Hãy tưởng tượng, một vô-lăng có đường kính khoảng gần 400 mm sẽ phải đánh vòng hết gần 5 mét, tương đương khoảng 4 vòng quanh trục để khóa bánh xe từ trái sang phải, cùng trường hợp đó, bánh xe chỉ di chuyển từ trái sang phải 300 mm. Nếu không có các khớp nối đa chiều, người lái sẽ phải dùng lực gấp 16 lần để đánh hết vô-lăng khi xe đứng yên.
Trước khi đến với bánh xe, thước lái sẽ được nối với một khớp trục để ngăn cản hiện tượng lệch lái khi hệ thống treo hoạt động. Khớp này còn có công dụng khác là điều chỉnh góc độ quay. Khi đánh lái, bánh xe phía trong sẽ có góc nhọn hơn so với bánh xe bên ngoài. Các khớp này phải được điều chỉnh và tra mỡ thường xuyên để tránh bị lỏng và có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Thước lái có thể được phân thành hai loại cấu tạo gồm trục vít – thanh răng (rack & pinion) và trục vít – con lăn (worm & roller / steering box).
Thước lái theo kiểu trục vít – thanh răng sẽ có một bánh răng chéo đặt trên một thanh răng và chuyển động xoay của vô-lăng sẽ làm xoay bánh răng, di chuyển thước lái qua lại. Bên trong, khớp đa chiều được trang bị để trục lái không bị dịch chuyển theo thước lái bên dưới. Cấu tạo của loại thước lái này vô cùng đơn giản, từ đó hạn chế chi phí sửa chữa, bảo dưỡng cũng như bền hơn.
Loại thứ hai là loại trục vít – con lăn, loại này có một bánh răng xoắn ốc đặt tại cuối trục lái. Khi xoay vô-lăng, răng xoắn ốc này sẽ quay con lăn được nối với thước lái bên dưới, từ đó di chuyển bánh xe qua lại. Kiểu thiết kế thước lái này được tạo thành từ nhiều chi tiết riêng lẻ hơn so với kiểu đầu tiên nên vì thế, nó ít chính xác hơn. Cũng vì lý do này, hệ thống thước lái kiểu trục vít – con lăn sẽ có giá thành đắt đỏ hơn và khó bảo dưỡng, dễ hư hỏng hơn.
Trên xe hơi hiện đại, để giảm tối đa lực mà người lái cần phải sử dụng để điều khiển xe, các nhà sản xuất cũng trang bị kèm cho xe các hệ thống trợ lực lái. Về các kiểu phân loại hệ thống lái, mình sẽ liệt kê ở reply tiếp theo.