocbach

Thành viên kỳ cựu
Bài viết
4,170
Bugi

bugi (1).jpg


Bugi là chi tiết dùng điện cao áp được cung cấp bởi hệ thống quản lý đánh lửa phía trên và biến chúng thành tia lửa điện, đốt cháy hòa khí nén bởi xi-lanh và sinh công. Tuy chỉ có một nhiệm vụ đơn giản nhưng bugi cũng được phân thành nhiều loại khác nhau, chủ yếu là nằm ở chất liệu chúng được tạo nên, để phù hợp với từng loại xe mà nó được trang bị. Trên thị trường hiện nay có năm loại bugi phổ biến nhất

Bugi điện cực đồng

Bugi đồng có sử dụng thêm hợp kim niken để chế tạo điện cực trung tâm. Tuy được sử dụng niken nhưng bugi này lại có tuổi thọ khá ngắn, chỉ khoảng từ 16.000 km đến 32.000 km. Điện cực trung tâm của loại này có đường kính lớn nhất trong tất cả các loại, đòi hỏi nhiều điện áp hơn để tạo ra tia lửa. Những loại này tương thích nhất với các phương tiện cũ được sản xuất trước những năm 1980 vì chúng cần ít dòng điện. Ngoài ra, chúng hoạt động tốt trong điều kiện nén cao hoặc tăng áp.

bugi (1).png

Bugi điện cực bạch kim

Với đường kính điện cực 1,1 mm, bugi điện cực bạch kim không cần điều chỉnh khe hở vì chúng không bị mòn. Chúng cần được thay sau sau 80.000 km đến 140.000 km sử dụng. Bugi bạch kim rất được ưa chuộng sử dụng cho các loại động cơ cao cấp vì điện cực trung tâm làm bằng bạch kim có tính trơ, rất ít bị ăn mòn thậm chí ở nhiệt độ cao. Tuổi thọ của bugi bạch kim cao hơn so với đồng và được đánh giá cao khi sử dụng.

Bugi điện cực iridium

Với đường kính điện cực 0,4 mm, bugi iridium không cần điều chỉnh khe hở vì chúng không bị ăn mòn và cần thay bugi sau 150.000 km đến 240.000 km sử dụng. Bugi iridium làm từ kim loại quý hiếm Iiidium với độ cứng tăng gấp 6 lần so với bạc, giúp gia tăng giới hạn sử dụng cho bugi ở mọi điều kiện làm việc khắc nghiệt nhất. Bugi iridium có khả năng đánh lửa rất tốt do đầu đánh lửa nhỏ giúp tập trung tia lửa, nhiên liệu được đốt cháy triệt để, công suất động cơ tăng, nhiên liệu được sử dụng tiết kiệm hơn.

bugi (2).jpg


Ngoài ra, do được làm bằng nguyên liệu Iridium có tính bền cao nên Bugi Iridium có tuổi thọ rất cao. Đối với tất cả những lợi ích này, điều hợp lý là bạn phải trả nhiều tiền hơn cho chúng hơn bất kỳ loại nào khác.

Bugi điện cực bạc

Trong số tất cả các loại bugi, bạc là ít phổ biến nhất. Với đầu điện cực được tráng bạc, bugi loại này chủ yếu được sử dụng trong các loại xe máy và xe hiệu năng cao đời cũ đến từ châu Âu. Bugi bạc có thể duy trì cùng một khoảng cách điện cực trong suốt vòng đời của chúng vì kim loại này có khả năng dẫn nhiệt tốt và có khả năng chống ăn mòn cao. Bugi loại này có tuổi thọ gấp ba lần so với bugi đồng truyền thống và đắt hơn chúng. Loại này không tốt bằng bugi bạch kim và iridium nhưng có thể là sự lựa chọn giữa bugi đồng có giá rẻ và bạch kim, iridium đắt tiền.

bugi (3).jpg


Bugi điện cực Niken

Với đường kính điện cực từ 1,4 mm – 2,5 mm. Khi khe hở giữa cực trung tâm và cực tiếp đất tăng lên, sự phóng tia lửa giữa các điện cực trở nên khó khăn. Do đó, cần có một điện áp lớn hơn để phóng tia lửa. Vì vậy, bugi niken cần phải điều chỉnh khe hở điện cực định kỳ hoặc thay thế Bugi. Phải thay thế Bugi sau 10.000 km đến 60.000 km xe vận hành. Điện cực tròn khó phóng điện, qua quá trình sử dụng điện cực bị tròn dần làm cho Bugi khó đánh lửa. Mặc khác, Niken có tính bền kém và khả năng phát tia lửa không tập trung, nhất là khi cực trung tâm bị mòn dẫn đến hiện tượng nhiên liệu bị đốt cháy không hết làm lãng phí, công suất động cơ không đạt tối ưu.
 

vungocbach

Thành viên kỳ cựu
Bài viết
4,170
Cảm biến tốc độ (VSS)

cảm-biến-tốc-độ (3).png

Cảm biến tốc độ xe có nhiệm vụ nhận biết tốc độ thực tế mà xe đang chạy. Nó phát ra một tín hiệu xung gửi lên đồng hồ taplo để báo cho người tài xế nhận biết được tốc độ thực tế xe đang chạy, cùng với đó, nó cũng có chức năng đo quãng đường của xe đã đi và hiển thị trên đồng hồ trip, odo.

Đó là hai nhiệm vụ chính của cảm biến tốc độ xe. Ngoài ra, kết hợp cùng ECU cùng các hệ thống khác, tín hiệu của cảm biến tốc độ còn được sử dụng để điều khiển hệ thống ISC, và điều khiển tỷ lệ hỗn hợp không khí – nhiên liệu trong quá trình giảm tốc và tăng tốc. Ở xe sử dụng hộp số tự động, chi tiết này còn có công dụng báo tín hiệu về hộp số để xác định thời điểm lên và xuống số. Ở những mẫu xe hiện đại hơn, cảm biến tốc độ còn được sử dụng để điều khiển trợ lực lái, khóa cửa tự động hay thậm chí là nâng hạ gầm tự động.

cảm-biến-tốc-độ (2).png

Từ lúc bắt đầu được trang bị cho, đến nay, cảm biến tốc độ đã phát triển qua bốn thế hệ. Đầu tiên là cảm biến công tắc lưỡi gà đời cũ, sử dụng dây cáp truyền động từ hộp số lên đồng hồ taplo, cảm biến được lắp trong bảng đồng hồ loại kim. ó bao gồm một nam châm quay bằng cáp đồng hồ tốc độ, chuyển động quay làm cho công tắc đóng và mở. Công tắc lưỡi gà đóng 4 lần khi cáp quay một vòng.

cảm-biến-tốc-độ (1).png

Thế hệ thứ hai là cảm biến quang học, được lắp trong bảng đồng hồ. Nó bao gồm một cảm biến quang học làm từ một đèn LED, chiếu vào một transistor quang học. Một bánh xe có xẻ rãnh đặt giữa đèn LED và transitor quang học được dẫn động bằng cáp đồng hồ tốc độ. Các rãnh trên bánh xe sẽ tạo ra xung ánh sáng khi bánh xe quay, ánh sáng do đèn LED chiếu ra được chia thành 20 xung trong mỗi vòng quay của cáp. 20 xung này chuyển thành 4 xung nhờ bộ đếm số, sau đó gửi đến ECU.

cảm-biến-tốc-độ (5).png

Thế hệ thứ ba là cảm biến loại điện từ, được gắn tại hộp số và nhận biết tốc độ quay của trục thứ cấp hộp số. Loại này bao gồm một nam châm vĩnh cửu, một cuộn dây và một lõi. Khi trục thứ cấp của hộp số quay, khoảng cách giữa lõi của cuộn dây và roto tăng hay giảm bởi các răng. Số lượng đường sức từ đi qua lõi tăng hay giảm tương ứng, tạo ra một điện áp xoay chiều AC trong cuộn dây. Do tần số của điện áp xoay chiều này tỷ lệ với tốc độ quay của roto, nó có thể được dùng để nhận biết tốc độ xe.

cảm-biến-tốc-độ (4).png

Cuối cùng là cảm biến tốc độ loại MRD sử dụng đường sức từ. Khi đường sức từ thay đổi theo chuyển động của nam châm, điện áp của MRE sẽ xoay chiều. Bộ so sánh trong cảm biến tốc độ xe sẽ chuyển hóa sóng xoay chiều thành tín hiệu số, tín hiệu này sau đó được biến đổi bằng transistor trước khi đưa đến bảng đồng hồ.

cảm-biến-tốc-độ (1).jpg

Trên những mẫu xe đời cũ sử dụng cảm biến tốc độ thế hệ đầu tiên hoặc thứ hai, cảm biến sẽ được đặt tại đồng hồ odo của xe. Ở những mẫu xe hiện đại, cảm biến tốc độ được đặt tại trục thứ cấp của hộp số, một số tích hợp với cảm biến tốc độ đầu ra hộp số. Các dòng xe đời mới hiện nay sử dụng tín hiệu từ 4 cảm biến tốc độ bánh xe gửi về ECU ABS và hộp ECU ABS sẽ tính toán đưa ra tín hiệu tốc độ xe và gửi lên đồng hồ táp lô cũng như tới các ECU khác thông qua mạng giao tiếp CAN.
 

vungocbach

Thành viên kỳ cựu
Bài viết
4,170
Cấu tạo bugi

cấu-tạo-bugi (4).jpg

Bugi là chi tiết cuối cùng của hệ thống đánh lửa xe ô tô. Là bộ phận đảm nhiệm một vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống đánh lửa, khi thực hiện nhiệm vụ bật tia lửa điện giữa 2 điện cực (cực trung tâm và cực bên nối mass) để đốt cháy hỗn hợp hòa đã được nén ở bên trong buồng đốt. Chất lượng của quá trình đốt cháy và sinh công trong động cơ ô tô có hiệu quả hay không, thì phần lớn là do hiệu quả từ việc đánh lửa tốt từ bugi.

- Điện cực trung tâm: còn được gọi với cái tên khác là điện cực dương, đây là nơi tập trung tạo ra tia lửa điện cho bugi xe. Chính vì thế nó được làm từ các vật liệu chuyên biệt, thích hợp cho việc tạo ra tia lửa điện và có khả năng hoạt động ổn định trong môi trường có nhiệt độ và áp suất luôn biến thiên, có khả năng chống ăn mòn cao. Trong đó, đồng được dùng để chế tạo lõi điện cực, các hợp kim như Iridium, Nikel và Platium được dùng cho các đầu của điện cực. Sau một thời gian dài sử dụng, các điện cực này dần bị làm tròn và trở nên khó đánh lửa. Vậy nên, cần phải thay mới bugi để đảm bảo quá trình đánh lửa.

cấu-tạo-bugi (3).jpg

Các điện cực dạng tròn khó phóng điện, trong khi đó các điện cực nhọn hoặc vuông, điện cực có dạng mảnh và nhọn dễ phóng điện hơn, nhưng những loại điện cực kiểu này rất dễ mòn và tuổi thọ của bugi xe ô tô sẽ ngắn hơn. Vậy nên, một số kiểu bugi có các điện cực được hàn đắp platin hoặc iridium để chống mòn. Chúng được gọi là các bugi có cực platin hoặc iridium.

- Vỏ cách điện: chúng thường được làm từ gốm oxit nhôm. Bởi bộ phận này phải đảm bảo chắc chắn rằng không có sự rò rỉ điện cao áp, truyền nhiệt tốt, chịu được nhiệt độ cao và độ bền cơ học tốt. Để ngăn ngừa tình trạng phóng điện cao áp từ đầu tiếp xúc của bugi xe ô tô tới phần kim loại, các nhà sản xuất tạo ra một số nếp nhăn sóng ở thân vỏ cách điện. Nếu hiện tượng này xả ra sẽ làm giảm hiệu quả quá trình đánh lửa trong buồng đốt.

cấu-tạo-bugi (1).jpg

- Vùng nhiệt bugi: Là khoảng trống giữa 2 điện cực. Dung tích càng nhỏ và nông thì khả năng tản nhiệt của bugi càng nhanh. Ngược lại, dung tích khoảng trống càng lớn và sâu thì khả năng tản nhiệt của bugi càng kém hiệu quả. Kiểu bugi phát xạ ra nhiều nhiệt được gọi là bugi lạnh, bởi vì chúng không bị nóng lên qua nhiều. Kiểu bugi phát xạ ra ít nhiệt được gọi là bugi nóng, bởi chúng giữ lại nhiệt độ.

cấu-tạo-bugi (2).jpg

Mã số của bugi xe được in trên bugi sẽ mô tả cấu tạo và đặc tính của chiếc bugi đó. Mã số có thể khác nhau đôi chút, tùy thuộc theo từng nhà sản xuất. Thông thường, con số vùng nhiệt càng lớn thì bugi càng lạnh vì nó phát xạ nhiệt tốt. Bugi làm việc tốt nhất khi nhiệt độ tối thiểu của điện cực trung tâm nằm trong khoảng nhiệt độ tự làm sạch là 450 độ C và nhiệt độ tự bén lửa là 950 độ C.
 

Thành viên trực tuyến

No members online now.

Công Ty Cổ Phần Car Passion

460/6/11 Lê Văn Lương, phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM,
Điện thoại: 083-8039939
Email: contact@carpassion.vn

Giấy phép MXH số 256/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 17/06/2020
Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Thị Phương Thảo

Kết nối với chúng tôi

Top