Nhà sản xuất lốp thường in những thông tin quan trọng và cần thiết nhất của lốp trên thành vỏ để giúp người dùng cũng như người bán hiểu rõ hơn về loại vỏ đó. Vậy, những thông tin đó có ý nghĩa gì?
Kích thước – loại lốp
Có kích thước lớn chỉ sau tên nhà sản xuất và tên sản phẩm, những số như 235/55 R19 là những thông tin về kích thước của lốp. Ta có số đầu tiên chỉ bề rộng mặt lốp, số thứ hai là chiều cao thành lốp, tính bằng tỉ số với bề rộng. Ví dụ như chỉ số 55 ở đây có nghĩa là chiều cao thành lốp sẽ có kích thước bằng 55% so với bề ngang mặt lốp.
Ký tự “R” tương ứng lốp được chế tạo theo công nghệ Radial để phân biệt với loại mành chéo (Bias). Lốp Radial thường dùng cho xe du lịch vì phù hợp với mọi loại đường; còn lốp Bias dùng cho xe việt dã, xe tải… Số 19 ngay phía sau chính là kích thước mâm xe được sử dụng cho lốp này, tính bằng đơn vị inch.
Tubeless/Tube Type: Lốp không ruột/có ruột
Outside: Đánh dấu mặt lốp này phải nằm bên ngoài khi lắp lên xe
Chỉ số tải trọng – tốc độ
Thông thường, chỉ số tải trọng sẽ được đặt trước chỉ số tốc độ tối đa của lốp. Chỉ số này sử dụng ký tự số trong khi chỉ số tốc độ tối đa sử dụng ký tự chữ cái. Cả hai có thể được quy đổi ra theo bảng thông tin dưới đây:
Bảng chỉ số tải trọng lốp xe quy đổi theo ký tự (Li – Load Index):
Bảng chỉ số tốc độ tối đa quy đổi theo ký tự:
Hạn sử dụng: Bốn chữ số được in chìm trong khung, hiển thị thời gian lốp xe xuất xưởng. Hai số đầu được dùng để hiển thị số tuần, mỗi năm 52 tuần và hai số cuối hiển thị năm xuất xưởng của lốp. Theo như một chuyên gia làm việc trong ngành lốp xe lâu năm, niên hạn của lốp thường là 10 năm, kể từ ngày xuất xưởng, nếu không được lắp lên mâm xe và 6 năm kể từ lúc lần đầu lắp mâm và bơm hơi.
Trên lốp, nhà sản xuất còn cung cấp thêm một số các thông tin khác cho khách hàng:
– Chữ “P”: cho thấy đây là lốp xe Passenger (xe ô tô loại 7 chỗ ngồi trở xuống, không kể xe tải).
– Chữ “LT”: viết tắt của từ “Light Truck” cho thấy đây là lốp xe tải nhẹ.
– Chữ “T”: viết tắt của từ “Temporary” cho thấy đây là lốp dự phòng.
– Chữ “SSR”: viết tắt của từ “Self Supporting Runflat” dành cho lốp đặc biệt dùng trường hợp sự cố. Nhờ thành lốp tự tải và được gia cố, xe có thể tiếp tục chạy ngay cả khi hết sạch hơi mà không cần phải thay lốp dự phòng.
– Chữ “C”: viết tắt của từ “Commercial”, cho thấy đây là lốp dành cho xe thương mại. Ví dụ: lốp 255/70R15C sử dụng trên xe Ford Transit.
Ngoài ra, còn có một số ký hiệu như:
– SUV (Sport Utility Vehicle) lốp dành cho xe thể thao đa dụng.
– CUV (Crossover Utility Vehicle) lốp dành cho xe lai mẫu đa dụng.
– SAV (Sport Activity Vehicle) lốp dành cho xe thể thao đa tính năng.
Một số ký hiệu dành cho lốp sử dụng vào mùa đông có biểu tượng núi (Mountain): M&S dành cho xe thường chạy trên nhiều bùn & tuyết; biểu tượng bông tuyết bên trên núi là dành cho xe trong thời tiết có núi và băng.
TWI: dấu hiệu báo mòn (tread wear indicator), chỉ số này bao gồm một dãy các nấc ngang xếp xen vào các rãnh dọc trên bề mặt lốp và được đánh dấu bởi hàng chữ “TWI” li ti ở bên thành.
Treadwear: là thông số về độ mòn của gân lốp xe với tiêu chuẩn so sánh là 100. Giả sử lốp xe được xếp 360, tức là nó có độ bền hơn tiêu chuẩn 3.6 lần. Tuy nhiên, thông số này chỉ chính xác khi so sánh độ bền của gân lốp xe của cùng một nhãn hiệu.
Traction: số đo khả năng dừng của lốp xe theo hướng thẳng, trên mặt đường trơn. AA là hạng cao nhất, A là tốt, B là trung bình, C là kém nhất.
Temperature: đo khả năng chịu nhiệt độ của lốp khi chạy trên đường dài với tốc độ cao. A là cao nhất; B là trung bình; C là kém nhất.