Trải nghiệm Suzuki Jimny 2023 – Chiếc mini SUV với khả năng off-road siêu đẳng

0

Là mẫu SUV mang tính biểu tượng và được cả thế giới ca ngợi, Suzuki Jimny thể hiện tốt nhất trên những địa hình hiểm trở và còn có thể kết hợp làm xe đi phố thuận tiện, nhỏ gọn.

Năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng của thương hiệu Suzuki tại thị trường Việt Nam khi lần đầu tiên phân phối chính hãng Jimny – dòng xe rất nổi tiếng trên toàn thế giới, có truyền thống lịch sử lâu đời bắt nguồn từ thập niên 70 thế kỷ trước.

Suốt hơn 50 năm qua, các thế hệ Jimny được yêu mến bởi kích thước nhỏ nhắn gọn gàng và chi phí cần để sở hữu cũng như vận hành không cao, nhưng năng lực off-road lại vô cùng đáng nể, ngang ngửa hoặc thậm chí vượt trội những mẫu xe đắt tiền hơn nó nhiều lần.

Jimny dành cho thị trường Việt Nam lần này thuộc thế hệ thứ 4 mới nhất hiện nay, từng ra mắt ở phạm vi toàn cầu vào năm 2018. Xe trang bị động cơ xăng 1.5L hút khí tự nhiên, hộp số tự động 4 cấp, hệ dẫn động hai cầu bán thời gian AllGrip Pro với hộp số phụ.

VIDEO ĐÁNH GIÁ SUZUKI JIMNY TẠI VIỆT NAM

TRẢI NGHIỆM OFF-ROAD VỚI SUZUKI JIMNY: NHƯ CÁ GẶP NƯỚC

Sau nhiều ngày cùng Jimny vượt qua vô số loại địa hình khác nhau, chúng tôi nhận ra sự thật thú vị: chiếc xe này vận hành thoải mái nhất khi gặp đường… không đẹp. Đường càng khó đối với xe thông thường thì Jimny càng thích, cảm giác có thể đi bất cứ đâu mà không bị ngăn cản.

Để hiểu được điều này, cần phải nhớ rằng Jimny vốn được tạo ra để làm xe đi off-road. Mọi khía cạnh của xe, từ kiểu khung gầm, hệ thống truyền động cho đến thiết kế ngoại thất và trang bị bên trong nội thất, đều được tuyển chọn kỹ càng để phục vụ mục đích này. Những chuyện khác chỉ là phụ.

Khung gầm của Jimny xưa nay luôn là loại chassis rời dạng bậc thang, giải pháp tối ưu nhất đối với các xe chuyên off-road nhờ đặc tính mạnh mẽ, bền bỉ, linh hoạt. Khác với những xe phổ thông với khung gầm unibody (liền khối) dễ gặp tình trạng vặn xoắn toàn bộ thân xe khi đi đường gập ghềnh mà nếu quá nặng sẽ dẫn đến không thể đóng/mở cửa, Jimny hoàn toàn miễn nhiễm với những vấn đề đó.

Một trong những đặc điểm truyền thống khác của Jimny là hệ thống treo phụ thuộc với trục cứng 3 liên kết, kết nối trực tiếp 2 bánh xe trái-phải ở mỗi cầu trước-sau, đảm bảo khả năng tiếp xúc với mặt đường tốt hơn trên những con đường không bằng phẳng so với hệ thống treo độc lập của xe du lịch thông thường. Cấu trúc mạnh mẽ đem lại độ tin cậy cao, chịu được môi trường hoạt động khắc nghiệt.

Cơ cấu lái bi tuần hoàn của Jimny cũng là loại tối ưu cho off-road, đặc biệt phù hợp các địa hình mấp mô, gồ ghề. Tuy nhiên độ chính xác tuyệt đối khi vận hành trên đường nhựa sẽ không bằng được cơ cấu lái bánh răng và thanh răng của đại đa số các xe hiện đại ngày nay. Bù lại, van điều tiết tay lái được trang bị giúp giảm hiện tượng giật ngược khi vô-lăng bị kẹt trên mặt đường không bằng phẳng, đồng thời triệt tiêu bớt hiện tượng rung và lắc lái khi xe chạy nhanh.

Khoảng sáng gầm xe đạt 210 mm. Góc tới 37 độ, góc vượt đỉnh dốc 28 độ và góc thoát 49 độ là những thông số sẵn sàng cho việc “leo trèo” vượt sông suối hay địa hình hiểm trở. Trên cát – địa hình “khó nhằn” bậc nhất – mà cũng Jimny dễ dàng chinh phục, như thể đây là môi trường tự nhiên của chiếc xe này vậy.

Với khối lượng thân xe rất nhẹ chỉ 1.105 kg, Jimny rất khó để bị mắc kẹt, cho dù bạn có chủ ý muốn làm điều này. Mà ngay cả trong những trường hợp hãn hữu nhất có lỡ mắc kẹt thật thì chỉ việc vận dụng đến chức năng gài cầu, chuyển qua chế độ hai cầu chậm (4L) nhằm dồn mô-men xoắn tối đa để tăng độ bám, là sẽ vượt qua được hết.

Là mẫu xe với hệ dẫn động hai cầu bán thời gian, Jimny không có vi sai trung tâm (liên trục). Tác dụng tích cực của thiết kế này là phải cần đến tối thiểu 2 bánh xe ở 2 trục khác nhau cùng bị mất độ bám đường thì toàn bộ chiếc xe mới mất độ bám theo. Do đó, có thể đảm bảo rằng một khi đã gài cầu sang các chế độ hai cầu (4H hoặc 4L) thì Jimny sẽ luôn vận hành ổn định, đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, cũng phải lưu ý đến đặc điểm của cơ chế này là không được sử dụng các chế độ hai cầu trên bất kỳ bề mặt nào không trơn trượt, đặc biệt nếu phải đánh lái nhiều và gắt. Nói cách khác, chế độ hai cầu chỉ nên được sử dụng trên các loại địa hình cát, bùn, sỏi rời, cỏ ướt và băng, tuyết. Đường nhựa ướt, bê tông ướt và sỏi cứng không được coi là đủ trơn.

TRẢI NGHIỆM ĐI PHỐ VỚI SUZUKI JIMNY: ĐÚNG CHUẨN KEI-CAR

Kể từ thế hệ đầu tiên đến nay, dòng xe Jimny luôn được thiết kế trước tiên để làm xe kei-car phục vụ thị trường nội địa Nhật, rồi sau đó mới được chỉnh sửa lại về ngoại hình và lắp động cơ lớn hơn để xuất khẩu đi các quốc gia khác.

Ở thế hệ thứ 4, Jimny được Suzuki chia ra 2 phiên bản với tên mã nội bộ riêng biệt: JB64 là bản xe với kích thước phù hợp quy chuẩn kei-car dùng cho thị trường nội địa Nhật Bản, còn JB74 là bản “thông thường”, không bị giới hạn thông số kỹ thuật và bán rộng rãi khắp thế giới.

 Tiêu chuẩn kei-car Nhật Bản mới nhất hiện naySuzuki Jimny JB64
(dành riêng thị trường Nhật)
Suzuki Jimny JB74
(bán ở Nhật + quốc tế)
Chiều dàiKhông quá 3.400 mm3.395 mm3.480 mm
Chiều rộngKhông quá 1.480 mm1.475 mm1.645 mm
Chiều caoKhông quá 2.000 mm1.725 mm1.725 mm
Chiều dài cơ sở2.250 mm2.250 mm
Động cơKhông quá 660 ccMáy xăng tăng áp
R06A I3 658 cc
Máy xăng hút khí tự nhiên
K15B I4 1.5L
Công suất cực đại63 mã lực (47 kW)63 mã lực (47 kW)
@ 6.000 vòng/phút
101 mã lực (75 kW)
@ 6.000 vòng/phút
Mô-men xoắn cực đại95 – 100 Nm @ 3.000 vòng/phút138 Nm @ 4.400 vòng/phút

(Trong các văn bản chính thức, thông số kích thước chiều dài của Jimny JB74 thường được ghi là 3.645 mm, nhưng thực chất đây là số đo khi đã tính thêm cả phần lốp dự phòng gắn tại cửa sau)

Có thể thấy, kích thước giữa 2 phiên bản chỉ khác biệt ở phần chiều dài và chiều rộng, chênh lệch nhau lần lượt 85 mm và 170 mm. Đó là bởi vì Jimny JB74 được gắn thêm bộ vè nhựa tại vòm bánh xe ở cả hai bên sườn, cũng như bộ cản có thiết kế khác biệt so với thành phần tương tự của bản JB64. Chúng khiến xe nhô ra thêm 42,5 mm theo hướng trước-sau và 85 mm theo hướng trái-phải.

Do vậy, xét về bản chất thì Jimny bán ra tại Việt Nam chính là một mẫu xe kei-car đích thực. Đặc tính nhỏ gọn giúp cho chiếc xe luồn lách cực kỳ dễ dàng trong môi trường đô thị tại Việt Nam, nơi mà hầu như lúc nào cũng đông nghẹt đủ thể loại phương tiện từ 2 bánh đến 4 bánh. Với bán kính quay vòng tối thiểu chỉ 4,8 mét, xe cũng xoay sở nhẹ nhàng trong các đoạn đường hẹp hoặc trong những bãi đậu xe chật chội.

Nên biết, ngay cả những mẫu xe nhỏ hạng A đang được các hãng Nhật kinh doanh ở tầm quốc tế vẫn có kích thước lớn hơn kha khá so với chuẩn kei-car. Jimny có lợi thế rõ rệt với chiều dài ngắn (do chỉ có 3 cửa), chiều rộng gọn gàng nên chiếm diện tích rất ít cả khi lưu thông trên đường cũng như khi dừng, đỗ.

Bên cạnh đó, chiều cao thân xe mang đến tư thế ngồi và tầm quan sát từ vị trí ghế lái cực kỳ thông thoáng, giúp bao quát tình hình và đưa ra thao tác xử lý phù hợp nhanh chóng. Bạn sẽ hoàn toàn không cảm thấy bị “lọt thỏm” như khi ngồi trong những mẫu xe đô thị thông thường. Thiết kế cửa xe cao ráo cũng tạo điều kiện cho việc ra-vào xe thoải mái, không phải “khom lưng, cúi đầu” khổ sở.

Tuy nhiên, băng ghế phía sau chỉ được thiết kế để tối đa 2 người ngồi cùng lúc. Việc phải gập ghế trước mới có thể tiếp cận được băng sau cũng sẽ gây bất tiện nếu thường xuyên phải chở nhiều người. Sẽ là tối ưu nếu bạn chủ yếu đi một mình hoặc thường chỉ có thêm 1 người lớn đi cùng, còn lại hàng ghế phía sau nên được để dành cho trẻ em hoặc gập hẳn xuống phục vụ việc chứa đồ đạc, hàng hóa.

TRẢI NGHIỆM ĐI ĐƯỜNG TRƯỜNG VỚI SUZUKI JIMNY: CẦN CẢI THIỆN NHIỀU

Cho dù bạn chưa từng cầm lái Jimny, chỉ cần đọc qua bảng thông số kỹ thuật là sẽ nhìn ra ngay nhược điểm lớn nhất của chiếc xe này nằm ở đâu.

Một mẫu SUV gầm cao nhưng cỡ nhỏ, lốp bé, dùng động cơ hút khí tự nhiên chỉ 1.5L với công suất tối đa chỉ 101 mã lực (75 kW) tại 6.000 vòng/phút, lại kết hợp cùng hộp số tự động chỉ có 4 cấp, thì đây rõ ràng không phải là phương tiện có khả năng đi đường trường tối ưu.

Trên thực tế, Jimny tỏ ra khá mượt mà trong dải tốc độ 50 – 80 km/h. Đây cũng là những mức vận tốc thường dùng nhất đối với những con đường quốc lộ liên tỉnh tại Việt Nam. Tại dải này, xe tăng tốc với độ vọt đáp ứng khá tốt, vòng tua động cơ hầu như luôn dưới 2.000 vòng/phút, cùng với hiệu quả của cơ cấu giảm xóc bằng lò xo đem lại cảm giác nhẹ nhàng êm ái.

Tuy nhiên khi cần vận hành ở những dải tốc độ lớn hơn trên đường cao tốc, Jimny dần bộc lộ rõ giới hạn. Để xe đạt đến vận tốc 100 km/h, vòng tua máy đã chạm ngưỡng 3.000 vòng/phút kèm theo tiếng ồn không mấy dễ chịu. Phải rất nỗ lực mới có thể cho Jimny chạy đều ở 110 km/h, còn mốc 120 km/h thì hầu như không thể đạt tới trừ khi bạn không còn kiêng nể gì nữa và ép chiếc xe tới tận cùng – không khuyến khích làm như vậy chút nào.

Khi chạy nhanh, lúc này đặc tính khung gầm chassis rời với hệ thống treo cầu cứng cũng sẽ khiến cho xe không đảm bảo được độ ổn định cần thiết cho người ngồi bên trong. Bạn sẽ luôn cảm thấy có sự chao đảo, nghiêng ngả, lắc qua lắc lại ở tất cả mọi hướng. Đối với hành khách nào dễ say xe thì đây chính là vấn đề nghiêm trọng.

Những hạn chế này cũng là yếu tố đáng quan tâm mỗi khi cần vượt xe khác. Nếu muốn vượt thành công và an toàn với Jimny, bạn sẽ cần phải đặc biệt cẩn thận, quan sát thật kỹ hướng đối diện và phải chắc chắn không có bất cứ chướng ngại vật nào trong một khoảng cách rất xa, rồi đạp ga thật mạnh và giữ lâu dứt khoát. Nói cách khác là tốn sức nhiều hơn đáng kể so với những xe có động cơ từ 2.0L trở lên, hoặc có turbo tăng áp.

Đơn giản hơn, bạn có thể bỏ qua hết những nhược điểm này và chấp nhận đi với tốc độ thong thả, từ tốn, hạn chế vượt, chủ yếu nhường. Jimny rõ ràng không được thiết kế dành cho các tín đồ đam mê phóng nhanh. Dẫu vậy, nếu có khoản nào cần cải thiện trong những chiếc Jimny thế hệ kế tiếp thì chắc chắn phần chạy đường trường cần được Suzuki chú ý thêm.

Ít nhất, nếu đi đúng tốc độ cho phép, bạn sẽ vẫn được bảo vệ đầy đủ bởi các công nghệ an toàn thụ động như ABS, EBD, BA, ESP, túi khí SRS đôi… Chức năng ga tự động cruise control, hoạt động ở vận tốc tối thiểu 40 km/h, cũng sẽ giúp những hành trình dài phần nào trở nên nhàn nhã hơn.

KẾT LUẬN VỀ SUZUKI JIMNY

Thiết kế cá tính và khả năng off-road siêu việt là những điểm mạnh, nhưng liệu chừng đó có đủ để Jimny trở thành lựa chọn hợp lý cho người Việt?

Trên thị trường xe hiện nay, hầu như chẳng thể tìm đâu ra được một mẫu xe SUV thực thụ với nền tảng khung gầm chassis rời, có thân hình nhỏ gọn và hàng loạt công nghệ vận hành off-road đúng nghĩa. Jimny chính là sản phẩm hiếm hoi đáp ứng được tất cả những tiêu chí độc đáo kể trên!

Chính vì sự đặc thù này, Jimny dường như chỉ dành cho những người yêu thích off-road, ưa chuộng bộ môn phiêu lưu mạo hiểm trên những cung đường địa hình khó khăn. Đối với họ, Jimny sẽ là chiếc xe hoàn hảo để thỏa mãn đam mê và mang lại niềm vui thuần khiết. Nếu bạn đã có xe (hoặc thậm chí nhiều xe) và dư dả tài chính để tậu thêm 1 chiếc nữa chuyên dùng đi chơi off-road, Jimny chính là một sự lựa chọn rất đáng cân nhắc. Bên cạnh đó, Jimny cũng phù hợp với vai trò làm phương tiện di chuyển hàng ngày trong trường hợp nơi bạn đang sinh sống không có nhiều đường nhựa và thường xuyên phải băng rừng, lội suối.

Ngoài ra, trong môi trường đô thị đông đúc hiện nay tại Việt Nam thì Jimny cũng thể hiện xuất sắc. Bạn hoàn toàn có thể dùng Jimny đưa đón vợ đi làm, con đi học, tự mình đi xử lý công việc… một cách thoải mái, không hề ngại sẽ gây phiền hà cho những người xung quanh như những chiếc SUV hay bán tải to lớn, hầm hố, dài ngoằng đang đầy rẫy ngoài kia.

NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcSkoda chào Việt Nam với bộ đôi SUV Karoq và Kodiaq
Bài tiếp theoAudi RS6 và RS7 nâng công suất lên 986 mã lực từ hãng độ ABT, giá 219.000 USD